Giao dịch với chính mình có được pháp luật công nhận?
Nội dung chính
Giao dịch với chính mình có được pháp luật công nhận?
Theo như nội dung bạn cung cấp có thể xác định đây là trường hợp “giao dịch với chính mình” trong quan hệ dân sự. Trường hợp này xuất hiện khi 01 người có nhiều địa vị pháp lý khác nhau và các địa vị pháp lý này cùng tham gia 01 quan hệ dân sự.
Theo quy định tại Điều 141 Bộ luật dân sự 2015 về phạm vi đại diện có nội dung như sau:
1. Người đại diện chỉ được xác lập, thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện theo căn cứ sau đây:
a) Quyết định của cơ quan có thẩm quyền;
b) Điều lệ của pháp nhân;
c) Nội dung ủy quyền;
d) Quy định khác của pháp luật.
2. Trường hợp không xác định được cụ thể phạm vi đại diện theo quy định tại khoản 1 Điều này thì người đại diện theo pháp luật có quyền xác lập, thực hiện mọi giao dịch dân sự vì lợi ích của người được đại diện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
3. Một cá nhân, pháp nhân có thể đại diện cho nhiều cá nhân hoặc pháp nhân khác nhau nhưng không được nhân danh người được đại diện để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với chính mình hoặc với bên thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
4. Người đại diện phải thông báo cho bên giao dịch biết về phạm vi đại diện của mình.
Từ đó có thể thấy một cá nhân không thể tự thực hiện giao dịch dân sự với chính mình trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Vậy, chúng ta phải xét đến việc “ trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.
Đặt trường hợp ông A là chủ doanh nghiệp và cũng là chủ bất động sản. Khi doanh nghiệp cần vay vốn để kinh doanh, ông A mang tài sản của mình để thế chấp cho ngân hàng nhưng khi đi công chứng thì lại bị từ chối vì lý do: “giao dịch với chính mình.
Tình huống cụ thể như sau: Ông A thế chấp tài sản là quyền sử dụng đất của riêng ông A cho Ngân hàng B để đảm bảo cho khoản vay của Công ty ABC- Chi nhánh BCD do ông A là đại diện theo pháp luật. Như vậy, có thể mô tả một cách đơn giản là Hợp đồng thế chấp trong trường hợp này sẽ có 3 bên thực hiện giao dịch, trong đó Bên nhận thế chấp là Ngân hàng, Bên thế chấp là ông A và Bên được bảo đảm (Bên vay) là Công ty ABC- Chi nhánh BCD do ông A đại diện. Như vậy ông A sẽ ký vào Hợp đồng thế chấp với 2 tư cách: Bên thế chấp và đại điện cho Bên được bảo đảm. Khi Hợp đồng thế chấp được mang ra các tổ chức hành nghề công chứng để thực hiện việc công chứng thì đã có những quan điểm khác nhau:
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Giao dịch nêu trên đã vi phạm quy định tại Khoản 3, Điều 141 Bộ luật dân sự 2015, như sau:“Một cá nhân, pháp nhân có thể đại diện cho nhiều cá nhân hoặc pháp nhân khác nhau nhưng không được nhân danh người được đại diện để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với chính mình hoặc với bên thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”
Quan điểm thứ hai cho rằng: Giao dịch dân sự nêu trên là phù hợp với các quy định của pháp luật, ông A có thể ký vào hợp đồng với cả 2 tư cách là bên thế chấp và đại diện của bên được bảo đảm (bên vay vốn). Căn cứ vào quy định tại Khoản 3, Điều 141 Bộ luật dân sự 2015 có nội dung: "trừ trường hợp pháp luật có quy định khác". Trường hợp pháp luật có quy định khác ở đây là những quy định tại Điều 67, 86 và 162 của Luật Doanh nghiệp 2014.
Có thể hiểu một cách ngắn gọn quy định của Luật Doanh nghiệp 2014 là Hợp đồng, giao dịch giữa công ty với người đại diện theo pháp luật, giám đốc, tổng giám đốc của công ty phải được Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị hoặc Đại hội đồng cổ đông chấp thuận tùy vào loại hình doanh nghiệp. Như vậy cũng có thể hiểu rằng trường hợp ông A chỉ cần có văn bản thể hiện sự chấp thuận của Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị hoặc Đại hội đồng cổ đông là ông A có thể ký vào hợp đồng với cả 2 tư cách là bên thế chấp và đại diện của bên được bảo đảm (bên vay vốn) mà không hề vi phạm các quy định của pháp luật.
Trên đây là nội dung tư vấn.