Nhà ở thuộc dự án phát triển đô thị với quy mô 16 tầng có cần phải xin cấp giấy phép xây dựng hay không?

Chuyên viên pháp lý Nguyễn Xuân An Giang
Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Nhà ở thuộc dự án phát triển đô thị với quy mô 16 tầng có cần phải xin cấp giấy phép xây dựng hay không? Các trường hợp nào thì được miễn giấy phép xây dựng?

Nội dung chính

    Các trường hợp nào thì được miễn giấy phép xây dựng?

    Căn cứ theo khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi bởi khoản 30 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 về đối tượng và các loại giấy phép xây dựng có quy định như:

    Quy định chung về cấp giấy phép xây dựng
    ...

    2. Các trường hợp được miễn giấy phép xây dựng gồm:
    a) Công trình bí mật nhà nước; công trình xây dựng khẩn cấp;
    b) Công trình thuộc dự án sử dụng vốn đầu tư công được Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu cơ quan trung ương của tổ chức chính trị, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và của tổ chức chính trị - xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp quyết định đầu tư xây dựng;
    c) Công trình xây dựng tạm theo quy định tại Điều 131 của Luật này;
    d) Công trình sửa chữa, cải tạo bên trong công trình hoặc công trình sửa chữa, cải tạo mặt ngoài không tiếp giáp với đường trong đô thị có yêu cầu về quản lý kiến trúc theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; nội dung sửa chữa, cải tạo không làm thay đổi công năng sử dụng, không làm ảnh hưởng đến an toàn kết cấu chịu lực của công trình, phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, yêu cầu về an toàn phòng, chống cháy, nổ và bảo vệ môi trường;
    đ) Công trình quảng cáo không thuộc đối tượng phải cấp giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về quảng cáo; công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động theo quy định của Chính phủ;
    e) Công trình xây dựng nằm trên địa bàn hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên, công trình xây dựng theo tuyến ngoài đô thị phù hợp với quy hoạch xây dựng hoặc quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
    g) Công trình xây dựng đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thông báo kết quả thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở đủ điều kiện phê duyệt thiết kế xây dựng và đáp ứng các điều kiện về cấp giấy phép xây dựng theo quy định của Luật này;
    h) Nhà ở riêng lẻ có quy mô dưới 07 tầng thuộc dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án đầu tư xây dựng nhà ở có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
    i) Công trình xây dựng cấp IV, nhà ở riêng lẻ ở nông thôn có quy mô dưới 07 tầng và thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; công trình xây dựng cấp IV, nhà ở riêng lẻ ở miền núi, hải đảo thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng; trừ công trình, nhà ở riêng lẻ được xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa;
    k) Chủ đầu tư xây dựng công trình quy định tại các điểm b, e, g, h và i khoản này, trừ nhà ở riêng lẻ quy định tại điểm i khoản này có trách nhiệm gửi thông báo thời điểm khởi công xây dựng, hồ sơ thiết kế xây dựng theo quy định đến cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng tại địa phương để quản lý.

    Như vậy, đối với các trường hợp thuộc diện nêu trên, công trình có thể khởi công mà không cần phải xin giấy phép xây dựng theo quy định. Điều này có nghĩa là các công trình này được phép tiến hành xây dựng mà không phải thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng nhưng vẫn phải tuân thủ các quy định về quy hoạch, kiến trúc và an toàn xây dựng.

    Nhà ở thuộc dự án phát triển đô thị với quy mô 16 tầng có cần phải xin cấp giấy phép xây dựng hay không?

    Nhà ở thuộc dự án phát triển đô thị với quy mô 16 tầng có cần phải xin cấp giấy phép xây dựng hay không? (Hình từ Internet)

    Nhà ở thuộc dự án phát triển đô thị với quy mô 16 tầng có cần phải xin cấp giấy phép xây dựng hay không?

    Theo quy định tại khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi bởi khoản 30 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 nêu trên thì nhà ở thuộc dự án phát triển đô thị phải có quy mô dưới 7 tầng, có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt mới thuộc đối tượng miễn giấy phép xây dựng.

    Như vậy, trường hợp nhà ở thuộc dự án phát triển đô thị với quy mô 16 tầng đã vượt quá so với số tầng tối đa là 7 do đó trường hợp này cần phải xin cấp giấy phép xây dựng trước khi khởi công.

    Chủ đầu tư có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các thủ tục về đầu tư và xây dựng theo quy định của pháp luật. Điều này bao gồm việc tuân thủ các quy định về bố trí quỹ đất cho nhà ở xã hội, đảm bảo đúng quy định pháp lý hiện hành. Đồng thời, chủ đầu tư cần rà soát kỹ lưỡng các hạng mục công trình còn lại, chẳng hạn như hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, để thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng theo quy định pháp luật. Việc này đảm bảo dự án được triển khai đúng tiến độ và tuân thủ đầy đủ các quy định về pháp lý.

    Điều kiện cấp giấy phép xây dựng đối với nhà ở thuộc dự án phát triển đô thị là gì?

    Căn cứ theo điểm a khoản 1 Điều 39 Luật Kiến trúc 2019 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan đến hoạt động kiến trúc có quy định như sau:

    Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan đến hoạt động kiến trúc

    1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 03/2016/QH14 và Luật số 35/2018/QH14 như sau:

    a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 91 như sau:
    “1. Phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Đối với công trình xây dựng ở khu vực, tuyến phố trong đô thị đã ổn định nhưng chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng, thiết kế đô thị thì phải phù hợp với quy chế quản lý kiến trúc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.”;

    Căn cứ theo khoản 2 Điều 91 Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi bởi khoản 31 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 có quy định như sau:

    Điều kiện cấp giấy phép xây dựng đối với công trình trong đô thị
    ...
    2. Phù hợp với mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai..

    Căn cứ theo Điều 91 Luật Xây dựng 2014 về điều kiện cấp giấy phép xây dựng đối với công trình trong đô thị có quy định như sau:

    Điều kiện cấp giấy phép xây dựng đối với công trình trong đô thị
    ...
    3. Bảo đảm an toàn cho công trình, công trình lân cận và yêu cầu về bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy, nổ; bảo đảm an toàn hạ tầng kỹ thuật, hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều, năng lượng, giao thông, khu di sản văn hóa, di tích lịch sử - văn hóa; bảo đảm khoảng cách an toàn đến công trình dễ cháy, nổ, độc hại và công trình quan trọng có liên quan đến quốc phòng, an ninh.
    4. Thiết kế xây dựng công trình đã được thẩm định, phê duyệt theo quy định tại Điều 82 của Luật này.
    5. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng phù hợp với từng loại giấy phép theo quy định tại các điều 95, 96 và 97 của Luật này.

    Như vậy, điều kiện cấp giấy phép xây dựng đối với nhà ở thuộc dự án phát triển đô thị phải phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị và thiết kế đô thị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Đối với công trình xây dựng ở khu vực, tuyến phố trong đô thị đã ổn định nhưng chưa có quy hoạch chi tiết thì phải phù hợp với quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị hoặc thiết kế đô thị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

    43
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ