ỦY BAN TRUNG ƯƠNG MẶT
TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM
ĐOÀN CHỦ TỊCH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 378/BC-MTTW-ĐCT
|
Hà Nội, ngày 19 tháng 05 năm 2017
|
BÁO CÁO
TỔNG HỢP Ý KIẾN,
KIẾN NGHỊ CỦA CỬ TRI VÀ NHÂN DÂN
(Tại kỳ họp thứ ba quốc hội khóa XIV)
Kính gửi: Quốc
hội
Chuẩn bị cho kỳ họp
thứ ba, Quốc hội khóa XIV, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tổng hợp
được 3.288 ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội,
trong đó có 741 ý kiến, kiến nghị của cử tri được phản ánh qua các Đoàn đại biểu Quốc hội và 2.547 ý kiến, kiến
nghị của Nhân dân qua hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
các cấp. Thay mặt Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,
tôi xin trình bày trước Quốc hội Báo cáo tổng hợp ý kiến,
kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước.
I. VỀ TÂM TƯ, NGUYỆN VỌNG CHUNG CỦA
CỬ TRI VÀ NHÂN DÂN
Cử tri và Nhân dân đánh giá cao việc
Chính phủ, chính quyền và Mặt trận Tổ quốc các cấp trong 5 tháng qua đã tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết
của Đảng, của Quốc hội; trong đó có nhiều giải pháp để
giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế - xã hội1
như: cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc
gia, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo; tăng cường quản lý an
toàn thực phẩm; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; phòng, chống tham nhũng,
lãng phí. Các chính sách an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm thực hiện2,
nhất là việc hỗ trợ, chăm lo Tết cho các hộ nghèo, đồng
bào dân tộc thiểu số, người có hoàn cảnh khó khăn, người bị ảnh hưởng thiên
tai; thực hiện hỗ trợ, bồi thường thiệt hại cho bà con ở các địa phương bị ảnh
hưởng bởi sự cố môi trường biển; giải quyết các trường hợp
còn tồn đọng sau đợt Tổng rà soát việc thực hiện chính sách đối với người có
công với cách mạng. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế
tiếp tục được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả tích cực3; quốc phòng, an
ninh, trật tự an toàn xã hội và chủ quyền đất nước được giữ vững.
Cử tri và Nhân dân hoan nghênh các cơ quan, tổ chức đảng, Nhà nước và MTTQ Việt Nam các cấp trong
thời gian qua đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết
số 04-NQ/TW ngày 30/10/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về
“Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư
tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn
biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của
Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách
Hồ Chí Minh. Cử tri và Nhân dân phấn khởi đón nhận các kết quả của Hội nghị lần
thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) và mong muốn các nghị quyết của
Hội nghị sớm được triển khai và đi vào cuộc sống ngay trong năm 2017.
Đồng thời, cử tri và Nhân dân vẫn lo
lắng về một số yếu kém nhiều năm chậm được khắc phục như: nền kinh tế phát
triển chưa thật sự bền vững, chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh thấp; nợ công ở mức cao; năng suất lao động còn
thấp; việc thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm; tình trạng ô nhiễm môi
trường vẫn rất nghiêm trọng; an toàn thực phẩm chưa được cải thiện; tham nhũng,
lãng phí chưa được đẩy lùi; tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội,
tai nạn giao thông vẫn diễn biến phức tạp4; hiện tượng sạt lở
bờ sông, ven biển ở nhiều địa phương tiếp tục gia tăng, ảnh hưởng
nghiêm trọng tới đời sống và sản xuất của người dân.
II. NHỮNG Ý
KIẾN, KIẾN NGHỊ CHỦ YẾU CỦA CỬ TRI VÀ NHÂN DÂN
1. Về sản xuất kinh doanh
Cử tri và Nhân dân hoan nghênh Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, một số bộ, ngành và chính quyền địa
phương đã quan tâm, tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cải thiện môi
trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, khuyến khích
doanh nghiệp khởi nghiệp, góp phần nâng số lượng doanh nghiệp được thành lập
mới5; 12 mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao trên 1 tỷ USD trong 4
tháng đầu năm6. Bên cạnh đó, cử tri và Nhân dân
cũng lưu ý về việc đồng thời với số doanh nghiệp thành lập mới tăng lên, thì số
doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể cũng còn nhiều và tăng7;
tình trạng buôn lậu, đặc biệt là buôn lậu thuốc lá và tình trạng sản xuất, buôn
bán hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng còn diễn biến
phức tạp. Cử tri và Nhân dân nhiều địa phương băn khoăn về tình trạng “được mùa
mất giá” tiếp tục tái diễn, gần đây nhất là chăn nuôi lợn,
giá thịt lợn hơi trong nước giảm sâu, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi8.
Cử tri và Nhân dân kiến nghị Quốc
hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển sản xuất, kinh
doanh; khuyến khích đổi mới sáng tạo,
đẩy mạnh ứng dụng và đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp;
đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, các bộ, ngành có
liên quan và lãnh đạo các tỉnh, thành phố đẩy mạnh việc cơ cấu lại ngành nông
nghiệp, có chính sách và biện pháp hợp lý phát triển công
nghiệp chế biến, bảo quản nông sản; đẩy mạnh việc thành lập hợp tác xã kiểu mới
và thực hiện liên kết giữa Nhà nước, Nhà nông, Nhà doanh nghiệp, Nhà khoa học,
và Ngân hàng; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao năng suất, chất
lượng sản phẩm nông nghiệp.
2. Về quản lý tài nguyên và bảo vệ
môi trường
Cử tri và Nhân dân ghi nhận nỗ lực
của Chính phủ trong việc hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm tăng cường
hiệu lực, hiệu quả quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường9; quyết
liệt chỉ đạo xác minh và kỷ luật người có trách nhiệm trong quản lý nhà nước đã
để xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng ở miền Trung10;
ghi nhận việc Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành có liên quan đã tăng
cường thanh tra, kiểm tra về môi trường, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
giám sát việc xây dựng, vận hành của các trung tâm nhiệt điện
sử dụng than tại một số địa phương. Vừa qua, lãnh đạo một số địa phương như TP.
Hà Nội, tỉnh Bắc Ninh đã quyết liệt chỉ đạo, phối hợp với cơ quan chức năng và
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện kiểm tra, giám sát để chấn chỉnh việc khai
thác cát trái phép, bước đầu đã hạn chế, kiểm soát được
tình trạng này trên địa bàn quản lý.
Tuy nhiên, cử tri và Nhân dân nhiều
nơi rất bức xúc về tình trạng khai thác cát trái phép vẫn diễn ra ngang nhiên,
bất chấp pháp luật, là một nguyên nhân căn bản gây sạt lở nghiêm trọng dọc các
bờ sông, ven biển ở nhiều địa phương, nhất là tại các tỉnh
miền Trung và Nam bộ, làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống
và sản xuất của người dân; tình trạng phá rừng bừa bãi ở một
số địa phương đang tác động nghiêm trọng đến môi trường sinh thái. Đoàn Chủ
tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã nhiều lần phản ánh với Quốc
hội, Chính phủ về tình trạng khai thác cát trái phép và nạn phá rừng, trong đó
đã 2 lần kiến nghị với Chính phủ vào năm 2013, 2014 và 4 lần báo cáo liên tục
tại các kỳ họp của Quốc hội khóa XIII, khóa XIV trong các năm 2013, 2014, 2015,
201611. Thủ tướng Chính
phủ đã nhiều lần chỉ đạo các bộ, ngành, chính quyền địa phương phải chấn chỉnh
tình trạng này nhưng đến nay, việc khai thác cát trái phép và chặt phá rừng vẫn
diễn ra với mức độ tinh vi, thách thức chính quyền và dư luận. Cử tri và Nhân
dân yêu cầu phải xác định rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm minh đối với người
đứng đầu các địa phương đã không có biện pháp xử lý, mặc dù Quốc hội và Thủ
tướng Chính phủ đã chỉ đạo nhiều lần, Nhân dân và báo chí đã liên tục phản ánh12;
kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt hơn nữa các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp điều tra, truy cứu trách nhiệm đối với các đối tượng, “nhóm lợi ích” khai thác
cát trái phép, phá rừng, thách thức pháp luật; chỉ đạo các
giải pháp khắc phục hậu quả trước mắt và lâu dài.
Trước tình trạng ô nhiễm môi trường
nông thôn, nhất là tình trạng rác thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi không
được xử lý gây ô nhiễm nghiêm trọng ở nhiều địa phương, cử
tri và Nhân dân kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ủy ban nhân dân các địa phương và
các bộ, ngành có liên quan phải xây dựng và triển khai thực hiện các quy hoạch
và chương trình giải quyết xử lý rác thải sinh hoạt và
chất thải chăn nuôi ở nông thôn.
3. Về y tế và bảo đảm an toàn thực
phẩm
Thời gian qua, Chính phủ và ngành y
tế đã quan tâm đến triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia về chăm sóc,
bảo vệ sức khỏe nhân dân; đẩy mạnh ứng dụng khoa học và kỹ thuật, công nghệ y
học tiên tiến; chú trọng đến công tác giám sát, tuyên truyền phòng, chống dịch
bệnh nguy hiểm. Tuy nhiên, cử tri và
Nhân dân một số địa phương tiếp tục phản ánh về chất lượng khám, chữa bệnh ở
nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn nhiều hạn chế, tình trạng quá
tải ở một số bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến trung ương chưa được kiểm soát như
cam kết; chất lượng khám, chữa bệnh của một số cơ sở y tế tư nhân chưa đáp ứng tiêu
chuẩn; tình trạng lợi dụng, vi phạm pháp luật về bảo hiểm y tế diễn ra phức tạp.
Cử tri và Nhân
dân đề nghị Bộ Y tế tiếp tục triển khai các giải pháp để
nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; đầu tư cho cơ sở y tế ở vùng sâu, vùng xa;
tăng cường hiệu quả quản lý các cơ sở y tế tư nhân; đề nghị Bảo hiểm xã hội
Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao năng lực và
hiệu quả quản lý, trọng tâm là quản lý việc cấp và sử dụng thẻ bảo hiểm y tế,
hồ sơ bảo hiểm y tế để hạn chế tình trạng vi phạm.
Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ,
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các bộ, ngành đã tăng cường giám sát, kiểm tra việc bảo đảm an toàn thực phẩm thông qua
chương trình giám sát tối cao của Quốc hội, chương trình phối hợp giám sát của
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các hoạt động thanh tra, kiểm tra của các bộ, ngành
và chính quyền địa phương13. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp, bảo quản và chế biến thực phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm vẫn chưa
được kiểm soát chặt chẽ và xử lý kịp thời dẫn đến tình trạng ngộ độc thực phẩm
vẫn ở nhiều nơi14. Các bộ, ngành có liên quan đến nay vẫn chưa ban
hành đủ các quy định về sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ nông sản và
thực phẩm an toàn để làm cơ sở cho vận động thực hiện và giám sát, kiểm tra về
an toàn thực phẩm15. Cử tri và Nhân dân kiến
nghị Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tiếp tục
nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả công tác giám sát về an toàn thực phẩm;
kiến nghị Chính phủ quyết liệt chỉ đạo các bộ ban hành các
quy định về sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ nông sản và thực phẩm an
toàn để làm cơ sở cho vận động thực hiện và giám sát, kiểm tra về an toàn thực
phẩm; tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm đối với cá
nhân, cơ sở vi phạm; nâng cao nhận thức của người sản xuất kinh doanh và người
tiêu dùng về an toàn thực phẩm.
4. Về giáo dục, đào tạo và dạy nghề
Cử tri và Nhân dân ghi nhận nỗ lực
của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các tỉnh, thành phố cả nước trong việc hoàn thành
phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi16; thực
hiện bàn giao hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho Bộ Lao động - Thương binh
và xã hội17;
đẩy mạnh các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo đại học và sau đại học, chấn
chỉnh công tác đào tạo tiến sỹ; thực hiện chính sách hỗ
trợ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay để
học18. Bên cạnh đó, cử tri và Nhân dân cũng cho rằng, hiệu quả việc
chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp
hành Trung ương Đảng (khóa XI) “về đổi mới căn bản, toàn
diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong
điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
và hội nhập quốc tế” còn chưa cao, việc xây dựng và thực hiện một số đề án về
đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo còn chậm. Tình trạng học thêm,
dạy thêm trái quy định vẫn diễn ra ở một số nơi, nhất là ở khu vực đô thị; một
số trường học ở vùng sâu, vùng xa còn thiếu điều kiện cơ bản về cơ sở vật chất,
chất lượng đào tạo còn thấp. Tình trạng bạo lực học đường
đối với trẻ em gây bức xúc dư luận. Cử tri và Nhân dân kiến nghị Bộ Giáo dục và
Đào tạo và lãnh đạo các địa phương tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục; chấn
chỉnh các cơ sở giáo dục, đào tạo không đảm bảo chất lượng.
Cử tri và Nhân dân phản ánh, hệ thống
các cơ sở dạy nghề thiếu sự quản lý thống nhất về chương trình, chất lượng đào
tạo; việc dạy nghề cho lao động nông thôn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, ở những
nơi bị thu hồi đất còn nhiều bất cập. Cử tri và Nhân dân kiến nghị Bộ Lao động
- Thương binh và xã hội tiếp tục nghiên cứu, sắp xếp hợp lý hệ thống các cơ sở
dạy nghề; nâng cao chất lượng dạy nghề; đảm bảo tính liên thông trong giáo dục,
đào tạo; đẩy mạnh kết nối giữa đào tạo và nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực.
5. Về
đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và công tác cán bộ
Công tác đấu tranh phòng, chống tham
nhũng của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua đã có nhiều kết quả đáng ghi
nhận, được đông đảo cử tri và Nhân dân đồng tình ủng hộ. Việc phát hiện, xử lý
kỷ luật đối với nhiều cán bộ, công chức, trong đó có cả các lãnh đạo, nguyên
lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước đã thể hiện được quyết
tâm chính trị và trách nhiệm rất lớn của Đảng, Nhà nước
trước Nhân dân19. Nhiều vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng đã được điều tra và đưa
ra xét xử; nhiều sai phạm trong công tác cán bộ đã được kết luận và xử lý
nghiêm minh. Cử tri và Nhân dân hoan nghênh các cấp, các
ngành đã triển khai quyết liệt việc
thực hiện Nghị quyết Trung ương 04 (khóa XII) của Đảng.
Tuy nhiên, cử tri và Nhân dân cho
rằng, việc phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng gây hậu quả nghiêm trọng còn chậm, việc làm rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước của các
ngành, các cấp, nhất là đối với người đứng đầu trong công tác quản lý đầu tư
một số dự án lớn để thua lỗ, làm thất thoát lớn ngân sách
nhà nước chưa được kịp thời20. Cử tri và Nhân dân yêu cầu các cơ
quan, tổ chức, trước hết là những người đứng đầu các cơ
quan, tổ chức ở các cấp cần nghiêm túc thực hiện Nghị quyết Trung ương 04 (khóa
XII) của Đảng, phải thể hiện quyết tâm bằng những hành động cụ thể; kịp thời phát hiện, kiểm tra, xử lý nghiêm những
cán bộ, công chức, đảng viên có biểu hiện “suy thoái”, “tự
diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Cần phát huy hơn nữa vai trò MTTQ Việt Nam, các cơ quan báo chí và Nhân dân tham gia đấu
tranh phòng, chống tham nhũng; có các biện pháp hữu hiệu bảo vệ người tố giác,
khen thưởng kịp thời người đấu tranh chống tham nhũng.
Việc cải cách bộ máy hành chính, tinh
giản đội ngũ cán bộ, công chức là một yêu cầu cấp bách hiện nay. Tuy nhiên, cử
tri và Nhân dân còn phản ánh về việc sắp xếp cán bộ, công chức ở một số nơi chưa phù hợp,
tình trạng bổ nhiệm cán bộ không đủ
tiêu chuẩn vẫn diễn ra21. Cử tri và
Nhân dân kiến nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy
của những cơ quan, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ trùng
lặp; chấn chỉnh, thực hiện nghiêm túc việc tuyển dụng, sử dụng và bổ nhiệm cán
bộ; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đồng thời nâng cao tinh thần, thái độ
phục vụ Nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức; quan tâm thực hiện chế độ,
chính sách cho cán bộ không chuyên trách ở cấp cơ sở.
6. Về an ninh trật tự, an toàn xã hội
Thời gian qua, tình hình trật tự an
toàn xã hội được giữ vững, nhất là bảo đảm an toàn trong
dịp Tết và các lễ, hội. Tuy nhiên, cử tri và Nhân dân còn
rất lo lắng về tệ nạn cờ bạc, ma túy, lạm dụng rượu, bia dẫn đến gây rối, mất
trật tự an toàn xã hội; tình trạng trộm cắp, lừa đảo, cướp giật, giết người vẫn
diễn biến phức tạp. Tình trạng bạo lực gia đình và xâm hại tình dục phụ nữ, trẻ
em diễn ra ở nhiều nơi, một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng thể hiện sự vô cảm, mất nhân tính của người thực hiện
hành vi, gây hậu quả nghiêm trọng và tâm lý lo lắng, bức xúc trong dư luận xã
hội22. Cử tri và Nhân dân kiến nghị chính quyền các cấp, các cơ quan
chức năng, các tổ chức chính trị - xã hội cần có giải pháp để nâng cao ý thức phòng ngừa, tự bảo vệ, trợ giúp để phụ nữ, trẻ em tránh khỏi nguy cơ bị bạo hành và
xâm hại tình dục; phát hiện, xử lý, truy cứu trách nhiệm
hình sự theo quy định của pháp luật, đồng thời đẩy mạnh
công tác trấn áp các loại tội phạm.
Cử tri và Nhân dân rất bất bình về
tình trạng tụ tập đông người trái pháp luật, gây mất trật tự an toàn xã hội và
việc một số cá nhân lợi dụng kích động, gây rối, chống đối chính quyền tại một
số địa phương. Đề nghị Chính phủ và chính quyền các địa phương nâng cao hiệu
lực, hiệu quả quản lý nhà nước, giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc của Nhân
dân; kiên quyết xử lý những tổ chức và cá nhân vi phạm, ổn định tình hình ở
một số địa phương, cơ sở, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính
đáng của công dân, tổ chức và của Nhà nước.
Ngoài 6 lĩnh vực nêu trên, cử tri và
Nhân dân còn phản ánh và băn khoăn trước tình trạng tổ chức các sự kiện, lễ kỷ
niệm, khánh thành công trình, xây dựng các công trình biểu tượng của địa
phương, cơ quan, đơn vị quá nhiều, gây lãng phí trong khi đời sống Nhân dân còn
khó khăn; việc quản lý đất đai, tài sản của Nhà nước ở nhiều địa phương còn bất
cập; cần đẩy nhanh hơn nữa việc giải quyết các trường hợp còn tồn đọng sau tổng
rà soát việc thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng; tăng
cường quản lý Nhà nước về thông tin truyền thông, an toàn, an ninh mạng.
III. SÁU KIẾN NGHỊ CỦA ĐOÀN CHỦ TỊCH
Tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIV,
Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến
nghị của cử tri và Nhân dân cả nước, đồng thời đã có 5 kiến nghị gửi tới Quốc
hội, Chính phủ, chính quyền các cấp và các cơ quan, tổ chức hữu quan. Qua theo
dõi, chúng tôi thấy Quốc hội, Chính phủ, một số bộ, ngành và chính quyền địa
phương đã nghiêm túc xem xét, tiếp thu và chỉ đạo giải quyết, trả lời cử tri và
Nhân dân. Trong đó, có một số kết quả đáng ghi nhận như: Quốc hội đã quan tâm
nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật, khắc phục hạn chế của những văn bản đã ban hành; triển khai giám sát những vấn đề mà đông đảo cử
tri, Nhân dân quan tâm. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ,
các bộ, ngành đã xây dựng và ban hành nhiều văn bản quy định chi tiết, hướng
dẫn để tháo gỡ khó khăn, bất cập về cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp, người
dân trong sản xuất, kinh doanh; các cơ quan Đảng và Nhà nước đã quan tâm, quyết
liệt hơn trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; các bộ,
ngành hữu quan và chính quyền một số địa phương đã tăng
cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các trung tâm nhiệt điện sử dụng than
với sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tập trung xử lý ô nhiễm môi
trường; chính quyền một số thành phố đã quan tâm xây dựng, triển khai các giải
pháp chống ùn tắc giao thông và ngập lụt.
Tại kỳ họp này, trên cơ sở những ý
kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trân trọng đề xuất với Quốc hội, Chính phủ và chính quyền các địa phương
6 kiến nghị sau:
Thứ nhất,
đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện
Nghị quyết số 04-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng
(khóa XII). Đề nghị các đồng chí đảng viên, cán bộ, công
chức, nhất là người đứng đầu hệ thống chính quyền các cấp với
tinh thần thẳng thắn, đánh giá đúng những ưu điểm, hạn chế
trong lãnh đạo, quản lý, thực thi nhiệm vụ; tiếp tục nâng cao trách nhiệm trong
tiết kiệm, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; kiên quyết xử lý trách
nhiệm về đảng và chính quyền đối với vi phạm của đảng viên, cán bộ, công chức
để giữ gìn sự trong sạch và uy tín của Đảng, Nhà nước, giữ vững kỷ cương, pháp luật và củng cố niềm tin của Nhân dân.
Đề nghị Chính phủ tổ chức đợt thanh
tra, kiểm tra công tác quản lý nhà nước về khai thác cát, về bảo vệ rừng trên
phạm vi cả nước; kiên quyết xử lý các vi phạm và báo cáo kết quả tại kỳ họp thứ
tư Quốc hội khóa XIV. Đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các
tỉnh, thành phố có tuyên bố và chương trình hành động cụ thể đối với tình trạng
khai thác cát trái phép, phá rừng trên địa bàn quản lý để Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam, báo chí và Nhân dân giám sát, coi
đây là tiêu chí cụ thể để đánh giá việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 04 của
lãnh đạo các tỉnh, thành phố.
Thứ hai,
đề nghị các cơ quan, tổ chức Đảng, Nhà nước và mọi đảng viên, cán bộ, công
chức, viên chức khẩn trương, nghiêm túc triển khai thực hiện các Nghị quyết của
Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa; tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả
doanh nghiệp nhà nước; phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan
trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đề nghị Chính
phủ, các bộ, ngành và chính quyền các địa phương rà soát, sửa đổi và hoàn thiện
các chính sách, quy định để cải thiện hơn nữa môi trường
đầu tư, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo; cải cách thủ tục hành chính; triển khai
mạnh mẽ, đồng bộ việc đánh giá sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với
sự phục vụ của cơ quan quản lý nhà nước gắn với việc thực hiện các Nghị quyết của
Hội nghị Trung ương lần thứ 5 (khóa XII).
Thứ ba,
đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân
dân các tỉnh, thành phố triển khai quyết liệt hơn nữa việc tái cơ cấu nền nông nghiệp, cần tập trung vào công tác quy hoạch ngành, tạo điều
kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là đầu tư phát
triển nông nghiệp công nghệ cao, sản phẩm an toàn, có tiềm năng xuất khẩu tốt;
có chính sách hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật,
công nghệ hiện đại; ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản;
đẩy mạnh phát triển các hợp tác xã kiểu mới như là các đơn vị kinh tế phù hợp
để thực hiện liên kết giữa Nhà nước, Nhà nông, Nhà doanh nghiệp, Nhà khoa học
và Ngân hàng và tiếp nhận, triển khai các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và
giúp nông dân đàm phán, liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ nông sản, nâng
cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam, giảm dần sản xuất
manh mún, tự phát của hộ gia đình, phát triển nền nông nghiệp bền vững.
Thứ tư,
đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và các cơ quan chức năng tiếp tục hoàn
thiện chính sách, pháp luật, có chế tài đủ mạnh để bảo vệ môi trường, chấm dứt
tình trạng khai thác trái phép tài nguyên quốc gia; tiếp tục nâng cao trách
nhiệm trong quản lý nhà nước nhằm đảm bảo việc khai thác và sử dụng tài nguyên
đúng quy định, đúng mục đích và tiết kiệm; sớm có các giải pháp để hạn chế, tiến tới chấm dứt tình
trạng xói, lở bờ sông, ven biển tại
các địa phương, nhất là tại các tỉnh miền Trung và Nam bộ, ổn định đời sống và sản xuất cho Nhân dân các vùng
bị ảnh hưởng.
Thứ năm,
đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương ban hành các quy định về quy
trình, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm tạo cơ
sở để thực hiện và giám sát việc thực
hiện, xử lý vi phạm an toàn thực phẩm; đề nghị chính quyền địa phương phải
quyết liệt hơn nữa trong kiểm tra, phát hiện và xử lý đối với các tổ chức, cá
nhân vi phạm an toàn thực phẩm.
Thứ sáu,
đề nghị Chính phủ chỉ đạo chính quyền các cấp phối hợp với Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam các cấp và toàn thể Nhân dân hưởng ứng Lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thực hiện ba tháng cao điểm vận
động toàn dân “Đền ơn đáp nghĩa” kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ
(27/7/1947 - 27/7/2017), có những hành động, việc làm
cụ thể để góp phần chăm lo cho thân nhân các liệt sĩ và thương binh, bệnh binh,
gia đình chính sách, coi đây là trách nhiệm và vinh dự thiêng liêng với quá khứ
hào hùng của dân tộc và với tương lai tươi sáng của các thế hệ mai sau.
Trên đây là ý kiến, kiến nghị chủ yếu
của cử tri, Nhân dân cả nước gửi đến kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XIV và 6 kiến
nghị của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trân trọng
đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, tiếp thu,
giải quyết và thông báo cho Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam, Nhân dân cả nước biết để giám sát theo quy định của Hiến pháp và pháp luật./.
Nơi nhận:
- Các đại biểu Quốc hội;
- Ủy ban thường vụ Quốc hội;
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Chủ tịch nước; Văn phòng CTN;
- Thường trực Chính phủ;
- Các Ban Đảng; VP TW Đảng;
- Các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Đoàn Chủ tịch UBTWMTTQ VN;
- Các tổ chức thành viên của MTTQ VN;
- Ủy ban MTTQ VN các tỉnh, thành phố;
- Lưu VT, DCPL.
|
TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH
ỦY BAN TRUNG ƯƠNG MTTQ VIỆT NAM
CHỦ TỊCH
Nguyễn Thiện Nhân
|
PHỤ
LỤC
(Kèm
theo Báo cáo số: 378/BC-MTTW-ĐCT ngày 19 tháng 5 năm 2017 của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ
Việt Nam)
_________________________
1 Tổng
sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2017 ước tính tăng 5,10%
so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng của quý I các năm 2012-2014 (tăng
trưởng GDP quý I năm 2012 là 4,75%, năm 2013 là 4,76% và năm 2014 là 5,06%),
nhưng thấp hơn so với mức tăng 6,12% của cùng kỳ năm 2015 và 5,48% của cùng kỳ
năm 2016; Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý I năm 2017 theo giá hiện hành
ước tính đạt 297,8 nghìn tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước và bằng
32% GDP; Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 4 tháng đầu năm 2017 tăng 4,80% so với
bình quân cùng kỳ năm 2016, thấp hơn mức bình quân 4,96%
của quý I/2017; Về đầu tư trực tiếp nước ngoài, đến thời
điểm 20/4/2017 cả nước đã thu hút được 734 dự án cấp phép mới với số vốn đăng
ký đạt 4,88 tỷ USD, tăng 5,3% về số dự án và giảm 4% về vốn đăng ký so với cùng
kỳ năm 2016 (Báo cáo của Tổng cục Thống
kê). Về tỷ giá: Trong 4 tháng đầu năm, tỷ giá diễn
biến tương đối ổn định, thanh khoản thị trường tốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp
pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời. Thị trường ngoại tệ ổn định trong bối cảnh
Ngân hàng Trung ương Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất đã góp phần tạo thuận lợi
cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, tiếp tục làm tăng lòng tin của người
dân đối với giá trị VND. Tỷ giá giao dịch trên thị trường liên ngân hàng có một
số thời điểm biến động nhưng không lớn, chủ yếu do tâm lý trên thị trường, đến
ngày 15/5, tỷ giá giao dịch trên thị trường liên ngân hàng khoảng 22.680 VND/USD, giảm khoảng 0,37% so với cuối năm 2016 (khoảng 22.760 VND/USD). Tỷ
giá tự do có xu hướng giảm, ngày 15/5 ở mức 22.740/760 VND/USD, thấp hơn 260 VND/USD (1,13%) so với cuối năm 2016 (Báo cáo của Ngân
hàng Nhà nước). Bốn tháng đầu năm 2017, xuất khẩu hàng hóa đạt 62,09 tỷ USD,
tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu hàng hóa đạt 63,99 tỷ USD. Tính
chung 4 tháng đầu năm nhập siêu 1,9 tỷ USD, bằng 3,06% kim ngạch xuất khẩu (Báo
cáo của Tổng cục Hải quan).
2 Tổng
kinh phí huy động từ ngân sách Trung ương, các tỉnh, thành phố và các tổ chức, cá nhân dành cho hoạt động an sinh xã hội và giảm
nghèo trong 3 tháng đầu năm 2017 là 3.775 tỷ đồng, bao
gồm: 2.119 tỷ đồng quà thăm hỏi và hỗ trợ các đối tượng chính
sách; 1.297 tỷ đồng hỗ trợ các hộ nghèo và 359 tỷ đồng cứu đói, cứu trợ xã hội khác. Bên cạnh đó, đã có 9,4 triệu thẻ bảo hiểm y
tế, sổ/thẻ khám chữa bệnh miễn phí đã được phát tặng cho các đối tượng chính
sách trên địa bàn cả nước (Báo cáo của Tổng cục Thống kê).
3 Từ
đầu năm đến nay lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước ta đã thực hiện nhiều
hoạt động đối ngoại như: Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ
tịch nước Trần Đại Quang thăm Cộng hòa nhân dân Trung Hoa; Thủ tướng Nguyễn
Xuân Phúc thăm Lào, Campuchia và tham dự các hoạt động tại Hội nghị Diễn đàn
Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) lần thứ 26 tại Phnom Penh, Campuchia; Chủ
tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và đoàn đại biểu cấp cao của Quốc hội thăm
Vương quốc Thụy Điển, Hungary và Cộng hòa Czech, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc
Thịnh thăm Nhật Bản và tham dự hội nghị phụ nữ Thượng đỉnh toàn cầu tại Phnom Penh, Campuchia.
4 Tính
chung 3 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 4.812 vụ tai nạn
giao thông, làm 2.114 người chết (bình quân mỗi ngày 23
người chết), 1.032 người bị thương và 2.803 người bị thương nhẹ. So với cùng kỳ
năm trước, số vụ tai nạn giao thông trong 3 tháng đầu năm
giảm 3,5%; số người chết giảm 3,6%; số người bị thương giảm 36,9% và số người bị thương nhẹ giảm 2,9% (Báo cáo số 930/BC-VPCP ngày 11/4/2017
của Văn phòng Chính phủ). Một số vụ tai nạn nghiêm trọng như: vụ xe tải
tông trực diện xe khách tại Km 1632+100 đường Hồ Chí Minh (đoạn qua địa bàn
huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) gây tai nạn thảm khốc làm 13
người chết, 32 người bị thương (ngày 07/5/2017); vụ xe chở
khách gây tai nạn giao thông nghiêm trọng tại km 16 quốc
lộ 4D Lào Cai - Sa Pa làm 1 người chết, 22 người bị thương, trong đó có 4 người
bị thương nặng (ngày 03/3/2017).
5 Tính
chung 4 tháng đầu năm nay, cả nước có 39.580 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới
với tổng vốn đăng ký là 369,6 nghìn tỷ đồng, tăng 14% về số doanh nghiệp và
tăng 48,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016 (cùng kỳ năm 2016, số
doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 22,9% so với cùng kỳ năm trước; số vốn
đăng ký tăng 52,8%) (Báo cáo của Tổng cục Thống kê).
6 Trong
4 tháng đầu năm, có 12 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2017 từ
1 tỷ USD trở lên: điện thoại các loại và linh kiện 12,15 tỷ USD; dệt, may 7,48
tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử
và linh kiện 7,35 tỷ USD; giày dép 4,28 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ
tùng 4,02 tỷ USD; phương tiện vận tải và phụ tùng 2,99 tỷ USD; gỗ và sản phẩm
gỗ 2,41 tỷ USD; thủy sản 2,15 tỷ USD; rau quả 1,02 tỷ USD; cà phê 1,33 tỷ USD;
túi xách, ví, vali, mũ, ô, dù 1,07 tỷ USD; xơ, sợi dệt các loại 1,07 tỷ USD (4
tháng đầu năm 2016 có 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên) (Báo
cáo của Tổng cục Hải quan).
7 Tính chung 4 tháng đầu
năm nay, 4.057 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng
7,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2016 tăng 15,7%), trong đó 3.745
doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, chiếm 92,3%; 27.400 doanh nghiệp
tạm ngừng hoạt động, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm 11.491 doanh
nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 21,6% và 15.909 doanh
nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải
thể, tăng 1,4% (Báo cáo của Tổng cục Thống kê). Tổng số doanh nghiệp ngừng hoạt động
và giải thể là 31.457, bằng 79% số
doanh nghiệp thành lập mới cùng kỳ (39.580 doanh nghiệp).
8
Trong những tháng đầu năm 2017, giá thịt lợn hơi trong
nước liên tục sụt giảm mạnh, giá thịt lợn hơi cuối tháng 4/2017 (khối lượng
trung bình từ 100-110kg/con) đã xuống dưới 20.000đ/kg. Đây là mức giá thấp nhất
từ trước đến nay ở Việt Nam. Nhìn chung, bình quân người nông dân chịu lỗ 1,5-2
triệu đồng/con lợn xuất chuồng (Theo Bản tin kinh tế vĩ mô số 05 tháng 04/2017 của Trung tâm nghiên
cứu Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển VN).
9 Chính
phủ đã ban hành các Nghị định: Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 11 năm
2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường bổ
sung chế tài xử lý nghiêm các vi phạm về môi trường; Nghị định số
158/2016/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2016 quy định chi tiết thi hành một số điều
của Luật khoáng sản; Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2017 sửa
đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai; Nghị
định số 33/2017/NĐ-CP ngày 03 tháng 4 năm 2017 quy định về xử phạt vi phạm hành
chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.
10 Thi
hành kỷ luật cảnh cáo đối với ông Nguyễn Minh Quang (nguyên ủy viên TƯ Đảng,
nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; kỷ
luật cách chức ủy viên Ban cán sự đảng Bộ TN&MT nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối
với ông Bùi Cách Tuyến và ông Nguyễn Thái Lai; kỷ luật cách chức ủy viên Ban
Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2005 - 2010 và nhiệm kỳ 2010 - 2015 đối với ông Võ
Kim Cự (bao gồm cách chức cả các chức vụ: Bí thư Ban cán sự đảng UBND tỉnh, Phó bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh theo quy định).
11 Các
kiến nghị của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tại các Báo cáo số
422/BC-MTTW-ĐCT, ngày 17/5/2013 tại kỳ họp thứ năm, Quốc
hội khóa XIII; Báo cáo số 596/BC-MTTW-ĐCT, ngày 19/5/2014
tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIII; Báo cáo số
135/BC-MTTW-ĐCT ngày 18/10/2015 tại kỳ họp thứ mười, Quốc
hội khóa XIII; Báo cáo số 300/BC-MTTW-ĐCT ngày 19/10/2016
tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội Khóa XIV.
12 Từ
ngày 13/3 đến 11/5/2017, có 94 bài báo phản ánh về nạn khai thác cát trái phép
và 42 bài báo phản ánh về nạn phá rừng trái phép ở nhiều địa phương được đăng tải trên một số báo của Mặt trận và các tổ chức
thành viên: Đại Đoàn kết, Tiền Phong, Tuổi trẻ, Dân trí, Cựu Chiến binh, Lao
động, Người Lao động, Nông thôn ngày nay, Thanh niên, Đất Việt, Gia đình Việt
Nam, Dân Việt.
13 Năm
2016, Quốc hội đã quyết định giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính
sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016”; Chính Phủ phối hợp
với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam triển khai Chương trình
phối hợp về vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016
- 2021.
14 Tính
từ 18/12/2016 đến 17/3/2017, trên địa bàn cả nước xảy ra 21 vụ ngộ độc thực
phẩm nghiêm trọng, làm 641 người bị ngộ độc, trong đó 15 trường hợp tử vong.
Đáng lưu ý là từ đầu năm đến nay, trên cả nước đã xảy ra
hàng chục vụ ngộ độc rượu (methanol) với số nạn nhân lên đến hàng trăm người
như vụ ngộ độc methanol nghiêm trọng ở Lai Châu ngày 13/2 đã làm hơn 80 người
nhập viện, trong đó 9 trường hợp tử vong; vụ ngộ độc ở Hà
Giang đã làm 86 người phải nhập viện; vụ ngộ độc rượu tại Hà Nội ngày 9/3 đã
làm 7 sinh viên rơi vào tình trạng nguy kịch (Báo
cáo của Tổng cục Thống kê).
15 Triển khai thực hiện Chương trình phối hợp 90 về an toàn thực phẩm
trong 2 năm 2016 - 2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông đã biên soạn xong
tài liệu hướng dẫn quy trình, quy định về sản xuất, chế biến nông sản, thủy sản
đáp ứng tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, Bộ Công thương và Bộ Y tế chưa biên
soạn xong tài liệu hướng dẫn quy trình, quy định, quy chuẩn về an toàn thực
phẩm trong lĩnh vực, ngành hàng do bộ quản lý. Còn 25/63 tỉnh, thành phố chưa
ban hành kế hoạch liên tịch của Ủy ban nhân dân và Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp
tỉnh thực hiện Chương trình 90 về an toàn thực phẩm. Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông đã tham mưu và được Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ sung nội dung
an toàn thực phẩm vào bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn
mới.
16 Tính đến thời điểm tháng 04/2017, cả nước có 11.062/11.159 đơn vị cấp
xã (99,1%), 712/712 đơn vị cấp huyện (100%), 63/63 tỉnh tỷ lệ (100%) đạt chuẩn
phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi; năm học 2015 - 2016,
toàn quốc có 318.333 giáo viên mầm non (tăng hơn 121.694 giáo viên so với năm
học 2010-2011) (Báo cáo của Bộ Giáo dục-Đào tạo).
17 Đến
nay đã có 41/63 địa phương tiến hành bàn giao cơ sở giáo
dục dạy nghề cho Bộ Lao động - Thương binh và xã hội (Báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội).
18 Chương
trình cho học sinh học nghề, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn
vay để học nghề, cao đẳng, đại học đã cho trên 3,3 triệu
lượt học sinh, sinh viên được vay. Năm 2011 cho vay cao nhất là 9.438 tỷ đồng
với 1.923 hộ và 2.407 học sinh, sinh viên. Đến nay còn 870 ngàn hộ gia đình
đang vay vốn cho trên 976 nghìn học sinh, sinh viên đi học (Báo cáo của Ngân
hàng chính sách xã hội).
19 Kỷ
luật ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương, nguyên Ủy viên Trung
ương Đảng, nguyên Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Công thương, kỷ luật cảnh cáo và
cho thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị với ông Đinh La
Thăng, kỷ luật một loạt cán bộ và lãnh đạo cao cấp ở trung
ương và Hà Tĩnh trong việc cấp phép và quản lý đầu tư dự án Formosa.
20 Theo
công bố của Bộ Công thương tại cuộc họp báo ngày 28/4/2017, trong số 12 dự án,
có 6 nhà máy đang được vận hành sản xuất, kinh doanh nhưng bị thua lỗ (gồm 4
nhà máy sản xuất phân bón thuộc Vinachem: nhà máy sản xuất
đạm Ninh Bình, nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc, nhà máy sản
xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng và DAP số 2 - Lào Cai); nhà máy đóng tàu
Dung Quất; Nhà máy thép Việt Trung); 3 dự án đang bị dừng thi công do chi phí
tăng cao và thiếu vốn (Dự án sản xuất
nhiên liệu sinh học Phú Thọ, dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái
Nguyên; dự án nhà máy bột giấy Phương Nam); 3 nhà máy đang bị dừng sản xuất do
giá thành cao, thua lỗ lớn (Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất; Nhà
máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước; Nhà máy sản xuất sơ sợi Đình Vũ -
PVTex). Tổng mức đầu tư ban đầu của 12 dự án là hơn 43 nghìn tỉ đồng và đã được
phê duyệt điều chỉnh tăng lên hơn 63 nghìn tỉ đồng. Tổng số
lỗ lũy kế của 10 nhà máy đang sản xuất hoặc đã dừng sản xuất tới thời điểm cuối
năm 2016 là hơn 16.000 tỉ đồng. Hiện Bộ Công Thương đã có báo cáo chi tiết từng
dự án gửi Thủ tướng xem xét, trình Bộ Chính trị. Ngày 25/4/2017, theo chỉ đạo
của Chính phủ, Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã thoái
vốn 1.000 tỷ đồng tại Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên.
21 Ngày
8/3/2017, Thanh tra Bộ Nội vụ đã có thông báo kết luận thanh tra việc thực hiện
các quy định pháp luật về bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản
lý của Bộ Công Thương (giai đoạn từ 01/01/2015 đến
30/6/2016). Theo kết luận của Bộ Nội vụ, đa số công chức, viên chức được bổ
nhiệm đã đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn chức danh lãnh
đạo, quản lý. Tuy nhiên, có 2 trường hợp không đáp ứng về tuổi khi bổ nhiệm lần đầu (quá 2 tháng và 8 tháng). Đồng thời, tại thời
điểm bổ nhiệm còn 31 trường hợp không đáp ứng trình độ lý luận chính trị; 3
trường hợp không có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước, 3 trường
hợp không có chứng chỉ ngoại ngữ; 3 trường hợp không đáp ứng trình độ lý luận
chính trị và ngoại ngữ; 4 trường hợp không đáp ứng trình độ lý luận chính trị
và nghiệp vụ quản lý nhà nước; 01 trường hợp không có chứng chỉ bồi dưỡng
nghiệp vụ quản lý nhà nước và không có bản đánh giá, nhận xét của nơi cư trú.
Ngoài ra còn có 2 trường hợp được tiếp nhận, tuyển dụng không qua kỳ thi tuyển
công chức là không đúng quy định về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ,
công chức trong các cơ quan nhà nước (Báo cáo của Bộ Nội vụ).
22 Theo
số liệu của Tổng cục cảnh sát Bộ Công an năm 2016, toàn quốc phát hiện 1.248 vụ xâm hại tình dục/1.641 vụ xâm hại trẻ em (77% tổng số vụ xâm hại
trẻ em). Trong số các vụ xâm hại, tội giao cấu chiếm đến 677 vụ, hiếp dâm 446
vụ, dâm ô 189 vụ. Phần lớn đối tượng phạm tội xâm hại trẻ
em là nam giới (1.756 đối tượng trong số 1.807 đối tượng xâm hại, chiếm tỷ lệ
97,2%), chủ yếu trên 18 tuổi, không có nghề nghiệp ổn định, đa phần là những
người quen, người có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Nạn nhân bị xâm hại
chủ yếu trẻ em gái (1.358 cháu, chiếm 84%), phần lớn trong độ tuổi từ 13 - 16
(1.037 cháu), trong độ tuổi 6-13 tuổi là 479 cháu, còn lại dưới 6 tuổi là 120
cháu (Theo báo cáo của Hội Liên hiệp phụ
nữ Việt Nam tại phiên họp sáng 27.3 do Ủy ban Tư pháp
và Ủy ban Văn hóa, Giáo
dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức với các cơ quan
hữu quan về việc chấp hành các quy định của pháp luật về đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em).