Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Báo cáo 21/BC-UBND về hoạt động chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, tình hình kinh tế - xã hội thành phố tháng 01 và công tác trọng tâm tháng 02 năm 2014

Số hiệu 21/BC-UBND
Ngày ban hành 27/01/2014
Ngày có hiệu lực 27/01/2014
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Võ Văn Luận
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 21/BC-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 27 tháng 01 năm 2014

 

BÁO CÁO

HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ, TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI THÀNH PHỐ THÁNG 01 VÀ CÔNG TÁC TRỌNG TÂM THÁNG 02 NĂM 2014

I. Hoạt động chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân thành phố

1. Các phiên họp, Hội nghị của Ủy ban nhân dân thành phố:

Ủy ban nhân dân thành phố đã họp phiên thường kỳ nghe báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 01, các công tác trọng tâm tháng 02 năm 2014 và công tác tổ chức chăm lo Tết Giáp Ngọ; tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết của Chính phủ, Kết luận của Thành ủy và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố. Kế hoạch chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh và ngân sách thành phố năm 2014 và khen thưởng cho các quận - huyện, doanh nghiệp có số thu và nộp ngân sách vượt kế hoạch; tổ chức họp mặt kiều bào và gặp gỡ các cơ quan đại diện nước ngoài nhân dịp năm mới; kiểm tra tình hình chuẩn bị hàng hóa, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, việc đăng ký và niêm yết giá trong dịp Tết; các hoạt động Hội Hoa Xuân, Chợ Hoa Tết, Đường Hoa Nguyễn Huệ, Lễ hội Đường Sách và Lễ hội Tết; đi thăm và tặng quà các gia đình chính sách tiêu biểu, các lão thành cách mạng và một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn, các địa phương có quan hệ hợp tác kinh tế - xã hội với thành phố.

Ủy ban nhân dân thành phố đã có các buổi làm việc và dự họp với Chính phủ và các cơ quan Trung ương như: Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương để triển khai nhiệm vụ năm 2014; Hội nghị trực tuyến về tổng kết công tác an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh, công tác thi đua khen thưởng, công tác an toàn giao thông năm 2013; Hội nghị trực tuyến của Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Thanh tra Chính phủ tổng kết công tác năm 2013 và triển khai nhiệm vụ năm 2014.

Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố đã tổ chức 247 cuộc họp và đi cơ sở để giải quyết các nội dung công việc liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành; một số nội dung tiêu biểu như: lao động, tiền lương, tiền thưởng và kiêm nhiệm của doanh nghiệp nhà nước; phân công nhiệm vụ và ủy quyền thực hiện một số quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; xuất khẩu lao động; dự án Nâng cấp Nhà thiếu nhi thành phố giai đoạn 2; các khó khăn vướng mắc liên quan đến dự án trên địa bàn Quận 9; tiến độ thực hiện Chương trình đầu tư xây dựng 12.500 căn hộ phục vụ tái định cư Khu đô thị mới Thủ Thiêm; điều chỉnh giá nước sạch và thu phí xử lý nước thải lộ trình 2014 - 2018; tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; tiến độ di dời và cải tạo các trạm trung chuyển rác và xem xét quy hoạch trạm trung chuyển rác tại cảng Phú Định. Ngoài ra, thành phố đã phối hợp với Thủ đô Phnom Penh tổ chức Lễ Khánh thành Bệnh viện Chợ Rẫy - Phnom Penh, Campuchia.

2. Công tác ban hành các văn bản:

Trong tháng, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành 07 quyết định quy phạm pháp luật, 02 chỉ thị, 623 công văn, 19 báo cáo; Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành 795 công văn, 83 thông báo truyền đạt kết luận chỉ đạo của Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố. Trong đó, có các văn bản quan trọng như:

- Quyết định số 04/2014/QĐ-UBND ngày 14 tháng 01 năm 2014 về Ban hành Chương trình Giảm nghèo, tăng hộ khá của thành phố giai đoạn 2014 - 2015.

- Quyết định số 03/2014/QĐ-UBND ngày 14 tháng 01 năm 2014 về Ban hành chuẩn hộ nghèo và hộ cận nghèo thành phố áp dụng cho giai đoạn 2014 - 2015.

- Quyết định số 01/2014/QĐ-UBND ngày 13 tháng 01 năm 2014 ban hành Kế hoạch chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh và ngân sách thành phố và Chương trình công tác của Ủy ban nhân dân thành phố năm 2014.

- Chỉ thị số 01/2014/CT-UBND ngày 03 tháng 01 năm 2014 về tăng cường vận động hiến máu tình nguyện năm 2014.

- Chỉ thị số 22/2014/CT-UBND ngày 31 tháng 12 năm 2013 về triển khai thực hiện các biện pháp ngăn chặn cháy lớn trên địa bàn thành phố.

II. Tình hình kinh tế - xã hội tháng 01 năm 2014

Trong tháng giáp tết, sức mua tại các cửa hàng, siêu thị, chợ truyền thống đạt mức tăng khá. Hàng hóa phục vụ tết dồi dào, phong phú. Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tháng 01 ước đạt 59.430 tỷ đồng, tăng 6,7% so tháng trước và tăng 18,2% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 21,5%). Ngoài một số mặt hàng đặc sản tăng giá theo quy luật cung - cầu và mùa vụ, đến nay giá bán hầu hết các mặt hàng tết vẫn ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp so tháng trước (0,4%), chỉ có nhóm mặt hàng nhà ở, điện, nước, chất đốt, vật liệu xây dựng và nhóm giao thông có mức tăng giá trên 1% do tăng giá gas và xăng dầu, các nhóm mặt hàng khác đều có mức giá tăng thấp dưới 1%, nhất là giá lương thực, thực phẩm tăng không đáng kể.

Các doanh nghiệp trong Chương trình Bình ổn thị trường đã cơ bản hoàn thành kế hoạch cung ứng hàng hóa phục vụ Tết Giáp Ngọ 2014 với khả năng cung ứng tăng bình quân 14% so kế hoạch thành phố giao và tăng 69,4% so kết quả thực hiện Tết Quý Tỵ 2013, nhiều mặt hàng chuẩn bị lượng lớn chi phối từ 30 - 60% nhu cầu thị trường[1]. Tổng giá trị hàng hóa các doanh nghiệp chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng cho 02 tháng trước và sau Tết Giáp Ngọ 2014 là 7.581,7 tỷ đồng, tăng 2.184,5 tỷ đồng (40,5%) so Tết Quý Tỵ 2013 là 5.397,3 tỷ đồng; trong đó, tổng giá trị hàng hóa chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường là 4.901 tỷ đồng, tăng 1.879 tỷ đồng (62,17%) so Tết Quý Tỵ 2013 là 3.022,1 tỷ đồng. Riêng tháng cao điểm phục vụ Tết Giáp Ngọ 2014 (từ ngày 01/01/2014 đến ngày 31/01/2014) tổng giá trị hàng hóa của các doanh nghiệp chuẩn bị là 3.790,9 tỷ đồng, trong đó hàng bình ổn thị trường là 2.450,5 tỷ đồng. Các doanh nghiệp trong Chương trình đã cam kết thực hiện giữ giá ổn định trong 2 tháng trước và sau Tết (từ ngày 01/01/2014 đến ngày 28/02/2014) và tổ chức Chương trình khuyến mãi, giảm giá vào 02 ngày 29 và 30/01/2014 (ngày 29, 30 tháng Chạp, Âm lịch) các mặt hàng thịt gia cầm, gia súc, trứng gia cầm...

Tại các chợ đầu mối, lượng hàng vào thời điểm cận Tết dự kiến tăng 50 - 70% so ngày thường. Đối với các hệ thống siêu thị, thương mại, bên cạnh việc chuẩn bị lượng hàng hóa Tết tăng 02 - 03 lần so tháng thường, các hệ thống cũng lên kế hoạch tổ chức các Chương trình khuyến mãi, giảm giá, tăng thời gian phục vụ, mở thêm các quầy thu ngân phục vụ đảm bảo đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân vào thời điểm cận Tết và mở cửa phục vụ sớm[2]. Đến nay, hầu hết các siêu thị đều tổ chức các Chương trình khuyến mãi Tết kéo dài từ 19/01/2014 đến hết 30/01/2014, với mức giảm từ 20 - 49%, chủ yếu giảm giá các mặt hàng phục vụ Tết như bánh mứt, nước giải khát, quần áo, giày dép... Các doanh nghiệp sản xuất bánh, mứt, kẹo, nước giải khát, rượu bia cũng cung ứng thị trường nhiều sản phẩm mới, sản lượng tăng từ 20% đến 30%, với mức giá ổn định mặc dù nguyên liệu sản xuất tăng.

Doanh thu khách sạn, nhà hàng và dịch vụ lữ hành ước đạt 7.900 tỷ đồng, tăng 17% so cùng kỳ. Đã tổ chức thành công lễ đón vị khách du lịch thứ 4 triệu và đoàn du khách quốc tế đầu tiên đến thành phố. Đặc biệt trong tháng 1, khách quốc tế đến thành phố đạt 382.000 lượt khách, tăng 12% so cùng kỳ; trong đó, khách đến bằng đường hàng không ước đạt 300.000 lượt, tăng 10%; khách đến bằng các đường khác (chủ yếu là khách đến bằng đường bộ) ước đạt 82.000 lượt, tăng 20%.

Kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa đều giảm so tháng trước nhưng vẫn duy trì mức xuất siêu. Nếu không tính giá trị dầu thô, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 3,2% so tháng trước và giảm 1,2% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 44,8%). Xuất khẩu giảm chủ yếu do các mặt hàng Xuất khẩu chủ lực giảm so cùng kỳ, như dầu thô (-34,4%), cà phê (-25,6%), máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (-11,6%), giày dép (-7,6%), may mặc (-5,3%).

Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp giảm 13,7% so tháng trước và tăng 1,4% so cùng kỳ, do tháng Tết nên số ngày làm việc giảm và doanh nghiệp đã chuẩn bị đủ hàng hóa phục vụ tết. So tháng trước, công nghiệp khai khoáng giảm 24,2% trong khi công nghiệp chế biến chế tạo tăng 1,1%, sản xuất phân phối điện tăng 12,2%, cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 23%, là diễn biến hợp lý cho thấy nhu cầu sản xuất công nghiệp một số ngành phục vụ Tết vẫn tăng. Kết quả sản xuất 4 ngành công nghiệp trọng điểm giảm 14,1% so tháng trước và giảm 0,5% so cùng kỳ.

Giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng khá; trong đó, diện tích hoa kiểng tăng 4% so cùng kỳ[3]. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát chất lượng ngay từ khâu sản xuất tiếp tục được tăng cường, tập trung chuẩn bị cho đợt cao điểm trước, trong và sau tết.

Lượng hàng hóa vận tải ước đạt 13.365 ngàn tấn, luân chuyển đạt 5.014,9 triệu tấn/km. Doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 3.935,5 tỷ đồng tăng 3% so tháng trước, tăng 22,4% so cùng kỳ. Ngành vận tải chuẩn bị đủ phương tiện vận chuyển phục vụ hành khách đường bộ trong dịp tết. Các hãng hàng không tăng thêm nhiều chuyến bay với giá hợp lý nên lượng khách qua các bến xe sẽ không tăng đột biến, ước tăng 5% so cùng kỳ năm trước; trong ngày cao điểm lượng hành khách xuất bến có thể đạt trên 100.000 lượt/ngày. Vào những ngày cao điểm, tăng cường 60 xe buýt cho bến xe miền Đông và 60 xe buýt cho bến xe miền Tây. Đã vận chuyển 78,6 lượt người; doanh thu vận chuyển hành khách ước đạt 1.681,5 tỷ đồng, tăng 6,4% so tháng trước và tăng 33,3% so cùng kỳ. Hàng hóa qua cảng giảm 6,7% so tháng trước do doanh nghiệp đã chuẩn bị đủ hàng, tăng 14,5% so cùng kỳ.

Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 22.016 tỷ đồng, tăng 4,3% so cùng kỳ; tổng chi ngân sách nhà nước ước đạt 1.910,7 tỷ đồng, tăng 20,8% so cùng kỳ. Vốn huy động và dư nợ tín dụng của các ngân hàng đều tăng so tháng trước cho thấy niềm tin của doanh nghiệp, nhân dân đối với hệ thống ngân hàng, góp phần phục vụ tốt hơn nhu cầu về vốn của nhân dân và doanh nghiệp.

Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có nhiều khởi sắc. Doanh nghiệp thành lập mới tăng 11% về số lượng và tăng 54% về vốn đăng ký; số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể chiếm 11,5% số doanh nghiệp thành lập mới và giảm 5% so cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư nước ngoài cấp mới và điều chỉnh tăng 32,4% so cùng kỳ (cùng kỳ giảm 11,3%); trong đó có 15 dự án cấp mới và 2 dự án điều chỉnh tăng vốn. Các dự án vốn ODA đã giải ngân 200 tỷ đồng.

Nhân kỉ niệm 63 năm Ngày truyền thống học sinh - sinh viên (9/1), đã có nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực, ý nghĩa nhằm ôn lại và giáo dục truyền thống vẻ vang của học sinh - sinh viên Việt Nam, khẳng định vai trò của học sinh - sinh viên trong sự nghiệp cách mạng của đất nước.

Thành phố tập trung chỉ đạo công tác tổ chức, chăm lo Tết với phương châm “Tết đoàn kết, tiết kiệm, vui tươi, lành mạnh, an toàn”[4], ra sức thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ngay từ đầu năm. Đã tổ chức thành công chương trình “Lễ hội Thành phố Hồ Chí Minh đón chào năm mới 2014”. Các hoạt động chào năm mới của thành phố được tổ chức quy mô, hoành tráng, thiết thực, bổ ích và sinh động, mang đậm nét văn hóa dân tộc, kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đã phục vụ đông đảo nhân dân và du khách, mang lại sự vui tươi, phấn khởi cho mọi người.

Công tác phòng chống dịch bệnh thực hiện tốt; số ca sốt xuất huyết, tay - chân - miệng giảm so tháng trước, không có trường hợp tử vong. Tiếp tục công tác kiểm tra giám sát và hỗ trợ phun thuốc phòng chống dịch tại các địa phương có số ca mắc cao.

[...]