Trình tự, thủ tục đăng ký đất đai lần đầu đối với đất rừng đặc dụng
Nội dung chính
Trình tự, thủ tục đăng ký đất đai lần đầu đối với đất rừng đặc dụng
Căn cứ điểm đ khoản 1 Đều 217 Luật Đất đai 2024 quy định như sau:
Đất do cơ quan, tổ chức của Nhà nước quản lý
1. Đất do cơ quan, tổ chức của Nhà nước quản lý là đất chưa giao, chưa cho thuê hoặc đã được giao đất để quản lý, bao gồm:
a) Đất sử dụng vào mục đích công cộng;
b) Đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối, ao, hồ, đầm, phá;
c) Đất nghĩa trang, nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng; đất cơ sở lưu giữ tro cốt;
d) Đất có mặt nước chuyên dùng;
đ) Đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất;
e) Đất do Nhà nước thu hồi và giao cho tổ chức phát triển quỹ đất quản lý;
Như vậy, đối với đất rừng đặc dụng là đất đã được giao đất để quản lý, thì trình tự, thủ tục đăng ký đất đai lần đầu theo quy định tại Điều 35 Nghị định 101/2024/NĐ-CP như sau:
(1) Hồ sơ đăng ký đất đai lần đầu đối với trường hợp đất được giao quản lý quy định tại Điều 217 Luật Đất đai 2024 như sau:
- Người được giao quản lý đất quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 7 Luật Đất đai 2024 thì hồ sơ gồm Đơn đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 05/ĐK và báo cáo kết quả rà soát hiện trạng sử dụng đất theo Mẫu số 05b/ĐK ban hành kèm Nghị định 1012024/NĐ-CP.
Trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật Đất đai 2024 nộp 01 bộ hồ sơ đến cơ quan tiếp nhận hồ sơ quy định điểm a hoặc điểm b khoản 1 Điều 21 Nghị định 101/2024/NĐ-CP; trường hợp cơ quan tiếp nhận hồ sơ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 21 Nghị định 101/2024/NĐ-CPthì chuyển hồ sơ đến Văn phòng đăng ký đất đai.
Trường hợp người được giao quản lý đất quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 7 Luật Đất đai 2024 thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo cơ quan có chức năng quản lý đất đai cùng cấp chuẩn bị 01 bộ hồ sơ và chuyển đến Văn phòng đăng ký đất đai;
- Người được giao quản lý đất quy định tại khoản 4 Điều 7 Luật Đất đai 2024 thì nộp 01 bộ hồ sơ gồm Đơn đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 04/ĐK và báo cáo kết quả rà soát hiện trạng sử dụng đất theo Mẫu số 05b/ĐK ban hành kèm Nghị định 101/2024/NĐ-CP đến Ủy ban nhân dân cấp xã; Ủy ban nhân dân cấp xã chuyển hồ sơ đến Văn phòng đăng ký đất đai.
(2) Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện việc lập, cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai.
Trình tự, thủ tục đăng ký đất đai lần đầu đối với đất rừng đặc dụng (Hình từ Internet)
Đất rừng đặc dụng có thời gian sử dụng đất là bao lâu?
Căn cứ theo khoản 3 Điều 171 Luật Đất đai 2024 quy định như sau:
Đất sử dụng ổn định lâu dài
1. Đất ở.
2. Đất nông nghiệp do cộng đồng dân cư sử dụng quy định tại khoản 4 Điều 178 của Luật này.
3. Đất rừng đặc dụng; đất rừng phòng hộ; đất rừng sản xuất do tổ chức quản lý.
4. Đất thương mại, dịch vụ, đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp của cá nhân đang sử dụng ổn định được Nhà nước công nhận mà không phải là đất được Nhà nước giao có thời hạn, cho thuê.
5. Đất xây dựng trụ sở cơ quan quy định tại khoản 1 Điều 199 của Luật này; đất xây dựng công trình sự nghiệp của đơn vị sự nghiệp công lập quy định tại khoản 2 Điều 199 của Luật này.
6. Đất quốc phòng, an ninh.
7. Đất tín ngưỡng.
8. Đất tôn giáo quy định tại khoản 2 Điều 213 của Luật này.
9. Đất sử dụng vào mục đích công cộng không có mục đích kinh doanh.
10. Đất nghĩa trang, nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng; đất cơ sở lưu giữ tro cốt.
11. Đất quy định tại khoản 3 Điều 173 và khoản 2 Điều 174 của Luật này.
Như vậy, theo quy định thì đất rừng đặc dụng được xác định là đất sử dụng ổn định lâu dài.
Tiêu chí, điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng sang mục đích khác được quy định ra sao?
Căn cứ theo quy định tại Điều 46 Nghị định 102/2024/NĐ-CP, quy định về tiêu chí, điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng sang mục đích khác như sau:
(1) Tiêu chí, điều kiện chuyển mục đích sử dụng từ 02 ha trở lên đối với đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất sang mục đích khác bao gồm:
- Có phương án trồng rừng thay thế hoặc văn bản hoàn thành trách nhiệm nộp tiền trồng rừng thay thế theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp;
- Có phương án sử dụng tầng đất mặt theo quy định của pháp luật về trồng trọt;
- Có đánh giá sơ bộ tác động môi trường hoặc đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
(2) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương để quy định tiêu chí, điều kiện cụ thể việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất sang mục đích khác để bảo đảm sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả đáp ứng với yêu cầu bảo đảm an ninh lương thực và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh đối với trường hợp không thuộc quy định tại khoản (1).