Thời hạn tạm giữ người theo thủ tục hành chính của Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển được quy định như thế nào?
Nội dung chính
Thời hạn tạm giữ người theo thủ tục hành chính của Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển được quy định như thế nào?
Thời hạn tạm giữ người theo thủ tục hành chính của Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển quy định tại Điều 9 Thông tư 145/2010/TT-BQP hướng dẫn biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính của Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển do Bộ Quốc phòng ban hành, cụ thể như sau:
- Theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Quy chế tạm giữ người theo thủ tục hành chính thì thời hạn tạm giữ người theo thủ tục hành chính không được quá 12 giờ, kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm; trong trường hợp cần thiết, thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài, nhưng không được quá 24 giờ.
Đối với hành vi vi phạm quy chế biên giới hoặc vi phạm hành chính ở vùng rừng núi xa xôi, hẻo lánh, hải đảo thì thời hạn tạm giữ người có thể kéo dài hơn, nhưng cũng không được quá 48 giờ.
- Việc kéo dài thời hạn tạm giữ chỉ được áp dụng trong trường hợp thật cần thiết, đó là những trường hợp cần phải có thêm thời gian xác minh làm rõ nhân thân của người vi phạm và những tình tiết quan trọng, phức tạp liên quan đến hành vi vi phạm hành chính của người bị tạm giữ để làm căn cứ quyết định xử lý vi phạm hành chính hoặc để đảm bảo việc xử lý đối với người vi phạm.
Trước khi hết thời hạn tạm giữ, người có thẩm quyền của Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển phải ra quyết định kéo dài thời hạn tạm giữ người theo thủ tục hành chính (Mẫu số 05), nhưng không được quá thời hạn tạm giữ tối đa.
- Trường hợp thời hạn tạm giữ người ghi trong quyết định tạm giữ chưa hết, nhưng đã xác minh làm rõ hoặc đã xử lý xong hành vi vi phạm hoặc đã hết thời hạn tạm giữ người theo thủ tục hành chính, thì người ra quyết định phải chấm dứt ngay việc tạm giữ đối với họ và phải ghi vào sổ theo dõi tạm giữ hành chính, có chữ ký xác nhận của người bị tạm giữ.
Nếu người bị tạm giữ không ký, thì người ra quyết định tạm giữ phải tiến hành lập biên bản hoặc phân công cho người đang trực tiếp thi hành nhiệm vụ lập và ghi rõ vào biên bản lý do người bị tạm giữ không ký. Biên bản phải có chữ ký của người lập biên bản, người ra quyết định tạm giữ và người chứng kiến (nếu có).