Thứ 7, Ngày 26/10/2024

​Kế hoạch 3515/KH-UBND năm 2023 triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh Gia Lai năm 2024

Số hiệu 3515/KH-UBND
Ngày ban hành 14/12/2023
Ngày có hiệu lực 14/12/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Gia Lai
Người ký Nguyễn Thị Thanh Lịch
Lĩnh vực Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3515/KH-UBND

Gia Lai, ngày 14 tháng 12 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT; HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ; CHUẨN TIẾP CẬN PHÁP LUẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI NĂM 2024

Thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012; Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013; Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 80-KL/TW; Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Gia Lai ban hành kế hoạch triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL); hòa giải ở cơ sở; chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh Gia Lai năm 2024 như sau:

A. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

I. Mục đích

1. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật PBGDPL năm 2012; Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư; Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; các chương trình, đề án, kế hoạch về PBGDPL.

2. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về PBGDPL; đổi mới hình thức thực hiện, góp phần nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân.

II. Yêu cầu

1. Bám sát và thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; đề cao trách nhiệm người đứng đầu; phát huy vai trò của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp, cơ quan Thường trực Hội đồng, các đơn vị được giao thực hiện nhiệm vụ PBGDPL; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, bảo đảm sự kết nối, lồng ghép các hoạt động triển khai.

2. Việc thực hiện xác định trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, hiệu quả, chú trọng hướng về cơ sở.

B. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

I. Nội dung, hình thức thực hiện

1. Về nội dung

Ngoài các nội dung được quy định tại Điều 10 Luật PBGDPL năm 2012, cần tập trung PBGDPL liên quan đến các vấn đề về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; các luật, pháp lệnh, văn bản pháp luật mới được thông qua; pháp luật về lĩnh vực đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, kinh tế tập thể; nông nghiệp, nông dân, nông thôn; hòa giải ở cơ sở; chuẩn tiếp cận pháp luật; các quy định có liên quan trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp; quyền, nghĩa vụ và hoạt động của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật; dịch bệnh, thiên tai; chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển thanh niên; pháp luật về trợ giúp pháp lý, phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới; các vấn đề khác được dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội; các điều ước quốc tế, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam đã tham gia ký kết có liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp; những nội dung khác theo chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan cấp trên và tình hình thực tế.

2. Về hình thức

Bám sát các hình thức PBGDPL được quy định tại Điều 11 Luật PBGDPL năm 2012; chú trọng nâng cao chất lượng các tài liệu pháp luật được biên soạn và phát hành, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác triệt để các ứng dụng, phần mềm có tính năng trực tuyến, tương tác, mạng xã hội… để PBGDPL; thông tin, truyền thông, PBGDPL trên các phương tiện thông tin đại chúng; đối thoại, giải đáp vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành pháp luật; chủ động, linh hoạt áp dụng các cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả và nhân rộng.

II. Nhiệm vụ cụ thể

1. Chỉ đạo, hướng dẫn công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật

Ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật với nội dung và hình thức phù hợp.

a) Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp (đối với cấp tỉnh), Phòng Tư pháp (đối với các huyện, thị xã, thành phố (sau đây viết là cấp huyện)).

b) Cơ quan phối hợp: Các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan.

c) Thời gian thực hiện: Năm 2024.

2. Thực hiện tự kiểm tra, kiểm tra, đánh giá hoạt động PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật

a) Đối với hoạt động tự kiểm tra

Các cơ quan thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL cấp tỉnh chủ động thực hiện tự kiểm tra công tác PBGDPL; Hội đồng phối hợp PBGDPL cấp huyện chủ động thực hiện tự kiểm tra công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình.

- Cơ quan chủ trì: Các cơ quan thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh, Phòng Tư pháp - Cơ quan Thường trực Hội đồng phối hợp PBGDPL cấp huyện.

- Cơ quan phối hợp: Các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan.

- Thời gian thực hiện: Năm 2024.

[...]