Trong kế toán Doanh nghiệp, Tài khoản Chi dự án được quy định cụ thể như thế nào?
Nội dung chính
Tài khoản 161 - Chi dự án trong kế toán Doanh nghiệp được hướng dẫn tại Điều 32 Thông tư 200/2014/TT-BTC và được sửa đổi bởi Điều 11 Thông tư 177/2015/TT-BTC để áp dụng đối với BHTG Việt Nam, theo đó:
(1) Nguyên tắc kế toán
- Tài khoản này dùng để phản ánh số chi cho chương trình, dự án đã được Nhà nước phê duyệt bằng nguồn kinh phí NSNN cấp hoặc bằng nguồn viện trợ của nước ngoài, nguồn khác cho chương trình, dự án. TK 161 chỉ sử dụng ở Trụ sở chính.
- Tài khoản 161 - Chi dự án chỉ sử dụng ở Trụ sở chính khi được giao nhiệm vụ quản lý, thực hiện chương trình, dự án và được NSNN cấp kinh phí, các khoản viện trợ, ài trợ của nước ngoài theo dự án để thực hiện chương trình, dự án.
- Kế toán phải mở sổ theo dõi chi tiết chi phí của từng chương trình, dự án và tập hợp chi phí cho việc quản lý dự án, chi phí thực hiện dự án theo Mục lục NSNN và theo nội dung chi trong dự toán được duyệt của từng chương trình, dự án.
- BHTG Việt Nam không được xét duyệt quyết toán ngân sách năm các khoản chi dự án từ các khoản tiền, hàng viện trợ theo chương trình, dự án nhưng BHTG Việt Nam chưa có chứng từ ghi thu, ghi chi ngân sách theo quy định của chế độ tài chính. Các khoản chi dự án chưa được xét duyệt quyết toán được phản ánh vào số dư bên Nợ TK 161 - Chi dự án (Chi tiết chi dự án chưa có nguồn kinh phí).
- Đối với những khoản thu (nếu có) trong quá trình thực hiện chương trình, dự án, đề tài được hạch toán vào bên Có TK 338 - Phải trả, phải nộp khác (3388) (Chi tiết thu thực hiện dự án). Tùy thuộc vào quy định xử lý của cơ quan cấp phát kinh phí, số thu trong quá trình thực hiện dự án được kết chuyển vào các tài khoản có liên quan.
- Tài khoản 161 được mở theo dõi lũy kế chi dự án từ khi bắt đầu thực hiện chương trình, dự án cho đến khi kết thúc chương trình, dự án được phê duyệt quyết toán bàn giao sử dụng.
(2) Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 161 - Chi dự án
- Bên Nợ: Chi thực tế cho việc quản lý, thực hiện chương trình, dự án.
- Bên Có:
+ Số chi sai bị xuất toán phải thu hồi;
+ Số chi của chương trình, dự án được quyết toán với nguồn kinh phí dự án.
- Số dư bên Nợ: Số chi chương trình, dự án chưa hoàn thành hoặc đã hoàn thành nhưng quyết toán chưa được duyệt.
+Tài khoản 161 - Chi dự án, có 3 tài khoản cấp 2:
Tài khoản 1611 - Chi từ nguồn kinh phí NSNN cấp: Phản ánh các khoản chi dự án từ nguồn kinh phí NSNN cấp.
Tài khoản 1611 có 2 tài khoản cấp 3:
Tài khoản 16111 - Chi quản lý dự án: Phản ánh các khoản chi quản lý dự án từ nguồn kinh phí NSNN cấp;
Tài khoản 16112 - Chi thực hiện dự án: Phản ánh các khoản chi thực hiện dự án từ nguồn kinh phí NSNN cấp.
Tài khoản 1612 - Chi từ nguồn kinh phí viện trợ: Phản ánh các khoản chi dự án từ nguồn kinh phí viện trợ.
+ Tài khoản 1612 có 2 tài khoản cấp 3:
Tài khoản 16121 - Chi quản lý dự án: Phản ánh các khoản chi quản lý dự án từ nguồn kinh phí viện trợ;
Tài khoản 16122 - Chi thực hiện dự án: Phản ánh các khoản chi thực hiện dự án từ nguồn kinh phí viện trợ.
Tài khoản 1618 - Chi từ nguồn khác: Phản ánh các khoản chi dự án từ nguồn khác ngoài nguồn kinh phí do NSNN cấp hoặc do nhận viện trợ.
+ Tài khoản 1618 có 2 tài khoản cấp 3:
Tài khoản 16181 - Chi quản lý dự án: Phản ánh các khoản chi quản lý dự án từ nguồn khác;
Tài khoản 16182 - Chi thực hiện dự án: Phản ánh các khoản chi thực hiện dự án từ nguồn khác.
(3) Phương pháp hạch toán kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu
- Khi xuất quỹ tiền mặt, rút tiền gửi chi cho chương trình, dự án, ghi:
+ Nợ TK 161 - Chi dự án (1611, 1612, 1618)
+ Có TK 111 - Tiền mặt
+ Có TK 112 - Tiền gửi ngân hàng.
- Xuất nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ sử dụng cho chương trình, dự án, ghi:
+ Nợ TK 161 - Chi dự án (1611, 1612, 1618)
+ Có TK 152 - Nguyên liệu, vật liệu
+ Có TK 153 - Công cụ, dụng cụ.
- Dịch vụ mua ngoài sử dụng cho chương trình, dự án chưa thanh toán, ghi:
+ Nợ TK 161 - Chi dự án (1611, 1612, 1618)
+ Có TK 331 - Phải trả cho người bán.
- Tiền lương của cán bộ chuyên trách dự án phải trả và phụ cấp phải trả cho nhân viên hợp đồng của dự án và những người tham gia thực hiện chương trình, dự án, ghi:
+ Nợ TK 161 - Chi dự án (1611, 1612, 1618)
+ Có TK 334 - Phải trả người lao động.
- Khi trích BHXH, BHYT, BHTN, KPCĐ của cán bộ chuyên trách dự án và những người tham gia thực hiện chương trình, dự án, ghi:
+ Nợ TK 161 - Chi dự án (1611, 1612, 1618)
+ Có TK 338 - Phải trả, phải nộp khác (3382, 3383, 3384, 3386).
- Thanh toán tạm ứng tính vào chi dự án, ghi:
+ Nợ TK 161 - Chi dự án (1611, 1612, 1618)
+ Có TK 141 - Tạm ứng.
- Rút dự toán chi chương trình, dự án để chi thực hiện dự án, ghi:
+ Nợ TK 161 - Chi dự án
+ Có TK 461 - Nguồn kinh phí dự án.
- Mua TSCĐ dùng cho chương trình, dự án, ghi:
+ Nợ TK 211 - TSCĐ hữu hình
+ Nợ TK 213 - TSCĐ vô hình
+ Có các TK 111, 112, 331.
- Đồng thời ghi:
+ Nợ TK 161 - Chi dự án
+ Có TK 466 - Nguồn kinh phí đã hình thành TSCĐ.
- Kết chuyển chi phí sửa chữa lớn TSCĐ của dự án hoàn thành, ghi:
+ Nợ TK 161 - Chi dự án
+ Có TK 241 - XDCB dở dang.
- Những khoản chi của dự án không đúng chế độ, quá tiêu chuẩn, định mức, không được phê duyệt phải thu hồi chờ xử lý, ghi:
+ Nợ TK 138 - Phải thu khác (1381)
+ Có TK 161 - Chi dự án.
- Khi phát sinh các khoản thu ghi giảm chi dự án, ghi:
+ Nợ TK 111 - Tiền mặt
+ Nợ TK 112 - Tiền gửi ngân hàng
+ Có TK 161 - Chi dự án.
- Kế toán xử lý chênh lệch tỷ giá hối đoái của hoạt động dự án, căn cứ vào số dư TK 413 - Chênh lệch tỷ giá hối đoái (chi tiết lãi, lỗ tỷ giá hối đoái của hoạt động dự án):
+ Kết chuyển lỗ tỷ giá hối đoái, ghi:
+ Nợ TK 161 - Chi dự án
+ Có TK 413 - Chênh lệch tỷ giá hối đoái.
- Kết chuyển lãi tỷ giá hối đoái, ghi:
+ Nợ TK 413 - Chênh lệch tỷ giá hối đoái
+ Có TK 161 - Chi dự án.
- Khi quyết toán chi dự án được duyệt, kết chuyển số chi dự án để ghi giảm nguồn kinh phí, ghi:
+ Nợ TK 461 - Nguồn kinh phí dự án (4611, 4612, 4618)
+ Có TK 161 - Chi dự án (1611, 1612, 1618).
Trên đây là trả lời về tài khoản 161 - Chi dự án trong kế toán Doanh nghiệp, được quy định tại Thông tư 177/2015/TT-BTC. Bạn vui lòng tham khảo văn bản này để có thể hiểu rõ hơn.