Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Báo cáo 10065/BC-VPCP năm 2023 hoàn thiện dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 10065/BC-VPCP
Ngày ban hành 25/12/2023
Ngày có hiệu lực 25/12/2023
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Trần Văn Sơn
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng,Bộ máy hành chính

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10065/BC-VPCP

Hà Nội, ngày 25 tháng 12 năm 2023

 

BÁO CÁO

VỀ VIỆC HOÀN THIỆN DỰ THẢO LUẬT CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG (SỬA ĐỔI)

Kính gửi: Chính phủ.

Ngày 21/12/2023, Ngân hàng Nhà nước có Tờ trình số 166/TTr-NHNN về việc hoàn thiện dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Thống đốc ngân hàng Nhà nước đã trình bày Tờ trình tóm tắt tại Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật. VPCP xin báo cáo Chính phủ như sau:

I. VỀ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC

1. Ngày 12/12/2023, NHNN đã có Tờ trình số 160/TTr-NHNN trình Chính phủ về việc hoàn thiện dự thảo Luật các TCTD (sửa đổi).

2. Ngày 14/12/2023, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chủ trì cuộc họp với NHNN và một số bộ ngành liên quan về việc hoàn thiện dự thảo Luật các TCTD (sửa đổi)[1]. Trên cơ sở ý kiến của Phó Thủ tướng và ý kiến của các bộ, ngành, NHNN đã rà soát hoàn thiện dự thảo Luật Các TCTD và có Tờ trình số 166/TTr-NHNN báo cáo Chính phủ.

Hiện nay, NHNN cùng các cơ quan của Chính phủ đang phối hợp làm việc với các cơ quan của Quốc hội, nghiên cứu tiếp thu ý kiến Đại biểu Quốc hội, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật. Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lấy ý kiến của Chính phủ về dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý. Đối với những vấn đề Chính phủ có ý kiến khác thì đề xuất phương án để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. VPCP nhận thấy Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thể hiện rõ tại Tờ trình số 166/TTr-NHNN và dự thảo văn bản ý kiến của Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

II. NỘI DUNG GIẢI TRÌNH, TIẾP THU, CHỈNH LÝ

NHNN báo cáo Chính phủ 16 nhóm vấn đề được giải trình, tiếp thu chỉnh lý2. VPCP nhận thấy có 06 vấn đề NHNN chưa thống nhất với các cơ quan của Quốc hội và 01 vấn đề về thẩm quyền của Thủ tướng quyết định cho vay đặc biệt có lãi suất 0%3 cần báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, cụ thể là:

1. Về điều kiện, tiêu chí can thiệp sớm:

UBKT của Quốc hội đề xuất 02 phương án đối với tiêu chí can thiệp sớm lỗ lũy kế và rút tiền hàng loạt:

a) Về tiêu chí lỗ lũy kế:

(i) Phương án 1: chỉ có tiêu chí lỗ lũy kế lớn hơn 15% vốn điều lệ, vốn được cấp và các quỹ dự trữ;

(ii) Phương án 2: gồm tiêu chí lỗ lũy kế lớn hơn 15% vốn điều lệ, vốn được cấp và các quỹ dự trữ và không vi phạm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu.

- UBKT của Quốc hội chọn Phương án 1.

- NHNN đề xuất chỉnh lý theo hướng bổ sung quy định loại trừ TCTD đã thực hiện các biện pháp khắc phục nguyên nhân dẫn đến can thiệp sớm và tuân thủ tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu. Theo đó, các TCTD có lỗ lũy kế lớn hơn 15% vốn điều lệ, vốn được cấp và các quỹ dự trữ sẽ bị áp dụng cơ chế can thiệp sớm, trừ trường hợp: (i) TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã thực hiện các biện pháp khắc phục để khắc phục được những tồn tại, yếu kém là nguyên nhân gây ra lỗ lũy kế; và (ii) TCTD đó tuân thủ quy định về an toàn vốn tối thiểu. VPCP thống nhất với Ngân hàng Nhà nước về nội dung này.

b) Về tiêu chí rút tiền hàng loạt:

(i) Phương án 1: không quy định rút tiền hàng loạt là tiêu chí đặt can thiệp sớm mà đặt vào kiểm soát đặc biệt;

(ii) Phương án 2: quy định tiêu chí can thiệp sớm là TCTD bị rút tiền hàng loạt và có báo cáo NHNN.

- UBKT lựa chọn phương án 1.

- NHNN thấy rằng cần ghi nhận việc rút tiền hàng loạt là một trong những dấu hiệu để xem xét, áp dụng cơ chế can thiệp sớm TCTD. VPCP thống nhất với Ngân hàng Nhà nước về nội dung này.

2. Về các cơ chế hỗ trợ áp dụng đối với TCTD can thiệp sớm

- UBKT có ý kiến về việc hoàn thiện nội dung về can thiệp sớm trên cơ sở các biện pháp tự thân của TCTD, không sử dụng nguồn lực của Nhà nước, không có sự tham gia hỗ trợ từ các TCTD khác để tránh tác động lan truyền. Trường hợp cần thiết, cần phân định mức độ và chuyển tiếp của từng giai đoạn để có biện pháp phù hợp.

- NHNN thống nhất bỏ các biện pháp hỗ trợ về tài chính như cho vay đặc biệt, không phải thực hiện dự trữ bắt buộc, không phải đóng phí BHTG... Tuy nhiên, NHNN đề xuất vẫn cần áp dụng can thiệp sớm vì trong một số trường hợp nếu chỉ áp dụng biện pháp tự thân từ TCTD mà không có biện pháp hỗ trợ khác thì phương án khắc phục TCTD khó khả thi, không đem lại hiệu quả phục hồi TCTD, có thể dẫn đến rủi ro lớn hơn. VPCP thống nhất với Ngân hàng Nhà nước về nội dung này.

3. Về kiểm soát đặc biệt

- UBKT đề xuất hai phương án đối với trường hợp đặt TCTD vào kiểm soát đặc biệt.

- Về nội dung này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã có ý kiến: “Về kiểm soát đặc biệt, NHNN cần đưa ra giải pháp xử lý phù hợp từ sớm, phải có phương án xử lý đối với trường hợp can thiệp sớm mà không có hiệu quả thì phải đưa vào kiểm soát đặc biệt.” và nghiên cứu tiếp thu, giải trình rõ, thuyết phục “Việc chuyển tiếp giữa giai đoạn can thiệp sớm và kiểm soát đặc biệt, trách nhiệm của NHNN”4. NHNN đã có ý kiến giải trình, phân tích kỹ từng trường hợp đặt TCTD vào kiểm soát đặc biệt tại Tờ trình số 166/TTr-NHNN. VPCP thống nhất với Ngân hàng Nhà nước.

[...]