Hướng dẫn thủ tục mua nhà ở xã hội dành cho người có công cách mạng?
Nội dung chính
Người có công cách mạng có được mua nhà ở xã hội không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 76 và khoản 1 Điều 77 Luật Nhà ở 2023, hỗ trợ giải quyết bán nhà ở xã hội cho đối tượng là người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ thuộc trường hợp được hỗ trợ cải thiện nhà ở theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với Cách mạng 2020.
Dẫn chiếu tới quy định khoản 1 Điều 99 Nghị định 131/2021/NĐ-CP, đối tượng người có công với cách mạng được hỗ trợ cải thiện nhà ở bao gồm các đối tượng sau:
(1) Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945;
(2) Người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945;
(3) Bà mẹ Việt Nam anh hùng;
(4) Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân;
(5) Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến;
(6) Thương binh, bao gồm cả thương binh loại B được công nhận trước ngày 31 tháng 12 năm 1993; người hưởng chính sách như thương binh;
(7) Bệnh binh;
(8) Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học;
(9) Người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày;
(10) Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế;
(11) Người có công giúp đỡ cách mạng.
Ngoài ra, tại điểm a khoản 1 Điều 78 Luật Nhà ở 2023 quy định để được mua nhà ở xã hội thì các đối tượng người có công cách mạng nêu trên phải đáp ứng các điều kiện về nhà ở.
Như vậy, người có công cách mạng thuộc các đối tượng từ (1) đến (11) được mua nhà ở xã hội nhưng phải đáp ứng đủ các điều kiện về nhà ở theo quy định.
Hướng dẫn thủ tục mua nhà ở xã hội dành cho người có công cách mạng? (Hình từ Internet)
Điều kiện để người có công cách mạng được mua nhà ở xã hội
Như đã phân tích trước đó, để được mua nhà ở xã hội thì các đối tượng người có công cách mạng thuộc diện được hỗ trợ mua nhà ở xã hội phải đáp ứng điều kiện về nhà ở theo quy định, cụ thể là quy định tại điểm a khoản 1 Điều 78 Luật Nhà ở 2023 và Điều 29 Nghị định 100/2024/NĐ-CP như sau:
- Chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đó, trong đó:
Trường hợp chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình được xác định khi đối tượng người có công cách mạng và vợ hoặc chồng của đối tượng đó (nếu có) không có tên trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có dự án nhà ở xã hội đó tại thời điểm nộp hồ sơ đăng ký mua nhà ở xã hội.
- Chưa được mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở dưới mọi hình thức tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đó, hoặc
- Có nhà ở thuộc sở hữu của mình tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có dự án nhà ở xã hội nhưng diện tích nhà ở bình quân đầu người thấp hơn mức diện tích nhà ở tối thiểu, cụ thể là có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích nhà ở bình quân đầu người thấp hơn 15m2 sàn/người. Diện tích nhà ở bình quân đầu người được xác định trên cơ sở bao gồm: người đứng đơn, vợ (chồng) của người đó, cha, mẹ (nếu có) và các con của người đó (nếu có) đăng ký thường trú tại căn nhà đó.
Hướng dẫn thủ tục mua nhà ở xã hội dành cho người có công cách mạng?
Thủ tục mua nhà ở xã hội dành cho người có công cách mạng được căn cứ vào Điều 38 Nghị định 100/2024/NĐ-CP, cụ thể như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Hồ sơ mua nhà ở xã hội bao gồm:
- Đơn mua nhà ở xã hội theo Mẫu số 01 (Tải về) quy định tại Phụ lục II của Nghị định 100/2024/NĐ-CP;
- Giấy tờ chứng minh đối tượng và điều kiện về nhà ở được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội.
Bước 2: Nộp hồ sơ
Người có nhu cầu mua nhà ở xã hội nộp hồ sơ mua nhà ở xã hội trực tiếp cho chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đó.
Khi người có nhu cầu nộp hồ sơ, người nhận hồ sơ phải ghi Giấy biên nhận. Nếu hồ sơ chưa hợp lệ (chưa đúng theo quy định) thì người nhận hồ sơ có trách nhiệm ghi rõ lý do chưa giải quyết và trả lại cho người nộp hồ sơ để thực hiện việc bổ sung, hoàn thiện.
Bước 3: Giải quyết hồ sơ và trả kết quả
(1) Sau khi tập hợp đầy đủ giấy tờ đăng ký của các đối tượng có nhu cầu, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội có trách nhiệm xem xét từng hồ sơ đăng ký, đối chiếu với các quy định về đối tượng, điều kiện theo quy định tại Điều 76 và Điều 78 Luật Nhà ở 2023, mẫu giấy tờ theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Công an để lập Danh sách đối tượng được mua nhà ở xã hội thuộc dự án do mình làm chủ đầu tư.
(2) Trường hợp người có nhu cầu đăng ký mua nhà ở xã hội đã nộp hồ sơ hợp lệ theo quy định cho chủ đầu tư, nhưng trong dự án không còn quỹ nhà để giải quyết thì chủ đầu tư dự án có trách nhiệm ghi rõ lý do và gửi trả lại hồ sơ (bao gồm cả Giấy tờ chứng minh đối tượng và điều kiện để được mua nhà ở xã hội mà người đăng ký đã nộp) để người đó biết và nộp hồ sơ tại dự án khác.
(3) Trong quá trình nhận hồ sơ đăng ký mua nhà ở xã hội, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội có trách nhiệm niêm yết công khai Danh sách căn hộ đã bán (đã ký Hợp đồng), Danh sách căn hộ còn lại tại nơi tiếp nhận hồ sơ đăng ký mua nhà ở xã hội, trụ sở làm việc của chủ đầu tư và tại Sàn giao dịch bất động sản của chủ đầu tư (nếu có) để người dân có nhu cầu biết và đăng ký mua nhà ở xã hội tại dự án.
(4) Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội có trách nhiệm gửi Danh sách các đối tượng dự kiến được giải quyết mua nhà ở xã hội theo thứ tự ưu tiên về Sở Xây dựng địa phương nơi có dự án để tổ chức kiểm tra nhằm xác định đúng đối tượng được mua nhà ở xã hội và loại trừ việc người đăng ký mua nhà ở xã hội tại dự án này đã mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội, đã được Nhà nước hỗ trợ nhà ở dưới mọi hình thức tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có dự án nhà ở xã hội đó. Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất tại địa phương nơi có dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội có trách nhiệm phối hợp với Sở Xây dựng địa phương nơi có dự án để kiểm tra thông tin theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm về kết quả xác minh. Tại thời điểm tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra đối tượng, chưa yêu cầu chủ đầu tư phải có kết quả thẩm định giá bán của cơ quan có thẩm quyền.
(5) Trường hợp đối tượng dự kiến được mua nhà ở xã hội theo Danh sách do chủ đầu tư lập đã mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội, đã được Nhà nước hỗ trợ nhà ở dưới mọi hình thức tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có dự án nhà ở xã hội đó hoặc đã có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng không đảm bảo điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 29 Nghị định 100/2024/NĐ-CP thì Sở Xây dựng có trách nhiệm gửi văn bản thông báo cho chủ đầu tư biết để xóa tên trong Danh sách được mua nhà ở xã hội.
(6) Sau 20 ngày kể từ khi nhận được Danh sách, nếu Sở Xây dựng không có ý kiến phản hồi thì chủ đầu tư thông báo cho các đối tượng được mua nhà ở xã hội trong dự án của mình đến để thỏa thuận, thống nhất và ký Hợp đồng.
(7) Trường hợp người có nhu cầu mua nhà ở xã hội đáp ứng đủ điều kiện và đã được chủ đầu tư dự án xem xét, đưa vào Danh sách mua nhà ở xã hội của dự án đó, nhưng người đó không còn có nhu cầu mua nhà ở xã hội thì chủ đầu tư dự án gửi trả lại hồ sơ (bao gồm cả giấy tờ chứng minh đối tượng và điều kiện để được mua nhà ở xã hội) cho người đã nộp hồ sơ.
Bên mua nhà ở xã hội thanh toán trực tiếp với chủ đầu tư hoặc thực hiện thông qua ngân hàng do chủ đầu tư và người mua thống nhất theo thỏa thuận.