Nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong quản lý nhà nước về tài sản công được pháp luật quy định thế nào?
Nội dung chính
Nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong quản lý nhà nước về tài sản công được pháp luật quy định thế nào?
Ngày 01/01/2018, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 chính thức có hiệu lực. Theo đó, tài sản công là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, bao gồm: tài sản công phục vụ hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; tài sản công tại doanh nghiệp; tiền thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, dự trữ ngoại hối nhà nước; đất đai và các loại tài nguyên khác.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong quản lý nhà nước tài sản công được quy định tại Điều 13 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017. Cụ thể như sau:
- Trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết về quản lý, sử dụng tài sản công; ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công theo thẩm quyền.
- Thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với tài sản công theo quy định của pháp luật. Thống nhất quản lý tài sản công theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan, bảo đảm sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quản lý tài sản công.
- Quy định chi tiết về: quản lý vận hành, chuyển đổi công năng sử dụng tài sản công, khai thác tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết; quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng; sử dụng tài sản công để tham gia dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư; sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao; thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản đối với tài sản quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 106 của Luật này; xử lý tài sản công; công cụ tài chính quản lý rủi ro đối với tài sản công; xử lý tài sản công trong trường hợp đấu giá không thành; quản lý, sử dụng số tiền thu được từ khai thác, xử lý tài sản công; thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuê mặt nước; Hệ thống thông tin về tài sản công và Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công; khai thác kho số phục vụ quản lý nhà nước; sắp xếp lại việc quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị bảo đảm đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức.
- Quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định:
+ Giao, mua sắm, thuê, xử lý tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị;
+ Sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết tại cơ quan, tổ chức, đơn vị;
+ Giao, xử lý tài sản kết cấu hạ tầng; phê duyệt đề án khai thác tài sản kết cấu hạ tầng;
+ Sử dụng tài sản công để tham gia dự án theo hình thức đối tác công tư; sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao;
+ Xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản; phê duyệt phương án xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân;
+ Mua sắm, thuê, phê duyệt phương án xử lý tài sản phục vụ hoạt động của dự án sử dụng vốn nhà nước.
- Tổ chức thực hiện việc bảo vệ, điều tra, khảo sát, lập kế hoạch khai thác và xử lý đối với tài sản công chưa giao cho cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc đối tượng khác quản lý theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.
- Chịu trách nhiệm trước Quốc hội về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong việc quản lý, sử dụng tài sản công; báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản công theo yêu cầu của Quốc hội.
- Kiểm tra, thanh tra, giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo về tài sản công, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định của pháp luật.
- Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.