Mua bán đất đai bằng hợp đồng miệng có hợp pháp không? Mua bán đất bằng miệng có được pháp luật công nhận không?

Mua bán đất đai bằng hợp đồng miệng có hợp pháp không? Khi nào mua bán đất đai bằng hợp đồng miệng được pháp luật công nhận hiệu lực?

Nội dung chính

    Hợp đồng mua bán đất là gì?

    Căn cứ Điều 500 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

    Hợp đồng về quyền sử dụng đất
    Hợp đồng về quyền sử dụng đất là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó người sử dụng đất chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất hoặc thực hiện quyền khác theo quy định của Luật đất đai cho bên kia; bên kia thực hiện quyền, nghĩa vụ theo hợp đồng với người sử dụng đất.

    Và theo quy định tại Điều 502 Bộ luật Dân sự 2015 thì hình thức thủ tục của hợp đồng về quyền sử dụng đất phải được lập thành văn bản theo hình thức phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự 2015, pháp luật về đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan.

    Vậy, hợp đồng mua bán đất là một loại hợp đồng dân sự. Phải được lập thành văn bản trên cơ sở tự nguyện và thỏa thuận của các bên và được xác nhận của cơ quan nhà nước bằng hình thức công chứng, chứng thực.

    Mua bán đất đai bằng hợp đồng miệng có hợp pháp không?

    Để cho hợp đồng mua bán đất đai có sự thống nhất về mặt hình thức và nội dung, nhà nước đã ghi nhận khi các bên thực hiện giao dịch mua bán nhà đất phải đảm bảo những điều kiện hiệu lực của một giao dịch dân sự. Mục đích này đã được quy định tại Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015 cụ thể như sau:

    Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự
    1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
    a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
    b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
    c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
    2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.

    Nội dung mua bán được thể hiện trong văn bản và phải thực hiện việc công chứng, chứng thực theo quy định. Về nội dung liên quan đến việc công nhận một giao dịch dân sự cụ thể là mua bán nhà đất phải đảm bảo về mặt hình thức thì tại khoản 3 Điều 27 Luật Đất đai 2024 cũng đã ghi nhận phải tiến hành công chứng, chứng thực hợp đồng văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất như sau:

    Quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
    3. Việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất được thực hiện như sau:
    a) Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;
    b) Hợp đồng cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp; hợp đồng chuyển nhượng, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất mà một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản được công chứng hoặc chứng thực theo yêu cầu của các bên;
    c) Văn bản về thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về dân sự;
    d) Việc công chứng, chứng thực thực hiện theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực.

    Như vậy, việc mua bán đất đai bằng hợp đồng miệng nếu không đáp ứng một trong các điều kiện đã phân tích ở trên về nguyên tắc sẽ bị vô hiệu và đương nhiên khi xảy ra những tranh chấp thì các cá nhân khi thực hiện việc mua bán bằng hình thức này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến quyền lợi.

    Mua bán đất đai bằng hợp đồng miệng có hợp pháp không?  Mua bán đất bằng miệng có được pháp luật công nhận không? (Hình ảnh từ internet)

    Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu là gì?

    Điều 131 Bộ luật dân sự 2015 quy định về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu như sau:
    - Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.
    - Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.
    - Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.
    - Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.
    - Việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định.
    Như vậy, trong trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu toàn bộ thì  không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập, các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.
    Chuyên viên pháp lý Sằn Ửng Moi
    44
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ