Báo cáo 24/BC-UBND tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên theo Quyết định 157/2007/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh Bắc Giang và Kế hoạch triển khai thực hiện cho giai đoạn 2012 - 2017

Số hiệu 24/BC-UBND
Ngày ban hành 21/06/2013
Ngày có hiệu lực 21/06/2013
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Giang
Người ký Bùi Văn Hạnh
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng,Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 24/BC-UBND

Bắc Giang, ngày 21 tháng 06 năm 2013

 

BÁO CÁO

TỔNG KẾT 5 NĂM THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH TÍN DỤNG ĐỐI VỚI HỌC SINH, SINH VIÊN THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 157/2007/QĐ-TTG CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VÀ KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHO GIAI ĐOẠN 2012 - 2017

Phần thứ nhất.

KẾT QUẢ 5 NĂM THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH TÍN DỤNG ĐỐI VỚI HỌC SINH, SINH VIÊN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

I. KHÁI QUÁT MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH CHUNG

Bắc Giang là tỉnh nằm ở phía Đông Bắc, gồm 9 huyện và thành phố Bắc Giang, trong đó có 6 huyện miền núi và 1 huyện vùng cao, với 230 xã, phường, thị trấn; diện tích tự nhiên trên 3.800 km2; dân số gần 1,6 triệu người, gồm 20 dân tộc anh em, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 12%; tỷ lệ lao động trong độ tuổi chiếm 70,7%. Bắc Giang là tỉnh có xuất phát điểm kinh tế thấp, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội chậm phát triển, tỷ lệ hộ nghèo cao hơn đáng kể so với bình quân chung của cả nước, đầu giai đoạn 2006-2010 là 30,67%, bước sang giai đoạn 2011-2015 là 19,61%; GDP bình quân đầu người năm 2012 mới đạt trên 19 triệu đồng.

Mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn, nhưng với truyền thống hiếu học, cùng với sự quan tâm của các cấp chính quyền đối với công tác giáo dục, tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường đại học, cao đẳng đạt khá, chiếm khoảng 35-45% số học sinh tốt nghiệp THPT, tương ứng với khoảng 11.000 cháu, còn lại số học sinh học trung cấp, học nghề khoảng 10.000 cháu. Tuy nhiên, do đời sống kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với hộ nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn mà nguồn thu chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp, thu nhập lao động phổ thông nên việc cho con em tiếp tục theo học là vấn đề nan giải, chưa kể đến các hộ có từ 2 đến 3 con đi học. Quyết định 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng ưu đãi đối với học sinh, sinh viên (HSSV) thay thế cho Quyết định số 51/1998/QĐ-TTg đã mở ra cơ hội mới cho việc học tập và đào tạo nghề, đặc biệt là đối với thanh niên nông thôn và các vùng sâu, vùng xa; giảm tỷ lệ HSSV bỏ học vì không có khả năng trang trải chi phí học tập, đã có tác động tích cực đến toàn xã hội, đặc biệt đối với tỉnh còn nhiều khó khăn như Bắc Giang.

Để chính sách sớm đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả thiết thực, UBND tỉnh đã chỉ đạo chính quyền các cấp, các cơ quan, ban, ngành có liên quan sớm vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao, phát huy vai trò cùa cả hệ thống chính trị tập trung triển khai Quyết định 157/2007/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh. Sau 5 năm triển khai thực hiện, Chương trình đã đạt được những thành công lớn, được cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành và nhân dân hoan nghênh, đón nhận.

II. KẾT QUẢ 5 NĂM TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH 157/2007/QĐ-TTG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

1. Chỉ đạo thực hiện và các giải pháp của UBND, Ban Đại diện Hội đồng quản trị các cấp, các sở, ban, ngành và Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh

Nhận thức sâu sắc được tầm quan trọng, ý nghĩa xã hội, nhân văn và kinh tế của Chương trình tín dụng đối với HSSV đối với công tác xóa đói, giảm nghèo; với sự nghiệp giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực và đối với sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung của tỉnh, UBND tỉnh, Ban đại diện Hội đồng quản trị (BĐD HĐQT) Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã chỉ đạo triển khai Chương trình trên địa bàn tỉnh một cách đồng bộ, kịp thời và hiệu quả. Trước hết, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách được thực hiện sâu, rộng từ tỉnh, huyện đến tận xã, phường, thôn, bản và người dân trong toàn tỉnh; tạo sự chuyển biến về nhận thức của cán bộ, người dân, của các đối tượng thụ hưởng chính sách; từ đó huy động được sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh; sự ủng hộ, tham gia, phối hợp của các ngành có liên quan, các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác.

NHCSXH tỉnh đã chủ động làm tốt công tác tham mưu cho UBND tỉnh và Ban đại diện HĐQT; tích cực phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, chính quyền và các tổ chức chính trị-xã hội địa phương để nắm bắt số lượng HSSV có nhu cầu vay vốn; tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình, thủ tục, hồ sơ cho vay; điều chỉnh, bổ sung chỉ tiêu kế hoạch, phân bổ vốn, cân đối chuyển vốn, giải ngân kịp thời đến đối tượng thụ hưởng. Tạo điều kiện thuận lợi, không gây phiền hà trong quá trình triển khai cho vay; đồng thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc để có biện pháp giải quyết kịp thời. Đặc biệt là việc bình xét đối tượng được thực hiện dân chủ, công khai từ cơ sở, có sự tham gia của người dân, của Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), đại diện của các tổ chức chính trị-xã hội, nên vốn vay nhanh chóng đến đúng đối tượng thụ hưởng. Đồng thời, tổ chức tốt việc đánh giá sơ kết, tổng kết công tác thực hiện cho vay HSSV từ cấp xã trở lên; kết quả đã có 230 xã, phường, thị trấn (bằng 100%) thực hiện sơ kết, tổng kết.

Cùng với tăng trưởng tín dụng, BĐD HĐQT NHCSXH các cấp và NHCSXH tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp để củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ TK&VV, hoạt động ủy thác với các tổ chức Chính trị-xã hội, các Tổ giao dịch lưu động và điểm giao dịch tại xã. Đến nay, với mạng lưới 4.589 Tổ TK&VV phủ kín trên các thôn, ấp, bản, làng trong toàn tỉnh cùng với 223 điểm giao dịch tại xã của NHCSXH là những nhân tố quan trọng có tính quyết định đến kết quả thực hiện Chương trình 5 năm qua, góp phần thực hiện dân chủ, công khai từ cơ sở, xã hội hóa hoạt động của tín dụng chính sách. Thực hiện tốt công tác quản lý và thu hồi nợ đến hạn, hộ vay vốn có ý thức trong việc trả nợ ngân hàng, đặc biệt kể từ khi NHCSXH chuyển phương thức cho vay trực tiếp HSSV sang cho vay thông qua hộ gia đình của HSSV.

2. Kết quả thực hiện cho vay

2.1. Kết quả thực hiện cho vay vốn

Khi chưa có Quyết định 157/2007/QĐ-TTg, nguồn vốn ban đầu chỉ có 7 tỷ đồng; sau 5 năm triển khai, tính đến thời điểm 31/12/2012, dư nợ của Chương trình đạt 1.013 tỷ đồng, bình quân mỗi năm tăng trên 200 tỷ đồng, mỗi năm có khoảng 15 nghìn HSSV vay vốn, toàn tỉnh hiện có trên 49 nghìn hộ gia đình và trên 60 nghìn HSSV đang còn vay vốn. Trong tổng số 11 chương trình tín dụng của NHCSXH, dư nợ Chương trình tín dụng HSSV hiện chiếm tỷ trọng đến 40%, tương đương với dư nợ của Chương trình cho vay hộ nghèo và trở thành một trong những Chương trình cho vay chủ đạo. Kết quả thực hiện cho vay trong 5 năm qua như sau:

- Doanh số cho vay vốn đạt 1.209 tỷ đồng (năm học 2007-2008 là 151 tỷ đồng, năm học 2008-2009 là 246 tỷ đồng, năm học 2009-2010 là 309 tỷ đồng, năm học 2010-2011 là 230 tỷ đồng, năm học 2011-2012 là 273 tỷ đồng).

- Doanh số thu nợ đạt 215 tỷ đồng (trong đó năm 2010: 22 tỷ đồng, năm 2011: 63 tỷ đồng, năm 2012: 130 tỷ đồng).

- Nợ quá hạn: 1,5 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,14% so với tổng dư nợ, thấp hơn đáng kể so với bình quân toàn quốc (mức bình quân chung toàn quốc là 0,64%).

Trong tổng dư nợ trên đây, dư nợ ủy thác qua 4 tổ chức Chính trị-xã hội xã hội là chủ yếu, chỉ có 350 triệu đồng là dư nợ trực tiếp do mới nhận bàn giao từ các tỉnh khác chuyển về trong tháng 9/2012. Tỷ trọng dư nợ ủy thác qua các tổ chức Hội, đoàn thể như sau: Hội Nông dân 30,4%, Hội LH Phụ nữ 59,4%, Hội Cựu chiến binh 7,2%, Đoàn thanh niên 3%.

Các huyện có dư nợ cao là huyện Hiệp Hòa dư nợ 170 tỷ đồng, tỷ trọng 16,8%; Yên Dũng 133 tỷ đồng, tỷ trọng 13,1%; Lục Nam 123 tỷ đồng, tỷ trọng 12,1%.

Mặc dù tăng trưởng tín dụng hàng năm ở mức cao, áp lực giải ngân lớn và tập trung chủ yếu vào thời điểm đầu năm, đầu kỳ học, hàng năm NHCSXH luôn chủ động có kế hoạch sớm, phối hợp tốt với các cấp, các ngành liên quan, tập trung nguồn vốn, cơ sở vật chất, con người đảm bảo tiến độ giải ngân, nên đã kịp thời đáp ứng được nhu cầu vay vốn của người dân trên địa bàn.

2.2. Cơ cấu cho vay theo đối tượng thụ hưởng

a) Đối tượng hộ nghèo dư nợ là 263 tỷ đồng với 12.893 hộ, chiếm 25,7% tổng số hộ đang vay vốn (tỷ lệ này năm 2007: 41,2%; năm 2008: 35,2%; năm 2009: 36,6%; năm 2010: 32,8%; năm 2011: 25,7%).

Tại các huyện thuộc khu vực miền núi: Sơn Động 49%, Lục Ngạn: 46%, Lục Nam 29%; một số huyện khác như: Hiệp Hòa 21%, Yên Dũng 29%, Lạng Giang 2%.

b) Đối tượng hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người tối đa bằng 150% mức thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo dư nợ là 295 tỷ đồng với 12.624 hộ, chiếm 25,1% tổng số hộ đang vay vốn (tỷ lệ này năm 2007: 18,7%; năm 2008: 19,2%; năm 2009: 19,4%; năm 2010: 20,8%; năm 2011: 29,2%).

Tỷ lệ này ở các huyện thuộc khu vực miền núi, như: Sơn Động 50%, Lục Ngạn: 18%, Lục Nam 28%; một số huyện khác như: Hiệp Hòa 24%, Yên Dũng 59%, Lạng Giang 37%.

c) Đối tượng hộ có hoàn cảnh khó khăn đột xuất về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh dư nợ là 455 tỷ đồng với 24.472 hộ, chiếm 49,2% tổng số hộ đang vay vốn (tỷ lệ này năm 2007: 40,1%; năm 2008: 40,8%; năm 2009: 44%; năm 2010: 46,4%; năm 2011: 49,7%).

[...]
3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ