Việc xử lý và khắc phục hậu quả sau sự cố cháy tại cơ quan Bộ Y tế được thực hiện theo quy trình nào?
Nội dung chính
Quy định về việc khắc phục hậu quả sau sự cố cháy tại cơ quan Bộ Y tế ra sao?
Căn cứ Điều 16 Quy chế công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của cơ quan Bộ Y tế ban hành kèm Quyết định 3047/QĐ-BYT năm 2022 quy định khắc phục hậu quả sau sự cố cháy như sau:
Sau khi sự cố cháy đã được khống chế và dập tắt hoàn toàn, tùy theo địa điểm xảy ra cháy, Chánh Văn phòng Bộ, Thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ (đối với đơn vị có trụ sở riêng) hoặc người được ủy quyền chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ.
- Tiếp tục tìm kiếm, cứu nạn, cấp cứu người bị nạn (nếu có).
- Phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức bảo vệ hiện trường để phục vụ cho công tác điều tra nguyên nhân vụ cháy.
- Các nhiệm vụ tại khoản 1 và khoản 2 Điều này có thể được kết hợp thực hiện đồng thời trong quá trình chữa cháy.
- Phối hợp với các cơ quan liên quan lập biên bản hiện trường vụ cháy. Sau khi có biên bản giám định hiện trường và sự đồng ý của cơ quan điều tra, nhanh chóng thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả do cháy gây ra và khẩn trương phục hồi lại hoạt động.
- Xác định sơ bộ các thiệt hại về người và tài sản.
- Tổ chức kiểm điểm, xác định trách nhiệm đối với cá nhân, bộ phận có liên quan và đưa ra giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn sự cố cháy tại cơ quan, đơn vị.
- Báo cáo nhanh và Báo cáo đầy đủ về sự cố cháy đến các cấp theo quy định.
Việc khắc phục hậu quả sau sự cố cháy tại cơ quan Bộ Y tế được quy định như thế nào? (Hình ảnh từ Internet)
Xử lý khi phát hiện sự cố, tai nạn trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của cơ quan Bộ Y tế?
Theo Điều 17 Quy chế công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của cơ quan Bộ Y tế ban hành kèm Quyết định 3047/QĐ-BYT năm 2022 quy định xử lý khi phát hiện sự cố, tai nạn như sau:
- Người phát hiện sự cố, tai nạn phải nhanh chóng xem xét những gì gây nguy hiểm đang, sẽ hoặc có thể xảy ra và bình tĩnh tìm phương án, hướng tốt nhất để đưa người bị nạn thoát ra vùng nguy hiểm; báo ngay cho Ban chỉ huy, Đội PCCC và CNCH cơ sở, những người đơn vị có liên quan đến công tác CNCH; thông tin về tình trạng nạn nhân khi chuyển giao cho người, bộ phận khác.
- Người tham gia CNCH phải có trang bị phòng hộ tối thiểu cho bản thân khi thực hiện nhiệm vụ và cho đối tượng được CNCH (đồ dùng bảo hộ, dụng cụ hỗ trợ cứu hộ...).
- Người tham gia CNCH thực hiện ngay các biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, phương tiện, tài sản của người bị nạn và lực lượng cứu nạn, cứu hộ.
- Việc tiến hành sơ cứu, cấp cứu nạn nhân được thực hiện tại vị trí an toàn cho cả người cứu và nạn nhân. Nếu tình trạng nạn nhân nguy hiểm, cần kết hợp gọi ngay đơn vị y tế cơ quan hoặc qua số điện thoại 115 (là số gọi y tế cấp cứu toàn quốc).
Người Chỉ huy cứu nạn, cứu hộ của cơ quan Bộ Y tế được quy định như thế nào?
Tại Điều 18 Quy chế công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của cơ quan Bộ Y tế ban hành kèm Quyết định 3047/QĐ-BYT năm 2022 quy định người Chỉ huy cứu nạn, cứu hộ như sau:
- Khi xảy ra sự cố, tai nạn, người có chức vụ cao nhất của đơn vị Cảnh sát PCCC và CNCH có mặt tại nơi xảy ra sự cố, tai nạn là người chỉ huy CNCH.
- Trong trường hợp sự cố, tai nạn xảy ra mà lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH chưa đến kịp thì Chánh Văn phòng Bộ hoặc Thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ (đối với đơn vị có trụ sở riêng) là người chỉ huy CNCH; trường hợp Chánh Văn phòng Bộ, Thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ vắng mặt thì Đội trưởng Đội PCCC và CNCH cơ sở của cơ quan hoặc người được ủy quyền là người chỉ huy CNCH.
- Khi người có chức vụ cao nhất của đơn vị Cảnh sát PCCC và CNCH đến nơi xảy ra sự cố, tai nạn thì người đang chỉ huy CNCH có trách nhiệm báo cáo sơ bộ tình hình sự cố, tai nạn và các biện pháp đã triển khai; bàn giao nhiệm vụ chỉ huy CNCH, tham gia ban chỉ huy CNCH và chịu sự phân công của người chỉ huy CNCH thuộc lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH.