Lập hồ sơ thiết kế xây dựng không đúng quy định sẽ bị phạt hành chính như thế nào?

Chuyên viên pháp lý Hồ Nguyễn Bảo Ngọc
Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Lập hồ sơ thiết kế xây dựng không đúng quy định sẽ bị phạt như thế nào? Thiết kế xây dựng có các quy định gì cần phải đáp ứng? Quy cách thiết kế xây dựng được quy định như nào?

Nội dung chính

    Lập hồ sơ thiết kế xây dựng không đúng quy định sẽ bị phạt hành chính như thế nào?

    Căn cứ theo quy định tại khoản 1, 4 Điều 30 Nghị định 16/2022/NĐ-CP về mức xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định về thiết kế xây dựng như sau:

    Vi phạm quy định về thiết kế (thiết kế triển khai ngay sau thiết kế cơ sở, thiết kế một bước) và dự toán xây dựng
    1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
    a) Lập hồ sơ thiết kế xây dựng không đúng quy định;
    b) Điều chỉnh thiết kế xây dựng không đúng quy định;
    c) Thực hiện bước thiết kế tiếp theo không phù hợp với bước thiết kế trước đã được phê duyệt.
    4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
    a) Buộc lập hồ sơ thiết kế xây dựng theo quy định với hành vi quy định tại điểm a khoản 1 Điều này đối với công trình chưa khởi công hoặc đang thi công xây dựng;
    b) Buộc điều chỉnh thiết kế xây dựng theo quy định với hành vi quy định tại điểm b khoản 1 Điều này đối với công trình chưa khởi công hoặc đang thi công xây dựng;
    c) Buộc thực hiện bước thiết kế tiếp theo phù hợp với bước thiết kế trước đã được phê duyệt với hành vi quy định tại điểm c khoản 1 Điều này đối với công trình chưa khởi công hoặc đang thi công xây dựng;
    d) Buộc đưa vào thiết kế, dự toán chủng loại, tỷ lệ vật liệu xây không nung theo quy định với hành vi quy định tại điểm b khoản 2 Điều này đối với công trình chưa khởi công hoặc đang thi công xây dựng;
    đ) Buộc lập lại dự toán theo đúng quy định với hành vi quy định tại điểm d, điểm đ, điểm e, điểm g khoản 2 Điều này áp dụng đối với công trình, hạng mục công trình chưa tổ chức lựa chọn nhà thầu hoặc đã tổ chức lựa chọn nhà thầu nhưng chưa ký hợp đồng kinh tế;
    e) Buộc thiết kế lại theo kết quả khảo sát địa chất công trình với hành vi quy định tại điểm b khoản 3 Điều này đối với công trình chưa khởi công hoặc đang thi công xây dựng;
    g) Buộc thực hiện giám sát tác giả theo quy định với hành vi quy định tại điểm đ khoản 3 Điều này đối với công trình chưa khởi công hoặc đang thi công xây dựng;
    h) Buộc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp với hành vi quy định tại điểm e khoản 3 Điều này đối với công trình chưa khởi công hoặc đang thi công xây dựng.

    Như vậy, khi lập hồ sơ thiết kế xây dựng không đúng quy định thì nhà thầu hoặc chủ đầu tư sẽ bị phạt hành chính từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng vì đã vi phạm quy định về thiết kế xây dựng.

    Đồng thời, nhà thầu hoặc chủ đầu tư còn bị buộc lập hồ sơ thiết kế xây dựng theo quy định.

    Ngoài ra, căn cứ theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 4 Nghị định 16/2022/NĐ-CP về hfinh thức xử phạt và mức phạt đối với cá nhân và tổ chức như sau:

    Hình thức xử phạt, mức phạt tiền tối đa, biện pháp khắc phục hậu quả và thẩm quyền xử phạt
    ...
    2. Hình thức xử phạt bổ sung:
    ...
    c) Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt áp dụng đối với tổ chức (trừ mức phạt quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản 1 Điều 24; điểm a, điểm b, điểm c khoản 1 Điều 59, điểm a khoản 3 Điều 64, Điều 65, khoản 1 (trừ điểm e) Điều 70 Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân). Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.

    Như vậy, đối với trường hợp người vi phạm là nhà thầu, chủ đầu tư là cá nhân thì mức phạt tiền tối đa bằng 1/2 mức phạt đối với tổ chức, vậy nên mức phạt hành chính sẽ từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

    Riêng đối với trường hợp nhà thầu, tổ chức tham gia hoạt động xây dựng sẽ bị phạt hành chính từ 20.000.000 đến 30.000.000 đồng.

    Lập hồ sơ thiết kế xây dựng không đúng quy định sẽ bị phạt hành chính như thế nào?

    Lập hồ sơ thiết kế xây dựng không đúng quy định sẽ bị phạt hành chính như thế nào? (Hình từ Internet)

    Thiết kế xây dựng có các quy định gì cần phải đáp ứng?

    Căn cứ theo quy định tại Điều 78 Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi bổ sung bởi khoản 23 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi bổ sung 2020 về quy định chung về thiết kế xây dựng như sau:

    Quy định chung về thiết kế xây dựng
    1. Thiết kế xây dựng gồm:
    a) Thiết kế sơ bộ trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng;
    b) Thiết kế cơ sở trong Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc thiết kế bản vẽ thi công trong Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng;
    c) Các thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở bao gồm thiết kế kỹ thuật tổng thể (Front - End Engineering Design, sau đây gọi là thiết kế FEED), thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công và các thiết kế khác (nếu có) theo thông lệ quốc tế.
    2. Thiết kế xây dựng được thực hiện theo trình tự một bước hoặc nhiều bước như sau:
    a) Thiết kế một bước là thiết kế bản vẽ thi công;
    b) Thiết kế hai bước bao gồm thiết kế cơ sở và thiết kế bản vẽ thi công;
    c) Thiết kế ba bước bao gồm thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật và thiết kế bản vẽ thi công;
    d) Thiết kế nhiều bước theo thông lệ quốc tế.
    3. Người quyết định đầu tư quyết định số bước thiết kế xây dựng khi phê duyệt dự án, quyết định đầu tư xây dựng.
    4. Hồ sơ thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở bao gồm thuyết minh thiết kế, bản vẽ thiết kế, tài liệu khảo sát xây dựng liên quan, dự toán xây dựng và chỉ dẫn kỹ thuật (nếu có) theo yêu cầu của chủ đầu tư.
    5. Thiết kế bản vẽ thi công do tổ chức tư vấn thiết kế hoặc nhà thầu thi công xây dựng lập cho toàn bộ công trình hoặc từng hạng mục công trình hoặc từng giai đoạn thi công công trình theo yêu cầu của chủ đầu tư.
    6. Chính phủ quy định chi tiết các bước thiết kế xây dựng, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh thiết kế xây dựng.

    Theo đó, thiết kế xây dựng bao gồm các loại thiết kế như: thiết kế sơ bộ trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, thiết kế cơ sở trong báo cáo nghiên cứu khả thi, và các thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở như thiết kế kỹ thuật và bản vẽ thi công.

    Thiết kế có thể được thực hiện theo một bước, hai bước, ba bước hoặc nhiều bước, tùy thuộc vào quyết định của người đầu tư khi phê duyệt dự án.

    Hồ sơ thiết kế bao gồm thuyết minh, bản vẽ, tài liệu khảo sát, dự toán và chỉ dẫn kỹ thuật theo yêu cầu của chủ đầu tư.

    Thiết kế bản vẽ thi công được lập bởi tổ chức tư vấn hoặc nhà thầu cho toàn bộ công trình hoặc từng hạng mục.

    Chính phủ sẽ quy định chi tiết về các bước thiết kế, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh thiết kế.

    Quy cách thiết kế xây dựng được quy định như thế nào?

    Quy cách thiết kế xây dựng được quy định tại khoản 1 Điều 33 Nghị định 15/2021/NĐ-CP như sau:

    - Hồ sơ thiết kế cho mỗi công trình bao gồm: thuyết minh thiết kế, bảng tính, bản vẽ thiết kế, tài liệu khảo sát liên quan, dự toán xây dựng, chỉ dẫn kỹ thuật và quy trình bảo trì (nếu có).

    - Bản vẽ thiết kế phải tuân thủ tiêu chuẩn về kích thước, tỷ lệ và khung tên. Trong khung tên của mỗi bản vẽ, cần có tên và chữ ký của người thiết kế, người kiểm tra, người phụ trách thiết kế và chủ nhiệm thiết kế. Nếu nhà thầu thiết kế là tổ chức, người đại diện hợp pháp phải xác nhận và đóng dấu vào hồ sơ.

    - Các tài liệu như thuyết minh, bản vẽ và dự toán phải được sắp xếp thành một bộ hồ sơ thống nhất, có danh mục và đánh số để dễ dàng tra cứu và bảo quản.

    - Bộ trưởng Bộ Xây dựng có trách nhiệm xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về quy cách và nội dung hồ sơ thiết kế phù hợp với từng bước thiết kế.

    107
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ