Dự phòng toán học đối với bảo hiểm nhân thọ được quy định như thế nào?

Dự phòng toán học đối với nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ được quy định như thế nào? Vấn đề này được quy định cụ thể tại văn bản nào?

Nội dung chính

    Dự phòng toán học đối với bảo hiểm nhân thọ được quy định như thế nào?

    Dự phòng toán học đối với nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ được quy định tại Điểm 3.1 Khoản 3 Điều 18 Thông tư 50/2017/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định 73/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành, theo đó: 

    a) Đối với bảo hiểm tử kỳ, bảo hiểm sinh kỳ, bảo hiểm hỗn hợp, bảo hiểm trọn đời, bảo hiểm trả tiền định kỳ:

    Doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, doanh nghiệp tái bảo hiểm kinh doanh bảo hiểm nhân thọ được chủ động lựa chọn phương pháp trích lập dự phòng toán học đối với các hợp đồng bảo hiểm có thời hạn trên 01 năm để đảm bảo được các trách nhiệm bảo hiểm trong tương lai như: phương pháp phí bảo hiểm gộp, phương pháp phí bảo hiểm thuần, phương pháp phí bảo hiểm thuần có điều chỉnh Zillmer hoặc các phương pháp khác theo thông lệ quốc tế.

    Trong mọi trường hợp, phương pháp trích lập dự phòng toán học phải đảm bảo kết quả không thấp hơn dự phòng được tính theo phương pháp và cơ sở dưới đây:

    - Phương pháp trích lập:

    + Đối với các hợp đồng bảo hiểm có thời hạn từ 05 năm trở xuống: Phương pháp phí bảo hiểm thuần.

    + Đối với các hợp đồng bảo hiểm có thời hạn trên 05 năm:

    • Đối với bảo hiểm sinh kỳ, bảo hiểm trọn đời, bảo hiểm hỗn hợp, bảo hiểm trả tiền định kỳ: Phương pháp phí bảo hiểm thuần được điều chỉnh bởi hệ số Zillmer 3% số tiền bảo hiểm. Phí thuần được điều chỉnh dùng để tính dự phòng không được cao hơn 90% phí bảo hiểm thực tế thu được.

    • Đối với bảo hiểm tử kỳ: Phương pháp phí bảo hiểm thuần điều chỉnh FPT 12 tháng.

    - Cơ sở trích lập:

    + Bảng tỷ lệ tử vong CSO1980 và các cơ sở kỹ thuật khác phù hợp với các quyền lợi bảo hiểm mà doanh nghiệp bảo hiểm cam kết với khách hàng tại sản phẩm bảo hiểm đã được Bộ Tài chính phê chuẩn. Trong mọi trường hợp, tỷ lệ tử vong và các tỷ lệ rủi ro áp dụng trong trích lập dự phòng không được thấp hơn tỷ lệ tử vong và tỷ lệ rủi ro mà doanh nghiệp bảo hiểm sử dụng để tính phí sản phẩm bảo hiểm.

    + Lãi suất kỹ thuật tối đa không vượt quá 70% lãi suất bình quân của trái phiếu Chính phủ kỳ hạn từ 10 năm trở lên được phát hành trong 06 tháng gần nhất trước thời điểm trích lập dự phòng. Lãi suất kỹ thuật được sử dụng để trích lập dự phòng không được vượt quá tỷ suất đầu tư bình quân của 04 (bốn) quý liền kề trước đó của doanh nghiệp bảo hiểm và lãi suất tính phí của từng sản phẩm bảo hiểm.

    Dự phòng toán học được coi là bằng không (0) trong trường hợp kết quả tính dự phòng toán học là số âm.

    b) Đối với sản phẩm bảo hiểm liên kết chung, bảo hiểm liên kết đơn vị, bảo hiểm hưu trí tự nguyện, dự phòng toán học bao gồm:

    - Dự phòng rủi ro bảo hiểm: là số lớn hơn giữa mức dự phòng tính theo phương pháp phí chưa được hưởng hoặc dự phòng tính theo phương pháp dòng tiền để đáp ứng được tất cả các khoản chi phí trong tương lai trong suốt thời hạn của hợp đồng.

    Trong đó, dự phòng tính theo phương pháp phí chưa được hưởng bằng 100% phí bảo hiểm rủi ro thu được trong kỳ của hợp đồng bảo hiểm liên kết chung hoặc bảo hiểm liên kết đơn vị hoặc bảo hiểm hưu trí tự nguyện.

    - Dự phòng nghiệp vụ đối với phần liên kết chung (áp dụng đối với sản phẩm bảo hiểm liên kết chung) được tính theo một trong các phương pháp sau:

    + Tổng giá trị hoàn lại của các hợp đồng bảo hiểm liên kết chung, hoặc:

    + Tổng giá trị tài khoản của các hợp đồng bảo hiểm liên kết chung.

    Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm đánh giá và lựa chọn phương pháp trích lập dự phòng nghiệp vụ đối với phần liên kết chung để bảo đảm các trách nhiệm đã cam kết theo hợp đồng bảo hiểm.

    - Dự phòng nghiệp vụ đối với phần liên kết đơn vị (áp dụng đối với sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị) là tổng số các khoản sau:

    + Tổng số các đơn vị đầu tư của bên mua bảo hiểm tại ngày định giá nhân với giá mua của đơn vị quỹ tại ngày định giá;

    + Tổng số phí bảo hiểm đã nhận được từ bên mua bảo hiểm tại ngày định giá sau khi trừ đi các khoản phí tính cho bên mua bảo hiểm mà phần còn lại này dùng để mua các đơn vị quỹ nhưng chưa được thực hiện.

    - Dự phòng nghiệp vụ đối với tài khoản bảo hiểm hưu trí (áp dụng đối với sản phẩm bảo hiểm hưu trí) là tổng giá trị tài khoản bảo hiểm hưu trí tại thời điểm trích lập.

    - Dự phòng cho các quyền lợi bảo hiểm khác ngoài quyền lợi về rủi ro bảo hiểm và quyền lợi đầu tư.


    Chuyên viên pháp lý Thư Viện Nhà Đất
    524
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ