Trong quá trình xem xét đầu tư xây dựng mới công trình tôn giáo, tín ngưỡng tại TP HCM có cần bước đánh giá rà soát giá trị không?
Nội dung chính
Trong quá trình xem xét đầu tư xây dựng mới công trình tôn giáo, tín ngưỡng tại TP HCM có cần bước đánh giá rà soát giá trị không?
Căn cứ điểm e khoản 4 Điều 9 Quyết định 56/2021/QĐ-UBND về Quy chế quản lý kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh về quy định đối với kiến trúc các loại hình công trình như sau:
Quy định đối với kiến trúc các loại hình công trình
...
4. Công trình tôn giáo, tín ngưỡng:
a) Việc xây dựng các công trình tôn giáo, tín ngưỡng phải phù hợp với quy hoạch đô thị, được tổ chức hài hòa với không gian, cảnh quan của khu vực, tổ chức giao thông thuận lợi. Kiến trúc đẹp, hài hòa về tỷ lệ. Kích thước, quy mô, hình thức kiến trúc, màu sắc công trình tương đồng với kiến trúc khu vực xung quanh và phát huy truyền thống kiến trúc dân tộc, mang đặc trưng riêng về kiến trúc của từng tôn giáo, tín ngưỡng.
b) Các công trình tôn giáo cần tổ chức hợp lý các không gian đáp ứng nhu cầu tập trung đông người trong khuôn viên công trình (như quảng trường, sân bãi, khoảng trống tại tầng trệt, nhà để xe, lối thoát hiểm, ...), giải pháp tổ chức giao thông tiếp cận tránh gây ùn tắc cho các tuyến đường xung quanh.
c) Trên các khoảng lùi xây dựng, ưu tiên bố trí cây xanh, thảm cỏ, vườn hoa, tiểu cảnh.
d) Trong điều kiện cho phép, cần tạo khoảng cách tối đa giữa công trình tôn giáo với các công trình lân cận.
đ) Việc tu bổ, phục hồi cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo là di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xếp hạng; việc cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trình phụ trợ thuộc các cơ sở này thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.
e) Trong quá trình xem xét đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo công trình tôn giáo, tín ngưỡng hiện hữu cần có bước đánh giá rà soát giá trị để xem xét, tránh trường hợp các công trình kiến trúc có giá trị bị tháo dỡ không mong muốn.
g) Không cho phép quảng cáo trên các công trình kiến trúc tôn giáo.
...
Như vậy, trong quá trình xem xét đầu tư xây dựng mới công trình tôn giáo, công trình tín ngưỡng tại Thành phố Hồ Chí Minh, cần có bước đánh giá rà soát giá trị để đảm bảo rằng các công trình kiến trúc có giá trị lịch sử, văn hóa không bị tháo dỡ hoặc thay đổi một cách không mong muốn.
Trong quá trình xem xét đầu tư xây dựng mới công trình tôn giáo, tín ngưỡng tại TP HCM có cần bước đánh giá rà soát giá trị không? (Hình từ Internet)
Được phép treo biển hiệu trên công trình tôn giáo tín ngưỡng tại TP HCM không?
Căn cứ điểm k khoản 1 Điều 11 Quyết định 56/2021/QĐ-UBND về Quy chế quản lý kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh về các yêu cầu khác như sau:
Các yêu cầu khác
1. Đối với quảng cáo trên công trình kiến trúc:
...
k) Đối với công trình tôn giáo tín ngưỡng:
- Không cho phép mọi hình thức quảng cáo trên hàng rào và trên công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng.
- Được phép treo biển hiệu, biển báo, thông tin của công trình trên cổng và hàng rào với tổng diện tích không quá 5,0m2.
...
Theo đó, được phép treo biển hiệu trên công trình tôn giáo, công trình tín ngưỡng tại Thành phố Hồ Chí Minh nhưng chỉ trên cổng và hàng rào và tổng diện tích của biển hiệu không được vượt quá 5,0 m². Tuy nhiên, mọi hình thức quảng cáo trên công trình tôn giáo, tín ngưỡng là không được phép.
Quy định chung về thiết kế cảnh quan công trình tôn giáo, công trình tín ngưỡng tại TP HCM thế nào?
Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 9 Quyết định 56/2021/QĐ-UBND về Quy chế quản lý kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh về quy định đối với kiến trúc các loại hình công trình như sau:
Quy định đối với kiến trúc các loại hình công trình
1. Công trình công cộng:
Công trình công cộng bao gồm: công trình giáo dục, công trình y tế, công trình thể thao, công trình văn hóa, công trình tôn giáo, công trình tín ngưỡng, công trình thương mại, dịch vụ và trụ sở làm việc, nhà ga (hàng không, đường thủy, đường sắt; bến xe ô tô), cáp treo vận chuyển người, trụ sở cơ quan nhà nước.
a) Quy định chung:
- Các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc của các loại hình công trình phải phù hợp với đồ án Quy hoạch phân khu, đồ án Quy hoạch chi tiết hoặc Thiết kế đô thị được duyệt, đảm bảo bán kính phục vụ, kết nối giao thông.
- Thiết kế các loại hình công trình phải tuân thủ các Quy chuẩn, Tiêu chuẩn xây dựng hiện hành.
- Về kiến trúc công trình:
Kiến trúc của công trình công cộng cần thể hiện được đặc điểm, tính chất và hình thái kiến trúc đặc trưng của loại công trình công cộng đó.
Kiến trúc các công trình cần đảm bảo yếu tố bền vững, phù hợp với các điều kiện về khí hậu, địa chất, địa hình, thủy văn tại khu vực; có khả năng khắc phục hiệu quả các tác động của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường.
Khuyến khích áp dụng các công nghệ mới trong kiến trúc công trình, hướng đến công trình xanh, thân thiện môi trường và tiết kiệm năng lượng.
- Về thiết kế cảnh quan:
Khuyến khích phương án thiết kế dành một phần hoặc toàn bộ tầng trệt hoặc các tầng của công trình để bố trí các không gian mở phục vụ công cộng, bố trí sân chơi, sảnh đón hoặc không gian xanh phục vụ cộng đồng.
Tổ chức cây xanh, cảnh quan công trình theo hướng tham gia đóng góp cho cảnh quan đô thị chung tại khu vực; khuyến khích bố trí các không gian mở, tăng cường mảng xanh, mặt nước, các tiểu cảnh, sân vườn nhằm cải thiện điều kiện vi khí hậu và tạo thêm không gian sinh hoạt cộng đồng, thư giãn, nghỉ ngơi sinh động, thân thiện, phù hợp với chức năng công trình.
Cây xanh trong công trình cần lưu ý chọn các loại cây có sức sống tốt, tạo bóng mát, ít rụng lá và chống chịu tốt với điều kiện thiếu nước, ngập úng; hạn chế trồng các loại cây ăn trái; không trồng cây có rễ nông dễ ngã đổ, gãy cành; không sử dụng loại cây có mùi hương, gai và nhựa độc. Khuyến khích trồng nhiều cây xanh trong khuôn viên công trình, xung quanh khoảng cách ly, giáp hàng rào và khu vực cổng. Tránh trồng cây xanh che khuất biển hiệu, biển báo công trình.
...
Theo đó, quy định chung về thiết kế cảnh quan đối với công trình tôn giáo, công trình tín ngưỡng tại Thành phố Hồ Chí Minh được nêu cụ thể theo quy định trên.