Báo cáo 67/BC-UBND tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu 6 tháng cuối năm 2013 do tỉnh Thái Bình ban hành

Số hiệu 67/BC-UBND
Ngày ban hành 11/07/2013
Ngày có hiệu lực 11/07/2013
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Tỉnh Thái Bình
Người ký Phạm Văn Ca
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 67/BC-UBND

Thái Bình, ngày 11 tháng 07 năm 2013

 

BÁO CÁO

TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 6 THÁNG ĐẦU NĂM VÀ MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ CHỦ YẾU 6 THÁNG CUỐI NĂM 2013

I. TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 6 THÁNG ĐẦU NĂM.

Sáu tháng đầu năm 2013, trong điều kiện khó khăn chung của cả nước và ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 8 năm 2012; được sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sát sao của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh nên tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh duy trì ổn định và tăng trưởng, an sinh xã hội được đảm bảo, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

1. Về phát triển kinh tế.

Tổng sản phẩm GDP (theo giá so sánh) ước đạt 6.855,5 tỷ đồng, bằng 46% kế hoạch, tăng 6,16% so với cùng kỳ năm trước. Tổng giá trị sản xuất ước đạt 14.179,1 tỷ đồng, tăng 8,16%; trong đó: sản xuất nông, lâm, thủy sản giảm 0,54%, sản xuất công nghiệp - xây dựng tăng 12,15% (công nghiệp tăng 8,9%, xây dựng tăng 26,6%), dịch vụ tăng 10,05% so với cùng kỳ năm 2012.

1.1. Sản xuất nông, lâm, thủy sản và xây dựng nông thôn mới.

Do bị ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 8 năm 2012 nên giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ năm trước. Tổng giá trị sản xuất toàn ngành ước đạt 3.671 tỷ đồng, bằng 52,1% kế hoạch, giảm 0,54%.

Sản xuất vụ đông 2012 - 2013 bị thiệt hại nặng do hậu quả cơn bão số 8 năm 2012 nên diện tích chỉ đạt 29.647 ha, giảm 6.525 ha so với năm trước, trong đó có 6.000 ha được phục hồi sau bão; giá trị đạt 684,4 tỷ đồng, giảm 155,5 tỷ đồng (giảm 18,2%). Diện tích cây màu xuân đạt 12.521 ha, giảm 399 ha; lúa xuân đạt 80.466 ha, giảm 678 ha so với năm trước (chủ yếu do thực hiện dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng), trong đó lúa ngắn ngày chiếm 95,78%, lúa chất lượng cao chiếm 31,22% (tăng 1.253 ha so với vụ xuân năm trước). Lúa xuân năm nay tốt đồng đều, năng suất ước đạt 72,51 tạ/ha, tăng 0,89 tạ/ha so với năm trước. Diện tích cây màu hè đạt 6.730 ha, vượt 1.130 ha so với kế hoạch và gấp 2 lần (tăng 3.365ha) so với năm 2012. Giá trị sản xuất trồng trọt đạt 2.055,7 tỷ đồng, bằng 60,5% kế hoạch, giảm 6,11% so với cùng kỳ năm trước. Việc xây dựng và phát triển các cánh đồng mẫu đạt kết quả tích cực (ngoài 7 cánh đồng mẫu theo chỉ đạo của tỉnh, các địa phương đã xây dựng thêm 40 cánh đồng mẫu với tổng diện tích 2.400 ha).

Ủy ban nhân dân tỉnh đã sửa đổi bổ sung chính sách hỗ trợ mua máy nông nghiệp; ban hành chính sách hỗ trợ gieo sạ lúa, cây vụ đông, cây vụ hè; quyết định hỗ trợ kinh phí mua khoai tây giống, thuốc trừ cỏ, diệt chuột vụ xuân, mua vắcxin phòng bệnh ở đàn lợn và phòng chống dịch lợn tai xanh... Tổng kinh phí hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm là 42,3 tỷ đồng.

Chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển ổn định, Ủy ban nhân dân tỉnh công bố dịch tai xanh trên đàn lợn ở một số địa phương, chỉ đạo triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm nên dịch chỉ phát sinh ở diện hẹp và nhanh chóng được khống chế, không ảnh hưởng lớn đến phát triển chăn nuôi. Trong những tháng đầu năm, giá thực phẩm giảm mạnh trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao đã ảnh hưởng đến việc tái đàn gia súc, gia cầm. Đến 01/4/2013, tổng đàn trâu bò đạt 52.233 con, giảm 5,31%; đàn lợn 1,032 triệu con, tăng 0,74%; đàn gia cầm 10,9 triệu con, tăng 4,91% so với cùng kỳ năm 2012. Toàn tỉnh hiện có 690 trang trại đạt tiêu chuẩn, trong đó 53 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, tăng thêm 11 trang trại so với cùng kỳ 2012. Giá trị sản xuất chăn nuôi 6 tháng ước đạt 1.045 tỷ đồng, bằng 44,9% kế hoạch, tăng 6,23% so với cùng kỳ năm trước.

Nuôi trồng thủy sản đạt 14,5 nghìn ha, tăng 3,1% so với cùng kỳ; trong đó: diện tích nuôi ngao 2.318 ha, tăng 639 ha, nuôi tôm sú đạt 3.147 ha (tương đương năm 2012). Sản lượng nuôi trồng thủy sản 6 tháng đầu năm ước đạt 46.112 tấn, tăng 14,67% (riêng sản lượng ngao đạt 28,8 nghìn tấn, tăng 23,9%). Sản xuất giống thủy sản đạt kết quả khá tốt, nhất là sản xuất ngao giống (đạt 540 triệu ngao giống, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ). Sản lượng khai thác thủy sản 6 tháng ước đạt 28.005 tấn, tăng 15,84% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị sản xuất ước đạt 456,2 tỷ đồng, bằng 42,2% kế hoạch, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2012.

Để chủ động phòng, chống cơn bão số 02, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã kịp thời chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị khẩn trương triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống bão, đồng thời thành lập các đoàn công tác của tỉnh đi kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc các địa phương triển khai, đối phó với bão nhằm giảm thiểu thiệt hại đối với sản xuất và đời sống của nhân dân.

Tập trung chỉ đạo thực hiện chính sách hỗ trợ các hộ gia đình di chuyển chỗ ở từ vùng xung yếu ngoài để vào khu tái định cư thuộc xã Đông Long, huyện Tiền Hải và xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Phụ. Đã tạm ứng (02 đợt) và cấp bổ sung về ngân sách 02 huyện để thanh toán hỗ trợ cho các hộ dân là 46,834 tỷ đồng, bằng 80,3% tổng kinh phí dự kiến hỗ trợ theo đề án; đến nay đã có 176 hộ gia đình được giao đất ở tại khu tái định cư (xã Quỳnh Lâm: 66 hộ/109 hộ, xã Đông Long: 110 hộ/158 hộ).

Công tác quản lý đất đai và bảo vệ môi trường được tăng cường. Đã hoàn thành tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); thống kê đất đai năm 2012 và Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011 - 2015) của tỉnh. Xây dựng Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XI) về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai. Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định phân bổ chỉ tiêu và chỉ đạo hoàn thành quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất kỳ đầu 5 năm (2011 - 2015) của các huyện, thành phố; đẩy mạnh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Chỉ đạo giải quyết kịp thời, hoàn thành công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính ở các địa phương thực hiện dự án VLAP; đã lập 239.415 hồ sơ cấp giấy chứng nhận, vượt 12,7% kế hoạch và cấp 43.419 giấy chứng nhận, đạt 39,05% hồ sơ đã lập; quyết liệt xử lý vướng mắc, tồn tại trong giải phóng mặt bằng để thi công các công trình giao thông trọng điểm, đê điều phục vụ phòng chống lụt bão và công trình phúc lợi công cộng.

Công tác xây dựng nông thôn mới được các cấp, các ngành tập trung lãnh ... và quy hoạch chi tiết giao thông thủy lợi nội đồng; 89,5% số xã hoàn thành quy hoạch chi tiết trung tâm xã; 96,2% số xã hoàn thành dồn điền đổi thửa; có 10 xã đạt 15-18 tiêu chí, 116 xã đạt 11-14 tiêu chí, 100 xã đạt từ 8-10 tiêu chí và 40 xã đạt 6-7 tiêu chí. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 02/2013/QĐ-UBND sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định một số cơ chế, chính sách hỗ trợ và quản lý đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015, tháo gỡ khó khăn, tạo động lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới; thành lập 08 đoàn thẩm định liên ngành lựa chọn các xã được hỗ trợ đầu tư xây dựng nông thôn mới năm 2013 và thẩm định kế hoạch đầu tư của các xã; Quyết định phân bổ 251,188 tỷ đồng hỗ trợ 108 xã hoàn thành dồn điền đổi thửa năm 2012 thực hiện chỉnh trang đồng ruộng và 78 xã xây dựng nông thôn mới; xây dựng phương pháp đánh giá 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Tổng số vốn đầu tư cho khu vực nông thôn và xây dựng nông thôn mới thuộc ngân sách tỉnh năm 2013 là 1.133 tỷ đồng, chiếm 1/3 kế hoạch vốn đầu tư của tỉnh. Các địa phương đang tập trung thực hiện các nội dung tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Dự kiến trong năm 2013 có trên 09 xã hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, vượt mục tiêu đề ra.

1.2. Sản xuất công nghiệp, đầu tư, xây dựng cơ bản.

Sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm có chuyển biến tích cực hơn nhưng còn chậm do tiếp tục gặp khó khăn do chi phí nguyên vật liệu đầu vào và nhân công tăng, thị trường tiêu thụ suy giảm, khả năng hấp thụ nguồn vốn tín dụng còn hạn chế, thời gian nghỉ tết Nguyên đán kéo dài hơn mọi năm... Đề tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành chủ động hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh; rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư; triển khai thực hiện kịp thời các chính sách của Chính phủ về miễn, giảm, giãn các loại thuế và tiền sử dụng đất, thuê đất cho doanh nghiệp; gia hạn nộp thuế cho các doanh nghiệp bị thiệt hại do cơn bão số 8..., tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất kinh doanh, giảm giá thành sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Các tổ chức tín dụng đã giảm lãi suất tín dụng cho vay xuống còn 9-13% năm (giảm 3-4% so với đầu năm 2013), gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ... hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về vốn, khôi phục và phát triển sản xuất.

Giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng ước đạt 6.045 tỷ đồng, bằng 42,5% kế hoạch, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước và có xu hướng tăng dần (quý I tăng 5%, quý II tăng 12,5%). Đã có thêm 7 dự án hoàn thành đầu tư, đi vào sản xuất với tổng số vốn 611 tỷ đồng; có thêm 01 sản phẩm mới, 30/38 sản phẩm chủ yếu tăng so với cùng kỳ năm 2012, trong đó 9 sản phẩm tăng trên 20%, 12 sản phẩm tăng từ 10-20%; có 8 sản phẩm bằng hoặc giảm so với cùng kỳ, trong đó có một số sản phẩm giảm khá mạnh như: chế biến thực phẩm giảm 14%, vải các loại giảm 15%, phôi thép giảm 10%...

Sản xuất của doanh nghiệp trong các khu công nghiệp từng bước được phục hồi, duy trì ổn định và tăng trưởng; có 118/133 dự án đầu tư đã đi vào sản xuất; giá trị sản xuất tăng trưởng 12% và chiếm 40,6% giá trị công nghiệp toàn tỉnh; tạo việc làm cho trên 45.000 lao động, tăng 5% so với cùng kỳ. Nghề và làng nghề duy trì phát triển; toàn tỉnh hiện có 241 làng nghề, tăng 8 làng nghề so với cùng kỳ năm 2012; một số làng nghề suy giảm đã có hướng hồi phục trở lại (dệt khăn, sợi ở Hưng Hà...); giá trị sản xuất khu vực làng nghề chiếm 23,8% giá trị sản xuất công nghiệp, tạo việc làm cho gần 150 nghìn lao động. Hệ thống truyền tải điện tiếp tục được đầu tư nâng cấp; sản lượng điện thương phẩm đạt 562 triệu kWh, tăng 12,7%; đã tiết kiệm được 8,59 triệu kWh, vượt 2,14% kế hoạch.

Công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản đạt kết quả khá tốt. Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản và chương trình mục tiêu Quốc gia của tỉnh đến nay (bao gồm cả vốn tạm ứng ngân sách tỉnh năm 2013) là: 3.689,6 tỷ đồng, tăng 68,2% so với cùng kỳ năm 2012. Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo hoàn thành phân bố kế hoạch các nguồn vốn đầu tư năm 2013 ngay trong quý I theo thứ tự ưu tiên, tập trung bố trí vốn cho các công trình hoàn thành, chuyển tiếp còn thiếu vốn thanh toán, các dự án trọng điểm, cấp bách, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh; đồng thời chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện dự án, giải ngân vốn đầu tư theo Chỉ thị số 1792/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Công trình củng cố, bảo vệ và nâng cấp các đoạn đê biển cấp bách, xung yếu trực diện với biển năm 2013 là 30,542km; trong đó: 20,331km đê làm mới (bao gồm cả đê 5 từ K15 đến K17+500) và 10,211 km các đoạn đê biển số 5, số 6, số 7, số 8 đang tiến hành thi công. Tổng mức đầu tư 1.117,42 tỷ đồng; Giá trị phần xây lắp 914,2 tỷ đồng (giá trị xây lắp theo hợp đồng đã ký 813,410 tỷ đồng), Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí các nguồn vốn cho dự án là 557,63 tỷ đồng (trong đó tạm ứng từ ngân sách tỉnh 312,186 tỷ đồng) để đảm bảo nguồn vốn triển khai thực hiện. Các đơn vị thi công đã tập trung nguồn lực tài chính, nhân lực, máy móc thiết bị, tranh thủ thời gian, khẩn trương thi công đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình. Đến nay công trình đã cơ bản hoàn thành.

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 6 tháng ước đạt 11.096 tỷ đồng, tăng 37,8% so với cùng kỳ 2012, trong đó vốn nhà nước tăng 52,1%, vốn doanh nghiệp và dân cư tăng 33,6%, vốn FDI tăng 27,3%. Khối lượng đầu tư xây dựng cơ bản vốn ngân sách nhà nước tỉnh quản lý thực hiện 6 tháng đầu năm đạt 2.683 tỷ đồng; giá trị giải ngân 2.115 tỷ đồng, bằng 57,3% kế hoạch, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2012, là năm có tiến độ thực hiện và giải ngân nhanh nhất trong nhiều năm qua. Giá trị sản xuất xây dựng ước đạt 1.576,6 tỷ đồng, tăng 26,6% so với cùng kỳ năm 2012. Công tác giám sát, đánh giá đầu tư được các cấp, các ngành quan tâm triển khai thực hiện, đảm bảo tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.

1.3. Thương mại, dịch vụ, tài chính, ngân hàng.

Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục chỉ đạo tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ thị trường theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ; tích cực tổ chức chương trình hội chợ thường niên và các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường, tiêu thụ sản phẩm; tổ chức chương trình đưa hàng Việt về nông thôn; tăng cường công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu và gian lận thương mại, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý..., góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định giá cả và đảm bảo chất lượng hàng hóa trên địa bàn.

Giá trị sản xuất ngành dịch vụ 6 tháng đầu năm ước đạt 2.886,5 tỷ đồng, bằng 40% kế hoạch, tăng 10,05% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 tăng 2,17% so với tháng 12/2012. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ 6 tháng đạt 11.180,7 tỷ đồng, tăng 10,1%; kim ngạch xuất khẩu đạt 360 triệu USD, tăng 19,28%; có thêm một số mặt hàng xuất khẩu mới như thiết bị dây dẫn điện, phôi thép; mặt hàng xuất khẩu chủ lực là dệt may đạt 241 triệu USD, tăng 4,92%; một số mặt hàng xuất khẩu có tỷ trọng nhỏ giảm, như: thủy hải sản giảm 15,5%, thực phẩm chế biến giảm 60%, thủ công mỹ nghệ giảm 60%, hàng điện tử giảm 23%... Kim ngạch nhập khẩu đạt 362 triệu USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2012. Hoạt động giao thông vận tải cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất kinh doanh và đi lại của nhân dân. Doanh thu vận tải đạt 1.528 tỷ đồng, tăng 5,17% so cùng kỳ năm 2012; trong đó: vận tải hành khách tăng 27,5%, vận tải hàng hóa giảm 6,52%, dịch vụ, đại lý vận tải tăng 25%.

Các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã có nhiều giải pháp để mở rộng đầu tư tín dụng, ưu tiên cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, các dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả; tiếp tục giảm lãi suất cho vay, gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ... để tháo gỡ khó khăn về vốn cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh. Đến 30/6/2013, tổng nguồn vốn huy động đạt 19.709 tỷ đồng, tăng 7,2% so với 31/12/2012; tổng dư nợ đạt 25.386 tỷ đồng, tăng 4,6%, trong đó dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 10.890 tỷ đồng, chiếm 42,9% tổng dư nợ; mặt bằng lãi suất phổ biến từ 9-13%/năm, giảm 3-4% so với đầu năm 2013; tỷ lệ nợ xấu toàn địa bàn chiếm 1,6% tổng dư nợ (không tính dư nợ, nợ xấu của Ngân hàng Phát triển Thái Bình), giảm 0,3% so với cùng kỳ năm 2012.

Tổng thu ngân sách địa phương đạt 5.451 tỷ đồng, đạt 76,8% dự toán năm và tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2012 (loại trừ thu chuyển nguồn và thu kết dư đạt 61,5% dự toán năm); trong đó: thu nội địa 1.484,6 tỷ đồng, đạt 67,4% dự toán năm, tăng 43,9%; thu bổ sung từ ngân sách Trung ương 2.734,3 tỷ đồng, đạt 56% dự toán năm, tăng 16,2% so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương thực hiện 3.955,6 tỷ đồng, đạt 55,8% dự toán năm, tăng 28,7% so với cùng kỳ năm 2012; trong đó: chi phát triển kinh tế 1.627,2 tỷ đồng, đạt 77,9% dự toán năm, tăng 27,5% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 41% tổng chi; chi tiêu dùng thường xuyên 2.279 tỷ đồng, đạt 47,5% dự toán năm, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm 2012.

[...]