Tổ chức nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp mà giải thể, phá sản thì quyền sử dụng đất đã góp vốn được xử lý theo quy định nào?
Nội dung chính
Trường hợp tổ chức nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp mà giải thể, phá sản thì quyền sử dụng đất đã góp vốn được xử lý theo quy định nào?
Căn cứ khoản 4 Điều 78 Nghị định 102/2024/NĐ-CP về thực hiện tích tụ đất nông nghiệp quy định như sau:
Thực hiện tích tụ đất nông nghiệp
1. Tổ chức kinh tế thực hiện tích tụ đất nông nghiệp thông qua các phương thức sau đây:
a) Nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp;
b) Nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp;
c) Nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp và nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp.
2. Tổ chức kinh tế thực hiện tích tụ đất nông nghiệp thông qua phương thức quy định tại điểm a và điểm c khoản 1 Điều này phải lập phương án sử dụng đất nông nghiệp theo quy định tại khoản 6 Điều 45 Luật Đất đai gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Trong thời hạn 25 ngày kể từ ngày nhận được phương án sử dụng đất nông nghiệp của tổ chức kinh tế, Ủy ban nhân dân cấp huyện có văn bản chấp thuận, trường hợp không chấp thuận thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
3. Sau khi phương án sử dụng đất nông nghiệp được phê duyệt, tổ chức kinh tế thực hiện việc thỏa thuận với người sử dụng đất để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp hoặc nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp; việc đăng ký đất đai thực hiện theo quy định của Nghị định quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin đất đai.
4. Trường hợp tổ chức nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp mà giải thể, phá sản thì quyền sử dụng đất đã góp vốn được xử lý theo quy định của pháp luật về giải thể, phá sản.
Như vậy, khi tổ chức nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp mà giải thể hoặc phá sản, quyền sử dụng đất đã góp vốn sẽ được xử lý theo quy định của pháp luật về giải thể, phá sản.
Tổ chức nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp mà giải thể, phá sản thì quyền sử dụng đất đã góp vốn được xử lý theo quy định nào? (Hình từ Internet)
Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất tại khu vực hạn chế tiếp cận đất đai có được hay không?
Căn cứ tại khoản 3 Điều 10 Nghị định 102/2024/NĐ-CP quy định về việc nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất trong khu vực hạn chế tiếp cận đất đai như sau:
Quy định về nhận quyền sử dụng đất tại khu vực hạn chế tiếp cận đất đai
...
3. Trường hợp tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất quy định tại điểm c khoản 1 Điều 28 Luật Đất đai, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất quy định tại điểm d khoản 1 Điều 28 Luật Đất đai để thực hiện dự án đầu tư tại khu vực hạn chế tiếp cận đất đai thì phải lấy ý kiến Bộ Quốc phòng, Bộ Công an theo quy định sau:
a) Người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đất cho phép nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn tại khu vực hạn chế tiếp cận đất đai;
b) Trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi văn bản lấy ý kiến của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an;
c) Trong thời hạn không quá 20 ngày kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có ý kiến bằng văn bản gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Theo đó, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có quyền nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất tại khu vực hạn chế tiếp cận đất đai nhưng phải thực hiện việc lấy ý kiến Bộ Quốc phòng, Bộ Công an như sau:
- Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đất cho phép nhận góp vốn tại khu vực hạn chế tiếp cận đất đai
- Trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi văn bản lấy ý kiến của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
- Trong thời hạn không quá 20 ngày kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có ý kiến bằng văn bản gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Nguyên tắc tích tụ đất nông nghiệp là gì?
Căn cứ khoản 2 Điều 193 Luật Đất đai 2024 về tích tụ đất nông nghiệp quy định như sau:
Tích tụ đất nông nghiệp
...
2. Việc tích tụ đất nông nghiệp phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:
a) Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, người sử dụng đất và của các tổ chức, cá nhân có liên quan; không ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh;
b) Tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về dân sự và pháp luật có liên quan; sử dụng đúng mục đích, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
c) Phù hợp với đặc điểm về đất đai, địa hình, khí hậu, văn hóa, quá trình chuyển dịch lao động, chuyển đổi nghề, việc làm ở nông thôn của từng vùng, từng khu vực, từng địa phương và phù hợp với nhu cầu của thị trường.
...
Như vậy, nguyên tắc tích tụ đất nông nghiệp bao gồm:
- Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, người sử dụng đất, tổ chức và cá nhân có liên quan; không làm ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.
- Tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai, dân sự và các quy định liên quan; sử dụng đất đúng mục đích, phù hợp với quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt.
- Phù hợp với đặc điểm địa phương, bao gồm đất đai, địa hình, khí hậu, văn hóa, quá trình chuyển dịch lao động, chuyển đổi nghề, việc làm ở nông thôn và đáp ứng nhu cầu của thị trường.