Thực hiện quyền kháng nghị đối với việc thi hành án dân sự và trong giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự được quy định như thế nào?
Nội dung chính
Thực hiện quyền kháng nghị đối với việc thi hành án dân sự và trong giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự được quy định như thế nào?
Theo quy định tại Điều 34 Quy chế công tác Kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính (ban hành kèm Quyết định 810/QĐ-VKSTC năm 2016) thì nội dung này được quy định như sau:
- Viện kiểm sát nhân dân thực hiện quyền kháng nghị đối với quyết định và hành vi của Thủ trưởng, CHV Cơ quan THADS cùng cấp và cấp dưới, Thừa phát lại khi có vi phạm pháp Luật nghiêm trọng, ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong thi hành án dân sự và trong giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự để yêu cầu đình chỉ việc thi hành án, thu hồi, sửa đổi, bổ sung, hủy quyết định có vi phạm pháp Luật trong việc thi hành án và trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án; chấm dứt hành vi vi phạm pháp Luật theo Điều 28 và Điều 30 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014, Điều 12 và Điều 160 Luật THADS 2014;
- Kháng nghị phải bảo đảm đúng thời hạn theo quy định tại Điều 160 Luật THADS 2014; phải bằng văn bản theo mẫu quy định, do lãnh đạo Viện ký. Nội dung kháng nghị phải nêu rõ tên cơ quan bị kháng nghị; chức vụ, chức danh của cá nhân bị kháng nghị; quyết định hoặc hành vi vi phạm pháp Luật bị kháng nghị; các yêu cầu cần thực hiện, thời hạn trả lời kháng nghị. Khi nêu các vi phạm, cần viện dẫn đầy đủ các quy định của pháp Luật làm căn cứ xác định vi phạm.
Kháng nghị được gửi cho đối tượng bị kháng nghị, cho cơ quan chủ quản của họ và cho Viện kiểm sát cấp trên để báo cáo.
- Viện kiểm sát đã kháng nghị có trách nhiệm theo dõi việc trả lời và thực hiện kháng nghị theo quy định tại Điều 161 Luật THADS 2014. Khi cần thiết thì tổ chức phúc tra việc thực hiện các yêu cầu trong kháng nghị; hoặc thông qua trực tiếp kiểm sát định kỳ để phúc tra việc thực hiện kháng nghị.
- Trường hợp đối tượng bị kháng nghị không nhất trí với kháng nghị thì Viện kiểm sát đã kháng nghị phải báo cáo Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp (cả trong trường hợp Viện kiểm sát cấp trên kháng nghị với hành vi, quyết định của Cơ quan THADS cấp dưới), kèm theo tài liệu cần thiết. Báo cáo phải nêu rõ nội dung sự việc, quan điểm của Viện kiểm sát về kháng nghị và về quan điểm không chấp nhận kháng nghị của cơ quan bị kháng nghị.
Kể từ ngày nhận được báo cáo và tài liệu kèm theo của Viện kiểm sát cấp dưới và báo cáo của Cơ quan THADS cấp dưới bị kháng nghị, Viện kiểm sát cấp trên có trách nhiệm xem xét và trong thời hạn không quá 15 ngày làm việc phải ban hành văn bản trả lời. Trường hợp đồng ý với kháng nghị của Viện kiểm sát cấp dưới thì nêu rõ quan điểm của mình. Trường hợp không đồng ý với một phần hoặc toàn bộ kháng nghị của Viện kiểm sát cấp dưới thì nêu rõ quan điểm, đồng thời yêu cầu Viện kiểm sát đã kháng nghị rút, sửa đổi kháng nghị hoặc trực tiếp ra quyết định rút một phần hoặc toàn bộ kháng nghị của Viện kiểm sát cấp dưới.
Trường hợp xét thấy văn bản trả lời của Thủ trưởng Cơ quan THADS cấp tỉnh hoặc của Thủ trưởng cơ quan quản lý THADS thuộc Bộ Tư pháp không có căn cứ, trái với quan điểm của Viện kiểm sát thì Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh báo cáo Vụ kiểm sát thi hành án dân sự để báo cáo lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Nếu thấy kháng nghị có căn cứ, đúng pháp Luật thì Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao có văn bản yêu cầu lãnh đạo Bộ Tư pháp xem xét lại văn bản trả lời của Thủ trưởng Cơ quan THADS cấp tỉnh và Thủ trưởng cơ quan quản lý THADS thuộc Bộ Tư pháp.
- Việc kháng nghị đối với quyết định của Tòa án trong việc xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án thực hiện theo quy định tại Điều 64 Luật THADS 2014, Điều 36 Quy chế này và theo mẫu do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành.