Báo cáo 191/BC-BTTTT năm 2024 đánh giá tình hình hoạt động của cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành

Số hiệu 191/BC-BTTTT
Ngày ban hành 25/10/2024
Ngày có hiệu lực 25/10/2024
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Bộ Thông tin và Truyền thông
Người ký Nguyễn Thanh Lâm
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

BỘ THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 191/BC-BTTTT

Hà Nội, ngày 25 tháng 10 năm 2024

 

BÁO CÁO

ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG CỦA CƠ SỞ TRUYỀN THANH - TRUYỀN HÌNH CẤP HUYỆN

Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2021 - 2025 ban hành theo Quyết định số 1381/QĐ-BTTTT ngày 07/9/2021 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông xác định mục tiêu “đến năm 2023, 100% huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh có cơ sở truyền thông cấp huyện” hoạt động theo mô hình truyền thông đa phương tiện, đa nền tảng.

Trên cơ sở báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và kết quả khảo sát thực tế tại một số địa phương, Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Báo cáo đánh giá tình hình hoạt động của cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện như sau:

I. THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG

Tính đến ngày 30/5/2024, cả nước có 666 cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện[1], chiếm 94,5% tổng số huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Trong đó, 625 Đài Truyền thanh - Truyền hình sáp nhập với các đơn vị sự nghiệp công lập khác trên địa bàn thành Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao, Trung tâm Truyền thông và Văn hóa hoặc Trung tâm có tên gọi khác của cấp huyện có hoạt động truyền thanh, truyền hình[2]; có 41 Đài Truyền thanh - Truyền hình của 09 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang hoạt động độc lập[3].

Cả nước hiện có 39 quận, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không có Đài Truyền thanh - Truyền hình của 07 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương[4].

1. Nhân lực làm công tác truyền thanh - truyền hình

Tính đến ngày 30/5/2024, cả nước có 5.644 người làm công tác truyền thanh - truyền hình cấp huyện. Trong đó: khối sản xuất nội dung là 3.371 người (biên tập viên[5], phóng viên[6], phát thanh viên[7]); khối kỹ thuật là 1.781 người[8]; khối thực hiện các công việc khác có liên quan là 492 người[9].

Biểu đồ: Nhân lực làm công tác truyền thanh - truyền hình

- Về trình độ, chuyên môn: Số người có trình độ chuyên môn đại học trở lên là 4.507 người, trong đó: chuyên ngành báo chí, truyền thông là 1.493 người; điện tử - viễn thông, công nghệ thông tin là 942 người; các ngành khác là 2.072 người; số người có trình độ cao đẳng trở xuống là 1.137 người, trong đó: chuyên ngành báo chí, truyền thông là 295 người; điện tử - viễn thông, công nghệ thông tin là 512 người; các ngành khác là 330 người.

Biểu đồ: Trình độ chuyên môn của nhân lực làm công tác truyền thanh - truyền hình

Theo báo cáo của các địa phương, hạn chế lớn nhất của đội ngũ nhân lực khối sản xuất nội dung không được đào tạo chuyên ngành báo chí, truyền thông và khối kỹ thuật không được đào tạo chuyên ngành điện tử viễn thông, công nghệ thông tin, chiếm tỷ lệ cao (33,4%). Do vậy, năng lực chuyên môn chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nội dung, quy trình số hóa sản xuất nội dung, yêu cầu đổi mới về phương thức, công nghệ sản xuất nội dung truyền thông đa phương tiện, đa nền tảng.

Công tác đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ người làm công tác truyền thanh - truyền hình cấp huyện bước đầu được chú trọng, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra khi chuyển đổi hoạt động sang mô hình truyền thông đa phương tiện, đa nền tảng.

- Về cấp thẻ nhà báo: Hiện nay các cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện có 468 người là phóng viên, biên tập viên được cấp thẻ nhà báo, chiếm 13,9% tổng số người làm việc thuộc khối sản xuất nội dung. Những người được cấp thẻ nhà báo thể hiện năng lực hoạt động chuyên nghiệp và có những đóng góp trong quá trình cộng tác sản xuất các tác phẩm báo chí cho các cơ quan báo chí cấp tỉnh và Trung ương theo quy định của Luật Báo chí.

Tuy nhiên, sau khi sáp nhập Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện thành Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao, Trung tâm Truyền thông và Văn hóa hoặc Trung tâm có tên gọi khác của cấp huyện không thể cấp mới thẻ nhà báo cho những phóng viên, biên tập viên đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện do Luật Báo chí hiện hành không có quy định cấp thẻ nhà báo cho những người làm việc tại các Trung tâm (Phụ lục 01 kèm theo).

2. Cơ sở vật chất, thiết bị kỹ thuật, công nghệ

Tính đến ngày 30/5/2024, các cơ sở truyền thanh - truyền hình cả nước có:

- 2.220 máy tính[10] cài đặt phần mềm biên tập chương trình phát thanh, biên tập chương trình truyền hình, bình quân 3,3 máy tính/cơ sở.

- 1.891 máy quay phim chuyên dụng[11], bình quân 2,8 máy/cơ sở.

- 1.211 máy thu âm chuyên dụng[12], bình quân 1,8 máy/cơ sở.

- 829 máy ảnh[13], bình quân 1,2 máy/cơ sở.

- 1.451 thiết bị khác (máy tính văn phòng, máy tăng âm, máy phát sóng, mixer..) phục vụ sản xuất nội dung chương trình[14], bình quân 2,2 thiết bị/cơ sở.

Theo đánh giá của các địa phương, các cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện đều có thiết bị kỹ thuật, công nghệ để phục vụ sản xuất nội dung truyền thông đa phương tiện. Tuy nhiên, đa số các thiết bị kỹ thuật đều đã cũ, xuống cấp và thiếu đồng bộ.

Nguyên nhân của tình trạng này là thiết bị được đầu tư từ lâu, theo nhiều nguồn, không được bảo trì, sửa chữa thường xuyên. Hầu hết các địa phương khi xây dựng kế hoạch chỉ ghi vốn ngân sách, trên thực tế việc bố trí ngân sách chưa triển khai được. Nhiều địa phương chỉ duy trì kinh phí hoạt động thường xuyên (lương và các khoản chi có tính chất lương…), không bố trí được kinh phí mua sắm trang thiết bị mới (Phụ lục 02 kèm theo).

3. Năng lực sản xuất sản phẩm truyền thông đa phương tiện

[...]