Báo cáo 61/BC-UBND năm 2013 về sơ kết 02 năm thực hiện Chỉ thị 19/2010/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý Nhà nước về văn thư, lưu trữ trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh

Số hiệu 61/BC-UBND
Ngày ban hành 26/03/2013
Ngày có hiệu lực 26/03/2013
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Hứa Ngọc Thuận
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 61/BC-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 26 tháng 3 năm 2013

 

BÁO CÁO

SƠ KẾT 02 NĂM THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 19/2010/CT-UBND NGÀY 24 THÁNG 9 NĂM 2010 CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ VĂN THƯ, LƯU TRỮ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Thời gian qua, công tác quản lý và hoạt động văn thư, lưu trữ tại các cơ quan, tổ chức trên địa bàn thành phố đạt được một số kết quả nhất định, từng bước đi vào nề nếp và ổn định, bảo đảm cung cấp thông tin kịp thời phục vụ cho sự lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành của cơ quan, tổ chức và địa phương; bảo vệ bí mật của Đảng và Nhà nước; tạo điều kiện cho việc tra cứu, nghiên cứu lịch sử, pháp luật phục vụ cho yêu cầu sơ kết, tổng kết kinh nghiệm.

Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước và hoạt động văn thư, lưu trữ tại một số cơ quan, tổ chức chưa được quan tâm; tài liệu lưu trữ còn phân tán chưa được thu thập đầy đủ; hồ sơ tài liệu còn tồn đọng chưa được chỉnh lý, sắp xếp có nguy cơ hư hỏng nặng; việc tra tìm, khai thác, sử dụng tài liệu chưa đáp ứng kịp thời; cơ sở vật chất, trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin cho công tác văn thư, lưu trữ còn hạn chế.

Trước thực trạng đó, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Chỉ thị số 19/2010/CT-UBND ngày 24 tháng 9 năm 2010 về tăng cường công tác quản lý nhà nước về văn thư, lưu trữ trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Sau 02 năm triển khai thực hiện, công tác quản lý nhà nước về văn thư, lưu trữ đã đạt được kết quả như sau:

I. KẾT QUẢ TỔ CHỨC THỰC HIỆN CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ VĂN THƯ, LƯU TRỮ

1. Kết quả công tác tuyên truyền, phổ biến văn bản:

a) Thực hiện Chỉ thị số 19/2010/CT-UBND ngày 24 tháng 9 năm 2010 của Ủy ban nhân dân thành phố về tăng cường công tác quản lý Nhà nước về văn thư, lưu trữ trên địa bàn thành phố, Sở Nội vụ đã tổ chức hội nghị phổ biến, quán triệt cho hơn 200 cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức làm công tác văn thư lưu trữ của các sở, ngành, quận, huyện thuộc thành phố.

b) Trong 02 năm qua, đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tập huấn các văn bản quy phạm pháp luật về văn thư lưu trữ như: Luật Lưu trữ, Pháp lệnh, Nghị định, Chỉ thị, Thông tư của Bộ Nội vụ và các văn bản hướng dẫn của Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, của thành phố và các nội dung liên quan đến công tác văn thư lưu trữ (Phụ lục I) cho cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức làm công tác văn thư lưu trữ tại cơ quan, tổ chức trên địa bàn thành phố.

c) Kịp thời phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về công tác văn thư lưu trữ và các thông tin về hoạt động của ngành văn thư lưu trữ thành phố bằng cách sao gửi và hướng dẫn thực hiện bằng văn bản hoặc phổ biến, hướng dẫn thực hiện trên Website của Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố và Sở Nội vụ.        

d) Tại các cơ quan, tổ chức đã chủ động lồng ghép việc triển khai, tuyên truyền, phổ biến Chỉ thị với tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ văn thư, lưu trữ cho công chức, viên chức tại cơ quan mình.

2. Kết quả công tác quản lý nhà nước, xây dựng và ban hành văn bản quản lý, chỉ đạo và hướng dẫn nghiệp vụ về văn thư, lưu trữ:

Trong 02 năm qua, Sở Nội vụ đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố ban hành 16 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, tổ chức thực hiện công tác quản lý nhà nước về công tác văn thư lưu trữ. Ngoài ra, Sở Nội vụ, Chi cục Văn thư - Lưu trữ đã xây dựng, ban hành 24 văn bản hướng dẫn, kiểm tra các cơ quan, tổ chức thực hiện tốt công tác văn thư, lưu trữ (Phụ lục II).

Thực hiện Chỉ thị số 19/2010/CT-UBND, các cơ quan, tổ chức đã xây dựng và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, quản lý và hướng dẫn các cơ quan trực thuộc trong công tác văn thư, lưu trữ như xây dựng chương trình công tác văn thư lưu trữ hàng năm, đến nay có 23/44 sở, ban, ngành; 24 quận, huyện xây dựng Quy chế công tác văn thư lưu trữ, các cơ quan còn lại thông qua việc ban hành Quy chế làm việc, quy trình quản lý văn bản đi, đến, đã xác định trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể trong công tác quản lý hoạt động văn thư lưu trữ tại cơ quan, tổ chức mình đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn cho các cơ quan trực thuộc xây dựng quy chế công tác văn thư, lưu trữ để tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ.

Các quận, huyện đều có chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị bằng văn bản, trong đó, có 6 quận, huyện: Quận 4, 10, quận Gò Vấp, huyện Củ Chi, Bình Chánh và Hóc Môn ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác quản lý nhà nước về công tác văn thư lưu trữ trong phạm vi quản lý.

Ngoài ra, các quận, huyện còn chủ động xây dựng nhiều văn bản chỉ đạo, quản lý, hướng dẫn nhiều nội dung khác nhau trong chương trình công tác văn thư lưu trữ về các mặt công tác nghiệp vụ văn thư lưu trữ góp phần làm phong phú, đa dạng, tạo nên bức tranh công tác văn thư lưu trữ sinh động trong công tác thực tiễn tại các cơ quan. Cụ thể như: quận Tân Phú ban hành hướng dẫn công tác chỉnh lý; quận Bình Thạnh hướng dẫn công tác xây dựng danh mục hồ sơ, lập hồ sơ và giao nộp hồ sơ, tài liệu vào lưu trữ cơ quan; quận Phú Nhuận hướng dẫn việc quản lý văn bản; quận Bình Tân và huyện Hóc Môn Hướng dẫn thực hiện công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong lĩnh vực văn thư lưu trữ, quận 8 hướng dẫn bảo quản và tiêu hủy tài liệu hết giá trị, huyện Nhà Bè hướng dẫn trách nhiệm quản lý tài liệu và chỉ đạo đầu tư bố trí kho lưu trữ...

3. Công tác bảo quản hồ sơ, bố trí Kho Lưu trữ tại cơ quan, tổ chức:

a) Thực hiện Dự án xây dựng Trung tâm Lưu trữ thành phố:

Thực hiện Chỉ thị số 05/2007/CT-TTg ngày 02 tháng 3 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường bảo vệ và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ, Ủy ban nhân dân thành phố đã giao Sở Nội vụ làm chủ đầu tư dự án xây dựng Trung tâm Lưu trữ thành phố với diện tích 27.000 m2, có sức chứa trên 100.000 mét giá tài liệu, gồm phần Kho Lưu trữ tài liệu và khu phục vụ công chúng, tại phường An Lạc, quận Bình Tân. Đến nay, Dự án đã triển khai thực hiện: tổ chức đấu thầu và ký hợp đồng các gói thầu tư vấn quản lý dự án, tư vấn lập dự án, đo vẽ bản đồ, rà phá bom mìn, đo vẽ địa hình, khoan khảo sát địa chất; Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc và phê duyệt dự án đầu tư Trung tâm Lưu trữ thành phố.

b) Thực hiện chỉ đạo của thành phố, 02 năm qua, các cơ quan, tổ chức thuộc thành phố đã quan tâm đầu tư cho công tác bảo quản hồ sơ, tài liệu.

- Tại Ủy ban nhân dân quận, huyện:

Ủy ban nhân dân quận Bình Tân, quận Thủ Đức, quận Gò Vấp, quận 10, quận 11 tổ chức bàn giao kho Lưu trữ từ Văn phòng Ủy ban nhân dân quận cho Phòng Nội vụ quản lý, đầu tư xây dựng kho lưu trữ chuyên dụng, tài liệu của các phòng, ban được bảo quản tập trung, thống nhất và đã chỉnh lý hồ sơ hoàn chỉnh.

Việc xây dựng, bố trí Kho lưu trữ để bảo quản tài liệu lưu trữ đã được lãnh đạo các quận, huyện quan tâm như:

+ Quận Bình Tân đầu tư xây dựng kho lưu trữ với diện tích 660 m2 gồm 3 tầng; ban hành Quyết định thành lập Kho, Phương án tổ chức hoạt động Kho Lưu trữ, công tác lưu trữ dần đi vào nề nếp;

+ Quận Gò Vấp đã đầu tư xây dựng kho lưu trữ với diện tích 960 m2 gồm 1 trệt, 2 lầuđang tiến hành khảo sát, xây dựng Đề án nâng cấp, cải tạo và xây mới Trung tâm Lưu trữ hồ sơ và Xử lý thông tin của quận nhằm thu thập, bảo quản tốt tài liệu lưu trữ giải quyết tài liệu tồn đọng tại các cơ quan, đơn vị thuộc quận;

+ Quận 2 bố trí kho lưu trữ với diện tích 650 m2 có sức chứa khoảng 1.000 mét giá hồ sơ tài liệu;

 + Quận 10, quận 11, quận Thủ Đức có kho lưu trữ với diện tích từ 200 - 300 m2 tài liệu được bảo quản tập trung, thống nhất và đã chỉnh lý hồ sơ hoàn chỉnh.

[...]