Báo cáo 32/BC-BCĐ công tác chỉ đạo, điều hành của Ban Chỉ đạo 127/TW, kết quả đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại 9 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2012

Số hiệu 32/BC-BCĐ
Ngày ban hành 02/11/2012
Ngày có hiệu lực 02/11/2012
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Ban Chỉ đạo 127-TW
Người ký Nguyễn Cẩm Tú
Lĩnh vực Thương mại,Bộ máy hành chính,Trách nhiệm hình sự

BAN CHỈ ĐẠO 127/TW
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 32/BC-BCĐ

Hà Nội, ngày 02 tháng 11 năm 2012

 

BÁO CÁO

CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH CỦA BAN CHỈ ĐẠO 127/TW, KẾT QUẢ ĐẤU TRANH CHỐNG BUÔN LẬU, HÀNG GIẢ, GIAN LẬN THƯƠNG MẠI 9 THÁNG ĐẦU NĂM VÀ PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ 3 THÁNG CUỐI NĂM 2012

Chín tháng đầu năm 2012, kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn, thách thức; nhiều doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, thị trường tiêu thụ hàng hóa bị thu hẹp dẫn đến hàng tồn kho ở mức cao. Thiên tai, dịch bệnh thường xuyên xảy ra tại nhiều địa phương đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chăn nuôi, phát triển các đàn gia súc, gia cầm. Hoạt động biên mậu giữa Việt Nam và Trung Quốc có sự thay đổi về chính sách xuất nhập khẩu, quản lý cửa khẩu nên đã nảy sinh nhiều diễn biến phức tạp đối với loại hình kinh doanh tạm nhập tái xuất. Những yếu tố này là thời cơ để các đối tượng lợi dụng đẩy mạnh hoạt động buôn lậu, vận chuyển buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất - kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và các hành vi gian lận thương mại khác.

Được sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự hợp tác của các Bộ, ngành, địa phương, Ban Chỉ đạo 127/TW và các thành viên của mình đã đề ra nhiều giải pháp, kế hoạch hành động, phối hợp thực hiện nhiều hoạt động, góp phần kiềm chế buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả và gian lận thương mại. Ban Chỉ đạo 127/TW xin báo cáo cụ thể như sau:

I. TÌNH HÌNH BUÔN LẬU, BUÔN BÁN, VẬN CHUYỂN HÀNG CẤM, HÀNG NHẬP LẬU, SẢN XUẤT, KINH DOANH HÀNG GIẢ VÀ GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Cùng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, nền kinh tế của nước ta có độ mở lớn, lưu thông hàng hóa từ nước ngoài vào thị trường nội địa, đến các địa bàn trung tâm và cả vùng sâu, vùng xa khá thông suốt nên các hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng lậu, kinh doanh hàng giả và gian lận thương mại trở nên gắn kết với nhau, không có sự tách bạch rõ ràng như trước. Những mặt hàng ni cộm trong thời gian qua bao gồm:

1. Xăng dầu: Xuất lậu xăng dầu giảm mạnh do chính sách giá của Chính phủ linh hoạt, tiếp cận với giá xăng dầu thế giới làm giảm mức chênh lệch giá giữa Việt Nam và các nước có chung biên giới. Tuy nhiên, tình hình nhập lậu xăng dầu, chủ yếu qua phương thức tạm nhập, tái xuất vẫn tiếp tục xảy ra. Tại thị trường trong nước, các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu từ đầu năm đến nay diễn biến phức tạp, với đối tượng đa dạng từ cây xăng nhỏ lẻ đến các đại lý, tổng đại lý.

2. Khí dầu mỏ hóa lỏng (gas): Vi phạm phổ biến là hành vi sang chiết trái phép và sử dụng bình gas của các doanh nghiệp khác, giả nhãn hiệu của các doanh nghiệp nổi tiếng, sử dụng gas có nguồn gốc không rõ ràng, sử dụng các thiết bị giả, kém chất lượng, không rõ xuất xứ, chưa qua kiểm định (màng co, van điều áp, ống dẫn gas,...) trong quá trình sang chiết, tiêu thụ sản phẩm. Các nhãn hiệu gas nổi tiếng bị làm giả là NT gas, V-gas, VT gas, Saigon Petro, Gia Định gas, Thủ Đức...

3. Động vật và sản phẩm động vật: Buôn bán, vận chuyển động vật và các sản phẩm của chúng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không qua kiểm dịch có chiều hướng gia tăng từ biên giới phía Bắc. Tại các cửa khẩu chính, do sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan kiểm dịch động vật và các lực lượng chức năng nên việc nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật chỉ mang tính chất nhỏ lẻ. Tuy nhiên, tại các đường mòn, đường tắt bên ngoài khu vực cửa khẩu, nơi không có lực lượng hải quan, kiểm dịch động vật hoạt động, lực lượng biên phòng mỏng, hoạt động nhập lậu động vật, sản phẩm động vật diễn biến phức tạp, chủ yếu vào ban đêm, tập kết sâu trong nội địa rồi trung chuyển đến các địa phương. Thời gian qua, không chỉ gia súc, gia cầm được nhập lậu mà cả một loại thủy sản có giá trị kinh tế cao như cá tầm hoặc thủy sản giống cũng được nhập lậu.

4. Thực phẩm khác: (i) Sữa giả, chủ yếu tập trung vào nhãn hiệu ENSURE được thị trường ưa dùng bằng cách dán nhãn có nhãn hiệu ENSURE giả lên sản phẩm, đánh tráo nhãn hàng hóa; (ii) Bia, rượu, nước uống: Bia giả nhãn hiệu Heineken (pha bia Sài Gòn và bia Heineken tại TP. HCM). Nước ngọt, nước uống tinh khiết đóng chai nhái, giả nhãn hiệu cũng phổ biến (nhái các nhãn hiệu nổi tiếng). Rượu là mặt hàng bị làm giả phổ biến ở nhiều địa phương như Đồng Nai, Cần Thơ, TP. HCM,... chủ yếu giả các thương hiệu rượu ngoại nổi tiếng và rượu nội như Vodka Hà Nội; (iii) Thực phẩm chức năng: Phổ biến là các vi phạm giả nhãn hiệu, chứa các hoạt chất cấm, gian lận về nguồn gốc xuất xứ (thực phẩm chức năng của Trung Quốc nhưng gian lận về xuất xứ Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Canada, thậm chí ghi địa chỉ sản xuất tại Việt Nam...); (iv) Bột ngọt giả các nhãn hiệu nổi tiếng: sử dụng bột ngọt trôi nổi trên thị trường sau đó chia nhỏ đóng gói vào các bao bì có nhãn giả tiêu thụ trên thị trường; (v) Nước mắm giả các nhãn hiệu nổi tiếng như giả nhãn hiệu Hương Trung, Nam Ngư...

5. Khoáng sản: Buôn lậu quặng và than qua tuyến biển Đông Bắc tuy có giảm nhưng vẫn diễn biến phức tạp. Trên tuyến đường bộ phía Bắc vẫn còn nhưng không phức tạp như trước. Nguồn gốc chủ yếu là từ khoáng sản của một số tỉnh miền Trung. Có trường hợp tư thương Trung Quốc sang Việt Nam mua cả mỏ quặng, đầu tư máy móc thiết bị núp dưới danh nghĩa các doanh nghiệp Việt Nam ở Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Bình Định...tổ chức khai thác và thuê tàu vận chuyển về Trung Quốc.

6. Gỗ và các sản phẩm lâm sản quý hiếm: tình trạng khai thác, buôn bán trái phép lâm sản ở các tỉnh miền Trung - Tây nguyên tương đối phức tạp. Nguyên nhân chủ yếu là do hoạt động khai thác trái phép và thu mua trôi nổi trên đất bạn Lào sau đó nhập lậu vào Việt Nam. Hoạt động khai thác trái phép từ rừng đặc dụng trong nước cũng có xu hướng gia tăng, xuất hiện những ổ nhóm lớn, có vũ trang, sẵn sàng chống trả các lực lượng chức năng.

7. Vật tư nông nghiệp: (i) Phân bón giả nhãn hiệu, không đủ hàm lượng (NPK, Kali, phân hữu cơ sinh học, phân hữu cơ vi sinh, ...), trong đó phân Kali bị làm giả nhiều vì công đoạn pha trộn và nguyên liệu đơn giản như mua gạch non về nghiền trộn với bột màu, trộn muối ăn và phẩm màu); thậm chí lợi dụng hạn hán, thiếu nước ở Tây Nguyên đã lấy urê hòa với nước lã đóng thùng 5 lít bán cho nông dân và quảng cáo đó là urê nước; xuất hiện tình trạng phân bón giả nhập từ Trung Quốc lưu thông trên thị trường. (ii) Thuốc bảo vệ thực vật giả nhãn hiệu, hàng hóa trôi nổi không rõ xuất xứ, kém chất lượng cũng khá phổ biến. (iii) Thức ăn chăn nuôi: Thức ăn chăn nuôi giả, chứa chất cấm, kém chất lượng, đặc biệt là thức ăn chăn nuôi lợn chứa chất cấm (Beta - Agonist) tại Đồng Nai, Bình Dương và một số tỉnh thành khác.

8. Rượu, thuốc lá: Tình trạng buôn lậu rượu và thuốc lá có xu hướng giảm. Nguyên nhân do thuốc lá Caraven A sản xuất tại Việt Nam có xu hướng thay thế cho các loại thuốc lá Jet và Hero (hai loại thuốc được nhập lậu nhiều nhất). Đồng thời, các hãng rượu lớn đã mở các đại diện chính thức tại Việt Nam để cung cấp rượu hợp pháp cho thị trường.

9. Mỹ phẩm: Mỹ phẩm giả nguồn gốc xuất xứ, giả nhãn hiệu có xu hướng gia tăng. Xuất hiện hiện tượng nhập lậu mỹ phẩm dạng kem, dạng nước sau đó sang chiết ra các hộp, chai lọ nhỏ và dán nhãn nước ngoài giả, tem chống giả để tiêu thụ. Thủ đoạn phổ biến là bày lẫn hàng chính hãng, có giấy phép lưu hành, được giới thiệu là hàng tiểu ngạch, hàng xách tay từ nước ngoài nên có giá rẻ (thường rẻ hơn từ 20-40% so với sản phẩm cùng loại) nhằm đánh lừa người tiêu dùng. Bên cạnh đó, nổi lên việc kinh doanh mỹ phẩm trên mạng internet gây khó khăn trong kiểm tra, kiểm soát và là kênh tiêu thụ mỹ phẩm giả nổi lên trong thời gian qua, theo thông tin từ L’Oréal Việt Nam khẳng định, những sản phẩm bán tràn lan trên mạng như Lancôme, Maybelline, L’Oreal Paris... đều là giả mạo vì hãng này chưa có chính sách bán hàng qua mạng.

10. Ma túy các loại: Tình trạng vận chuyển số lượng lớn, có vũ trang từ Lào qua các tỉnh giáp biên giới với Lào vào Việt Nam. Nguyên nhân do hoạt động tái trồng cây thuốc phiện, cần sa ở các tỉnh Phong Xa Lỳ, Hủa Phăn, Bô Ly Khăm Say (Lào) tăng đột biến làm cho các hoạt động vận chuyển cần sa qua cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh), Nậm Cắn (Nghệ An) và Cha Lo (Quảng Bình) gia tăng.

11. Pháo các loại: Tình hình mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo các loại tuy có diễn biến phức tạp trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn nhưng nhìn chung đã giảm (số lượng pháo các loại thu giữ trong 09 tháng đầu năm giảm gần 50% so với cùng kỳ 2011).

12. Vàng và ngoại tệ: Tình hình buôn lậu vàng, vận chuyển trái phép ngoại tệ vẫn diễn ra phổ biến, đặc biệt bùng phát vào dịp cuối năm. Bên cạnh đó xuất hiện các loại vàng giả thương hiệu của công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đang được lực lượng Công an tiến hành điều tra, làm rõ.

13. Các mặt hàng khác: như đồng hồ, mắt kính, điện thoại di động, phụ tùng xe gắn máy,.. giả nhãn hiệu, giả xuất xứ nhập từ nước ngoài vào Việt Nam tiêu thụ (phần lớn có xuất xứ từ Trung Quốc). Thời gian qua đã phát hiện có hiện tượng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất phụ tùng xe gắn máy giả tại Việt Nam. Mặt hàng thời trang, thể thao bị vi phạm phổ biến vẫn là giả, nhái nhãn hiệu và kiểu dáng (chủ yếu của các thương hiệu nổi tiếng) ở hầu hết các địa phương.

Trong thời gian gần đây việc sản xuất hàng giả đã có sự phân công chặt chẽ, có đối tượng chuyên sản xuất các loại bao bì, tem, nhãn giả, kể cả các loại tem phản quang chống giả, sau đó bán cho các đối tượng trực tiếp gia công, đóng gói thành phẩm. Hàng giả được sản xuất dưới dạng gia công sản phẩm chưa hoàn chỉnh (bán sản phẩm) ở một nơi, sau đó đặt gia công ở một nơi khác để lắp ráp, đóng gói; sau khi có đơn đặt hàng mới được gắn nhãn mác giả mạo nhãn hiệu, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa và giao liền cho khách hàng đặt mua; sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó, không cất trữ chờ tiêu thụ, trên bao bì có ghi địa chỉ nơi sản xuất hoặc nhà phân phối không có thực; chỉ trưng bày vỏ sản phẩm hoặc bao bì sản phẩm cho khách hàng tham khảo, sau khi ngã giá, hàng hóa mới được đưa đến từ nơi cất giấu để bán cho khách hàng.

Thị trường hàng giả đã “nội địa hóa” bằng phương thức nhập linh kiện, bán thành phẩm vào Việt Nam qua các làng nghề chế tác, gia công, gắn bao bì nhãn, mác mới thành các sản phẩm của Trung Quốc, Thái Lan và Nhật Bản. Đã xác định được một số trung tâm sản xuất hàng giả như giầy da các loại từ Hà Nam; kính mắt các loại từ Thái Bình; quần áo thể thao các hiệu từ Thành phố Hồ Chí Minh; bánh kẹo, tất chân, mác nhãn các loại từ La Phù; dụng cụ thể thao kiểu Mỹ, đồ cơ kim khí từ Thạch Thất (Hà Nội)...Các mặt hàng đã được thị trường chấp nhận đã được đặt hàng làm giống hệt từ Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam như sen vòi tắm hiệu INAX, Joden, Clever, bếp ga hiệu Rinnai, Paloma; đồng hồ các hiệu, nước hoa, hóa mỹ phẩm, máy nghe nhạc MP3, MP4 hiệu Sony, quần áo, túi xách, ví mang nhãn hiệu Louis Vuitton (LV)...

Đối với gian lận thương mại: (i) gian lận về giá giảm do các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra thị trường kết hợp với tuyên truyền, giáo dục. Ví dụ như Thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra 84 lượt chợ trên địa bàn 24 quận, huyện, đa số tiểu thương tại các chợ đều chấp hành việc niêm yết giá tương đối đy đủ (trên 90%). Tuy nhiên, tại các địa bàn du lịch, đặc biệt là các khu du lịch phía Bắc và Bắc Trung bộ, tình trạng vi phạm về giá vẫn chưa được cải thiện; vẫn còn hiện tượng đầu cơ, găm hàng chờ tăng giá của một số cây xăng...; (ii) gian lận về đo lường giảm nhờ sự hoạt động tích cực hơn của Thanh tra Khoa học Công nghệ, phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường tiến hành thanh tra các cơ sở kinh doanh xăng, dầu và gas...; (iii) gian lận về chất lượng có xu hướng tăng, đặc biệt là các nhóm hàng tiêu dùng tiêu thụ ngay do điều kiện thu nhập giảm sút nên người tiêu dùng dễ chấp nhận sử dụng hàng giá rẻ có chất lượng thấp và đối với thực phm chức năng do người tiêu dùng không có điều kiện thẩm định chất lượng; (iv) hiện tượng kinh doanh không có đăng ký kinh doanh, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh vẫn diễn ra, nhưng có dấu hiệu giảm; (v) gian lận trong khai báo Hải quan vẫn tiếp tục diễn ra, phổ biến vẫn là lợi dụng kẽ hở trong cơ chế, chính sách như lợi dụng hình thức ưu đãi miễn kiểm tra thực tế hàng hóa, lợi dụng hình thức chuyển cửa khẩu, tạm nhập tái xuất, quá cảnh, khai báo sai về số lượng, tên hàng, mã số thuế, gian lận định mức nguyên phụ liệu...

Vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm diễn biến khá nghiêm trọng mặc dù các cơ quan chức năng liên tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát. Nguyên nhân chủ yếu từ hoạt động buôn lậu và sản xuất, kinh doanh hàng giả như phân tích ở các phần trên. Hiện tượng sử dụng hóa chất, chất cấm, chất phụ gia trong bảo quản và chế biến nông sản, thực phẩm trái quy định tăng lên rõ rệt ở các trung tâm lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Việc sử dụng hàng quá hạn sử dụng, tẩy hạn sử dụng trong thực phẩm chế biến liên tục bị phát hiện. Hoạt động vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật không giấy chứng nhận kiểm dịch, dấu kiểm soát giết mổ, không đưa vào cơ sở giết mổ tập trung, trốn tránh kiểm dịch vẫn còn xảy ra. Một số địa phương (như Đắk Lắk, Phú Thọ...), qua kiểm tra phát hiện tỷ lệ các cơ sở vi phạm tương đối cao, từ 23% đến 25% (53/210 tại Đắk Lắk, 833/3581 tại Phú Thọ). Trong 9 tháng đầu năm 2012, cả nước xảy ra 99 vụ ngộ độc thực phẩm với 3,4 nghìn người mắc trong đó 20 người tử vong.

II. CÔNG TÁC TỔ CHỨC CHỈ ĐẠO CHỐNG BUÔN LẬU, HÀNG GIẢ VÀ GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

1. Công tác tổ chức, chỉ đạo của Ban 127/TW và Ban 127 các địa phương

- Chín tháng đầu năm 2012, bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 127/TW đã triển khai nhiều hoạt động, đạt được nhiều kết quả, góp phần thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ như số 01/2012/NQ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2012 về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012; số 11/2011/NQ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2011 về những giải pháp chủ yếu nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội; số 13/NQ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2012 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Một số công việc đáng chú ý như sau: (i) Tổ chức Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình năm 2011 và triển khai công tác chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại năm 2012. Sau Hội nghị Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải có ý kiến chỉ đạo công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại tại văn bản số 125/TB-VPCP ngày 03 tháng 4 năm 2012 của Văn phòng Chính phủ; (ii) Ban hành 19 văn bản chỉ đạo các lực lượng chức năng và Ban Chỉ đạo 127 các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường trong nhiều lĩnh vực như niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; kiểm tra, kiểm soát các hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh có điều kiện như xăng dầu, LPG; kiểm tra hoạt động kinh doanh vàng, ngoại tệ, than khoáng sản; kiểm tra hàng kém chất lượng, hàng vi phạm về sở hữu trí tuệ(iii) Tổ chức 06 đoàn công tác của Ban Chỉ đạo 127/TW kiểm tra tình hình thị trường giáp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012 và đôn đốc thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ và Ban 127/TW đối với các mặt hàng trọng điểm và tại các địa bàn trọng điểm; (iv) Thành lập các Đoàn kiểm tra liên ngành của Ban Chỉ đạo 127/TW đối với các vấn đề, các mặt hàng nổi cộm, mới xuất hiện và gây bức xúc dư luận như: chất lượng xăng dầu, vấn đề cháy nổ xe cơ giới, các sai phạm trong kinh doanh khí hóa lỏng, (v) Chỉ đạo tiếp tục thực hiện Chỉ thị 1685/CT-TTg ngày 27/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng và chống người thi hành công vụ.

2. Công tác tham mưu, chỉ đạo của các lực lượng chức năng

a) Công an

[...]