Báo cáo 13363/BC-VPCP về tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết 19-2017/NQ-CP năm 2017 do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 13363/BC-VPCP
Ngày ban hành 14/12/2017
Ngày có hiệu lực 14/12/2017
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Mai Tiến Dũng
Lĩnh vực Thương mại

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 13363/BC-VPCP

Hà Nội, ngày 14 tháng 12 năm 2017

 

BÁO CÁO

TÌNH HÌNH, KẾT QUẢ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 19-2017/NQ-CP CỦA VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ NĂM 2017

Thực hiện điểm g, khoản 1 mục III Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020, Văn phòng Chính phủ báo cáo tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP trong năm 2017 như sau:

I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ TRONG NĂM 2017

Thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP, ngày 28 tháng 02 năm 2017, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động của Văn phòng Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP1. Kế hoạch ban hành đảm bảo nguyên tắc xác định rõ các công việc cụ thể, thời hạn hoàn thành và trách nhiệm của các đơn vị, đồng thời đã giao lãnh đạo các đơn vị trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động nghiên cứu các nội dung của Nghị quyết 19-2017/NQ-CP và Kế hoạch hành động để triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.

1. Các nhiệm vụ liên quan đến cải cách, kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC)

- Để tạo khuôn khổ pháp lý cho tổ chức và hoạt động của hệ thống cơ quan, đơn vị làm công tác kiểm soát TTHC, Thủ tướng Chính phủ giao Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát TTHC. Văn phòng Chính phủ đã chủ trì xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 92/2017/NĐ-CP ngày 07 tháng 8 năm 2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát TTHC. Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 92/2017/NĐ-CP, Văn phòng Chính phủ đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo về việc quán triệt, tổ chức thi hành Nghị định2, trong đó đáng lưu ý là việc tổ chức lại phòng Kiểm soát TTHC thuộc Văn phòng bộ, cơ quan ngang bộ, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Văn phòng Chính phủ đã xây dựng và Bộ trưởng, Chủ nhiệm đã ban hành Thông tư số 02/2017/TT-VPCP ngày 31 tháng 10 năm 2017 hướng dẫn về nghiệp vụ kiểm soát TTHC; đã tổ chức 04 Hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác cải cách, kiểm soát TTHC cho tất cả các bộ, ngành, địa phương để thuận lợi trong triển khai thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới.

Đối với Nghị định về cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, Văn phòng Chính phủ đã nghiên cứu, xây dựng dự thảo, tổ chức khảo sát3, hội thảo4 lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Nghị định. Dự thảo Nghị định đã lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương và đã được Bộ Tư pháp tổ chức thẩm định. Văn phòng Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu, thực hiện việc tiếp thu, giải trình, hoàn thiện Nghị định để trình Chính phủ trong tháng 12 năm 2017.

- Với vai trò là cơ quan kiểm soát TTHC, Văn phòng Chính phủ đã thực hiện kiểm soát chặt chẽ quy định về TTHC trong quá trình thẩm tra, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định TTHC theo hướng đơn giản hóa, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đồng thời đảm bảo mục tiêu quản lý nhà nước. Cùng với đó, Văn phòng Chính phủ đã thẩm tra, trình Chính phủ ban hành 17 Nghị quyết về đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân5 liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý của các bộ, ngành.

- Về Danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản6 đề nghị các bộ, ngành, địa phương báo cáo tình hình thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 năm 2016 và đăng ký danh mục thực hiện năm 2017. Đã tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức rà soát mức độ đáp ứng các tiêu chí áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đối với các TTHC do bộ, ngành, địa phương đề xuất trước khi trình lãnh đạo Chính phủ. Ngày 09 tháng 6 năm 2017, Lãnh đạo Chính phủ đã ký Quyết định ban hành Danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 thực hiện tại các bộ, ngành, địa phương năm 20177. Theo đó, tại các bộ, ngành có 354 TTHC, tại các địa phương có 353 TTHC ở các địa phương triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (nhiều hơn so với con số 112 TTHC ở các bộ, ngành và tổng số 8.215 TTHC thực hiện ở các địa phương năm 2016). Căn cứ danh mục này, một số bộ, ngành, địa phương bước đầu đã triển khai tích cực các dịch vụ công trực tuyến, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC.

- Thực hiện nhiệm vụ nâng cao hiệu quả hoạt động của diễn đàn tiếp nhận các ý kiến phản biện chính sách của doanh nghiệp và người dân tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ:

Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp tại địa chỉ http://doanhnghiep.chinhphu.vn và Hệ thống tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân tại địa chỉ http://nguoidan.chinhphu.vn tiếp tục được vận hành một cách hiệu quả. Thực hiện Quy chế tiếp nhận, xử lý và trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và Quy chế tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính tại Văn phòng Chính phủ, về cơ bản việc tiếp nhận, phân loại, chuyển và đôn đốc các bộ, ngành, địa phương xử lý phản ánh, kiến nghị đã được Văn phòng Chính phủ thực hiện tốt. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác này, ngày 12 tháng 9 năm 2017, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức tập huấn trực tuyến cho các bộ, ngành, địa phương về nghiệp vụ trả lời phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, người dân thông qua 02 Hệ thống nêu trên.

Tính đến ngày 08 tháng 12 năm 2017, Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp đã tiếp nhận 1.029 phản ánh, kiến nghị; trong đó Văn phòng Chính phủ đã chuyển các bộ, ngành, địa phương xử lý 945 kiến nghị và các bộ, ngành, địa phương đã trả lời đối với 827 kiến nghị; Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của người dân (bắt đầu vận hành từ ngày 03 tháng 4 năm 2017) đã tiếp nhận 884 phản ánh, kiến nghị thuộc phạm vi xem xét, xử lý; trong đó Văn phòng Chính phủ đã chuyển các bộ, ngành, địa phương xử lý 497 kiến nghị và đang xem xét, đề nghị người dân bổ sung thông tin đối với 387 kiến nghị. Các bộ, ngành, địa phương đã trả lời đối với 326 kiến nghị. Các ý kiến trả lời doanh nghiệp, người dân đều được đăng tải công khai trên Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ.

2. Thường trực, giúp Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ (Hội đồng) thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 19-2017/NQ-CP

Văn phòng Chính phủ đã trình Thủ tướng Chính phủ kiện toàn cơ cấu tổ chức, các cơ quan thành viên Hội đồng; giúp Lãnh đạo Hội đồng xây dựng, ban hành Kế hoạch hoạt động năm 2017; đã tham mưu để Chủ tịch Hội đồng báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) của Hội đồng, bổ sung một số thành viên của Hội đồng. Đã chuẩn bị tốt cho buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ với Hội đồng vào ngày 16 tháng 8 năm 2017, đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng và thông báo ý kiến của Thủ tướng tại buổi làm việc để các cơ quan thành viên triển khai thực hiện.

Thực hiện nhiệm vụ xây dựng tiêu chí đánh giá việc thực hiện cải cách TTHC, Văn phòng Chính phủ đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, chuyên gia và thành viên Hội đồng nghiên cứu xây dựng dự thảo Đề án “Xây dựng và công bố Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ TTHC”. Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng đã phê duyệt Đề án để triển khai thực hiện8. Theo đó, Đề án sẽ lựa chọn 82 TTHC liên quan đến chỉ số cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia, có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp để đánh giá, đo lường chi phí tuân thủ TTHC.

Thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch, các thành viên Hội đồng đã tổ chức nghiên cứu một số sáng kiến như: “Liên thông các TTHC: khai tử - xóa đăng ký thường trú”; “Cải cách, đơn giản hóa chế độ báo cáo của doanh nghiệp”; đề xuất một số giải pháp cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp để Bộ trưởng Chủ nhiệm, Chủ tịch Hội đồng báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 năm 2017; phối hợp với Liên minh tạo thuận lợi hóa thương mại toàn cầu GAFT và Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam triển khai nghiên cứu bước đầu, đề xuất và Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý9 giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Hội đồng nghiên cứu, áp dụng Hệ thống bảo lãnh thông quan tại Việt Nam. Hội đồng đã tham gia cùng GAFT trong “chuỗi” các hoạt động nghiên cứu, trao đổi về tính khả thi của sáng kiến và đang tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét, giao Bộ Tài chính xây dựng Đề án thí điểm ứng dụng Hệ thống bảo lãnh thông quan tại Việt Nam, trình Chính phủ phê duyệt trong quý III năm 2018. Sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương, thời gian tới Hội đồng sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu sâu hơn về việc triển khai sáng kiến tại Việt Nam.

Đã giúp Lãnh đạo Hội đồng tổ chức 03 Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp10 để tổng hợp các vướng mắc, xử lý các phản ánh và kiến nghị về khó khăn trong hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh và đề nghị các bộ, ngành liên quan xem xét, xử lý.

3. Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP

a) Về phổ biến, triển khai Nghị quyết

Ngày 10 tháng 3 năm 2017, Văn phòng Chính phủ đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị Triển khai Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP tại Hà Nội do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì, với sự tham dự của đại diện các bộ, ngành, địa phương và đông đảo cộng đồng doanh nghiệp.

b) Về tiếp nhận, giải quyết khó khăn, vướng mắc của các bộ, ngành trong quá trình thực hiện Nghị quyết

Văn phòng Chính phủ đã lấy ý kiến các bộ, ngành, cơ quan liên quan, báo cáo Lãnh đạo Chính phủ về ý kiến đề xuất của Bộ Quốc phòng11, Bộ Công Thương12, Tập đoàn Điện lực Việt Nam13, Bộ Kế hoạch và Đầu tư14... đối với việc thực hiện nhiệm vụ cụ thể được giao tại Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP; đã có văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ về các đề xuất này để các bộ, cơ quan triển khai thực hiện.

c) Về tổ chức đối thoại chính sách để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị Triển khai Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP, ngày 13 tháng 3 năm 2017, Văn phòng Chính phủ đã phối hợp với Bộ Y tế tổ chức đối thoại với Hiệp hội Sữa Việt Nam, các doanh nghiệp sữa về phản ánh, kiến nghị về các khó khăn, vướng mắc quy định tại khoản 1 điều 6 Nghị định số 09/2016/NĐ-CP về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm; ngày 13 tháng 5 năm 2017, đã phối hợp với các Bộ: Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính cùng một số bộ, ngành tổ chức đối thoại về khó khăn, vướng mắc của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam liên quan tới các quy định về hợp chuẩn hợp quy và chuẩn an toàn thực phẩm, xử lý chất thải rắn, xử lý nước thải, bùn thải trong nhà máy chế biến thủy sản, phí... Qua đối thoại, về cơ bản các vướng mắc của doanh nghiệp đã được các bộ, ngành ghi nhận để xem xét, sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Ngày 08 tháng 9 năm 2017, đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức đối thoại do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì với các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp về sửa đổi, bổ sung Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm. Đã quyết định phương hướng sửa đổi Nghị định số 38/2012/NĐ-CP theo đó chuyển sang hậu kiểm đối với thực phẩm thông thường, chỉ kiểm tra, xác nhận công bố phù hợp an toàn thực phẩm đối với thực phẩm có nguy cơ mất an toàn cao như thực phẩm bảo vệ sức khỏe, dinh dưỡng cho trẻ em và phụ gia thực phẩm, đẩy mạnh áp dụng phương thức quản lý rủi ro trong kiểm tra chuyên ngành và đơn giản hóa một số TTHC cho phù hợp với yêu cầu quản lý, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

d) Về kiểm tra tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP

[...]