Báo cáo 132/BC-BTP về công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 do Bộ Tư pháp ban hành

Số hiệu 132/BC-BTP
Ngày ban hành 16/05/2023
Ngày có hiệu lực 16/05/2023
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Bộ Tư pháp
Người ký Nguyễn Thanh Tịnh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ TƯ PHÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 132/BC-BTP

Hà Nội, ngày 16 tháng 5 năm 2023

 

BÁO CÁO

CÔNG TÁC KIỂM TRA, RÀ SOÁT, HỆ THỐNG HÓA VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT NĂM 2022 VÀ PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ NĂM 2023

Kính gửi:

- Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang;
- Đồng kính gửi: Thủ tướng Chính phủ.

Thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), trên cơ sở theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra và tổng hợp báo cáo của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL trong năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 như sau:

PHẦN THỨ NHẤT

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN

I. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, HƯỚNG DẪN, KIỂM TRA VIỆC THỰC HIỆN

Trên cơ sở quán triệt, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ về yêu cầu, nhiệm vụ nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành văn bản QPPL, hoàn thiện hệ thống pháp luật gắn với nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật nhằm đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả với các thách thức, khó khăn của tình hình thế giới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong năm 2022, Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai thực hiện công tác kiểm tra, rà soát văn bản QPPL, trong đó tập trung vào các nội dung sau:

1. Chú trọng, nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm tra, rà soát văn bản QPPL gắn với nhiệm vụ trọng tâm xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và việc thực hiện nhiệm vụ rà soát hệ thống pháp luật, đề xuất sửa đổi, hoàn thiện văn bản QPPL thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phục vụ phát hiện đất nước.

Quán triệt, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 43/CT-TTg ngày 11/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật; Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị của Chính phủ về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế1, Công văn số 301/TTg-PL ngày 06/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về công tác xây dựng thể chế, pháp luật; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật.

2. Thực hiện đúng quy định về thẩm quyền, trách nhiệm trong công tác kiểm tra, rà soát, xử lý văn bản QPPL. Chú trọng kiểm tra, rà soát văn bản QPPL theo lĩnh vực, địa bàn gắn với yêu cầu, giải pháp của Chính phủ về chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và yêu cầu quản lý ngành, lĩnh vực; kịp thời phát hiện để xử lý các quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp thực tiễn, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sự phát triển.

Xử lý kịp thời văn bản có quy định trái pháp luật đã được phát hiện, kết luận, nhất là những quy định có tác động tiêu cực đến việc thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, tổ chức, doanh nghiệp.

3. Tham mưu tổ chức thực hiện hiệu quả nhiệm vụ Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản QPPL để phát hiện, xử lý các vướng mắc, bất cập của hệ thống pháp luật, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong xây dựng pháp luật. Tập trung thực hiện việc xử lý văn bản đã rà soát trong các năm 2020 và năm 20212 gắn với việc nghiên cứu, đề xuất, ban hành kế hoạch để sửa đổi, bổ sung, đề xuất ban hành mới các văn bản chưa có trong chương trình, kế hoạch xây dựng văn bản của cơ quan có thẩm quyền theo Quyết định số 2114/QĐ-TTg ngày 16/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

4. Rà soát, nghiên cứu, xây dựng Thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 122/2011/TTLT-BTC-BTP ngày 17/8/2011 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL để phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu nhiệm vụ3.

5. Trong năm 2022, Bộ Tư pháp đã ban hành văn bản gửi Vụ Pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ và Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để đề nghị, hướng dẫn tham mưu, báo cáo Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quan tâm tăng cường chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý văn bản QPPL tại bộ, ngành, địa phương4.

Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ tổ chức các Đoàn công tác liên ngành kiểm tra tình hình thực hiện công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL tại 01 Bộ (Bộ Quốc phòng) và 05 địa phương (Quảng Ninh, An Giang, Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai); tổ chức các Đoàn công tác kiểm tra văn bản theo địa bàn tại 05 địa phương (Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Giang).

II. KẾT QUẢ CÔNG TÁC KIỂM TRA VĂN BẢN QPPL

1. Kết quả kiểm tra văn bản theo thẩm quyền

Năm 2022, các bộ, cơ quan ngang bộ (gồm cả Bộ Tư pháp) và địa phương đã thực hiện kiểm tra theo thẩm quyền đối với 12.764 văn bản QPPL (giảm 469 văn bản so với năm 2021), cụ thể: Các bộ, cơ quan ngang bộ kiểm tra 8.694 văn bản (trong đó có 6.559 văn bản ban hành trong năm 2022); các địa phương kiểm tra 4.070 văn bản (gồm 2.889 văn bản cấp huyện, 1.181 văn bản cấp xã; trong đó có 3.197 văn bản ban hành trong năm 2022). Kết quả cả nước đã phát hiện và kết luận đối với 477 văn bản, gồm 376 văn bản QPPL có quy định trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền ban hành (trong đó có 135 văn bản ban hành trong năm 2022) và 101 văn bản không phải là văn bản QPPL nhưng có chứa QPPL. Số văn bản trái pháp luật được phát hiện, kết luận tăng 172 văn bản so với năm 20215.

Về kết quả xử lý văn bản: Tính đến ngày 31/12/2022, cả nước đã xử lý được 368/477 văn bản QPPL trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền và văn bản không phải là văn bản QPPL nhưng có chứa QPPL (77.14%, tăng 10.91% so với năm 2021)6.

(Chi tiết tại Phụ lục I kèm theo Báo cáo)

Trong đó, riêng Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra văn bản QPPL) đã tiến hành kiểm tra theo thẩm quyền đối với 5.368 văn bản (gồm 614 văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ; 4.754 văn bản của HĐND và UBND cấp tỉnh, trong đó có 3.582 văn bản ban hành trong năm 2022). Qua kiểm tra đã phát hiện, kết luận, kiến nghị xử lý đối với 200 văn bản (gồm 162 văn bản QPPL có quy định trái pháp luật về thẩm quyền, nội dung và 38 văn bản không phải là văn bản QPPL nhưng có chứa QPPL; trong đó có 20 văn bản ban hành trong năm 2022), gồm 22 văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ; 178 văn bản của của HĐND và UBND cấp tỉnh. Tính đến 28/4/2023, có 156/200 văn bản đã được cơ quan ban hành xử lý; ngoài ra, trên cơ sở đôn đốc, theo dõi của Bộ Tư pháp, toàn bộ văn bản có quy định trái pháp luật do Bộ Tư pháp kết luận trước năm 2022 đã được cơ quan ban hành xử lý. Các văn bản được phát hiện, kết luận trong năm 2022 nhưng chưa được xử lý đang được Bộ Tư pháp theo dõi, đôn đốc, phối hợp với cơ quan ban hành xử lý theo đúng quy định.

2. Tình hình xử lý văn bản có quy định trái pháp luật theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh (tại Công văn số 3590/VPCP-PL ngày 09/6/2022 của Văn phòng Chính phủ “V/v báo cáo công tác kiểm tra, rà soát hệ thống hóa văn bản QPPL năm 2021”)

Tổng số văn bản cần xử lý theo chỉ đạo là 03 văn bản. Trên cơ sở theo dõi, đôn đốc của Bộ Tư pháp, cả 03 văn bản đã được cơ quan ban hành xử lý, cụ thể như sau:

- Thông tư số 53/2020/TT-BCT ngày 31/12/2020 của Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 57/2018/TT-BCT ngày 26 tháng 12 năm 2018 quy định chi tiết một số điều của các Nghị định liên quan đến kinh doanh thuốc lá:

Đã được Bộ Công Thương bãi bỏ bằng Thông tư số 30/2022/TT-BCT ngày 04/11/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 57/2018/TT-BCT ngày 26 tháng 12 năm 2018 quy định chi tiết một số điều của các Nghị định liên quan đến kinh doanh thuốc lá.

- Quyết định số 23/2019/QĐ-UBND ngày 04/6/2019 của UBND tỉnh Bình Định ban hành quy định chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn Khu kinh tế Nhơn Hội, tỉnh Bình Định:

Đã được UBND tỉnh Bình Định sửa đổi, bổ sung bằng Quyết định số 09/2022/QĐ-UBND ngày 29/3/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định kèm theo Quyết định số 23/2019/QĐ-UBND ngày 04/6/2019 của UBND tỉnh ban hành chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh.

[...]