Sau khi vợ chồng ly hôn nợ chung được chia như thế nào? Khi nào thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị Tòa án tuyên bố vô hiệu?
Nội dung chính
Nợ chung được chia như thế nào sau khi vợ chồng ly hôn?
Tại Điều 37 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định về nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng như sau:
Nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng
Vợ chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản sau đây:
1. Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;
2. Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;
3. Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;
4. Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;
5. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường;
6. Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan.
Mặt khác, tại Điều 60 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định về trường hợp giải quyết tài sản sau khi vợ chồng ly hôn như sau:
Giải quyết quyền, nghĩa vụ tài sản của vợ chồng đối với người thứ ba khi ly hôn
1. Quyền, nghĩa vụ tài sản của vợ chồng đối với người thứ ba vẫn có hiệu lực sau khi ly hôn, trừ trường hợp vợ chồng và người thứ ba có thỏa thuận khác.
2. Trong trường hợp có tranh chấp về quyền, nghĩa vụ tài sản thì áp dụng quy định tại các điều 27, 37 và 45 của Luật này và quy định của Bộ luật dân sự để giải quyết.
Như vậy, sau vợ chồng ly hôn, vợ chồng đều có nghĩa vụ trả nợ chung, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận với ngân hàng về việc quyết định ai là người trả nợ thì sẽ thực hiện theo thỏa thuận đó.
Trường hợp khi ly hôn vợ chồng không thỏa thuận được về việc phân chia nợ chung, thì Tòa án sẽ giải quyết theo quy định của pháp luật.
Sau khi vợ chồng ly hôn nợ chung được chia như thế nào? Khi nào thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị Tòa án tuyên bố vô hiệu? (Hình từ Internet)
Có được thỏa thuận bằng lời nói đối với việc đưa tài sản chung của vợ chồng vào kinh doanh không?
Tại Điều 25 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định về đại diện giữa vợ và chồng trong quan hệ kinh doanh như sau:
Đại diện giữa vợ và chồng trong quan hệ kinh doanh
1. Trong trường hợp vợ, chồng kinh doanh chung thì vợ, chồng trực tiếp tham gia quan hệ kinh doanh là người đại diện hợp pháp của nhau trong quan hệ kinh doanh đó, trừ trường hợp trước khi tham gia quan hệ kinh doanh, vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc Luật này và các luật liên quan có quy định khác.
2. Trong trường hợp vợ, chồng đưa tài sản chung vào kinh doanh thì áp dụng quy định tại Điều 36 của Luật này.
Tại Điều 36 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định về tài sản chung được đưa vào kinh doanh như sau:
Tài sản chung được đưa vào kinh doanh
Trong trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về việc một bên đưa tài sản chung vào kinh doanh thì người này có quyền tự mình thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung đó. Thỏa thuận này phải lập thành văn bản.
Như vậy, việc vợ, chồng thỏa thuận đưa tài sản chung vào kinh doanh thì không được thỏa thuận bằng lời nói mà phải lập thành văn bản.
Khi nào thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị Tòa án tuyên bố vô hiệu?
Tại Điều 50 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định về thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu như sau:
Thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu
1. Thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị Tòa án tuyên bố vô hiệu khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Không tuân thủ điều kiện có hiệu lực của giao dịch được quy định tại Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan;
b) Vi phạm một trong các quy định tại các điều 29, 30, 31 và 32 của Luật này;
c) Nội dung của thỏa thuận vi phạm nghiêm trọng quyền được cấp dưỡng, quyền được thừa kế và quyền, lợi ích hợp pháp khác của cha, mẹ, con và thành viên khác của gia đình.
2. Tòa án nhân dân tối cao chủ trì phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp hướng dẫn khoản 1 Điều này.
Như vậy, thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị Tòa án tuyên bố vô hiệu khi:
- Không tuân thủ điều kiện có hiệu lực của giao dịch;
- Vi phạm một trong các quy định về:
+ Nguyên tắc chung về chế độ tài sản của vợ chồng;
+ Quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng trong việc đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;
+ Giao dịch liên quan đến nhà là nơi ở duy nhất của vợ chồng;
+ Giao dịch với người thứ ba ngay tình liên quan đến tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán và động sản khác mà theo quy định của pháp luật không phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng.
- Nội dung của thỏa thuận vi phạm nghiêm trọng quyền được cấp dưỡng, quyền được thừa kế và quyền, lợi ích hợp pháp khác của cha, mẹ, con và thành viên khác của gia đình.