Báo cáo 25/BC-HĐND năm 2013 kết quả giám sát tình hình thực hiện Luật bình đẳng giới và kết quả thực hiện chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015 do tỉnh Bắc Kạn ban hành

Số hiệu 25/BC-HĐND
Ngày ban hành 31/05/2013
Ngày có hiệu lực 31/05/2013
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Kạn
Người ký Lý Thái Hải
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 25/BC-HĐND

Bắc Kạn, ngày 31 tháng 05 năm 2013

 

BÁO CÁO

KẾT QUẢ GIÁM SÁT TÌNH HÌNH THỰC HIỆN LUẬT BÌNH ĐẲNG GIỚI VÀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH QUỐC GIA VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI GIAI ĐOẠN 2011-2015

Thực hiện Kế hoạch số 12/KH-HĐND ngày 09/5/2013 về giám sát việc thực hiện Luật bình đẳng giới và kết quả thực hiện chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015; trong 02 ngày 16, 17/5/2013, Đoàn giám sát đã trực tiếp làm việc tại UBND thị xã Bắc Kạn, UBND huyện Chợ Đồn và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (cơ quan thường trực của Ban vì sự tiến bộ phụ nữ) tỉnh; giám sát gián tiếp thông qua việc xem xét báo cáo bằng văn bản đối với UBND 06 huyện còn lại.

Qua giám sát, Thường trực HĐND tỉnh báo cáo kết quả như sau:

A- VỀ TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI THI HÀNH LUẬT BÌNH ĐẲNG GIỚI

I. Việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật bình đẳng giới

Luật bình đẳng giới được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 29/11/2006 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2007. Tuy nhiên, đến tháng 4/2008, Chính Phủ mới ban hành Nghị định số 70/2008/NĐ-CP quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về bình đẳng giới và phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về bình đẳng giới.

Trên cơ sở chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015 của Chính phủ; ngày 16/4/2011, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1000/QĐ-UBND về việc phê duyệt kế hoạch thực hiện chiến lược quốc gia bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020. Đồng thời, ban hành các văn bản về việc thành lập, kiện toàn Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ các cấp; các Sở, ban, ngành đoàn thể thuộc tỉnh; ban hành kế hoạch hoạt động hàng năm về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Công tác phụ nữ, vấn đề bình đẳng giới đã có chuyển biến tích cực, tư tưởng trọng nam hơn nữ trong xã hội bước đầu được khắc phục.

II. Công tác tuyên truyền, phổ biến thực hiện Luật

Công tác tuyên truyền, phổ biến Luật bình đẳng giới được các cơ quan tổ chức quan tâm quán triệt đến cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân. Nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã tiến hành tuyên truyền nâng cao nhận thức về giới và bình đẳng giới bằng nhiều hình thức phong phú như: tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về bình đẳng giới, tổ chức các buổi Hội thảo, tọa đàm, gặp mặt, nói chuyện, tổ chức các cuộc thi, cấp phát sổ tay hỏi đáp, áp phích, tờ rơi, tổ chức triển khai mô hình “Giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới”. Tính đến thời điểm giám sát đã phát hành hơn 3.000 sổ tay, 100 tờ áp phích và 20.000 tờ rơi, tổ chức tuyên truyền được hơn 40.000 lượt người nghe về công tác bình đẳng giới và sự tiến bộ phụ nữ.

Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và các cơ quan thông tin đại chúng mở chuyên mục tuyên truyền về bình đẳng giới như: chuyên mục “Phụ nữ và cuộc sống”, “Thông điệp phụ nữ”...

Công tác tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực nhận thức về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ được quan tâm thực hiện.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Luật bình đẳng giới cũng cho thấy có một số tồn tại như: Nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức và nhân dân nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và đồng bào dân tộc thiểu số còn có những hạn chế, định kiến giới còn nhiều; bản thân một bộ phận phụ nữ còn có tư tưởng an phận, chưa tự phấn đấu vươn lên trong cuộc sống và sự nghiệp. Công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới tại một số địa phương, sở, ngành còn mang tính hình thức. Hội liên hiệp phụ nữ các cấp vẫn là đơn vị chủ lực chính trong việc tuyên truyền, thực hiện Luật bình đẳng giới. Một số cơ quan quản lý nhà nước chưa thật sự quan tâm vào cuộc đối với công tác này.

Việc theo dõi tổng hợp các số liệu trong một số ngành và lĩnh vực còn chưa được cập nhật ví dụ: số liệu về tỷ lệ nam, nữ trong các lĩnh vực; tỷ lệ nữ là chủ doanh nghiệp...

III. Việc bố trí tổ chức bộ máy, cán bộ thực hiện công tác bình đẳng giới tại địa phương

Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ (VSTBPN) tỉnh được thành lập năm 2007. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 40 Ban VSTBPN các sở, ban, ngành đoàn thể và 8/8 các huyện, thị xã. Việc bố trí kinh phí, cơ sở vật chất cho thi hành Luật Bình đẳng giới cơ bản được đảm bảo.

Đối với cấp tỉnh và cấp huyện ngành Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực của Ban vì sự tiến bộ phụ nữ và đã giao cho 01 công chức kiêm nhiệm công tác này.

Đối với cấp xã, công tác bình đẳng giới được giao cho 01 công chức kiêm nhiệm, tuy nhiên việc kiêm nhiệm này chưa thống nhất giữa các xã trên địa bàn tỉnh, có xã bố trí cán bộ làm công tác lao động, thương binh và xã hội phụ trách; có xã bố trí cán bộ văn hóa xã phụ trách, có xã bố trí cán bộ Ủy ban MTTQVN cấp xã phụ trách do đó, khó khăn trong quá trình triển khai và thống kê kết quả thực hiện bình đẳng giới trong các lĩnh vực.

Nhìn chung, việc bố trí đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về bình đẳng giới còn thiếu (chủ yếu là kiêm nhiệm); chưa được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên môn về giới, bình đẳng giới để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Hoạt động của Ban vì sự tiến bộ phụ nữ cấp huyện, cấp xã ở một số địa phương chưa thật sự hiệu quả. Việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bình đẳng giới ở một số nơi còn mang tính hình thức và chủ yếu do Hội phụ nữ thực hiện.

IV. Công tác kiểm tra, giám sát

Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách bình đẳng giới đã được thực hiện nhưng chưa thường xuyên và thường thực hiện lồng ghép vào các hoạt động chuyên môn, số liệu đánh giá các mục tiêu chủ yếu dựa trên báo cáo của các đơn vị. Thậm chí có huyện chưa tiến hành kiểm tra công tác này tại cơ sở (Pác Nặm, Chợ Đồn).

V. Kết quả thực hiện Luật bình đẳng giới trên các lĩnh vực và chương trình mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015

1. Bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị

Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ đã bước đầu được các cấp, ngành quan tâm thực hiện như: đào tạo, sắp xếp, sử dụng, đề bạt bổ nhiệm cán bộ nữ đáp ứng từng giai đoạn phát triển, trong đó cán bộ nữ được quy hoạch vào các chức danh như Trưởng, Phó phòng thuộc các sở, ban ngành đoàn thể cấp tỉnh giai đoạn 2007 - 2015 là 639 đồng chí (chiếm 27,84%); thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể (giám đốc và tương đương) là 21 đồng chí (chiếm 11,5%), cấp phó 46 đồng chí (chiếm 17,9%). Số cán bộ nữ được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp huyện: Ban chấp hành Đảng bộ huyện đạt 19,8%, Ban Thường vụ đạt 16,2%, lãnh đạo chủ chốt đạt 12,7%, cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp trưởng, phó phòng đạt 18,7%; cấp xã: Ban Chấp hành Đảng bộ xã đạt 6,7%, Ban Thường vụ 2,3%, lãnh đạo chủ chốt đạt 1,7%.

Về cơ bản, phụ nữ bình đẳng trong tham gia công tác quản lý, tham gia các hoạt động xã hội, tham gia xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; quy chế hoạt động của cơ quan, tổ chức. Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy 3 cấp nhiệm kỳ 2010 - 2015 và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016 đều tăng so với nhiệm kỳ trước, cụ thể: nữ tham gia cấp ủy: Cấp tỉnh 9 đồng chí (chiếm 16,98%, tăng 2,9%); cấp huyện, thị 57 đồng chí (chiếm 19%, tăng 2,15%); cấp xã, phường 195 đồng chí (chiếm 16,3%, tăng 2,22% so với nhiệm kỳ trước).

Tỷ lệ nữ tham gia đại biểu Quốc hội khóa XIII và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016: Đại biểu Quốc hội 2 đồng chí (chiếm 33,33%); đại biểu HĐND tỉnh 18 đồng chí (chiếm 36,73%, tăng 16,7%); đại biểu HĐND huyện 66 đồng chí (chiếm 27,39%, tăng 3,43%); đại biểu HĐND xã, phường, thị trấn 572 (chiếm 21,93%, tăng 3,99% so với nhiệm kỳ trước).

Tuy nhiên, tỷ lệ cán bộ nữ chủ chốt và tỷ lệ nữ là đại biểu HĐND càng về cơ sở càng giảm, cụ thể: tỷ lệ nữ là bí thư (cấp huyện chiếm 12,5%, cấp xã chiếm 4,91%), tỷ lệ nữ là Chủ tịch UBND (cấp huyện chiếm 25%; cấp xã chiếm 2,45%); tỷ lệ nữ đại biểu HĐND (cấp tỉnh 36,73%, cấp huyện 27,39%, cấp xã 21,39%); điều này cho thấy ở cơ sở, vùng sâu vùng xa, phụ nữ ít có điều kiện tham gia các hoạt động quản lý nhà nước; đa số lãnh đạo nữ đều giữ các vị trí cấp phó, tỷ lệ phụ nữ giữ các vị trí cấp trưởng còn ít.

Tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo (cấp trưởng) ở các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh còn thấp (chiếm 12,24%). Đối với các cơ quan Đảng, nhà nước tổ chức chính trị xã hội có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên có lãnh đạo chủ chốt là nữ chiếm tỷ lệ chưa cao (chiếm 39%). Tính đến hết năm 2011, tổng số đảng viên nữ trong toàn đảng bộ là 8.102 đồng chí (chiếm 33,41%).

[...]