Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Hiệu trưởng mang sổ đỏ của trường đi cầm cố để trả nợ cá nhân liệu có phù hợp với quy định pháp luật?

Cho tôi hỏi, hiệu trưởng mang sổ đỏ của trường đi cầm cố để trả nợ cá nhân liệu có phù hợp với quy định pháp luật?

Nội dung chính

    Hiệu trưởng mang sổ đỏ của trường đi cầm cố để trả nợ cá nhân được không?

    Căn cứ Điều 309 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về cầm cố tài sản như sau:

    Cầm cố tài sản
    Cầm cố tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.

    Bên cạnh đó, Điều 105 và Điều 115 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:

    Tài sản
    1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.
    2. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.
    Quyền tài sản
    Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác.

    Bên cạnh đó, khoản 21 Điều 3 Luật Đất đai 2024 định nghĩa về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) như sau:

    Giải thích từ ngữ
    Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
    21. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Tài sản gắn liền với đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất theo quy định của pháp luật. Giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của các luật có liên quan được thực hiện theo quy định của Luật này có giá trị pháp lý tương đương như Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất tại Luật này.

    Theo đó, cầm cố tài sản là việc một bên giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Tài sản phải là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản, sổ đỏ không phải tài sản mà chỉ là chứng thư pháp lý. Bên cạnh đó, hiệu trưởng cũng không phải chủ sở hữu của quyền sử dụng đất nhà trường. Cho nên, hiệu trưởng mang sổ đỏ của trường đi cầm cố để trả nợ cá nhân là không đúng với quy định pháp luật.

    Hiệu trưởng mang sổ đỏ của trường đi cầm cố để trả nợ cá nhân liệu có phù hợp với quy định pháp luật? (Hình Internet)

    Hiệu trưởng mang sổ đỏ của trường đi cầm cố thì giao dịch này có vô hiệu hay không?

    Theo Điều 123 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:

    Giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội
    Giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu.
    Điều cấm của luật là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định.
    Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng.Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng.

    Theo đó, trước hết có thể thấy sổ đỏ không được xem là tài sản mà chỉ được xem là chứng thư pháp lý và không thể được cầm cố. Thực tế cho thấy nhiều người vẫn chấp nhận nhận cầm cố bằng sổ đỏ, tuy nhiên bản chất giao dịch này được xem là giao dịch thế chấp quyền sử dụng đất.

    Trong trường hợp này, sổ đỏ thuộc quyền sỡ hữu của trường, không phải của hiệu trưởng. Hành vi tự ý lấy Sổ đỏ không thuộc sở hữu của mình để thế chấp được xem là hành vi vi phạm pháp luật, bởi lẽ khi thực hiện giao dịch thế chấp tài sản, bên thế chấp phải dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ (Điều 317 Bộ luật Dân sự 2015).

    Tóm lại, hiệu trưởng không thỏa mãn về điều kiện để thực hiện việc cầm cố sổ đỏ hay thế chấp sổ đỏ. Do đó, việc hiệu trưởng mang sổ đỏ của trường đi cầm cố thì giao dịch giữa vị hiệu trưởng này và bên nhận cầm cố được xem là giao dịch dân sự vô hiệu vì vi phạm điều cấm của luật.

    Thực tế, một số cơ sở cầm cố phi pháp vẫn nhận cầm cố Sổ đỏ không chính chủ, việc này có thể bị xử phạt theo quy định pháp luật.

    Hình thức xử phạt với người nhận cầm cố tài sản không thuộc sở hữu người cầm cố như thế nào?

    Căn cứ điểm l khoản 3 Điều 12 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm các quy định về quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự như sau:

    Vi phạm các quy định về quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự
    ...
    3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
    a) Không duy trì đúng và đầy đủ các điều kiện về an ninh, trật tự trong quá trình hoạt động kinh doanh;
    b) Cung cấp thông tin trong tài liệu không đúng thực tế để đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự;
    c) Làm giả hồ sơ, tài liệu để đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự;
    d) Tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự hoặc Chứng chỉ nghiệp vụ bảo vệ;
    đ) Cho mượn, cho thuê, mua, bán Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự;
    e) Kinh doanh không đúng địa điểm ghi trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự;
    g) Trực tiếp giao con dấu cho khách hàng mà không chuyển con dấu cho cơ quan Công an có thẩm quyền để đăng ký theo quy định của pháp luật;
    h) Cung cấp bản thiết kế mẫu con dấu của cơ quan, tổ chức cho những người không có thẩm quyền;
    i) Nhận cầm cố tài sản nhưng không lập hợp đồng cầm cố theo quy định của pháp luật;
    k) Nhận cầm cố tài sản mà không lưu giữ tài sản cầm cố hoặc không lưu giữ bản chính giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản cầm cố tại cơ sở kinh doanh trong thời gian cầm cố tài sản đối với tài sản theo quy định của pháp luật phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản đó
    l) Nhận cầm cố tài sản thuộc sở hữu của người khác nhưng không có giấy ủy quyền hợp lệ của người đó cho người mang tài sản đi cầm cố;
    ...

    Theo đó, trường hợp người nhận cầm cố tài sản không thuộc tài sản của người cầm cố nhưng không có giấy ủy quyền hợp lệ của chủ sở hữu tài sản sẽ bị phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

    Bên cạnh đó, căn cứ điểm đ khoản 6 và điểm a khoản 7 Điều 12 Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì còn áp dụng biện pháp phạt bổ sung là trục xuất đối với người nước ngoài thực hiện hành vi trên và biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

    Mức phạt tiền này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (căn cứ khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).

    3