Yêu cầu về việc đảm bảo an toàn bãi thải trong khai thác đá được quy định như thế nào?

Thực trạng đáng báo động về tình hình tai nạn lao động cũng như hiệu quả công tác đảm bảo an toàn lao động trong các đơn vị khai thác khoáng sản yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp quản lý ngầy càng phải nâng cao yêu cầu về đảm bảo an toàn lao động. Vậy Ban biên tập cho hỏi: Yêu cầu về việc đảm bảo an toàn bãi thải trong khai thác đá được quy định như thế nào? 

Nội dung chính

    Yêu cầu về việc đảm bảo an toàn bãi thải trong khai thác đá được quy định như thế nào? 

    Yêu cầu về việc đảm bảo an toàn bãi thải trong khai thác đá quy định tại Điều 14 Thông tư 02/2012/TT-BLĐTBXH về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia An toàn lao động trong khai thác và chế biến đá do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành, cụ thể như sau:

    - Các mỏ khai thác đá phải có bãi thải để chứa đất đá loại bỏ. Nhà cửa, công trình trong phạm vi bãi thải và ở những vị trí đất đá có thể lăn tới phải được di chuyển ra vị trí an toàn. Trong phạm vi nguy hiểm do đá lăn phải có rào chắn hoặc có biển cấm người, súc vật và phương tiện qua lại.

    - Khi bố trí bãi thải ở khe núi hoặc thung lũng phải làm trước những công trình thoát nước mưa và nước lũ.

    - Bãi thải ở phần đất chưa ổn định phải có độ dốc vào phía trong ít nhất là 20. Mặt ngoài của bãi thải phải để lại bờ cao ít nhất là 0,5m, rộng ít nhất là 0,7m.

    - Nếu thải đất đá bằng ôtô phải có người đứng ở đầu bãi thải để điều khiển cho xe đổ đúng vị trí quy định.

    Các bãi thải phải đủ diện tích để ôtô đổ thải, máy gạt làm việc và đủ bán kính quay vòng xe, đảm bảo các thiết bị hoạt động an toàn.

    - Nếu thải đất đá bằng goòng phải đảm bảo các yêu cầu sau:

    + Ray ngoài của đường đổ đất đá phải cao hơn ray trong từ 20 - 30 mm;

    + Cuối đường ray phải bắt vòng vào phía trong bãi thải và có cơ cấu chắn không cho xe vượt qua. Đoạn ray với chiều dài không nhỏ hơn 100m tính từ điểm mút đường ray cụt trở vào phải có độ dốc lên hướng về phía điểm mút ít nhất là năm phần nghìn (5‰);

    + Tại các ngáng chắn phải đặt biển báo, phải có đèn chiếu sáng;

    + Hàng ngày hoặc sau mỗi trận mưa, người phụ trách khu vực đổ thải phải trực tiếp kiểm tra tuyến đường ray ra bãi thải. Nếu thấy có hiện tượng sụt lún hay nứt nẻ thì phải đình chỉ ngay việc cho phương tiện qua lại và tiến hành sửa chữa kịp thời;

    + Khi chuyển tuyến đường ray đến vị trí mới, người phụ trách khu vực đổ thải phải trực tiếp kiểm tra trên toàn tuyến. Chỉ khi mọi yếu tố kỹ thuật và an toàn đã được đảm bảo mới cho phép đưa tuyến đường vào hoạt động.

    - Bãi thải phải được dọn sạch, gạt phẳng, khi làm việc ban đêm phải có chiếu sáng đầy đủ.

    - Phải có hệ thống thu gom nước chảy tràn vào hồ lắng.

    26