Báo cáo số 249/BC-UBTVQH12 về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành

Số hiệu 249/BC-UBTVQH12
Ngày ban hành 18/06/2009
Ngày có hiệu lực 18/06/2009
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
Người ký Nguyễn Đức Kiên
Lĩnh vực Đầu tư,Xây dựng - Đô thị

UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
----------

Số:249/BC-UBTVQH12

Hà Nội, ngày 18 tháng 6 năm 2009

 

BÁO CÁO

GIẢI TRÌNH, TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA CÁC LUẬT LIÊN QUAN ĐẾN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CƠ BẢN

Kính gửi: Các vị đại biểu Quốc hội,

Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XII, các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận ở tổ (ngày 29/5/2009) và Hội trường (ngày 8/6/2009) về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản. Đã có 217 lượt ý kiến phát biểu ở tổ và 27 lượt ý kiến phát biểu tại Hội trường. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tổng hợp ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, nghiên cứu nghiêm túc để tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật như sau:

1. Về sự cần thiết ban hành và quy trình xem xét, thông qua dự án Luật

Đa số các vị đại biểu Quốc hội đều nhất trí về việc cần phải sửa đổi, bổ sung một số điều ở một số luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm cải cách thủ tục, thúc đẩy tiến độ đầu tư xây dựng các dự án, công trình. Một số ý kiến tuy nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật, nhưng cho rằng, vấn đề đầu tư xây dựng cơ bản liên quan đến nhiều luật, thời gian chuẩn bị còn ít, để bảo đảm chất lượng thì cần thêm thời gian nghiên cứu, xem xét, rà soát kỹ lưỡng, sửa đổi toàn diện các luật liên quan, do vậy, đề nghị xem xét, thông qua dự án Luật theo quy trình tại 2 kỳ họp thứ 5 và thứ 6. Cũng có ý kiến chưa tán thành việc sửa đổi, bổ sung này.  

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo Quốc hội  như sau:

Thực tế đã có nhiều văn bản luật điều chỉnh hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản được ban hành, ở những thời điểm khác nhau. Kết quả giám sát của Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 cho thấy, hệ thống pháp luật về đầu tư xây dựng còn có những vướng mắc, thiếu tính thống nhất, đặc biệt là về quy trình, thủ tục đầu tư, dẫn tới việc hiểu và áp dụng pháp luật còn khác nhau. Đây là một trong những nguyên nhân trực tiếp làm chậm tiến độ, giảm hiệu quả đầu tư xây dựng các dự án, công trình sử dụng vốn nhà nước nói riêng và đầu tư xây dựng cơ bản nói chung trong những năm qua (số dự án chậm tiến độ năm 2005 chiếm 9,2% tổng số dự án thực hiện đầu tư trong năm; năm 2006 là 13,1%; năm 2007 là 14,8%, năm 2008 là 16,6%)[1].

Qua giám sát, nhiều bộ, ngành, địa phương, trong đó có các Đoàn đại biểu Quốc hội, nhiều doanh nghiệp đã kiến nghị cần khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật về xây dựng, đấu thầu, đất đai,… để giải quyết ngay những vấn đề vướng mắc, bức xúc đang đặt ra. Vì vậy, Quốc hội đã quyết định đưa Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009 và trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 5.

Những nội dung sửa đổi, bổ sung lần này chủ yếu tập trung vào việc xử lý các vấn đề về quy trình, thủ tục, đặc biệt là giai đoạn chuẩn bị đầu tư trong các luật liên quan trực tiếp đến đầu tư xây dựng cơ bản, nhằm đơn giản thủ tục đầu tư, giảm thời gian thẩm định, phê duyệt dự án, là những vấn đề bức xúc nhất, đã được các cơ quan chức năng và các hiệp hội rà soát và đã được tổng kết, đánh giá qua cuộc giám sát về đầu tư xây dựng cơ bản năm 2008 và giám sát về tình hình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2007. Việc dự án Luật sớm được thông qua sẽ trực tiếp góp phần đẩy nhanh tiến độ các dự án sử dụng các nguồn vốn kích cầu đầu tư nhằm chống suy giảm kinh tế ngay trong năm 2009, do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật tại kỳ họp này.

2. Về phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật

Đa số ý kiến đều tán thành với phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, phạm vi điều chỉnh quá rộng, sửa đổi, bổ sung 6 luật, với nhiều điều khoản, có nội dung chưa thực sự cấp bách; đề nghị chỉ sửa đổi một số nội dung của Luật xây dựng và Luật đấu thầu; có ý kiến đề nghị cân nhắc việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đất đai và Luật nhà ở trong dự án Luật này vì đã có quy định của Nghị quyết 07/2007/QH12 của Quốc hội, mặt khác những nội dung sửa đổi, bổ sung trong 2 Luật này không liên quan trực tiếp đến đầu tư XDCB. Một số ý kiến đề nghị ghép nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đất đai và Luật nhà ở sang Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật nhà ởĐiều 121 của Luật đất đai.

Về các ý kiến trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo như sau:

Chính phủ đã có Tờ trình số 95/TTr-CP ngày 25/5/2009 đề nghị sửa đổi, bổ sung các luật gồm: Luật xây dựng, Luật đấu thầu, Luật doanh nghiệp, Luật bảo vệ môi trường, Luật đất đai và Luật nhà ở. Tổng hợp lại, dự án Luật trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung nội dung của 25 điều; bãi bỏ 14 điều liên quan đến trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở quy định tại Luật Đất đai và Luật Nhà ở; các điều còn lại chỉ là chỉnh lý kỹ  thuật liên quan đến việc thay thế tên “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” của Luật Đất đai, “Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở” của Luật nhà ở bằng tên giấy chung.

Về sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 19 và khoản 4 Điều 22 của Luật bảo vệ môi trường, có một số ý kiến tán thành quy định của dự thảo Luật để góp phần đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các dự án đầu tư XDCB. Tuy nhiên, đa số ý kiến cho rằng, môi trường là vấn đề bức xúc, quy định chặt chẽ như Luật hiện hành nhưng vẫn xảy ra nhiều vụ vi phạm, nay lại nới rộng hơn thì sẽ không thể kiểm soát được. Sau khi cân nhắc các loại ý kiến như trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không sửa đổi Điều 19 và Điều 22 của Luật  bảo vệ môi trường trong dự án Luật này. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà lại quy định của Luật bảo vệ môi trường để hướng dẫn áp dụng Luật, vừa bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường, đồng thời tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư trong lập và trình phê duyệt các dự án.

Về lý do sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đất đai và Luật nhà ở trong dự án Luật này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin được giải trình như sau:

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai và Luật Nhà ở là để thực hiện Nghị quyết số 07/2007/QH12 của Quốc hội về thống nhất cấp một loại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cùng với quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên cơ sở Luật đất đai, giao cho một cơ quan làm đầu mối thực hiện, đáp ứng nguyện vọng, mong muốn của tuyệt đại bộ phận cử tri cả nước và là vấn đề đã được bàn nhiều lần trong các phiên họp của Quốc hội. Mặt khác, đây cũng là nội dung có liên quan đến thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản. Qua làm việc với các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án và các doanh nghiệp, các ý kiến đều cho rằng việc thống nhất cấp một loại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và giao cho một cơ quan làm đầu mối thực hiện sẽ có điều kiện xác định chính xác hơn quyền của tổ chức, cá nhân, hạn chế tranh chấp có thể phát sinh, góp phần giải quyết những vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng nhằm thúc đẩy các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, tạo điều kiện thực hiện các quyền của chủ đầu tư như quyền thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Về ý kiến cho rằng, sửa đổi, bổ sung Luật đất đai và Luật nhà ở trong 2 dự án luật tại cùng một kỳ họp sẽ gây khó khăn cho việc tìm hiểu và áp dụng Luật, cần ghép nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đất đai và Luật nhà ở về việc thống nhất cấp 1 loại giấy chứng nhận với nội dung sửa đổi, bổ sung Điều 126 Luật nhà ởĐiều 121 Luật đất đai. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng,  Điều 92 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định “văn bản sửa đổi, bổ sung một số điều của văn bản quy phạm pháp luật được hợp nhất về mặt kỹ thuật với văn bản được sửa đổi, bổ sung”. Như vậy, sau khi được Quốc hội thông qua thì các điều khoản được sửa đổi, bổ sung sẽ được hợp nhất về mặt kỹ thuật vào văn bản luật gốc nên sẽ không ảnh hưởng đến việc tìm hiểu nội dung trong quá trình áp dụng luật.

Với những phân tích trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho sửa đổi, bổ sung 5 luật như đã được chỉnh lý trong dự án Luật.

3. Về sửa đổi, bổ sung Luật xây dựng

Các vị đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với các nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung 8 điều của Luật xây dựng. Tuy nhiên, còn một số vấn đề có ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu, giải trình như sau:

- Về sửa đổi, bổ sung Điều 7. Năng lực hành nghề xây dựng, năng lực hoạt động xây dựng

Có ý kiến đề nghị bỏ khoản 2 quy định về năng lực hành nghề xây dựng đối với cá nhân và năng lực hoạt động xây dựng đối với tổ chức. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, quy định về năng lực hành nghề xây dựng đối với cá nhân và năng lực hoạt động xây dựng đối với tổ chức đã được thể hiện rõ tại khoản 3 và khoản 4 Điều 7. Do đó, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, xin được bỏ khoản 2 Điều này và chỉnh sửa, làm rõ hơn nội dung tại khoản 3 và khoản 4 như trong dự thảo Luật.

Về ý kiến đề nghị làm rõ thế nào là trường hợp đặc biệt; bổ sung quy định về những cá nhân có năng lực hành nghề do tích lũy kinh nghiệm đã được kiểm chứng thực tế mà không qua đào tạo, quy định rõ về kinh nghiệm, đạo đức nghề nghiệp của cá nhân hành nghề xây dựng tại khoản 3... Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, trên thực tế hiện nay, có những cá nhân có tay nghề cao tham gia hoạt động xây dựng nhưng chỉ do tích lũy kinh nghiệm mà không qua đào tạo chính quy và không có xác nhận của tổ chức chuyên môn. Do đây chỉ là các trường hợp cá biệt, không có tính phổ biến nên việc giao Chính phủ quy định về trường hợp đặc biệt như dự thảo Luật chính là để tạo điều kiện cho các cá nhân này tiếp tục hành nghề xây dựng. Về tiêu chí đánh giá kinh nghiệm, đạo đức nghề nghiệp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, đây là những nội dung chi tiết, nên Luật chỉ quy định chung và để Chính phủ hướng dẫn cụ thể sẽ phù  hợp hơn.

- Về sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 39. Thẩm định, quyết định đầu tư dự án đầu tư xây dựng công trình

Nhiều ý kiến đề nghị không sửa đổi khoản 2 Điều 39 về thẩm quyền quyết định đầu tư dự án, công trình quan trọng quốc gia theo hướng Thủ tướng Chính phủ chỉ quyết định đầu tư các dự án quan trọng quốc gia sử dụng vốn nhà nước sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương; việc quyết định đầu tư các dự án, công trình quan trọng quốc gia khác sử dụng nguồn vốn khác do Chính phủ quy định; ngược lại, một số ý kiến tán thành việc sửa đổi như dự thảo Luật về thẩm quyền quyết định đầu tư các dự án, công trình quan trọng quốc gia.

Sau khi cân nhắc các loại ý kiến trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 39 với lý do như đã nêu trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội.

- Về sửa đổi Điều 40. Điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình có sử dụng 30% vốn Nhà nước trở lên:

[...]