Quyền, nghĩa vụ của người quản lý di sản thừa kế được quy định thế nào?
Nội dung chính
Quyền, nghĩa vụ của người quản lý di sản thừa kế được quy định thế nào?
Trả lời: Theo quy định tại Điều 617 và Điều 618 Bộ luật Dân sự 2015 thì quyền, nghĩa vụ của người quản lý di sản thừa kế được quy định cụ thể như sau:- Nghĩa vụ của người quản lý di sản
+ Người quản lý di sản quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 616 của Bộ luật này có nghĩa vụ sau đây:
+ Lập danh mục di sản; thu hồi tài sản thuộc di sản của người chết mà người khác đang chiếm hữu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
+ Bảo quản di sản; không được bán, trao đổi, tặng cho, cầm cố, thế chấp hoặc định đoạt tài sản bằng hình thức khác, nếu không được những người thừa kế đồng ý bằng văn bản;
+ Thông báo về tình trạng di sản cho những người thừa kế;
+ Bồi thường thiệt hại nếu vi phạm nghĩa vụ của mình mà gây thiệt hại;
+ Giao lại di sản theo yêu cầu của người thừa kế.
+ Người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản quy định tại khoản 2 Điều 616 Bộ luật Dân sự 2015 có nghĩa vụ sau đây:
+ Bảo quản di sản; không được bán, trao đổi, tặng cho, cầm cố, thế chấp hoặc định đoạt tài sản bằng hình thức khác;
+ Thông báo về di sản cho những người thừa kế;
+ Bồi thường thiệt hại nếu vi phạm nghĩa vụ của mình mà gây thiệt hại;
+ Giao lại di sản theo thỏa thuận trong hợp đồng với người để lại di sản hoặc theo yêu cầu của người thừa kế.
- Quyền của người quản lý di sản
+ Người quản lý di sản quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 616 của Bộ luật này có quyền sau đây:
+ Đại diện cho những người thừa kế trong quan hệ với người thứ ba liên quan đến di sản thừa kế;
+ Được hưởng thù lao theo thỏa thuận với những người thừa kế;
+ Được thanh toán chi phí bảo quản di sản.
+ Người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản quy định tại khoản 2 Điều 616 Bộ luật Dân sự 2015 này có quyền sau đây:
+ Được tiếp tục sử dụng di sản theo thỏa thuận trong hợp đồng với người để lại di sản hoặc được sự đồng ý của những người thừa kế;
+ Được hưởng thù lao theo thỏa thuận với những người thừa kế;
+ Được thanh toán chi phí bảo quản di sản.
+ Trường hợp không đạt được thỏa thuận với những người thừa kế về mức thù lao thì người quản lý di sản được hưởng một khoản thù lao hợp lý.
Trên đây là nội dung tư vấn về quyền, nghĩa vụ của người quản lý di sản thừa kế. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Bộ luật Dân sự 2015.
Quyền, nghĩa vụ của người quản lý di sản thừa kế được quy định thế nào?(Hình ảnh Internet)
Tranh chấp về quyền sở hữu đối với di sản hết thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế
Trường hợp nhiều người thừa kế đang cùng quản lý di sản hoặc mỗi người thừa kế quản lý di sản một giai đoạn khác nhau mà có tranh chấp về quyền sở hữu đối với di sản hết thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế thì Tòa án có được áp dụng quy định tại khoản 1 Điều 623 Bộ luật Dân sự 2015 để xác định di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản hay không?
Trả lời: Khoản 1 Điều 623 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó...”. Người thừa kế đang quản lý di sản phải được hiểu là người thừa kế đang chiếm hữu và sử dụng di sản hợp pháp theo quy định của BLDS. Nếu có nhiều người thừa kế cùng nhau chiếm hữu và sử dụng di sản thì di sản thuộc sở hữu chung của họ. Nếu mỗi người thừa kế quản lý di sản một giai đoạn khác nhau thì Tòa án phải áp dụng quy định tại khoản 1 Điều 623 BLDS năm 2015 để công nhận quyền sở hữu cho người thừa kế đang quản lý di sản; quyền và nghĩa vụ của người quản lý di sản trước đó được xem xét, đánh giá trong từng vụ việc cụ thể theo quy định của pháp luật.
Thời điểm, địa điểm mở thừa kế là khi nào?
Theo quy định hiện hành tại Bộ luật Dân sự 2015 thì thời điểm, địa điểm mở thừa kế được quy định như sau:
- Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định tại khoản 2 Điều 71 của Bộ luật Dân sự 2015.
- Địa điểm mở thừa kế là nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản; nếu không xác định được nơi cư trú cuối cùng thì địa điểm mở thừa kế là nơi có toàn bộ di sản hoặc nơi có phần lớn di sản.
Thời điểm, địa điểm mở thừa kế được quy định tại Điều 611 Bộ luật Dân sự 2015.