Thứ 6, Ngày 08/11/2024

Báo cáo 75/BC-UBND về công tác chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, thu - chi ngân sách tháng 4, 4 tháng đầu năm và công tác trọng tâm tháng 5 năm 2020

Số hiệu 75/BC-UBND
Ngày ban hành 12/05/2020
Ngày có hiệu lực 12/05/2020
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Hà Phước Thắng
Lĩnh vực Thương mại,Bộ máy hành chính,Tài chính nhà nước

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 75/BC-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 12 tháng 5 năm 2020

 

BÁO CÁO

CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ, TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI, QUỐC PHÒNG - AN NINH, THU - CHI NGÂN SÁCH THÁNG 4, 4 THÁNG ĐẦU NĂM VÀ CÔNG TÁC TRỌNG TÂM THÁNG 5 NĂM 2020

I. Hoạt động chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân thành phố

1. Các phiên họp, hội nghị của Ủy ban nhân dân thành phố

Thành phố đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp đồng bộ phòng chống dịch bệnh Covid-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan Trung ương và phù hợp đặc thù của thành phố. Ban Chỉ đạo thành phố về phòng, chống dịch Covid-19 đã họp nhiều phiên và chủ động chuyển trạng thái từ họp giao ban định kỳ sang họp giao ban trực tuyến hàng ngày nhằm kịp thời chỉ đạo xử lý nhanh các vấn đề đặt ra.

Ủy ban nhân dân thành phố thành lập Tổ Công tác hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong tình hình dịch bệnh Covid-19. Ban hành và triển khai các Bộ chỉ số đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đối với các hoạt động trên địa bàn thành phố; Kế hoạch số 1455/KH-UBND ngày 21 tháng 4 năm 2020 của Ủy ban nhân dân thành phố về hỗ trợ doanh nghiệp trong và sau dịch bệnh Covid-19 từ nay đến 31 tháng 12 năm 2020, tập trung vào 04 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thành phố nhanh chóng khắc phục khó khăn, sớm ổn định sản xuất kinh doanh, qua đó góp phần duy trì ổn định kinh tế thành phố và đảm bảo an sinh xã hội.

Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo, chủ trì các cuộc họp để giải quyết công việc, các nội dung quan trọng như: họp Tổ Công tác về đầu tư; họp Tổ Đề án tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố giai đoạn 2021 - 2030; nghe báo cáo tiến độ triển khai và giải ngân các dự án thuộc Đề án Đô thị thông minh; họp Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính; họp về triển khai Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công; nghe báo cáo về bồi thường dự án Metro số 2 trên địa bàn Quận 3; họp Hội đồng thẩm định giá đất; nghe báo cáo về tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp bất động sản; họp Tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; nghe báo cáo việc điều chỉnh Quyết định số 50/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố về Chương trình kích cầu đầu tư; thăm các cá nhân có thành tích tiêu biểu trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử nhân kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2020);...

Ngoài ra, thành phố đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo quan trọng như: Hội nghị trực tuyến của Bộ Nội vụ về sơ kết 03 năm thực hiện Đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng; tọa đàm “Đồng hành cùng Doanh nghiệp khôi phục kinh tế thành phố năm 2020”; Hội nghị đánh giá kinh tế - xã hội quý 1, phương hướng trọng tâm quý 2 năm 2020 và nghe báo cáo tiến độ thực hiện 46 Chương trình, Đề án theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X; Lễ kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2020) và kỷ niệm 135 năm Ngày Quốc tế Lao động (01/5/1886 - 01/5/2020);...

2. Công tác ban hành các văn bản

Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành 05 quyết định quy phạm pháp luật, 312 quyết định hành chính, 410 công văn, 20 báo cáo, tập trung vào một số nội dung quan trọng như: quyết định ban hành Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với các các lĩnh vực, ngành nghề trên địa bàn thành phố; Quyết định về ban hành các Tiêu chuẩn văn hóa giai đoạn 2020 - 2025; Quyết định ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 45-KL/TW ngày 01 tháng 02 năm 2019 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông; Quyết định về thành lập Đội công nghệ thông tin phòng, chống dịch Covid-19 tại thành phố; báo cáo kết quả 10 năm thực hiện Quyết định số 290-QĐ/TW của Bộ Chính trị và Quyết định số 489-QĐ/TU của Ban Thường Vụ Thành ủy về ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị; báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19; kế hoạch tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ VII (giai đoạn 2015 - 2020); kế hoạch phát động thi đua cao điểm về cải cách hành chính năm 2020; công văn triển khai chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ trên địa bàn thành phố; công văn triển khai thực hiện Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ;....

II. Tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, thu chi ngân sách tháng 4, 4 tháng đầu năm 2020

1. Lĩnh vực dịch vụ

- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ: Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng ước đạt khoảng 68.457 tỷ đồng, giảm 34,2% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 14,4%). Tính chung 04 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 387.568 tỷ đồng, giảm 11,2% (cùng kỳ tăng 12,5%)[1].

+ Xuất khẩu: Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp thành phố 04 tháng đầu năm ước đạt 14,42 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 11,1%). Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, chiếm tỷ trọng 5,1% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa không tính dầu thô, tăng 61,1% so với cùng kỳ; gạo chiếm tỷ trọng 2,5% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa không tính dầu thô, tăng 25,5% so với cùng kỳ; hàng rau quả tăng 57,4% so với cùng kỳ; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng tăng 10,6% so với cùng kỳ; túi xách, ví, vali, mũ và ô dù tăng 8,8% so với cùng kỳ...

+ Nhập khẩu: Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn 04 tháng ước đạt 16,08 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 5,7%). Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, chiếm tỷ trọng 31,2% kim ngạch nhập khẩu hàng hóa, tăng 62,6% so với cùng kỳ; ô tô nguyên chiếc các loại tăng 23% so với cùng kỳ; sản phẩm hóa chất tăng 16,1% so với cùng kỳ, hàng hóa khác tăng 7,2% so với cùng kỳ...

- Du lịch:

Thành phố đã thành lập Tổ công tác phản ứng nhanh về phòng, chống dịch Covid-19[2] trong lĩnh vực du lịch. Bên cạnh đó, thành phố đã phát hành 188.100 cuốn cẩm nang phòng, chống dịch bệnh Covid-19 gửi các doanh nghiệp lữ hành, doanh nghiệp kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch, Ủy ban nhân dân quận - huyện. Ngành du lịch thành phố đã triển khai phát miễn phí khẩu trang cho người dân, doanh nghiệp và du khách.

Trước tác động của dịch bệnh, lượng khách đăng ký các chương trình du lịch giảm mạnh, doanh thu của các doanh nghiệp du lịch bị ảnh hưởng nặng nề và giảm mạnh so với cùng kỳ. Thành phố đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh về việc cung cấp thông tin doanh nghiệp du lịch vay vốn bị thiệt hại do dịch bệnh Covid-19 gây ra và cần sự hỗ trợ của ngân hàng trong việc vay vốn để tháo gỡ những khó khăn.

Để ứng phó với tác động của dịch bệnh Covid-19, ngành du lịch thành phố tham mưu thành phố kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ ngành Trung ương các nội dung có liên quan về hỗ trợ doanh nghiệp du lịch. Tiến hành kiểm tra các cơ sở lưu trú du lịch từ 3-5 sao về thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tổ chức tọa đàm “Chuẩn bị hoạt động du lịch an toàn khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát” với sự tham dự của lãnh đạo các doanh nghiệp lữ hành, doanh nghiệp kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch, các doanh nghiệp vận chuyển du lịch và các điểm tham quan du lịch, khu du lịch.

Về khách quốc tế: trong tháng 04/2020, khách quốc tế mới đến Thành phố Hồ Chí Minh là 0 lượt, giảm 100% so cùng kỳ năm 2019 (tháng 4/2019 là 679.579 lượt). Tổng 4 tháng đạt 1.303.750 lượt, giảm 55,62% so với cùng kỳ (4 tháng 2019 là 2.937.573 lượt), đạt 14,49% kế hoạch năm 2020. số khách du lịch còn lưu trú trên địa bàn thành phố đến tháng 4 là 3.087 khách. Doanh thu du lịch tháng 04/2020 ước đạt 515 tỷ đồng, giảm 95,3% so với cùng kỳ năm 2019 (tháng 4/2019 là 10.900 tỷ). Tổng 4 tháng ước đạt 26.106 tỷ đồng, giảm 42,6% so với cùng kỳ (4 tháng 2019 là 45.502 tỷ đồng), đạt 17,7% so với kế hoạch năm.

- Dịch vụ vận tải:

Khối lượng vận tải hành khách công cộng trong quý 1 năm 2020 đạt 77,4 triệu lượt, giảm 48,6% so với cùng kỳ, đạt 11% so với kế hoạch cả năm 2020 (695,2 triệu lượt). Kể từ ngày 01 tháng 4 năm 2020 đến hết ngày 23 tháng 4 năm 2020, toàn bộ hoạt động vận tải khách theo tuyến cố định liên tỉnh, vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt (nội tỉnh và liên tỉnh), xe taxi, xe hợp đồng (bao gồm xe hợp đồng dưới 9 chỗ ứng dụng công nghệ), xe du lịch (trừ trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ và các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất) tạm ngưng hoạt động.

Số lượt vận tải hành khách bằng đường thủy trong 4 tháng năm 2020 đạt 9,6 triệu lượt, giảm 19,5% so với cùng kỳ (cùng kỳ là 11,92 triệu lượt). Sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển trong 4 tháng đầu năm 2020 là 44,55 triệu tấn tăng 11,40 % so với cùng kỳ (39,99 triệu tấn)[3]. Sản lượng hàng hóa được kiểm soát thông qua các cảng, bến thủy nội địa trong 04 tháng đầu năm 2020 đạt 11,05 triệu tấn, tăng 17,93% so với cùng kỳ (9,37 triệu tấn)[4].

- Bưu chính viễn thông: Đã cấp hơn 24.600 hộp thư cho các đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức của các Sở - ngành, quận - huyện, phường - xã - thị trấn và các cơ quan báo chí, tổng công ty trên địa bàn thành phố. Liên thông kết nối 800 đơn vị trên địa bàn thành phố và hơn 5,2 triệu văn bản điện tử được gửi và nhận qua trục liên thông của thành phố.

Thực hiện hệ thống dịch vụ công với 04 thủ tục[5] tại Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi, Quận 9 và Quận Tân Phú và 09 phường - xã của đơn vị tại địa chỉ https://dvc.hochiminhcity.gov.vn. Triển khai nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu thành phố (LGSP) có các dịch vụ dùng chung để chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin của các cơ quan, đơn vị tại thành phố, đóng vai trò trung gian phục vụ kết nối các hệ thống thông tin trong nội bộ với các hệ thống bên ngoài. Mô hình kết nối của LGSP theo kiến trúc chính quyền điện tử thành phố phù hợp khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam. Tổng hợp và nắm bắt kịp thời, đầy đủ nội dung thông tin lan truyền trên mạng xã hội quốc tế như: Facebook, Blogspot,... và các trang mạng xã hội trong nước nhằm nắm bắt, tổng hợp và phân tích nội dung thông tin trên mạng Internet để tham mưu định hướng, cung cấp các thông tin chính thống cho các cơ quan báo chí.

- Hoạt động ngân hàng:

Hoạt động ngân hàng trên địa bàn thành phố nhìn chung ổn định. Các hoạt động chính như huy động, cho vay và dịch vụ ngân hàng đều duy trì hoạt động và tăng trưởng nhẹ so với cuối năm trước, đặc biệt ngành ngân hàng trên địa bàn quan tâm triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19. Triển khai hiệu quả Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13 tháng 3 năm 2020 của Ngân hàng nhà nước quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 và Chỉ thị 02/CT-NHNN ngày 31 tháng 3 năm 2020 của Ngân hàng nhà nước về các giải pháp cấp bách của ngành ngân hàng nhằm tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19.

+ Tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đến cuối tháng 4 đạt 2.550.000 tỷ đồng, tăng 0,12% so cuối năm 2019. Trong đó, tiền gửi VNĐ tiếp tục tăng trưởng và chiếm tỷ trọng cao trong tổng nguồn vốn huy động, chiếm gần 87% tổng nguồn vốn huy động[6].

[...]