Việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật trong nước để giải quyết tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ được thực hiện như thế nào?

Chuyên viên pháp lý Thư Viện Nhà Đất
Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Theo quy định hiện hành thì việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật trong nước để giải quyết các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ được quy định cụ thể ra sao?

Nội dung chính

    Việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật trong nước để giải quyết tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ được thực hiện như thế nào?

    Việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật trong nước để giải quyết các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ được quy định tại Khoản 1 Mục IVA Thông tư liên tịch 02/2008/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BVHTT&DL-BKH&CN-BTP như sau:

    - Đối với trường hợp có sự khác nhau giữa quy định về sở hữu trí tuệ của Luật sở hữu trí tuệ với quy định của luật khác, thì áp dụng quy định của Luật sở hữu trí tuệ.

    Trước khi quyết định áp dụng quy định của Luật sở hữu trí tuệ hoặc của văn bản quy phạm pháp luật khác, phải rà soát, xác định cụ thể các văn bản quy phạm pháp luật có quy định về sở hữu trí tuệ (bao gồm cả Bộ luật dân sự năm 2005); sau đó so sánh, đối chiếu các quy định về sở hữu trí tuệ của các văn bản quy phạm pháp luật này với các quy định tương ứng của Luật sở hữu trí tuệ để xác định sự khác nhau trong các quy định về sở hữu trí tuệ của các văn bản quy phạm pháp luật đó.

    Ví dụ 1: Khoản 3 Điều 738 của Bộ luật dân sự năm 2005 quy định quyền tài sản thuộc quyền tác giả bao gồm:

    Sao chép tác phẩm;

    Cho phép tạo tác phẩm phái sinh;

    Phân phối, nhập khẩu bản gốc và bản sao tác phẩm;

    Truyền đạt tác phẩm đến công chúng;

    + Cho thuê bản gốc hoặc bản sao chương trình máy tính.

    Trong Luật sở hữu trí tuệ, quyền tài sản được quy định tại Điều 20. Khoản 1 Điều 20 quy định quyền tài sản bao gồm sáu quyền. So với quy định tại khoản 1 Điều 20 của Luật sở hữu trí tuệ, thì tại khoản 3 Điều 738 của Bộ luật dân sự năm 2005 có quy định khác về các quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng, cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh. Do đó, khi giải quyết các tranh chấp về các quyền này phải áp dụng quy định tại các điểm b hoặc e khoản 1 Điều 20 của Luật sở hữu trí tuệ.

    Ví dụ 2: Luật Hải quan quy định tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá nhập khẩu, xuất khẩu có yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tại các Điều 57, 58 và 59. Luật sở hữu trí tuệ quy định kiểm soát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ tại các Điều từ Điều 216 đến Điều 219. Do đó, nếu xác định rõ quy định của Luật Hải quan khác với quy định của Luật sở hữu trí tuệ về kiểm soát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ, thì áp dụng quy định của Luật sở hữu trí tuệ.

    - Trường hợp có những vấn đề dân sự liên quan đến sở hữu trí tuệ không được quy định trong Luật sở hữu trí tuệ, thì áp dụng quy định của Bộ luật dân sự.

    Khi áp dụng pháp luật để giải quyết các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, phải căn cứ vào các quy định của Luật sở hữu trí tuệ và của Bộ luật dân sự năm 2005 (Phần thứ sáu) “Quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ” (từ Điều 736 đến Điều 753) để xác định rõ đối tượng của tranh chấp đó có được quy định trong Luật sở hữu trí tuệ hoặc trong Bộ luật dân sự năm 2005 hay không. Nếu có căn cứ xác định rằng đối tượng của tranh chấp không được quy định trong Luật sở hữu trí tuệ mà được quy định trong Bộ luật dân sự năm 2005, thì áp dụng quy định tương ứng của Bộ luật dân sự năm 2005.

    Ví dụ: Theo quy định tại Điều 40 của Luật sở hữu trí tuệ, thì “tổ chức, cá nhân được thừa kế quyền tác giả theo quy định của pháp luật về thừa kế là chủ sở hữu các quyền quy định tại Điều 20 và khoản 3 Điều 19 của Luật này”. Do Luật sở hữu trí tuệ không quy định cụ thể về thừa kế quyền tác giả nên khi giải quyết tranh chấp về thừa kế quyền tác giả phải áp dụng quy định tại Phần thứ tư “Thừa kế” của Bộ luật dân sự năm 2005.

    Trên đây là nội dung quy định về việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật trong nước để giải quyết các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư liên tịch 02/2008/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BVHTT&DL-BKH&CN-BTP.

    18
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ