08:03 - 10/12/2024

Tên gọi mới của 13 bộ thuộc Chính phủ sau khi tinh gọn tổ chức bộ máy

Tên gọi mới của 13 bộ thuộc Chính phủ sau khi tinh gọn tổ chức bộ máy. Tổ chức và hoạt động của Chính phủ phải tuân thủ các nguyên tắc nào?

Nội dung chính

    Tên gọi mới của 13 bộ thuộc Chính phủ sau khi tinh gọn tổ chức bộ máy

    Ngày 06/12/2024, Ban Chỉ đạo về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW năm 2017 ban hành ban hành Kế hoạch 141/KH-BCĐTKNQ18 năm 2024 về việc định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính Phủ.

    Trong đó, căn cứ tiểu mục 2 Mục II Kế hoạch 141/KH-BCĐTKNQ18 năm 2024, định hướng kế hoạch sắp xếp tổ chức bộ máy của Chính phủ đối với các bộ, cơ quan ngang bộ như sau:

    a) Duy trì 08 Bộ, cơ quan ngang Bộ (có sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy bên trong)
    - Đối với các Bộ, gồm: (1) Bộ Quốc phòng; (2) Bộ Công an; (3) Bộ Tư pháp; (4) Bộ Công Thương; (5) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
    - Đối với các cơ quan ngang Bộ, gồm: (1) Văn phòng Chính phủ; (2) Thanh tra Chính phủ; (3) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
    Việc đề xuất duy trì các bộ, cơ quan ngang Bộ nêu trên là cần thiết, bảo tính ổn định, kế thừa và phù hợp với yêu cầu thực tiễn hiện nay.
    b) Định hướng cơ cấu, sắp xếp và hợp nhất 14 bộ, cơ quan ngang Bộ
    (1) Hợp nhất Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính. Tên Bộ sau sắp xếp dự kiến là Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển (thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực hiện đang giao cho Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
    (2) Hợp nhất Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng. Tên Bộ sau sắp xếp dự kiến là Bộ Phát triển Hạ tầng hoặc Bộ Giao thông và Xây dựng đô thị, nông thôn (thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực hiện đang giao cho Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng).
    (3) Hợp nhất Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tên Bộ sau sắp xếp dự kiến là Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên, Môi trường (thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực hiện đang giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), khắc phục được một số giao thoa trong thực hiện nhiệm vụ quản lý về nguồn nước, lưu vực sông và đa dạng sinh học.
    (4) Hợp nhất Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Khoa học và Công nghệ. Tên Bộ sau sắp xếp dự kiến là Bộ Khoa học, Công nghệ và Chuyển đổi số hoặc Bộ Khoa học, Công nghệ, Chuyển đổi số và Truyền thông (thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực hiện đang giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Khoa học và Công nghệ).
    (5) Hợp nhất Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ thành Bộ Nội vụ và Lao động và chuyển chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp sang Bộ Giáo dục và Đào tạo, chuyển chức năng quản lý nhà nước về bảo trợ xã hội, trẻ em, phòng, chống tệ nạn xã hội sang Bộ Y tế.
    (6) Bộ Y tế chủ động phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương trong việc tiếp nhận một số nhiệm vụ của Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe Trung ương (khi kết thúc hoạt động Ban này); đồng thời, dự kiến tiếp nhận quản lý nhà nước về: bảo trợ xã hội; trẻ em; phòng, chống tệ nạn xã hội từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chuyển sang.
    (7) Bộ Ngoại giao chủ động phối hợp để tiếp nhận nhiệm vụ chính của Ban Đối ngoại Trung ương, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội (khi kết thúc hoạt động của Ban Đối ngoại Trung ương, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội).
    (8) Bộ Nội vụ chủ động xây dựng phương án sắp xếp Học viện Hành chính Quốc gia theo hướng sáp nhập vào Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; đồng thời chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng đề án hợp nhất Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ (sau khi chuyển một số chức năng sang Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế); phối hợp với Ủy ban Dân tộc chuyển chức năng, nhiệm vụ của Ban Tôn giáo Chính phủ về Ủy ban Dân tộc.
    (9) Ủy ban Dân tộc chủ động phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng phương án tiếp nhận Ban Tôn giáo Chính phủ và phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ về giảm nghèo từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

    Như vậy, sau khi tinh sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy thì còn lại 13 bộ thuộc Chính phủ với tên gọi dự kiến như sau:

    (1) Bộ Quốc phòng;

    (2) Bộ Công an;

    (3) Bộ Ngoại giao;

    (4) Bộ Tư pháp;

    (5) Bộ Công Thương;

    (6) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

    (7) Bộ Giáo dục và Đào tạo;

    (8) Bộ Y tế;

    (9) Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển (tên gọi dự kiến sau khi hợp nhất Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính);

    (10) Bộ Hạ tầng và Đô thị (tên gọi dự kiến sau khi hợp nhất Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng);

    (11) Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên, Môi trường (tên gọi dự kiến sau khi sáp nhập Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn);

    (12) Bộ Nội vụ và Lao động (tên gọi dự kiến sau khi sáp nhập Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ);

    (13) Bộ Chuyển đổi số và Khoa học, Công nghệ hoặc Bộ Chuyển đổi số, Khoa học, Công nghệ và Thông tin (tên gọi dự kiến sau khi sáp nhập Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Khoa học và Công nghệ).

    Tên gọi mới của 13 bộ thuộc Chính phủ sau khi tinh gọn tổ chức bộ máy

    Tên gọi mới của 13 bộ thuộc Chính phủ sau khi tinh gọn tổ chức bộ máy (Hình từ Internet)

    Tổ chức và hoạt động của Chính phủ phải tuân thủ các nguyên tắc nào?

    Điều 5 Luật Tổ chức Chính phủ 2015 quy định:

    Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ
    1. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ; bảo đảm bình đẳng giới.
    2. Phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và chức năng, phạm vi quản lý giữa các bộ, cơ quan ngang bộ; đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu.
    3. Tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, năng động, hiệu lực, hiệu quả; bảo đảm nguyên tắc cơ quan cấp dưới phục tùng sự lãnh đạo, chỉ đạo và chấp hành nghiêm chỉnh các quyết định của cơ quan cấp trên.
    4. Phân cấp, phân quyền hợp lý giữa Chính phủ với chính quyền địa phương, bảo đảm quyền quản lý thống nhất của Chính phủ và phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương.
    5. Minh bạch, hiện đại hóa hoạt động của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan hành chính nhà nước các cấp; bảo đảm thực hiện một nền hành chính thống nhất, thông suốt, liên tục, dân chủ, hiện đại, phục vụ Nhân dân, chịu sự kiểm tra, giám sát của Nhân dân.

    Như vậy, có 05 nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ như trên.

    Chuyên viên pháp lý Đỗ Hữu Hòa
    95
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ