Việc lưu trữ, bảo vệ cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp hiện nay được quy định như thế nào?
Nội dung chính
Việc lưu trữ, bảo vệ cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp hiện nay được quy định như thế nào?
Vấn đề bạn hỏi, tại Nghị định số 111/2010/NÐ-CP ngày 23-11-2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Lý lịch tư pháp nêu rõ:
(1) Lưu trữ hồ sơ lý lịch tư pháp bằng giấy:
- Việc lưu trữ hồ sơ lý lịch tư pháp bằng giấy phải theo nguyên tắc phân loại, sắp xếp thành hồ sơ của từng cá nhân; mỗi hồ sơ có ký hiệu riêng bảo đảm chính xác và thuận tiện cho việc tra cứu thông tin.
- Bản sao bản án, trích lục bản án, quyết định thi hành án hình sự, giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt, lý lịch tư pháp của cá nhân được lưu trữ tại Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp đến khi cá nhân qua đời.
Các tài liệu khác trong hồ sơ lý lịch tư pháp được lưu trữ có thời hạn và có thể được tiêu hủy khi hết giá trị sử dụng theo quy định về lưu trữ.
(2) Lưu trữ dữ liệu lý lịch tư pháp điện tử: Dữ liệu lý lịch tư pháp điện tử được xây dựng trên cơ sở số hóa hồ sơ lý lịch tư pháp bằng giấy, có cấu trúc phù hợp với nội dung của hồ sơ lý lịch tư pháp bằng giấy và được lưu trữ vô thời hạn tại Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp. Trong trường hợp có sự sai lệch về nội dung giữa dữ liệu lý lịch tư pháp điện tử và hồ sơ lý lịch tư pháp bằng giấy thì Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp phải tiến hành kiểm tra, xác minh để điều chỉnh cho phù hợp.
(3) Biện pháp bảo vệ cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp:
- Các biện pháp bảo vệ chung: Các biện pháp phòng, chống đột nhập, trộm cắp dữ liệu. Các biện pháp phòng, chống cháy, nổ; phòng, chống thiên tai.
- Các biện pháp bảo vệ đối với hồ sơ lý lịch tư pháp bằng giấy: Xây dựng hoặc bố trí kho lưu trữ theo đúng tiêu chuẩn quy định. Trang bị đầy đủ các thiết bị kỹ thuật, phương tiện bảo quản hồ sơ. Duy trì nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng phù hợp với hồ sơ. Thực hiện các biện pháp phòng, chống côn trùng, nấm mốc, khử a-xít và các tác nhân khác gây hư hỏng hồ sơ. Tu bổ, phục chế hồ sơ khi bị hư hỏng hoặc có nguy cơ bị hư hỏng.
- Các biện pháp bảo vệ đối với dữ liệu lý lịch tư pháp điện tử: Các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh dữ liệu. Các biện pháp bảo đảm an ninh mạng.