Trong những trường hợp nào thì việc thụ lý tố cáo không được thực hiện? Việc giải quyết tố cáo có được tổ chức đối thoại giữa các bên liên quan hay không?

Không thụ lý tố cáo trong trường hợp nào? Giải quyết tố cáo có tổ chức đối thoại không? Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của Chủ tịch UBND cấp xã đến cơ quan nào?

Nội dung chính

    Không thụ lý tố cáo trong trường hợp nào?

    Tại Luật Tố cáo 2011 thì có 3 trường hợp người có thẩm quyền không thụ lý giải quyết tố cáo, vậy theo quy định hiện nay thì trường hợp nào sẽ không thụ lý tố cáo?

    Trả lời:

    Theo Khoản 1 Điều 24 Luật Tố cáo 2018 thì Trường hợp đủ điều kiện thụ lý thì ra quyết định thụ lý tố cáo theo quy định tại Điều 29 của Luật này; trường hợp không đủ điều kiện thụ lý thì không thụ lý tố cáo và thông báo ngay cho người tố cáo biết lý do không thụ lý tố cáo.

    Và theo Khoản 1 Điều 29 Luật Tố cáo 2018 thì Người giải quyết tố cáo ra quyết định thụ lý tố cáo khi có đủ các điều kiện sau đây:

    - Tố cáo được thực hiện theo quy định tại Điều 23 của Luật này;

    - Người tố cáo có đủ năng lực hành vi dân sự; trường hợp không có đủ năng lực hành vi dân sự thì phải có người đại diện theo quy định của pháp luật;

    - Vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tố cáo;

    - Nội dung tố cáo có cơ sở để xác định người vi phạm, hành vi vi phạm pháp luật.

    Trường hợp tố cáo xuất phát từ vụ việc khiếu nại đã được giải quyết đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật nhưng người khiếu nại không đồng ý mà chuyển sang tố cáo người đã giải quyết khiếu nại thì chỉ thụ lý tố cáo khi người tố cáo cung cấp được thông tin, tài liệu, chứng cứ để xác định người giải quyết khiếu nại có hành vi vi phạm pháp luật.

    Như vậy, hiện nay trường hợp không đủ các điều kiện Khoản 1 Điều 29 Luật Tố cáo 2018thì người giải quyết tố cáo không thụ lý tố cáo và thông báo ngay cho người tố cáo biết lý do.

    Trước đây, Người có thẩm quyền không thụ lý giải quyết tố cáo trong các trường hợp sau đây:

    - Tố cáo về vụ việc đã được người đó giải quyết mà người tố cáo không cung cấp thông tin, tình tiết mới;

    - Tố cáo về vụ việc mà nội dung và những thông tin người tố cáo cung cấp không có cơ sở để xác định người vi phạm, hành vi vi phạm pháp luật;

    - Tố cáo về vụ việc mà người có thẩm quyền giải quyết tố cáo không đủ điều kiện để kiểm tra, xác minh hành vi vi phạm pháp luật, người vi phạm.

    Trong những trường hợp nào thì việc thụ lý tố cáo không được thực hiện? Việc giải quyết tố cáo có được tổ chức đối thoại giữa các bên liên quan hay không? (Hình từ Internet)

    Giải quyết tố cáo có tổ chức đối thoại không?

    Tôi đang là sinh viên năm nhất chuyên ngành luật và hiện đang tìm hiểu về Luật tố cáo. Ban biên tập cho tôi hỏi: Theo quy định thì trong quá trình giải quyết tố cáo có tổ chức đối thoại không? Vì sao? Mong ban biên tập hỗ trợ.

    Trả lời:

    Theo Điều 28 Luật Tố cáo 2018 quy định về quy trình giải quyết tố cáo như sau:

    - Thụ lý tố cáo.

    - Xác minh nội dung tố cáo.

    - Kết luận nội dung tố cáo.

    - Xử lý kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo.

    Như vậy, trong quá trình giải quyết tố cáo thì cơ quan có thẩm quyền giải quyết không thực hiện tổ chức đối thoại. Vì theo Điều 11 Luật này quy định người giải quyết tố cáo có nghĩa vụ không tiết lộ thông tin về việc giải quyết tố cáo; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố cáo khi chưa có kết luận nội dung tố cáo.

    Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của Chủ tịch UBND cấp xã đến cơ quan nào?

    Tôi là người dân sinh sống trong xã X. Thời gian gần đây tôi có phát hiện Chủ tịch UBND xã X có nhiều vi phạm pháp luật trong việc giao đất cho người dân và tôi có bằng chứng rõ ràng. Ban biên tập cho tôi hỏi: Tôi muốn làm đơn tố cáo thì được quyền tố cáo đến ai?

    Trả lời:

    Theo Khoản 2 Điều 13 Luật Tố cáo 2018 có quy định về thẩm quyền giải quyết tố cáo của Chủ tịch UBND cấp huyện:

    - Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, cán bộ, công chức, viên chức khác do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp;

    - Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cơ quan, tổ chức do Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý trực tiếp.

    Như vậy, bạn có thể làm đơn tố cáo gửi đến Chủ tịch UBND huyện nơi bạn sinh sống để tiến hành tố cáo theo quy định.

    295