Thông tư liên tịch 09/2006/TTLT/BLĐTBXH-BCA-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn truy cứu trách nhiệm hình sự người có hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực xuất khẩu lao động ở nước ngoài do Bộ Lao động,thương binh và Xã Hội - Bộ Công an - Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Tòa án nhân dân tối cao ban hành

Số hiệu 09/2006/TTLT/BLĐTBXH-BCA-VKSNDTC-TANDTC
Ngày ban hành 04/08/2006
Ngày có hiệu lực 31/08/2006
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Công An,Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội,Tòa án nhân dân tối cao,Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Người ký Đặng Quang Phương,Nguyễn Lương Trào,Nguyễn Văn Hưởng,Trần Thu
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Trách nhiệm hình sự,Thủ tục Tố tụng

BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI - BỘ CÔNG AN-VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO - TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
*******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 09/2006/TTLT/BLĐTBXH-BCA-VKSNDTC-TANDTC

Hà Nội, ngày  04 tháng 8 năm 2006

           

THÔNG TƯ LIÊN TịCH

HƯỚNG DẪN VIỆC TRUY CỨU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ NGƯỜI CÓ HÀNH VI VI PHẠM PHÁP LUẬT TRONG LĨNH VỰC XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG  Ở NƯỚC NGOÀI

Để thi hành đúng và thống nhất các quy định của pháp luật trong việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực xuất khẩu lao động ở nước ngoài, góp phần tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế - lao động với các nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao thống nhất hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự người có hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực xuất khẩu lao động ở nước ngoài như sau:

I. VIỆC TRUY CỨU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ NGƯỜI CÓ HÀNH VI TỔ CHỨC, CƯỠNG ÉP NGƯỜI LAO ĐỘNG Ở LẠI NƯỚC NGOÀI TRÁI PHÉP

1. Giải thích từ ngữ

1.1. “Người lao động làm việc ở nước ngoài” là công dân Việt Nam được đưa đi làm việc ở nước ngoài dưới hình thức xuất khẩu lao động (sau đây gọi chung là "người lao động").

1.2. “Tổ chức cho người lao động ở lại nước ngoài trái phép” là thực hiện một trong những hành vi sau đây giúp cho người lao động ở lại nước ngoài (ở lại nước tiếp nhận lao động theo hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài hoặc ở lại nước thứ ba) trái với các quy định của pháp luật Việt Nam:

a) Lập kế hoạch hoặc tư vấn cho người lao động ở lại nước ngoài trái phép;

b) Tạo các điều kiện về vật chất như: tìm chỗ ở, giới thiệu nơi tìm việc làm, cho tiền, cung cấp phương tiện... hoặc tạo các điều kiện khác như: làm các giấy tờ tuỳ thân giả, cung cấp các giấy tờ tuỳ thân... cho người lao động ở lại nước ngoài trái phép.

1.3. “Cưỡng ép người lao động ở lại nước ngoài trái phép” là dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực, uy hiếp về tinh thần, khống chế hoặc lợi dụng sự lệ thuộc về vật chất hoặc có hành vi khác ép buộc người lao động ở lại nước ngoài trái phép.

2. Chủ thể của tội phạm

Người bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức, cưỡng ép người khác ở lại nước ngoài trái phép quy định tại Điều 275 Bộ luật hình sự (sau đây viết tắt là BLHS) và hướng dẫn tại Thông tư này là công dân Việt Nam, người không có quốc tịch thường trú tại Việt Nam phạm tội ngoài lãnh thổ Việt Nam. Các đối tượng phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo hướng dẫn tại Thông tư này nếu trong cùng vụ án đó còn có đối tượng khác phạm tội ngoài lãnh thổ Việt Nam.

3. Về đường lối xử lý

3.1. Việc định tội danh

a) Người nào thực hiện một trong các hành vi được hướng dẫn tại tiểu mục 1.2 mục 1 Phần I của Thông tư này, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “tổ chức người khác ở lại nước ngoài trái phép” quy định tại Điều 275 BLHS.

b) Người nào thực hiện một trong các hành vi được hướng dẫn tại tiểu mục 1.3 mục 1 Phần I của Thông tư này, thì bị thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “cưỡng ép người khác ở lại nước ngoài trái phép” quy định tại Điều 275 BLHS.

c) Người nào thực hiện nhiều hành vi được hướng dẫn tại tiểu mục 1.2 và tiểu mục 1.3 mục 1 Phần I của Thông tư này mà các hành vi đó liên quan chặt chẽ với nhau (hành vi này là điều kiện để thực hiện hoặc là hậu quả tất yếu của hành vi phạm tội kia), thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh đầy đủ đối với các hành vi đã thực hiện về tội “tổ chức, cưỡng ép người khác ở lại nước ngoài trái phép” quy định tại Điều 275 BLHS và chỉ phải chịu một hình phạt chung.

Ví dụ: Nguyễn Văn A lập kế hoạch cho Nguyễn Văn B là người lao động Việt Nam ở lại nước ngoài trái phép. Khi thấy Nguyễn Văn B không muốn ở lại nước ngoài thì Nguyễn Văn A đe doạ sẽ giết chết B hoặc vợ, con của B. Trong trường hợp này, Nguyễn Văn A phải bị truy cứu trách  nhiệm hình sự với tội danh đầy đủ đối với các hành vi đã thực hiện về tội “tổ chức, cưỡng ép người khác ở lại nước ngoài trái phép”.

d) Người nào thực hiện nhiều hành vi được hướng dẫn tại tiểu mục 1.2 và tiểu mục 1.3 mục 1 Phần I của Thông tư này mà các hành vi đó độc lập với nhau, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội độc lập tương ứng với các hành vi phạm tội là tội “tổ chức người khác ở lại nước ngoài trái phép” và tội “cưỡng ép người khác ở lại nước ngoài trái phép” quy định tại Điều 275 BLHS. Khi xét xử Toà án quyết định hình phạt đối với từng tội và áp dụng Điều 50 BLHS để quyết định hình phạt chung.

Ví dụ: Trần N làm hộ chiếu giả và tìm chỗ ở cho Lê Văn C để Lê Văn C ở lại nước ngoài trái phép, đồng thời Trần N lợi dụng Lê Thị M lệ thuộc mình về mặt vật chất và khống chế buộc Lê Thị M ở lại nước ngoài trái phép. Trong trường hợp này, Trần N bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hai tội: tội “tổ chức người khác ở lại nước ngoài trái phép” đối với hành vi làm hộ chiếu giả và tìm chỗ ở cho Lê Văn C và tội “cưỡng ép người khác ở lại nước ngoài trái phép” đối với hành vi lợi dụng Lê Thị M lệ thuộc mình về mặt vật chất và khống chế buộc Lê Thị M ở lại nước ngoài trái phép.

3.2. Xác định các tình tiết định khung tăng nặng

a) “Phạm tội nhiều lần” quy định tại khoản 2 Điều 275 BLHS là đã có từ hai lần phạm tội trở lên (hai lần tổ chức cho người lao động ở lại nước ngoài trái phép; hai lần cưỡng ép người lao động ở lại nước ngoài trái phép mà không phân biệt các hành vi đó được thực hiện ở cùng một địa điểm trong một nơi làm việc hay ở các nơi khác nhau...) và trong các lần phạm tội đó người phạm tội chưa có lần nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

b) “Gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại khoản 2 Điều 275 BLHS  khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Tổ chức, cưỡng ép từ 5 người đến 10 người lao động ở lại nước ngoài trái phép;

- Thu lợi bất chính từ việc tổ chức, cưỡng ép người lao động ở lại nước ngoài trái phép từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng.

c) “Gây hậu quả rất nghiêm trọng” quy định tại khoản 2 Điều 275 BLHS  khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Tổ chức, cưỡng ép từ 11 người đến 15 người lao động ở lại nước ngoài trái phép;

- Thu lợi bất chính từ việc tổ chức, cưỡng ép người lao động ở lại nước ngoài trái phép từ trên 100 triệu đồng đến 300 triệu đồng;

[...]