BỘ
LAO ĐỘNG-THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
04/BC-BLĐTBXH
|
Hà
Nội, ngày 24 tháng 01 năm 2011
|
BÁO CÁO
TÌNH HÌNH THỰC HIỆN BÌNH ĐẲNG GIỚI CỦA BỘ LAO ĐỘNG-THƯƠNG
BINH VÀ XÃ HỘI VÀ TRONG PHẠM VI QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC CỦA BỘ
Kính
gửi: Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội
Thực hiện Công
văn số 2752/UBXH12 ngày 15 tháng 12 năm 2010 của Ủy ban về các vấn đề xã hội của
Quốc hội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội báo cáo về tình hình thực hiện bình
đẳng giới của Bộ và trong phạm vi trách nhiệm quản lý nhà nước từ tháng 3 năm
2009 đến hết năm 2010 với các nội dung như sau:
I.
TÌNH HÌNH THỰC HIỆN BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG PHẠM VI TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
1.
Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành chiến lược, chính sách, chương
trình, kế hoạch mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới
Thực hiện nhiệm
vụ quản lý nhà nước về bình đẳng giới theo quy định của Luật Bình đẳng giới và
Nghị định số 70/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 6 năm 2008 của Chính phủ quy định chi
tiết thi hành một số điều của Luật Bình đẳng giới, trong hai năm qua, Bộ Lao động-Thương
binh và Xã hội đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng, trình
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ:
- Ban hành Nghị
quyết số 57/NQ-CP ngày 01 tháng 12 năm 2009 về Chương trình hành động của Chính
phủ giai đoạn đến năm 2020 thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về
công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
- Ban hành Quyết
định số 2351/QĐ-TTg ngày 24 tháng 12 năm 2010 phê duyệt Chiến lược quốc gia về
bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 với mục tiêu tổng quát "Đến năm 2020,
về cơ bản, bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và
thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, góp phần vào
sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước”. Chiến lược xác định 7 mục tiêu
và 22 chỉ tiêu cụ thể trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động - việc
làm, giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa và thông tin, gia đình và nâng cao năng
lực quản lý nhà nước về bình đẳng giới. Đây là lần đầu tiên Chính phủ ban hành
các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, làm cơ sở cho việc ban hành các giải
pháp thúc đẩy bình đẳng giới.
- Theo chỉ đạo của
Chính phủ (tại Nghị quyết số 57/NQ-CP ngày 01 tháng 12 năm 2009), Bộ Lao động-Thương
binh và Xã hội đã chủ trì nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành, các
thành viên Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, các nhà khoa học
xây dựng dự thảo Chương trình mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn
2011 - 2015. Tuy nhiên, tới nay trong danh mục các Chương trình mục tiêu quốc
gia được Chính phủ, Quốc hội thông qua chưa có Chương trình mục tiêu quốc gia về
bình đẳng giới. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã trình và được Chính phủ chấp
thuận cho xây dựng Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 -
2015 và giai đoạn 2016 - 2020 (theo Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai
đoạn 2011 - 2020).
2.
Xây dựng, trình ban hành, ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật về
bình đẳng giới và các văn bản có liên quan
- Nhằm từng bước
kiện toàn về hoạt động, tổ chức của các Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp và để tạo
sự đồng bộ, thống nhất trong toàn quốc về tổ chức bộ máy vì sự tiến bộ của phụ
nữ và bình đẳng giới, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã chủ trì, phối hợp với
các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số
1855/QĐ-TTg ngày 11 tháng 11 năm 2009 về việc thành lập, kiện toàn Ban Vì sự tiến
bộ của phụ nữ ở Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện. Ngày 03 tháng 12 năm
2009, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã có công văn số 4598/LĐTBXH-BĐG hướng
dẫn triển khai thực hiện Quyết định số 1855/QĐ-TTg nêu trên. Đến nay, 61/63 tỉnh,
thành phố đã kiện toàn Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ và chuyển giao cơ quan thường
trực về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
- Để triển khai
Chương trình hành động của Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của
Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa
đất nước (ban hành kèm Nghị quyết số 57/NQ-CP ngày 01/12/2009 của Chính phủ) và
Nghị định số 48/2009/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2009 về các biện pháp bảo đảm
bình đẳng giới, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành Quyết định
số 299/QĐ-LĐTBXH ngày 04/3/2010 phê duyệt Kế hoạch thực hiện của Bộ. Bộ đã phân
công nhiệm vụ và tiến độ thực hiện cho 06 Cục, Vụ Chức năng thuộc Bộ triển khai
19 hoạt động cụ thể phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị. Bộ cũng đã
Ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch tuyên truyền pháp luật về bình đẳng
giới và Nghị quyết số 57/NQ-CP năm 2010 (kèm theo Quyết định số 603/QĐ-LĐTBXH
ngày 13/5/2010) và Kế hoạch đào tạo, tập huấn về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ
của phụ nữ năm 2010 (kèm theo Quyết định số 821/QĐ-LĐTBXH) …
3.
Lồng ghép giới trong xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật
Trong 2 năm qua,
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã hoàn thành kế hoạch xây dựng văn bản quy
phạm pháp luật, thực hiện nguyên tắc lồng ghép giới trong quá trình xây dựng
các văn bản quy phạm pháp luật của ngành, góp phần bảo vệ quyền lợi của người
lao động và các đối tượng xã hội là phụ nữ.
Bộ cũng đã tích
cực rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có nội dung liên quan đến bình đẳng
giới, như: rà soát văn bản quy phạm pháp luật về lao động đảm bảo phù hợp với mục
tiêu bình đẳng giới; đề xuất sửa đổi bổ sung Bộ Luật lao động đảm bảo phù hợp với
mục tiêu bình đẳng giới; xây dựng Báo cáo nghiên cứu đề xuất xây dựng ban hành
và văn bản hướng dẫn thực hiện các quy định khuyến khích các cơ quan, tổ chức hỗ
trợ lao động nữ khi tham gia đào tạo, mang theo con dưới ba mươi sáu tháng tuổi;
tạo điều kiện cho lao động nam nghỉ nguyên lương và phụ cấp khi sinh con; xây dựng
Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Người khuyết tật; xây dựng Kế hoạch hành động
ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng Chiến lược trẻ em Việt Nam giai đoạn
2011 - 2020; tham gia xây dựng Đề án tăng tỷ lệ nữ ứng cử đại biểu Quốc hội, đại
biểu hội đồng nhân dân khóa XIII của Bộ Nội vụ …
Đồng thời, với
vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới, Bộ đã phối hợp với các Bộ,
ngành trong việc tham gia góp ý các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản liên
quan khác, trong đó có nhiệm vụ về bình đẳng giới như thông tư của Bộ Văn hóa
Thể thao và Du lịch về hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí cho một số hoạt động
phòng chống bạo lực gia đình; dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực
hiện Luật Phòng chống bạo lực gia đình; Đề án về các chính sách đặc thù thúc đẩy
bình đẳng giới đối với đồng bào dân tộc thiểu số, …
4.
Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về bình đẳng giới
Nhằm góp phần
trang bị kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước
về bình đẳng giới, đồng thời nâng cao nhận thức của lãnh đạo, cán bộ, công chức
các cấp, các ngành về giới và bình đẳng giới, trong 2 năm 2009, 2010, Bộ Lao động-Thương
binh và Xã hội đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành và các tổ chức quốc tế nỗ
lực triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về
bình đẳng giới với một số hoạt động nổi bật sau:
a) Trong năm
2009:
- Phối hợp với tổ
chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức lớp tập huấn về "Lồng ghép giới trong
Lao động - Việc làm" cho cán bộ của một số đơn vị liên quan thuộc Bộ Lao động-Thương
binh và Xã hội và các Bộ, ngành khác. Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng thuộc Bộ
đã bước đầu đưa nội dung công tác bình đẳng giới vào tài liệu tập huấn nghiệp vụ
cho lãnh đạo và cán bộ thuộc ngành lao động - thương binh và xã hội từ cấp tỉnh
tới cấp xã; bố trí báo cáo viên giúp tổ chức tập huấn, cung cấp thông tin và hướng
dẫn về công tác bình đẳng giới cho nhiều Bộ ngành, địa phương…
- Tổ chức 5 cuộc
Tọa đàm "Các chị em của Nora" tại Hà Nội, Lào Cai, Thừa Thiên Huế, Đắk
Lắk và Tiền Giang. Đây là diễn đàn thảo luận về các quyền bình đẳng của phụ nữ
trong gia đình và lao động - việc làm trên nền tảng vở kịch "Nhà búp
bê" của tác giả kịch nổi tiếng người Na Uy. Chương trình của các cuộc Tọa
đàm này được thiết kế linh hoạt, mới mẻ, kết hợp thảo luận theo chủ đề của vở kịch
với tập huấn về Luật Bình đẳng giới, các Nghị định hướng dẫn thi hành và đi thực
tế thăm mô hình thúc đẩy bình đẳng giới ở cơ sở. Nội dung và hình thức của các
cuộc Tọa đàm đã gây ấn tượng tích cực đối với các đại biểu tham dự, đặc biệt đối
với cán bộ làm công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Cũng trong
khuôn khổ hợp tác này. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã xây dựng phóng sự
phát trên Truyền hình và phát hành tờ rơi về nội dung bình đẳng giới trong gia
đình phục vụ cho công tác tuyên truyền.
- Phối hợp với
Phái đoàn Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn tại Việt Nam (UNIICR) tổ chức Hội
thảo tập huấn về Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ
(CEDAW) nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả công tác bình đẳng giới và tiến độ của
phụ nữ cho các cán bộ làm việc trong lĩnh vực liên quan ở các tỉnh thuộc khu vực
Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là lần đầu tiên các Sở, ngành liên quan tại khu vực
này được tập huấn một cách đầy đủ và hệ thống về Công ước CEDAW và pháp luật
bình đẳng giới. Qua thảo luận, các đại biểu nhận định rằng những kiến thức và
tài liệu hữu ích mà họ thu nhận được tại lớp tập huấn sẽ góp phần nâng cao hiệu
quả công tác về bình đẳng giới và tiến bộ của phụ nữ, đồng thời sẽ sử dụng để
tuyên truyền về các nội dung này tới các đối tượng liên quan ở cơ sở.
- Tổ chức 05 lớp
tập huấn kiến thức pháp luật về bình đẳng giới và kỹ năng công tác cho thành
viên, thư ký Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ ở các Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương. Nội dung tập huấn tập trung vào việc triển khai các văn
bản hướng dẫn thi hành Luật Bình đẳng giới và Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ
Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất
nước.
- Duy trì việc cập
nhật thông tin trên website của Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt
Nam; tổ chức các cuộc họp Mạng lưới cán bộ tham mưu, tư vấn về giới hàng quý;
phát hành 04 số Bản tin Phụ nữ và Tiến bộ tiếng Việt và 02 số tiếng Anh trong 1
năm; tái bản có bổ sung, sửa đổi cuốn "Hướng dẫn lồng ghép giới trong
hoạch định và thực thi chính sách" (xuất bản lần đầu năm 2004) phù hợp
với tinh thần của Luật Bình đẳng giới;
b) Trong năm
2010:
- Phối hợp với
Quỹ phát triển Phụ nữ Liên hợp quốc (UNIFEM) tại Việt Nam tổ chức Tọa đàm 15
năm thực hiện Cương lĩnh hành động Bắc Kinh nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 với sự
tham gia của đại diện các Bộ, ngành chức năng và các tổ chức quốc tế tại Việt
Nam.
- Phát miễn phí
hơn hai chục ngàn bản với 5 đầu tài liệu tới Sở Lao động - Thương binh và Xã hội,
Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức
có liên quan, gồm: Sổ tay công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới;
Hướng dẫn lồng ghép giới trong hoạch định và thực thi chính sách; các tờ rơi về
Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ phụ nữ (UBQG), bình đẳng giới trong gia đình và
Nghị quyết số 11-NQ/TW … Đây là nguồn thông tin quan trọng giúp cho các cán bộ
làm công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ có thêm các kiến thức,
kỹ năng áp dụng trong công tác chuyên môn được giao.
- Thực hiện các
buổi thông tin chuyên đề về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ với các Bộ,
ngành, địa phương, cơ sở giáo dục … để thông qua đó, từng bước nâng cao nhận thức
về giới cho cán bộ, công chức nói riêng và cộng đồng nói chung.
- Các đơn vị chức
năng của Bộ đã tích cực lồng ghép tuyên truyền về bình đẳng giới và phòng, chống
bạo lực gia đình trong lĩnh vực chuyên môn như việc làm, chăm sóc người khuyết
tật, phòng, chống tệ nạn xã hội, ma túy, mại dâm, buôn bán phụ nữ - trẻ em, góp
phần nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò, vị trí của người phụ nữ trong
gia đình và ngoài xã hội, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của những đối tượng yếu
thế như phụ nữ khuyết tật, phụ nữ nghèo, đơn thân nuôi con, phụ nữ hoàn lương
trở về …
- Tiếp tục duy
trì các cuộc họp Mạng lưới cán bộ tham mưu, tư vấn về giới hàng quý để chia sẻ
thông tin, tiếp thu những ý kiến đóng góp cho hoạt động bình đẳng giới và tiến
bộ của phụ nữ: Phát hành 04 sổ Bản tin Phụ nữ và Tiến bộ tiếng Việt và 02 số tiếng
Anh; Nâng cấp, cập nhật thông tin cho Website của Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ
của phụ nữ Việt Nam; In ấn và phát hành vạn Tờ rơi tuyên truyền về pháp luật
bình đẳng giới, về Chương trình hành động của Chính phủ giai đoạn đến năm 2020
thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị, Sổ tay công tác vì sự tiến bộ
của phụ nữ và bình đẳng giới …
5.
Công tác xây dựng, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ hoạt động về bình đẳng giới
Hoàn thiện tổ chức
bộ máy và nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác bình đẳng giới và vì sự tiến
bộ của phụ nữ là yêu cầu bức thiết đặt ra trong thời gian qua. Do đó, năm 2010,
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã nỗ lực thực hiện các hoạt động để đáp ứng
yêu cầu này thông qua các hoạt động cụ thể:
- Về tổ chức: Thực
hiện Thông tư liên tịch số 10/TTLT-BLĐTBXH-BNV ngày 10/7/2008 của Bộ Lao động-Thương
binh và Xã hội và Bộ Nội vụ về việc hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và
cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện
và nhiệm vụ quản lý nhà nước của ủy ban nhân dân cấp xã về lao động, người có
công và xã hội, đến nay có 9/63 Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã thành lập
phòng Bình đẳng giới với nhiệm vụ và quyền hạn là hướng dẫn và tổ chức thực hiện
chính sách, chương trình, dự án, kế hoạch về bình đẳng giới sau khi được phê
duyệt; hướng dẫn việc lồng ghép các chương trình về bình đẳng giới trong việc
xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tổ
chức thực hiện các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới phù hợp với điều kiện kinh
tế - xã hội của địa phương, trong đó: có 5 tỉnh, thành đã thành lập Phòng Bình
đẳng giới riêng biệt (Bình Dương, Đồng Nai, Sóc Trăng, Thành phố Hồ Chí Minh và
Nghệ An); có 4 tỉnh, thành lập Phòng Bình đẳng giới ghép với chuyên môn khác
(thành phố Cần Thơ, tỉnh Hà Nam, thành phố Hải Phòng và Phú Yên).
- Về cán bộ: Để
nắm bắt số lượng và nhu cầu được đào tạo, bồi dưỡng của đội ngũ cán bộ làm công
tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ các cấp trong toàn quốc, ngày
12/7/2010, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã có công văn số 2334/LĐTBXH-BĐG
đề nghị các Bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, báo cáo
thực trạng đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ
nữ. Theo báo cáo của 18/40 Bộ, ngành và 41/63 tỉnh, thành, hiện có 3.095 cán bộ
làm công tác về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ tại các đơn vị, địa
phương này, trong đó: ở cấp Bộ, ngành là 359 người (65,5% là nam giới và 34,5%
phụ nữ); ở cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là 654 người (54,6% là nam
giới và 45,4% là phụ nữ); ở cấp huyện là 2.082 (59,8% là nam giới và 40,2% là
phụ nữ). Tuy nhiên, số lượng cán bộ nêu trên phần lớn đều làm công tác kiêm nhiệm
và hầu hết chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng công tác bình đẳng giới.
- Với mục đích
nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới và vì sự tiến
bộ của phụ nữ các cấp, từ Trung ương đến địa phương, Bộ Lao động-Thương binh và
Xã hội đã phê duyệt kế hoạch đào tạo, tập huấn năm 2010 cho đội ngũ cán bộ nêu
trên. Để triển khai hiệu quả kế hoạch này, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã
phối hợp với Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, Quỹ Phát triển
phụ nữ Liên hợp quốc (UNIFEM), Phái đoàn Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn
(UNHCR) tại Việt Nam và dự án Chương trình chung của Liên hợp quốc về bình đẳng
giới tổ chức trên 20 lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng về giới, bình đẳng giới và
Công ước CEDAW; tổ chức nhiều Hội thảo, hội nghị liên quan tới nội dung bình đẳng
giới; phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức nhiều lớp tập huấn cho cán
bộ ở địa phương, cơ sở …
- Thực hiện Quyết
định số 1855/QĐ-TTg ngày 11/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập,
kiện toàn Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ ở Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện,
đến nay, 61/63 tỉnh, thành phố đã kiện toàn Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ và
chuyển giao cơ quan thường trực về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Như vậy,
mô hình tổ chức của hệ thống Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ ở các địa phương đã từng
bước được hoàn thiện nhằm đảm bảo sự gắn kết giữa cơ quan quản lý nhà nước về
bình đẳng giới với tổ chức phối hợp liên ngành vì sự tiến bộ của phụ nữ, tạo
nên sức mạnh tổng hợp và giảm sự chồng chéo trong triển khai nhiệm vụ.
6.
Công tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực bình đẳng giới
Xác định công
tác nghiên cứu khoa học là một nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng trong việc phát
hiện, tìm tòi những vấn đề mới, những vấn đề cần được giải quyết trong việc triển
khai thực hiện hoạt động bình đẳng giới, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã
chỉ đạo các đơn vị chuyên môn đầu tư nghiên cứu nhiều đề tài khoa học liên quan
đến lĩnh vực này.
- Trong khuôn khổ
chương trình hợp tác chung giữa Liên hợp quốc và Chính phủ Việt Nam về bình đẳng
giới nhằm tăng cường việc thực thi Luật Bình đẳng giới và Luật Phòng, Chống bạo
lực gia đình (giai đoạn 2009 - 2011), năm 2010, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội
đã phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế tổ chức nghiên cứu 02 đề tài là:
"Đánh giá việc thực hiện Công ước về Phân biệt đối xử trong việc làm nghề
nghiệp và trả công bình đẳng giữa lao động nam và lao động nữ cho công việc có
giá trị ngang nhau" và "Chính sách pháp luật lao động nhìn dưới góc độ
bình đẳng giới".
+ Đề tài
"Đánh giá việc thực hiện Công ước về Phân biệt đối xử trong việc làm nghề
nghiệp và trả công bình đẳng giữa lao động nam và lao động nữ cho công việc có
giá trị ngang nhau" đã phần nào đánh giá được hiện trạng chênh lệch về giới
cũng như khía cạnh kinh tế, xã hội và pháp lý của việc mang lại cơ hội, đối xử
bình đẳng trong việc làm, nghề nghiệp và trả lương công bằng giữa nam giới và nữ
giới trong thị trường lao động của Việt Nam.
+ Đề tài
"Chính sách pháp luật lao động nhìn dưới góc độ bình đẳng giới" do Viện
Khoa học Lao động - Xã hội thực hiện đã xem xét, rà soát thực trạng nhạy cảm giới
của Bộ luật Lao động và những chính sách, pháp luật liên quan; Xác định những
khó khăn, rào cản dựa trên cơ sở về giới và đề xuất những kiến nghị nhằm phục vụ
cho quá trình sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động và những chính sách, pháp luật
liên quan có nhạy cảm giới theo quy định của Luật Bình đẳng giới. Bên cạnh đó,
báo cáo nghiên cứu cũng nêu kết quả rà soát, xem xét các văn bản pháp luật,
chính sách hiện hành về bình đẳng giới trong những lĩnh vực lao động - xã hội
như: Đào tạo nghề; Lao động và Việc làm; Quan hệ lao động; An toàn - Vệ sinh
lao động; Bảo trợ Xã hội và Xóa đói giảm nghèo. Ngoài 05 lĩnh vực trên, nghiên
cứu cũng rà soát cả các chương trình mục tiêu quốc gia như: Chương trình mục tiêu
quốc gia về giảm nghèo 2006 - 2010; Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm
đến 2010. Việc rà soát, đánh giá vấn đề lồng ghép bình đẳng giới trong 5 lĩnh vực
này được thực hiện trên những nguyên tắc về bình đẳng giới của Luật Bình đẳng
giới.
- Năm 2009, Bộ
đã giao cho Vụ Bình đẳng giới chủ trì, triển khai thực hiện đề tài "Các giải
pháp tổ chức triển khai thực hiện Luật Bình đẳng giới". Đề tài đã nghiên cứu,
xác định các yêu cầu, nội dung để triển khai thực hiện Luật Bình đẳng giới, từ
đó xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong tổ chức thực hiện và đề xuất
các giải pháp phù hợp với yêu cầu thực tiễn đề ra.
7.
Công tác kiểm tra, thông tin, báo cáo về tình hình thực hiện bình đẳng giới
trong phạm vi cả nước
a) Về công
tác kiểm tra, giám sát về tình hình thực hiện bình đẳng giới:
- Trong 2 năm
2009 và 2010, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã tổ chức các đoàn công tác đi
nắm tình hình thực hiện Luật Bình đẳng giới tại một số địa phương như: Cần Thơ,
Ninh Bình, Đắk Lắk, Hà Nam, Thái Nguyên, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thành phố Hồ Chí
Minh, Vĩnh Long, …. Các chuyến công tác này đã tạo cơ hội trao đổi thông tin
hai chiều thiết thực, giúp Bộ và các đơn vị được kiểm tra cùng chia sẻ, tháo gỡ
khó khăn, vướng mắc và những vấn đề cần được quan tâm giải quyết, khắc phục.
- Bộ đã tích cực
cử cán bộ tham gia các Đoàn công tác của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội
giám sát tình hình thực hiện bình đẳng giới tại các tỉnh Quảng Ninh, Đắk Nông,
Bình Phước, Thái Nguyên, Bắc Kạn.
- Với vai trò là
cơ quan thường trực của Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, Bộ
cũng đã tích cực triển khai, đôn đốc và cử cán bộ tham gia các đoàn kiểm tra
liên ngành vì sự tiến bộ của phụ nữ tại 18 đơn vị.
b) Về công
tác thống kê, thông tin, báo cáo về bình đẳng giới
Bộ Lao động-Thương
binh và Xã hội luôn quan tâm thực hiện công tác quản lý, hướng dẫn và tổng hợp
đánh giá việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ về bình đẳng giới trong phạm vi
cả nước. Để chuẩn bị cho việc xây dựng báo cáo tình hình thực hiện mục tiêu quốc
gia về bình đẳng giới định kỳ hàng năm báo cáo Quốc hội, Bộ Lao động-Thương
binh và Xã hội đã xây dựng đề cương hướng dẫn báo cáo và đôn đốc các Bộ, ngành,
địa phương báo cáo tình hình triển khai thực hiện Luật Bình đẳng giới.
Trong 2 năm
2009, 2010 Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các cơ quan chức
năng, chuẩn bị 04 báo cáo sau:
- Báo cáo Ủy ban
về các vấn đề xã hội của Quốc hội (Báo cáo số 17/BC-LĐTBXH ngày 06/3/2009 và
Báo cáo số 33/BC-LĐTBXH ngày 23/3/2010) về việc tình hình thực hiện mục tiêu
quốc gia về bình đẳng giới trong ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, trong
2 năm 2008, 2009.
- Phối hợp Văn
phòng Chính phủ xây dựng và hoàn thiện 02 Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực
hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2008 (Báo cáo số 63/BC-CP ngày
8/5/2009) và năm 2009 (Báo cáo số 36/BC-CP ngày 20/4/2010).
Ngoài ra, Bộ thường
xuyên cập nhật thông tin, xây dựng các báo cáo tình hình thực hiện bình đẳng giới
và Công ước CEDAW để báo cáo Thủ tướng Chính phủ và thông tin cho các tổ chức
Quốc tế. Hiện đang chuẩn bị báo cáo lần thứ 7 và 8 về kết quả thực hiện Công ước
CEDAW.
8.
Hợp tác quốc tế về bình đẳng giới
Trong thời gian
qua, hoạt động bình đẳng giới và tiến độ của phụ nữ ở Việt Nam tiếp tục nhận được
sự quan tâm của các tổ chức quốc tế. Ngoài mối quan hệ hợp tác khắng khít với
các tổ chức của Liên hợp quốc như UNIFEM, UNFPA, UNDP, UNHCR, Bộ Lao động-Thương
binh và Xã hội còn mở rộng hợp tác với Đại sứ quán Vương quốc Na Uy và một số tổ
chức trong lĩnh vực giới và phụ nữ.
Với vai trò là
cơ quan quản lý Nhà nước về bình đẳng giới, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội
đã đại diện cho Chính phủ Việt Nam tham gia có hiệu quả và đóng góp tích cực
trên các diễn đàn quốc tế như Liên hợp quốc, APEC và ASEAN, cụ thể là Ủy ban địa
vị phụ nữ của Liên hợp quốc, Mạng lưới các đầu mối về giới trong APEC, Ủy ban
Phụ nữ ASEAN. Trong năm 2009, Bộ đã thành lập Nhóm Công tác của Việt Nam về
thành lập Ủy ban Thúc đẩy và Bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em ASEAN. Nhóm Công tác
đã tham gia đàm phán thành công, đảm bảo các lợi ích của ta khi Ủy ban này được
thành lập. Đại diện các cơ quan Liên hợp quốc và các nước đánh giá cao những
thành tựu cũng như sự hợp tác tích cực của Bộ thời gian qua, đặc biệt trong việc
đưa nội dung bình đẳng giới vào sáng kiến "Một Liên hợp quốc".
Trong những năm
qua. Việt Nam đã thiết lập cơ chế đối thoại và hợp tác về quyền con người với
các nước đối tác như Mỹ, EU, Úc, Na Uy, Thụy Sỹ và đạt kết quả tích cực. Bình đẳng
giới là một trong những nội dung quan trọng được đề cập trong các cuộc đối thoại
nhân quyền. Trong tháng 3 và tháng 5/2009, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phối hợp với
Bộ Ngoại giao Thụy Sỹ và Na Uy tổ chức đối thoại nhân quyền cấp chính phủ Việt
Nam - Thụy Sỹ và Việt Nam - Na Uy. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã tích cực
chuẩn bị nội dung trong lĩnh vực được phân công và trực tiếp tham gia có chất
lượng, đóng góp đáng kể vào thành công của các phiên đối thoại.
Bộ Lao động-Thương
binh và Xã hội cũng đã tham gia tích cực trong việc xây dựng các báo cáo có
liên quan tới hợp tác quốc tế về bình đẳng giới như: Báo cáo quốc gia về tình
hình thực hiện Công ước quốc tế về các quyền Kinh tế, Văn hóa và Xã hội; Báo
cáo kiểm điểm định kỳ của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc; Báo cáo về vai trò
của phụ nữ trong việc tái thiết và xây dựng đất nước sau chiến tranh để chuẩn bị
cho buổi thảo luận của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc về chủ đề "Phụ nữ,
hòa bình và an ninh"; Báo cáo "Việt Nam - 2/3 chặng đường thực hiện
các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, hướng tới năm 2015"; Báo cáo về Nghị
định thư bổ sung của công ước CEDAW … Các thông tin được cung cấp đầy đủ, chính
xác, thể hiện rõ cam kết chính trị mạnh mẽ, các chính sách ưu việt và những
thành tựu nổi bật của Nhà nước ta trong lĩnh vực này.
Nhóm Đối tác
hành động về giới (GAP) với sự tham gia của đại diện các cơ quan Chính phủ, các
tổ chức quốc tế và tổ chức xã hội dân sự trong lĩnh vực bình đẳng giới đã duy
trì đều đặn các cuộc họp định kỳ, tạo diễn đàn đa chiều để trao đổi kinh nghiệm,
thảo luận về các vấn đề liên quan tới bình đẳng giới ở Việt Nam. Văn phòng Ủy
ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam đóng vai trò là Thư ký của nhóm
GAP đã có nhiều nỗ lực nhằm kết nối các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và
quốc tế cùng hướng tới các giải pháp nhằm thực thi hiệu quả Luật Bình đẳng giới
cũng như các nhiệm vụ chuyên môn được giao. Năm 2009, 2010, đã có 06 cuộc họp
GAP được tổ chức. Báo cáo của Nhóm GAP là nguồn thông tin tham khảo hữu ích về
bình đẳng giới cho Cuộc họp Nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG) hàng năm.
Năm 2010, trong
khuôn khổ các hoạt động trong năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN, Bộ Lao động-Thương
binh và Xã hội đã tổ chức tốt các hoạt động do Bộ được phân công chủ trì, Bộ đã
chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành chức năng xây dựng dự thảo Tuyên bố ASEAN về
tăng cường Phúc lợi xã hội và Phát triển cho phụ nữ và trẻ em, dự thảo đã được
Hội đồng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN lần thứ 4 thông qua và trình lên Hội
nghị cấp cao ASEAN lần thứ 17 thông qua ngày 28 tháng 10 năm 2010.
Bên lề Đối thoại
Nhân quyền Việt Nam - Na Uy được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 11/2010, Bộ đã
tham gia đối thoại và Hội thảo kỹ thuật về bình đẳng giới với Na Uy. Những
thành tựu chia sẻ tại đây đã được các chuyên gia Na Uy đánh giá cao và bày tỏ
quan tâm tiếp tục tăng cường hợp tác song phương trong lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, Bộ
Lao động-Thương binh và Xã hội đã tổ chức, tham gia một số đoàn công tác liên
quan công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ như: tham dự Khóa họp lần
thứ 54 của Ủy ban Địa vị Phụ nữ Liên hợp quốc tổng kết 15 năm tình hình thực hiện
Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh; tổ chức học tập kinh nghiệm về bình đẳng giới tại
Na Uy, thăm quan nghiên cứu học tập kinh nghiệm thực hiện Chiến lược về bình đẳng
giới tại Tây Ban Nha; Phối hợp với Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ
chức chuyến công tác tới Tây Ban Nha với thành phần là đại biểu của Nhóm nữ nghị
sỹ Việt Nam nhằm tìm hiểu rõ về vai trò và năng lực của các cơ quan, tổ chức của
Tây Ban Nha trong việc triển khai và giám sát Luật về các biện pháp toàn diện
chống bạo lực giới và Luật về bình đẳng thực sự giữa nam và nữ.
Để tiếp tục chia
sẻ những thành tựu của Việt Nam và nắm bắt kịp thời xu thế quốc tế trong lĩnh vực
bình đẳng giới và tiến bộ phụ nữ, cơ quan thường trực của Ủy ban quốc gia cũng
như tiếp tục duy trì việc tham dự Khóa họp thường niên lần thứ 8 của Mạng lưới
các đầu mối về giới trong APEC (GFPN) tại Nhật Bản; tham gia các hoạt động về
bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ trong khu vực ASEAN và Hội nghị Ủy
ban Phụ nữ ASEAN lần thứ 9 tại Campuchia …
II.
KẾT QUẢ THỰC HIỆN BÌNH ĐẲNG GIỚI TẠI BỘ LAO ĐỘNG-THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
Trong hai năm
qua, tình hình thực hiện bình đẳng giới tại Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội
đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận:
- Công tác Vì sự
tiến bộ phụ nữ của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, được sự quan tâm, chỉ đạo,
lãnh đạo sát sao của Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy và lãnh đạo Bộ. Đặc biệt đã sớm
ban hành Kế hoạch hành động Vì sự tiến bộ phụ nữ của ngành và hướng dẫn triển
khai thực hiện trong toàn ngành; ký kết và tổ chức cụ thể việc thực hiện chương
trình phối hợp giữa Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và giữa Tổng cục Dạy nghề
với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.
- Hầu hết các chỉ
tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong Kế hoạch Vì sự tiến bộ phụ nữ gắn liền với nhiệm vụ
chính trị của Bộ đã được các đơn vị triển khai thực hiện. Tạo được sự chuyển biến
khá rõ nét về nhận thức giới trong quá trình nghiên cứu, hoạch định và thực thi
chính sách trên các lĩnh vực của ngành.
- Công tác tuyên
truyền phổ biến các văn bản về bình đẳng giới luôn được quan tâm. Các văn bản
này được quán triệt sâu sắc đến từng đơn vị, từng cán bộ trong Bộ.
- Trong năm
2009, Bộ đã triển khai tổ chức 44 lớp đào tạo bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản
lý, ngoại ngữ, tin học và một số kỹ năng về hội nhập với 3.074 lượt cán bộ,
trong đó tỷ lệ nữ tham gia các khóa đào tạo chiếm trên 40% tổng số học viên
tham gia.
- Bộ đã bổ nhiệm,
điều động giao nhiệm vụ cho 106 cán bộ lãnh đạo quản lý, trong đó cán bộ nữ là
29 người, chiếm 27,4%. Trong tổng số 54 cán bộ được bổ nhiệm giữ chức thủ trưởng,
phó thủ trưởng đơn vị, có 11 nữ chiếm 20,37%; 18 nữ cán bộ cấp phòng trong tổng
số 46 người, chiếm 39,1%. Riêng năm 2009, Bộ đã bổ nhiệm 03 nữ trong tổng số 4
Vụ trưởng và tương đương, chiếm 75%. Trong 2 năm, Bộ đã tiếp nhận, thi tuyển được
124 người trong đó có 86 nữ chiếm 69,4%. Ở cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung
ương, trong tổng số 255 giám đốc, phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã
hội, có 37 nữ, trong đó có 15 nữ Giám đốc Sở.
- Ban Vì sự tiến
bộ phụ nữ của Bộ hoạt động tương đối hiệu quả. Ban đã thường xuyên kiện toàn và
có quy chế, phân công nhiệm vụ cụ thể, hoạt động nền nếp, hàng quý đều tổ chức
họp (hoặc hội ý) để đôn đốc triển khai các công tác đã được phân công.
III.
NHỮNG KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC
- Tư tưởng định
kiến giới còn tồn tại khá phổ biến trong nhân dân, kể cả trong một bộ phận cán
bộ, công chức. Trong triển khai công tác bình đẳng giới, nhiều đơn vị chưa thực
sự hiểu rõ yêu cầu của công việc này, do đó, sự phối hợp đôi khi còn lúng túng,
chưa hiệu quả. Việc lồng ghép yếu tố giới vào công tác chuyên môn chưa được
quan tâm đúng mức, đặc biệt là trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm
pháp luật. Trong chỉ đạo, điều hành, một số tỉnh, thành phố còn chưa thực sự
quan tâm đến lĩnh vực công tác này nên chưa bố trí cán bộ và tạo điều kiện cho
hoạt động bình đẳng giới và tiến bộ của phụ nữ.
- Việc xây dựng
và ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ
của phụ nữ còn chậm, nên đã ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng triển khai, thực
hiện Luật Bình đẳng giới.
- Đội ngũ cán bộ
làm công tác bình đẳng giới mới được hình thành, nên còn rất thiếu về số lượng
và hạn chế về kiến thức giới, kỹ năng lồng ghép giới, đặc biệt ở địa phương, cơ
sở.
- Công tác thống
kê, thông tin báo cáo còn rất nhiều khó khăn do chưa hình thành được hệ thống
cơ sở dữ liệu có lồng ghép giới trên các lĩnh vực của ngành; việc chấp hành chế
độ báo cáo chưa nghiêm, chưa kịp thời.
IV.
ĐỊNH HƯỚNG NHIỆM VỤ TRONG NĂM 2011
Năm 2011, Bộ Lao
động-Thương binh và Xã hội sẽ tập trung ưu tiên triển khai một số nhiệm vụ trọng
tâm sau:
1. Hoàn thiện và triển khai thực hiện có hiệu quả chính
sách, pháp luật, chương trình, dự án về bình đẳng giới
- Tổ chức tổng kết
Chiến lược quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam đến năm 2010.
- Triển khai thực
hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 của Thủ tướng
Chính phủ ban hành kèm theo Quyết định số 2351/QĐ-TTg ngày 24 tháng 12 năm
2010.
- Xây dựng
Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015 với 5 dự án cụ thể
sau:
+ Dự án truyền
thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới.
+ Dự án nâng cao
năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về bình đẳng giới.
+ Dự án nâng cao
năng lực cho đội ngũ nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp,
quản lý, lãnh đạo các cấp; nữ ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân
dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2020, cán bộ nữ thuộc diện quy hoạch.
+ Dự án hỗ trợ
thực hiện bình đẳng giới trong những lĩnh vực, ngành, vùng, địa phương có bất
bình đẳng giới hoặc có nguy cơ cao bất bình đẳng giới.
+ Dự án hỗ trợ
xây dựng, phát triển dịch vụ tư vấn, hỗ trợ về bình đẳng giới.
- Tiếp tục triển
khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công tại Nghị định số 48/2009/NĐ-CP ngày
19 tháng 5 năm 2009 về các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới và Nghị quyết số
57/NQ-CP ngày 01 tháng 12 năm 2009 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động
của Chính phủ giai đoạn đến năm 2020 thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày
27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa,
hiện đại hóa đất nước.
- Đôn đốc thực
hiện lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu bình đẳng giới vào quá trình thực hiện
các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các cấp, các
ngành.
- Quản lý, hướng
dẫn và tổng hợp đánh giá thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ về bình đẳng giới trong
phạm vi cả nước, tạo điều kiện và cơ hội để phụ nữ tham gia bình đẳng vào các
hoạt động kinh tế - xã hội và gia đình.
2. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp
luật về bình đẳng giới
- Hướng dẫn,
tuyên truyền, phổ biến Luật Bình đẳng giới và các văn bản hướng dẫn thi hành một
cách thiết thực, phù hợp với từng ngành, từng địa phương, nhóm đối tượng.
- Xây dựng và thực
hiện Đề án truyền thông về bình đẳng giới trong Chương trình quốc gia về bình đẳng
giới giai đoạn 2011 - 2015.
3. Hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý nhà nước và nâng cao
năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới từ Trung ương đến địa
phương
- Triển khai thực
hiện Đề án đào tạo cán bộ làm công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ
nữ;
- Tổng kết đánh
giá tình hình thực hiện Chỉ thị 27/2004/CT-TTg ngày 15 tháng 7 năm 2004 của Thủ
tướng Chính phủ và xây dựng Đề án kiện toàn, thành lập Ban Vì sự tiến bộ của phụ
nữ ở các Bộ, ngành và các tổ chức chính trị - xã hội.
4. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình triển
khai pháp luật về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ ở các Bộ, ngành địa
phương
- Xây dựng và
triển khai kế hoạch kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện pháp luật bình đẳng
giới ở các Bộ, ngành, địa phương;
- Tổ chức triển
khai thực hiện các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Bình đẳng giới, trong đó
có Nghị định số 55/2009/NĐ-CP ngày 10 tháng 6 năm 2009 của Chính phủ quy định xử
phạt vi phạm hành chính về bình đẳng giới.
5. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế về bình đẳng
giới
- Nghiên cứu,
xây dựng mô hình thí điểm triển khai thực hiện bình đẳng giới và sự phát triển
của phụ nữ ở một số địa phương để tiến hành nhân rộng;
- Nghiên cứu xây
dựng cơ sở dữ liệu, tiêu chí, hệ thống theo dõi, giám sát, đánh giá về bình đẳng
giới;
- Đẩy mạnh các
hoạt động hợp tác quốc tế nhằm học tập, chia sẻ kinh nghiệm về Luật Bình đẳng
giới và vận động nguồn lực hỗ trợ thực hiện các chính sách, pháp luật về bình đẳng
giới. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình hợp tác chung giữa Liên hợp
quốc và Chính phủ Việt Nam về bình đẳng giới và các dự án, hoạt động hợp tác quốc
tế khác.
Trên đây là Báo
cáo tình hình thực hiện bình đẳng giới của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và
trong phạm vi trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ. Bộ Lao động-Thương binh và
Xã hội xin báo cáo Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Lưu VT, Vụ BĐG.
|
KT.
BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Thanh Hòa
|