Báo cáo 141/BC-UBND năm 2012 về kết quả thực hiện Quyết định 858/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án Đổi mới công tác tiếp công dân do thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 141/BC-UBND
Ngày ban hành 27/09/2012
Ngày có hiệu lực 27/09/2012
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Lê Minh Trí
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 141/BC-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 27 tháng 9 năm 2012

 

BÁO CÁO

KẾT QUẢ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 858/QĐ-TTG NGÀY 14 THÁNG 6 NĂM 2010 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN ĐỔI MỚI CÔNG TÁC TIẾP CÔNG DÂN

Thực hiện Công văn số 426/C.III-TCD ngày 07 tháng 9 năm 2012 của Cục Giải quyết Khiếu nại, tố cáo và Thanh tra khu vực 3 về kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 858/QĐ-TTg ngày 14 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Đổi mới công tác tiếp công dân (Đề án 858), Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh báo cáo kết quả như sau:

I. NHẬN THỨC, TRÁCH NHIỆM CỦA CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN CÁC CẤP, THỦ TRƯỞNG CÁC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC VỀ TIẾP CÔNG DÂN GẮN VỚI GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO:

Về nhận thức, các cấp ủy Đảng và chính quyền trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đều nhận thức sâu sắc mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả chỉ đạo công tác tiếp công dân gắn với giải quyết khiếu nại, tố cáo và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và cần tập trung chỉ đạo; coi hiệu quả tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là một tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá năng lực, hiệu quả công tác của cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức có trách nhiệm; quán triệt triển khai đến các cấp ủy Đảng và cán bộ, công chức thực hiện nghiêm các văn bản của Trung ương, Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo nhằm chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo trong lĩnh vực này.

Công tác triển khai được tổ chức thực hiện dưới nhiều hình thức như ban hành các văn bản chỉ đạo các tổ chức cơ sở Đảng, chính quyền, đoàn thể, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; mở Hội nghị quán triệt nội dung các văn bản trên đến từng cán bộ chủ chốt, xây dựng các chương trình, kế hoạch với nhiều nội dung như: đào tạo nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đề án tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật, kế hoạch phòng chống và xử lý các trường hợp khiếu kiện đông người, kế hoạch xử lý các vấn đề liên quan đến xây dựng các khu công nghiệp, đô thị nhằm hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo... Song song đó, kết hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khiếu nại, tố cáo bằng nhiều hình thức như tuyên truyền miệng, in ấn tài liệu cấp phát miễn phí, phối hợp với Đài phát thanh, truyền hình thực hiện các chương trình tuyên truyền.

Thực hiện chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ và để tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố đã có nhiều văn bản giao Thủ trưởng các cơ quan: Thanh tra thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Văn phòng Tiếp công dân thành phố và Ủy ban nhân dân các quận-huyện nâng cao trách nhiệm tham mưu, giải quyết triệt để ngay từ nơi phát sinh các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, không để kéo dài phức tạp... hạn chế không để phát sinh “điểm nóng”. Trong quá trình giải quyết khiếu nại, nếu có khó khăn vướng mắc, Lãnh đạo các đơn vị có báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố, trường hợp cần thiết xin ý kiến chỉ đạo của Thường trực Thành ủy; huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò của các Đoàn thể quần chúng tham gia vào việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của từng đơn vị nói riêng và Ủy ban nhân dân thành phố nói chung.

Qua đó, Thủ trưởng các sở-ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp đã thực hiện nghiêm túc chế độ tiếp công dân theo quy định, quan tâm và dành thời gian thích đáng để trực tiếp đối thoại với nhân dân, kịp thời giải quyết đúng chính sách, pháp luật những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân.

II. PHƯƠNG ÁN TRIỂN KHAI THỰC HIỆN:

Căn cứ Quyết định số 858/QĐ-TTg ngày 14 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Đổi mới công tác tiếp công dân và ý kiến của Thanh tra Chính phủ tại Văn bản số 1844/TTCP-VP ngày 29 tháng 6 năm 2010 về triển khai thực hiện Đề án Đổi mới công tác tiếp công dân; Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng Kế hoạch tổ chức thực hiện Đề án đổi mới công tác tiếp công dân trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh (ban hành kèm theo Quyết định số 3764/QĐ-UBND ngày 25 tháng 8 năm 2010).

Theo đó, Ủy ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo Thủ trưởng các sở-ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp cần nâng cao chất lượng tiếp công dân, bố trí thời gian hợp lý, duy trì lịch tiếp công dân định kỳ; bố trí cán bộ, công chức thực hiện việc tiếp công dân thường xuyên theo quy định của pháp luật. Việc tiếp công dân phải gắn với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Trường hợp có khiếu nại, tố cáo đông người, gay gắt, phức tạp, kéo dài thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, Thủ trưởng các sở-ngành phải thực hiện việc tiếp công dân, có biện pháp chỉ đạo giải quyết kịp thời, không để phát sinh thành “điểm nóng”, gây mất an ninh, trật tự an toàn xã hội. Đồng thời, Ủy ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo thành lập Tổ công tác (gồm đại diện Văn phòng Tiếp công dân thành phố, Thanh tra thành phố, Sở Nội vụ và Sở Tư pháp) để khảo sát, rà soát, đánh giá hiện trạng mô hình tiếp công dân các cấp, qua đó đề xuất xây dựng mô hình tổ chức và hoạt động của tổ chức tiếp công dân các cấp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh phù hợp và hiệu quả.

Trên cơ sở kết quả khảo sát, Tổ công tác đã dự thảo, trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quyết định số 4830/QĐ-UBND ngày 18 tháng 9 năm 2012 về Đề án Kiện toàn tổ chức, hoạt động của cơ quan tiếp công dân các cấp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

III. KẾT QUẢ TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐỀ ÁN:

1. Về mô hình tổ chức:

1.1. Cấp xã:

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phân công công chức Tư pháp - Hộ tịch kiêm nhiệm phụ trách công tác tiếp công dân. Tùy vào đặc điểm tình hình của địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phân công nhiệm vụ cụ thể, thời gian trực và giải quyết kiến nghị của công dân của công chức Tư pháp - Hộ tịch, đảm bảo theo Quy chế tiếp công dân do Ủy ban nhân dân thành phố ban hành.

1.2. Cấp huyện:

a) Về mô hình tổ chức:

Tiếp tục duy trì mô hình “Tổ Tiếp công dân” trực thuộc Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp huyện theo Quyết định số 14/2010/QĐ-UBND ngày 17 tháng 3 năm 2010 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quy chế (mẫu) về tổ chức và hoạt động của Văn phòng Ủy ban nhân dân quận, huyện.

b) Biên chế và hoạt động:

Tổ Tiếp công dân có biên chế từ 03 đến 05 cán bộ chuyên trách (tùy theo tình hình thực tế ở địa phương - mật độ dân số và mật độ dự án có thu hồi đất).

Tổ Tiếp công dân do Chánh Văn phòng hoặc Phó Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp huyện phụ trách chung (tùy theo sự phân công của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện), chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.

c) Chức năng:

Tổ Tiếp công dân có trách nhiệm tham mưu, giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức tiếp công dân để giải quyết các yêu cầu, kiến nghị, phản ánh, các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo của công dân theo quy định của pháp luật.

1.3. Đối với các sở và cơ quan tương đương sở thuộc Ủy ban nhân dân thành phố:

a) Về mô hình tổ chức:

- Đối với Thanh tra thành phố: Giữ nguyên Phòng Tiếp công dân và xử lý đơn như hiện nay (theo Điểm c, Khoản 1, Điều 7 Quyết định số 96/2009/QĐ-UBND ngày 21 tháng 12 năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Thanh tra thành phố Hồ Chí Minh).

- Đối với các Ban trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố: Bố trí công chức kiêm nhiệm làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn.

[...]