Báo cáo 170/BC-BTP về công tác tư pháp 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu công tác 6 tháng cuối năm 2018 do Bộ Tư pháp ban hành

Số hiệu 170/BC-BTP
Ngày ban hành 26/07/2018
Ngày có hiệu lực 26/07/2018
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Bộ Tư pháp
Người ký Lê Thành Long
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ TƯ PHÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 170/BC-BTP

Hà Nội, ngày 26 tháng 7 năm 2018

 

BÁO CÁO

CÔNG TÁC TƯ PHÁP 6 THÁNG ĐẦU NĂM VÀ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU CÔNG TÁC 6 THÁNG CUỐI NĂM 2018

Sáu tháng đầu năm 2018, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến và đạt được những kết quả tích cực. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, tăng trưởng cao hơn cùng kỳ; đời sống người dân tiếp tục được cải thiện; công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, quốc phòng, an ninh, đối ngoại đạt nhiều kết quả, tạo không khí phấn khởi trong toàn xã hội, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân. Tuy vậy, tình hình kinh tế - xã hội trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức. Năng suất lao động và sức cạnh tranh còn thấp; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước chưa cao; kỷ cương, kỷ luật nhiều nơi chưa nghiêm. Tình hình quốc tế có nhiều thay đổi, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn, khó lường.

Đối với công tác Tư pháp, với sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ và cấp uỷ, chính quyền địa phương các cấp, toàn Ngành đã tập trung thực hiện các nhiệm vụ, nhất là 08 nhóm nhiệm vụ trọng tâm được nêu tại Báo cáo số 01/BC-BTP ngày 02/01/2018 của Bộ Tư pháp1 và 09 nhóm nhiệm vụ chủ yếu theo Chương trình hành động của Ngành Tư pháp2 thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2018 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018. Trên cơ sở tổng hợp báo cáo từ các Bộ, ngành và địa phương, Báo cáo này tập trung đánh giá việc triển khai các nhiệm vụ trọng tâm và các kết quả nổi bật của công tác tư pháp trong 6 tháng đầu năm; xác định những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân để từ đó đề xuất nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu công tác 6 tháng cuối năm 2018.

Phần thứ nhất:

TÌNH HÌNH CÔNG TÁC TƯ PHÁP 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2018

I. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH

Công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ, ngành Tư pháp tiếp tục đổi mới theo phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” của Chính phủ, bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các địa phương; ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tư pháp tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2018 với nội dung trọng tâm là xây dựng, hoàn thiện thể chế, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, tạo động lực, điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, đổi mới sáng tạo.

- Bộ, ngành Tư pháp đã sớm ban hành các chương trình, kế hoạch hành động để thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, qua đó cụ thể hoá các nhiệm vụ thực hiện trước mắt và lâu dài, gắn với chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp, như: Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 18- NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII; Chương trình hành động của Bộ Tư pháp thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP; Kế hoạch hành động của Bộ Tư pháp thực hiện Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP của Chính phủ... Các Bộ, ngành, địa phương cũng đã kịp thời ban hành các chương trình, kế hoạch công tác để cụ thể hoá các nhiệm vụ về công tác tư pháp, pháp chế.

- Trên cơ sở các chương trình, kế hoạch công tác, toàn Ngành đã chỉ đạo tập trung triển khai thực hiện; thường xuyên rà soát, theo dõi, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ. Bộ Tư pháp đã đưa vào ứng dụng hiệu quả Phần mềm theo dõi thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Lãnh đạo Bộ giao; được Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao trong việc chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ. Sáu tháng đầu năm, Bộ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện 161 nhiệm vụ, đã hoàn thành 116 nhiệm vụ, đang tiếp tục thực hiện 45 nhiệm vụ, không có nhiệm vụ quá hạn. Bộ và các cơ quan tư pháp địa phương đã tích cực, chủ động tham mưu cho Chính phủ, chính quyền địa phương giải quyết những vấn đề pháp lý phát sinh trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ Tư pháp đã quyết liệt chỉ đạo việc rà soát, đề xuất cắt giảm nhiều điều kiện kinh doanh. Trên cơ sở đó, ngày 08/6/2018, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 1319/QĐ-BTP phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp, với tổng số 49/94 điều kiện kinh doanh dự kiến sẽ được cắt giảm, tỷ lệ 52,13%.

- Việc trả lời các kiến nghị liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành, công tác chuyên môn được ngành Tư pháp chú trọng. Tại Bộ Tư pháp, các đơn vị đã tham mưu trả lời 49 kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ 4 và hiện đang tiếp tục trả lời 59 kiến nghị gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIV; tiếp nhận, trả lời 396 kiến nghị, đề nghị hướng dẫn nghiệp vụ của các Bộ, ngành, địa phương; 26 phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp gửi qua Hệ thống theo dõi của Văn phòng Chính phủ. Đặc biệt, tại Phiên họp thứ 22 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (tháng 3/2018), Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội3. Sau chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về Phiên chất vấn để kịp thời chỉ đạo triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả trong các lĩnh vực công tác xây dựng, phổ biến và tổ chức thi hành pháp luật.

- Thực hiện Chương trình của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãnh phí năm 2018, Bộ Tư pháp đã ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2018 của Bộ Tư pháp (Quyết định số 641/QĐ-BTP ngày 06/4/2018). Trong đó, đã đề ra các nhiệm vụ để tiếp tục đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong mọi lĩnh vực, nhất là trong việc sử dụng ngân sách nhà nước, góp phần dành nguồn đầu tư cho phát triển và nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả tổ chức các hội nghị, hội thảo, các đợt thanh tra, kiểm tra và các chuyến công tác địa phương, Bộ Tư pháp đã rà soát tổng thể và ban hành Kế hoạch chung, thống nhất tổ chức Hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tập huấn và các đoàn thanh tra, kiểm tra, khảo sát của Bộ Tư pháp năm 2018 (Quyết định số 797/QĐ-BTP ngày 20/4/2018), trong đó, thực hiện cắt giảm và lồng ghép nhiều hoạt động dự kiến được tổ chức trong năm 20184.

- Bộ Tư pháp đã cùng với các Bộ, ngành, địa phương tăng cường phối hợp triển khai các nhiệm vụ, qua đó kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn và thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả phối hợp công tác. Sáu tháng đầu năm, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị công tác pháp chế với các Bộ, ngành; tổ chức các buổi làm việc với Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn luật sư Việt Nam để thúc đẩy và tháo gỡ khó khăn cho công tác tư pháp ở cả trung ương và địa phương; tổ chức làm việc với cấp uỷ, chính quyền nhiều địa phương5 về công tác tư pháp, thi hành án dân sự (THADS).

- Thông tin, truyền thông về hoạt động của Bộ, Ngành tiếp tục được chú trọng. Bộ Tư pháp, Hệ thống THADS và các cơ quan tư pháp địa phương đã chủ động tổ chức hoặc tham gia tích cực các cuộc họp báo, ban hành Thông cáo báo chí và cung cấp thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng về hoạt động của Ngành, về các vấn đề được dư luận quan tâm hoặc để kịp thời định hướng dư luận6. Bên cạnh đó, Bộ, ngành Tư pháp cũng chủ động nắm bắt thông tin qua phản ánh của các cá nhân, tổ chức và thông tin phản ánh từ báo chí để có hướng giải quyết kịp thời.

- Về công tác THADS, Bộ Tư pháp chỉ đạo Hệ thống THADS tăng cường phối hợp với cấp uỷ, chính quyền địa phương, nhất là tại các địa bàn trọng điểm và một số địa phương có kết quả THADS về tiền đạt thấp; tăng cường việc kiểm tra trong công tác THADS; định kỳ hoặc đột xuất họp giao ban trực tuyến trong Hệ thống THADS để kịp thời nắm bắt khó khăn, hướng dẫn, chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ. Tại địa phương, Cục THADS đã thường xuyên hướng dẫn chuyên môn đối với các Chi cục; chủ động tổ chức họp liên ngành với các sở, ban, ngành địa phương hoặc kịp thời báo cáo, xin ý kiến Ban Chỉ đạo THADS tìm hướng giải quyết đối với các vụ việc phức tạp.

- Bên cạnh đó, Bộ, ngành Tư pháp chú trọng công tác cải cách hành chính, đổi mới lề lối làm việc, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính và đã đạt nhiều kết quả tích cực. Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) của Bộ Tư pháp tăng 02 bậc, xếp thứ 4/19 Bộ, ngành được đánh giá, trong đó Bộ Tư pháp được đánh giá là một trong các Bộ thực hiện tốt nhất việc chỉ đạo điều hành về cải cách hành chính.

- Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành các lĩnh vực công tác tiếp tục được ngành Tư pháp quan tâm thực hiện. Bộ và các Sở Tư pháp đã chỉ đạo tích cực sử dụng các phần mềm trong các lĩnh vực chuyên ngành và trong theo dõi việc thực hiện các nhiệm vụ được giao; sử dụng văn bản điện tử, chữ ký số... mang lại hiệu quả cao. Theo công bố của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp xếp thứ 3/19 Bộ, ngành về mức độ ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ điện tử (ICT Index).

II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC NHIỆM VỤ CÔNG TÁC

Trong 6 tháng đầu năm, Bộ, ngành Tư pháp đã triển khai đồng bộ, toàn diện các lĩnh vực công tác, trong đó tập trung vào 08 nhóm nhiệm vụ trọng tâm được xác định từ đầu năm. Kết quả cụ thể như sau:

1. Công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật

- Thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành đã tích cực xây dựng, hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018; thông qua 07 luật7 và cho ý kiến 8 dự án luật khác8, trong đó có nhiều dự án để cụ thể hoá các Nghị quyết của Đảng tại Hội nghị lần thứ 5, thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khoá XII, cũng như nhằm tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, như: Luật Cạnh tranh; Luật sửa đổi các luật liên quan đến quy hoạch; Luật Công an nhân dân (sửa đổi).

Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ trong việc đôn đốc các Bộ, ngành xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã ban hành được 98 văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh, số lượng văn bản “nợ đọng” còn 11 văn bản, giảm 04 văn bản so với cùng kỳ 2017, trong đó Bộ Tư pháp không để nợ văn bản nào.

Sáu tháng đầu năm, các Bộ, ngành đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 449 VBQPPL (giảm 74 văn bản so với cùng kỳ 2017); các địa phương ban hành 1.272 VBQPPL cấp tỉnh (giảm 16,3%), 923 VBQPPL cấp huyện (giảm 50%) và 5.694 VBQPPL cấp xã (giảm gần 60%). Như vậy, so với cùng kỳ 2017, số lượng VBQPPL được ban hành giảm nhẹ ở cấp Trung ương và tiếp tục giảm mạnh ở địa phương, phù hợp với tinh thần, quy định của Luật ban hành VBQPPL năm 2015 và chủ trương tập trung cao vào công tác tổ chức thi hành pháp luật.

- Các Bộ, ngành đã nghiêm túc, kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc chuẩn bị hồ sơ đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo VBQPPL. Chất lượng công tác thẩm định VBQPPL từng bước được nâng cao; cơ quan thẩm định đã thể hiện rõ quan điểm về điều kiện trình các dự án, dự thảo VBQPPL. Sáu tháng đầu năm, Bộ Tư pháp, các Sở Tư pháp đã tổ chức thẩm định 187 đề nghị xây dựng VBQPPL9. Toàn Ngành đã thẩm định 3.529 dự thảo VBQPPL (giảm 32% so với cùng kỳ 2017), trong đó Bộ Tư pháp đã thẩm định 141 dự thảo; Tổ chức Pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ thẩm định 380 dự thảo và 3.008 dự thảo do các Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp thẩm định.

- Đối với công tác kiểm tra VBQPPL, các Bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra theo thẩm quyền 7.873 VBQPPL (giảm 60% so với cùng kỳ năm 2017); qua kiểm tra, bước đầu phát hiện 205 văn bản có dấu hiệu trái nội dung, thẩm quyền (giảm 166 văn bản so với cùng kỳ năm 2017). Tại Bộ Tư pháp, đã kiểm tra theo thẩm quyền 1.571 văn bản (gồm 331 văn bản của các Bộ, cơ quan ngang bộ; 1.240 văn bản của địa phương); qua kiểm tra đã phát hiện, ra Kết luận kiểm tra, kiến nghị xử lý đối với 39 văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền (gồm 23 văn bản của các Bộ, 16 văn bản của địa phương)10; đến nay, có 16/39 văn bản đã được cơ quan ban hành xử lý.

Thực hiện Quyết định số 126/QĐ-TTg ngày 25/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hệ thống hóa VBQPPL thống nhất trong cả nước kỳ 2014-2018, Bộ Tư pháp đã tổ chức các Hội nghị triển khai Kế hoạch, kết hợp với việc tập huấn rà soát, hệ thống hóa cho các tổ chức pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ; Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước và công chức làm công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản của các Sở Tư pháp. Trên có sở đó, các Bộ, ngành và địa phương đã xây dựng kế hoạch, tích cực triển khai thực hiện để đảm bảo đúng yêu cầu đề ra.

[...]