Thứ 6, Ngày 08/11/2024

Báo cáo 155/BC-UBND về công tác chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, thu - chi ngân sách tháng 7, 7 tháng đầu năm và công tác trọng tâm tháng 8 năm 2020

Số hiệu 155/BC-UBND
Ngày ban hành 11/08/2020
Ngày có hiệu lực 11/08/2020
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Hà Phước Thắng
Lĩnh vực Thương mại,Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 155/BC-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 11 tháng 8 năm 2020

 

BÁO CÁO

CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ, TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI, QUỐC PHÒNG - AN NINH, THU - CHI NGÂN SÁCH THÁNG 7, 7 THÁNG ĐẦU NĂM VÀ CÔNG TÁC TRỌNG TÂM THÁNG 8 NĂM 2020

Kính gửi: Chính phủ

I. HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ

1. Các phiên họp, hội nghị của Ủy ban nhân dân Thành phố

Ủy ban nhân dân Thành phố đã tập trung, quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành, người dân và doanh nghiệp nhanh chóng triển khai các công việc nhằm sớm thích ứng với trạng thái bình thường mới trong tất cả các hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội, với quyết tâm đưa Thành phố trở lại trạng thái bình thường, thực hiện chặt chẽ, kiên quyết các biện pháp phòng, chống dịch song song với duy trì sự liên tục các hoạt động kinh tế, không để đứt gãy, chủ động và tích cực thúc đẩy phát triển, đảm bảo an ninh kinh tế theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 ngày 07 tháng 8 năm 2020 (theo Thông báo số 283/TB-VPCP ngày 08 tháng 8 năm 2020 của Văn phòng Chính phủ).

Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố đã chỉ đạo, chủ trì các cuộc họp để giải quyết các công việc, các nội dung quan trọng: họp về tình hình thu chi ngân sách và giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu năm 2020; họp Tổ công tác về đầu tư hàng tuần; họp (trực tuyến) công tác phối hợp chuẩn bị Hội nghị liên kết phát triển du lịch Thành phố với các tỉnh Đông Bắc; làm việc với Tỉnh ủy Long An; họp (trực tuyến) Hội nghị phiên toàn thể trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao năng lượng Việt Nam năm 2020 triển khai Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11 tháng 02 năm 2020 của Bộ Chính trị; nghe báo cáo về chuẩn bị nội dung làm việc với các cơ quan, bộ, ngành Trung ương về 03 Đề án của Thành phố: (1) Đề án điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2022 - 2025 và tầm nhìn 2026 - 2030 để tăng thu ngân sách chuyển Trung ương và tạo tiền đề để Thành phố phát triển nhanh, bền vững, (2) Đề án thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh và (3) Đề án thành lập Thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh); đi thăm các gia đình chính sách tiêu biểu nhân kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ, dự Hội nghị (trực tuyến) toàn quốc sơ kết 5 năm Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư về tín dụng chính sách xã hội; cùng Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì Hội nghị về Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hội nghị xúc tiến đầu tư với Eurocham, ...

Ngoài ra, Thành phố đã tổ chức nhiều hội nghị và các nội dung quan trọng như: tổ chức các Hội nghị lấy ý kiến các cơ quan, bộ, ngành Trung ương về 03 Đề án của Thành phố, tại Hà Nội; Hội nghị tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, thu chi ngân sách 6 tháng đầu năm 2020 và nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2020; Hội nghị công bố Chương trình chuyển đổi số và hệ thống nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của Thành phố; tổ chức Lễ viếng Nghĩa trang Hàng Dương, Lễ Thắp nến tri ân, Chương trình nghệ thuật đặc biệt nhân Kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2020) tại huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu,...

2. Công tác ban hành các văn bản

Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành 02 quyết định quy phạm pháp luật, 340 quyết định hành chính, 02 chỉ thị, 410 công văn, 30 báo cáo, 15 thông báo, tập trung vào một số nội dung quan trọng như: Quyết định số 2678/QĐ-UBND ngày 29 tháng 7 năm 2020 về ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng lĩnh vực thư viện; Quyết định số 2674/QĐ-UBND ngày 29 tháng 7 năm 2020 về việc thành lập Hội đồng tư vấn Chương trình “Nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 - 2030”; Quyết định số 2655/QĐ-UBND ngày 28 tháng 7 năm 2020 về ban hành Kế hoạch hành động về xây dựng Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông Thành phố Hồ Chí Minh; Chỉ thị số 08/CT- UBND ngày 16 tháng 7 năm 2020 về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; Báo cáo số 125/BC-UBND ngày 07 tháng 7 năm 2020 về Sơ kết 02 năm thực hiện Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND ngày 16 tháng 3 năm 2018 của Hội đồng nhân dân Thành phố ban hành Quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do Thành phố quản lý; Kế hoạch số 2540/KH-UBND ngày 03 tháng 7 năm 2020 về tổ chức Hội nghị tổng kết phong trào thi đua “Bảo đảm trật tự an toàn giao thông” giai đoạn 2018 - 2020,...

II. TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ QUỐC PHÒNG - AN NINH, THU CHI NGÂN SÁCH THÁNG 7, 7 THÁNG ĐẦU NĂM 2020

1. Lĩnh vực dịch vụ

- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ: 7 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 718.133 tỷ đồng, giảm 3,8% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 12,2%)[1]. Trong đó:

+ Xuất khẩu: tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp Thành phố 7 tháng đầu năm 2020 ước đạt 24,7 tỷ USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 9,8%). Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là: hàng rau quả tăng 40,1% so với cùng kỳ; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 34,5% so với cùng kỳ; gạo tăng 20,5% so với cùng kỳ;...

+ Nhập khẩu: kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn 7 tháng đầu năm ước đạt 28,3 tỷ USD, giảm 0,9% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 6,1%). Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 35,6% so với cùng kỳ; sản phẩm hóa chất tăng 1,7% so với cùng kỳ,...

- Du lịch:

Để chủ động ứng phó và kịp thời thực hiện các giải pháp trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, ngành du lịch Thành phố đã xây dựng và triển khai kịp thời kế hoạch phòng, chống dịch bệnh COVID-19[2]; Kế hoạch giảm tác động đối với ngành du lịch Thành phố trong và sau dịch bệnh COVID-19[3]. Đồng thời, Thành phố đã chủ động cập nhật thường xuyên các thông tin chỉ đạo của Trung ương và Thành phố để hướng dẫn các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn Thành phố tuân thủ nghiêm các chỉ đạo của cơ quan chức năng đối với công tác phòng, chống dịch bệnh đối với ngành du lịch. Trên cơ sở đó, kịp thời ban hành các văn bản triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19[4].

Hoạt động thông tin, quảng bá du lịch được Thành phố quan tâm đẩy mạnh và triển khai thực hiện nhằm tạo tính hiệu quả, tính lan tỏa trong việc quảng bá hình ảnh du lịch Thành phố đến với du khách nhất là trong giai đoạn tình hình dịch bệnh được kiểm soát. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, ngành du lịch Thành phố chịu những tác động nghiêm trọng, trực tiếp đến nhiều doanh nghiệp và người lao động trong lĩnh vực du lịch. Các chương trình du lịch giảm mạnh, doanh thu của các doanh nghiệp du lịch bị ảnh hưởng nặng nề và giảm mạnh so với cùng kỳ.

+ Về khách quốc tế: trong tháng 7 năm 2020, khách quốc tế mới đến Thành phố Hồ Chí Minh là 0 lượt, giảm 100% so với cùng kỳ. Lũy kế 7 tháng khách quốc tế mới đến Thành phố Hồ Chí Minh đạt 1.303.750 lượt, giảm 73,12% so với cùng kỳ, đạt 14,49% kế hoạch năm 2020[5].

+ Về tổng thu du lịch: lũy kế 7 tháng doanh thu du lịch đạt 40.417 tỷ đồng, giảm 49% so với cùng kỳ, đạt 27,5% so với kế hoạch năm 2020[6].

- Dịch vụ vận tải:

Tính đến hết tháng 7 năm 2020, khối lượng vận tải hành khách công cộng ước đạt 163,441 triệu lượt hành khách, đạt 23,51% so với kế hoạch cả năm 2020 (kế hoạch là 695,20 triệu lượt hành khách) do dịch bệnh COVID-19. Số lượt vận tải hành khách bằng đường thủy đạt 2,86 triệu lượt hành khách, giảm 5,39% so với cùng kỳ (cùng kỳ đạt 3,02 triệu lượt hành khách). Trong đó:

+ Phục vụ hành khách được kiểm soát qua các cảng, bến thủy nội địa trong tháng 7 năm 2020 đạt 66.000 lượt hành khách. Trong đó, vận chuyển hành khách qua buýt đường thủy là 24.000 lượt hành khách, giảm 29,01% so với cùng kỳ năm 2019; tuyến Sài Gòn - Côn Đảo - Vũng Tàu là 16.000 lượt hành khách, giảm 26,52% so với cùng kỳ.

+ Vận chuyển hành khách ngang sông đạt 354.000 lượt hành khách, giảm 14,98% so với cùng kỳ năm 2019. Vận chuyển hành khách tại 02 bến phà đạt 2.438.000 lượt hành khách, giảm 2,84% so với cùng kỳ (cùng kỳ là 2.509.000 lượt hành khách); trong đó bến phà Cát Lái là 1.695.000 lượt hành khách và bến phà Bình Khánh là 743.000 lượt hành khách.

+ Sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển trong 7 tháng đầu năm 2020 là 74,46 triệu tấn, tăng 4,71% so với cùng kỳ năm 2019 (cùng kỳ đạt 71,11 triệu tấn)[7]. Sản lượng hàng hóa được kiểm soát thông qua các cảng, bến thủy nội địa trong 7 tháng đầu năm 2020 đạt 20,61 triệu tấn, tăng 17,42% so với cùng kỳ năm 2019 (cùng kỳ đạt 17,55 triệu tấn)[8].

- Thông tin và Truyền thông:

Đã ban hành Quyết định số 2392/QĐ-UBND ngày 03 tháng 7 năm 2020 về cập nhật Kiến trúc Chính quyền điện tử Thành phố Hồ Chí Minh. Tổ chức xây dựng dự thảo Hướng dẫn xây dựng Quy chế quản lý, vận hành của các cơ quan chủ quản báo chí Thành phố đối với hoạt động của cơ quan báo chí. Đã cấp hơn 24.600 hộp thư cho các đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức của các Sở, ban, ngành, quận, huyện, phường, xã, thị trấn và các cơ quan báo chí, Tổng công ty trên địa bàn Thành phố. Liên thông kết nối 840 đơn vị trên địa bàn Thành phố và hơn 5,9 triệu văn bản điện tử được gửi và nhận qua trục liên thông của Thành phố. Tổ chức Chuyển đổi số và hệ thống nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của thành phố và ban hành Quyết định số 2393/QD-UBND ngày 06 tháng 7 năm 2020 về phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số của Thành phố Hồ Chí Minh.

Thành phố đã triển khai nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu Thành phố (LGSP) có các dịch vụ dùng chung để chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin của các cơ quan, đơn vị tại Thành phố và kết nối các hệ thống thông tin trong nội bộ của Thành phố với các hệ thống bên ngoài; mô hình kết nối của LGSP theo Kiến trúc Chính quyền điện tử Thành phố phù hợp Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam. Tổng hợp và nắm bắt kịp thời, đầy đủ nội dung thông tin lan truyền trên mạng xã hội quốc tế như: Facebook, Blogspot,... và các trang mạng xã hội trong nước nhằm nắm bắt, tổng hợp và phân tích nội dung thông tin trên mạng Internet để tham mưu định hướng, cung cấp các thông tin chính thống cho các cơ quan báo chí.

[...]