Thông tư liên tịch 01/2013/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi mua bán người; mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em do Tòa án nhân dân tối cao - Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Bộ Công an - Bộ Quốc phòng - Bộ Tư pháp ban hành

Số hiệu 01/2013/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP
Ngày ban hành 23/07/2013
Ngày có hiệu lực 09/09/2013
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Công An,Bộ Quốc phòng,Bộ Tư pháp,Tòa án nhân dân tối cao,Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Người ký Đặng Quang Phương,Hoàng Thế Liên,Trần Công Phàn,Lê Quý Vương,Nguyễn Thành Cung
Lĩnh vực Trách nhiệm hình sự

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO - VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO - BỘ CÔNG AN - BỘ QUỐC PHÒNG - BỘ TƯ PHÁP
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 01/2013/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP

Hà Nội, ngày 23 tháng 07 năm 2013

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN VIỆC TRUY CỨU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ ĐỐI VỚI NGƯỜI CÓ HÀNH VI MUA BÁN NGƯỜI; MUA BÁN, ĐÁNH TRÁO HOẶC CHIẾM ĐOẠT TRẺ EM

Đáp dụng đúng và thống nhất các quy định tại Điều 119 và Điều 120 của Bộ luật hình sự năm 1999, được sửa đổi, bsung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2009 (sau đây gọi là Bộ luật hình sự) trong việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi mua bán người; mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân ti cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư pháp ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi mua bán người; mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em,

Chương 1.

TRUY CỨU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ ĐỐI VỚI NGƯỜI CÓ HÀNH VI MUA BÁN NGƯỜI THEO QUY ĐỊNH TẠI ĐIỀU 119 CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ

Điều 1. Xác định hành vi mua bán người

"Mua bán người" là hành vi dùng tiền, tài sản hoặc các lợi ích vật chất khác để trao đổi người (từ đủ 16 tuổi trở lên) như một loại hàng hóa; cụ thể là một trong các hành vi sau đây:

1. Bán người cho người khác, không phụ thuộc vào mục đích của người mua;

2. Mua người để bán lại cho người khác, không phân biệt bán lại cho ai và mục đích của người mua sau này như thế nào;

3. Dùng người như là tài sản để trao đổi, thanh toán;

4. Mua người để bóc lột, cưỡng bức lao động hoặc vì các mục đích trái pháp luật khác;

5. Người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức cho người thực hiện một trong các hành vi mua bán người được hướng dẫn tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán người.

Điều 2. Về một số tình tiết định khung hình phạt

1. “Vì mục đích mại dâm” quy định tại điểm a khoản 2 Điều 119 của Bộ luật hình sự là trường hợp mua bán người nhằm phục vụ cho hoạt động mua bán dâm (như: mua bán người rồi đưa họ đến các ổ mại dâm hoặc tổ chức cho họ bán dâm...).

2. “Có tính chất chuyên nghiệp” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 119 của Bộ luật hình sự là trường hợp người phạm tội mua bán người từ 05 lần trở lên (không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xóa án tích) và người phạm tội lấy các lần mua bán người làm nghề sinh sống, lấy kết quả của việc mua bán người làm nguồn sống chính.

Đối với trường hợp phạm tội từ 05 lần trlên mà trong đó có lần phạm tội đã bị kết án, chưa được xóa án tích thì tùy từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội có thể bị áp dụng các tình tiết định khung hoặc tình tiết tăng nặng “phạm tội nhiều lần”, “đối với nhiều người”, “tái phạm” (hoặc “tái phạm nguy hiểm”) “có tính chất chuyên nghiệp".

3. “Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân” quy định tại điểm d khoản 2 Điều 119 của Bộ luật hình sự là trường hợp mua bán người nhằm lấy một phần của cơ thể được hình thành từ nhiều loại mô khác nhau để thực hiện các chức năng sinh lý nhất định của người đó.

4. “Đđưa ra nước ngoài” quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 119 của Bộ luật hình sự là trường hợp mua bán người để đưa nạn nhân ra ngoài lãnh thổ Việt Nam, kể cả trong trường hợp nạn nhân chưa bị đưa ra nước ngoài nhưng có căn cứ xác định người phạm tội có ý định đưa nạn nhân ra nước ngoài.

5. “Đối với nhiều người” quy định tại điểm e khoản 2 Điều 119 của Bộ luật hình sự là trường hợp mua bán từ 02 người trở lên trong cùng một lần phạm tội.

6. “Phạm tội nhiều lần” quy định tại điểm g khoản 2 Điều 119 của Bộ luật hình sự là trường hợp mua bán người từ 02 lần trở lên, không phân biệt các hành vi mua bán đó được thực hiện đối với một người hay đối với nhiều người và trong các lần mua bán đó người phạm tội chưa có lần nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 3. Truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp cụ thể

1. Trường hợp sử dụng thủ đoạn môi giới hôn nhân với người nước ngoài trái phép

Người sử dụng thủ đoạn môi giới hôn nhân với người nước ngoài trái phép phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán người theo quy định tại Điều 119 của Bộ luật hình sự nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Người môi giới dùng thủ đoạn cưỡng bức, đe dọa hoặc lừa gạt để buộc người khác kết hôn với người nước ngoài và đã giao người đó cho người nước ngoài để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác;

b) Biết mục đích của người nước ngoài là thông qua hoạt động xem mặt, chọn vợ (hoặc chồng) hoặc kết hôn chỉ là phương thức, thủ đoạn để người nước ngoài đưa người được chọn ra nước ngoài bóc lột sức lao động, bóc lột tình dục hoặc bán cho người khác nhưng vẫn tiến hành môi giới để nhận tiền hoặc lợi ích vật chất khác của người nước ngoài.

2. Trường hợp sử dụng thủ đoạn đưa người đi lao động nước ngoài trái phép

a) Trường hợp người môi giới, đưa người đi lao động nước ngoài biết người lao động (từ đủ 16 tuổi trở lên) ra nước ngoài sẽ bị cưỡng bức lao động, bóc lột trái phép (như: người bị đưa ra nước ngoài bị buộc phải làm việc trong môi trường độc hại, không bảo đảm an toàn lao động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe; phải làm việc mà không được trả lương; bị buộc phải hoạt động mại dâm) nhưng vẫn lừa gạt hoặc ép buộc người lao động và giao họ cho phía nước ngoài để lấy tiền hoặc lợi ích vật chất khác thì người môi giới, đưa người đi lao động nước ngoài bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán người theo quy định tại Điều 119 của Bộ luật hình sự.

b) Trường hợp sử dụng thủ đoạn môi giới đưa lao động ra nước ngoài để chuyển giao người lao động cho phía nước ngoài bán người lao động cho người khác thì người môi giới phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán người theo quy định tại Điều 119 của Bộ luật hình sự.

[...]