Quan điểm phát triển Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Nội dung chính
Quan điểm phát triển Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Ngày 31/12/2024, Chính phủ đã ban hành Quyết định 1711/QĐ-TTg năm 2024 về việc phê duyệt quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021 - 2050.
Trong đó, căn cứ quy định tại tiểu mục 1 Mục II Quyết định 1711/QĐ-TTg năm 2024, quan điểm phát triển Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 như sau:
(1) Xây dựng và phát triển Thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, vì cả nước, cùng cả nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc theo định hướng: kinh tế xanh, xã hội văn minh, đô thị sáng tạo, hạ tầng thông minh và môi trường bền vững; phù hợp với Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 07 tháng 10 năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh Vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết 31-NQ/TW ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước; các quy hoạch cấp quốc gia; quy hoạch Vùng Đông Nam Bộ.
(2) Phát triển nhanh, bền vững, đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng ưu tiên các ngành công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế chia sẻ; tiếp tục giữ vững vai trò là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ; có vị trí chính trị quan trọng của cả nước, có sức lan tỏa thúc đẩy phát triển Vùng Đông Nam Bộ, là cực tăng trưởng của vùng động lực phía Nam, Vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước, trở thành một đầu mối lớn về giao thông và logistics, trung tâm tài chính, dịch vụ, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á và Châu Á, có năng lực cạnh tranh toàn cầu,...
(3) Phát triển văn hóa, con người xứng đáng Thành phố mang tên Bác; lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, mục tiêu, động lực, nguồn lực để phát triển. Phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng và phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Nâng cao chất lượng cuộc sống, phát triển mạnh mẽ văn hóa, giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khỏe của người dân. Đầu tư xây dựng đồng bộ các thiết chế văn hóa; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể; phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường cho các sản phẩm văn hóa, thể thao, du lịch ngang tầm khu vực và quốc tế.
(4) Sắp xếp và tổ chức không gian Thành phố nhằm tạo dư địa phát triển và động lực tăng trưởng mới, bao gồm khu vực đô thị trung tâm (nội thành), thành phố Thủ Đức; đồng thời hình thành, phát triển hệ thống đô thị vệ tinh cửa ngõ, gắn với các hành lang kinh tế, các trục không gian chủ đạo; đẩy nhanh triển khai mô hình TOD gắn với chỉnh trang đô thị. Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững Thành phố theo định hướng đô thị toàn cầu, đa trung tâm, xanh, thông minh, sáng tạo, giàu bản sắc, bám sông, hướng biển, thích ứng với biến đổi khí hậu, hài hòa giữa đô thị và nông thôn. Tăng cường kết nối Vùng, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh giữ vai trò dẫn dắt, hạt nhân, động lực tăng trưởng của Vùng Đông Nam Bộ, vùng Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước.
(5) Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với phát triển văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản thiên nhiên, lịch sử - văn hóa và đô thị; bảo vệ môi trường, an sinh xã hội, nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Quan điểm phát triển Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Hình từ Internet)
Nguyên tắc cơ bản trong hoạt động quy hoạch là gì?
Căn cứ quy định tại Điều 4 Luật Quy hoạch 2017, nguyên tắc cơ bản trong hoạt động quy hoạch như sau:
(1) Tuân theo quy định của Luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan và Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
(2) Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa quy hoạch với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội bảo đảm kết hợp quản lý ngành với quản lý lãnh thổ; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường.
(3) Bảo đảm sự tuân thủ, tính liên tục, kế thừa, ổn định, thứ bậc trong hệ thống quy hoạch quốc gia.
(4) Bảo đảm tính nhân dân, sự tham gia của cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân; bảo đảm hài hòa lợi ích của quốc gia, các vùng, các địa phương và lợi ích của người dân, trong đó lợi ích quốc gia là cao nhất; bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới.
(5) Bảo đảm tính khoa học, ứng dụng công nghệ hiện đại, kết nối liên thông, dự báo, khả thi, tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn lực của đất nước; bảo đảm tính khách quan, công khai, minh bạch, tính bảo tồn.
(6) Bảo đảm tính độc lập giữa cơ quan lập quy hoạch với Hội đồng thẩm định quy hoạch.
(7) Bảo đảm nguồn lực để thực hiện quy hoạch.
(8) Bảo đảm thống nhất quản lý nhà nước về quy hoạch, phân cấp, phân quyền hợp lý giữa các cơ quan nhà nước.