Đấu giá viên có những quyền và nghĩa vụ nào?Đấu giá viên có thể thành lập nhiều doanh nghiệp đấu giá tài sản hay không?
Nội dung chính
Đấu giá viên có thể thành lập nhiều doanh nghiệp đấu giá tài sản được không?
Căn cứ Điều 18 Luật đấu giá tài sản 2016 quy định hình thức hành nghề của đấu giá viên như sau:
1. Đấu giá viên hành nghề theo các hình thức sau đây:
a) Hành nghề tại Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản;
b) Hành nghề tại doanh nghiệp đấu giá tài sản;
c) Hành nghề tại tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng.
2. Việc hành nghề của đấu giá viên quy định tại điểm a khoản 1 Điều này thực hiện theo quy định của Luật này, pháp luật về cán bộ, công chức và pháp luật về viên chức.
3. Việc hành nghề của đấu giá viên quy định tại điểm b khoản 1 Điều này thực hiện thông qua việc thành lập hoặc tham gia thành lập hoặc làm việc theo hợp đồng lao động tại doanh nghiệp đấu giá tài sản. Mỗi đấu giá viên chỉ được thành lập hoặc tham gia thành lập một doanh nghiệp đấu giá tài sản hoặc ký hợp đồng lao động với một doanh nghiệp đấu giá tài sản theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
4. Việc hành nghề của đấu giá viên quy định tại điểm c khoản 1 Điều này thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về lao động.
Theo đó, mỗi đấu giá viên chỉ được thành lập hoặc tham gia thành lập một doanh nghiệp đấu giá tài sản. Do đó, anh/chị đang là đấu giá viên thành lập một doanh nghiệp đấu giá nên sẽ không được phép mở thêm doanh nghiệp đấu giá ở nơi khác.
Đấu giá viên có thể thành lập nhiều doanh nghiệp đấu giá tài sản hay không?(Hình ảnh Internet)
Đấu giá viên có những quyền và nghĩa vụ nào?
Theo Điều 19 Luật đấu giá tài sản 2016 quy định quyền và nghĩa vụ của đấu giá viên như sau:
1. Đấu giá viên có các quyền sau đây:
a) Hành nghề trên toàn lãnh thổ Việt Nam;
b) Trực tiếp điều hành cuộc đấu giá;
c) Truất quyền tham dự cuộc đấu giá của người tham gia đấu giá có hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 Điều 9 của Luật này;
d) Dừng cuộc đấu giá khi phát hiện có hành vi thông đồng, dìm giá hoặc gây rối, mất trật tự tại cuộc đấu giá và thông báo cho tổ chức đấu giá tài sản;
đ) Điều hành cuộc đấu giá theo hợp đồng giữa Hội đồng đấu giá tài sản với tổ chức đấu giá tài sản nơi đấu giá viên hành nghề trong trường hợp cuộc đấu giá do Hội đồng thực hiện hoặc tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng trong trường hợp tổ chức tự đấu giá;
e) Hướng dẫn, giám sát việc tập sự của người tập sự hành nghề đấu giá;
g) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
2. Đấu giá viên có các nghĩa vụ sau đây:
a) Tuân thủ nguyên tắc, trình tự, thủ tục đấu giá tài sản quy định tại Luật này;
b) Tuân theo Quy tắc đạo đức nghề nghiệp đấu giá viên;
c) Chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước tổ chức đấu giá tài sản về cuộc đấu giá do mình thực hiện;
d) Chịu trách nhiệm về các công việc do người tập sự hành nghề đấu giá mà mình hướng dẫn thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 13 của Luật này;
đ) Tham gia bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp theo quy định tại Điều 20 của Luật này;
e) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Theo đó, đấu giá viên có các quyền và nghĩa vụ được quy định ở trên.
Đấu giá viên tham gia bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp thông qua cơ quan nào?
Tại Điều 20 Luật đấu giá tài sản 2016 quy định bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của đấu giá viên như sau:
1. Đấu giá viên tham gia bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp thông qua tổ chức đấu giá tài sản hoặc tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng.
2. Tổ chức đấu giá tài sản, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng có nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho đấu giá viên của tổ chức mình.
Theo đó, đấu giá viên tham gia bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp thông qua tổ chức đấu giá tài sản hoặc tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập.