Hành vi lợi dụng chức vụ để thu hồi đất sai quy định thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không theo quy định hiện hành?

Hành vi lợi dụng chức vụ thu hồi đất sai quy định có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? Đất bị thu hồi không chịu bàn giao có bị cưỡng chế thu hồi đất không?

Nội dung chính

    Hành vi lợi dụng chức vụ để thu hồi đất sai quy định thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?

    Căn cứ Điều 230 Bộ luật Hình sự 2015 quy định:

    Tội vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất
    1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong những hành vi sau đây, gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
    a) Vi phạm quy định của pháp luật về bồi thường về đất, hỗ trợ và tái định cư;
    b) Vi phạm quy định của pháp luật về bồi thường về tài sản, về sản xuất kinh doanh.
    2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:
    a) Vì vụ lợi hoặc vì động cơ cá nhân khác;
    b) Có tổ chức;
    c) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
    d) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
    đ) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
    3. Phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
    4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

    Như vậy, hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thu hồi đất sai quy định thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.Tuỳ vào mức độ và phạm vi vi phạm mà có thể bị phạt tù lên đến 20 năm. Ngoài ra còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

    Hành vi thu hồi đất sai quy định thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?

    Hành vi thu hồi đất sai quy định thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Ảnh từ Internet)

    Người có đất bị thu hồi để phát triển kinh tế xã hội mà không chịu bàn giao thì có bị cưỡng chế thu hồi đất không?

    Căn cứ khoản 7 Điều 87 Luật Đất đai 2024 quy định:

    Trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng
    ...
    7. Trường hợp người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không bàn giao đất cho đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì thực hiện như sau:
    a) Ủy ban nhân dân cấp xã chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có đất thu hồi và đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư vận động, thuyết phục để người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan bàn giao đất cho đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư;
    b) Việc tổ chức vận động, thuyết phục được tiến hành trong thời gian 10 ngày và phải được thể hiện bằng văn bản. Quá thời hạn 10 ngày kể từ ngày kết thúc vận động, thuyết phục mà người có đất thu hồi vẫn không chấp hành việc bàn giao đất cho đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất và tổ chức thực hiện việc cưỡng chế theo quy định tại Điều 89 của Luật này.
    ...

    Như vậy, người có đất bị thu hồi để phát triển kinh tế xã hội mà không chịu bàn giao thì sẽ bị cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế thu hồi đất.

    Trình tự cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất được thực hiện như thế nào?

    Căn cứ khoản 4 Điều 89 Luật Đất đai 2024 thì trình tự cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất được thực hiện như sau:

    - Trước khi tiến hành cưỡng chế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập Ban cưỡng chế thu hồi đất, bao gồm: Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện là trưởng ban; đại diện các cơ quan có chức năng thanh tra, tư pháp, tài nguyên và môi trường, xây dựng; đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi là thành viên và các thành viên khác do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định;

    - Ban cưỡng chế thu hồi đất vận động, thuyết phục, đối thoại với người bị cưỡng chế; nếu người bị cưỡng chế chấp hành thì Ban cưỡng chế thu hồi đất lập biên bản ghi nhận sự chấp hành. Việc bàn giao đất được thực hiện chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày lập biên bản. Trường hợp người bị cưỡng chế không chấp hành quyết định cưỡng chế thì Ban cưỡng chế thu hồi đất tổ chức thực hiện cưỡng chế;

    - Ban cưỡng chế thu hồi đất có quyền buộc người bị cưỡng chế và những người có liên quan phải ra khỏi khu đất cưỡng chế, tự chuyển tài sản ra khỏi khu đất cưỡng chế; nếu không thực hiện thì Ban cưỡng chế thu hồi đất có trách nhiệm di chuyển người bị cưỡng chế và người có liên quan cùng tài sản ra khỏi khu đất cưỡng chế. Trường hợp người bị cưỡng chế từ chối nhận tài sản thì Ban cưỡng chế thu hồi đất phải lập biên bản, tổ chức thực hiện bảo quản tài sản theo quy định của pháp luật và thông báo cho người có tài sản nhận lại tài sản;

    - Ban cưỡng chế thu hồi đất mời đại diện Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam cấp huyện tham gia giám sát việc cưỡng chế thu hồi đất.

    13