Cửa hàng xăng đóng cửa, không bán cho khách vì giá xăng giảm bị xử phạt như thế nào theo quy định hiện nay?

Cửa hàng xăng đóng cửa, không bán cho khách vì giá xăng giảm bị xử phạt như thế nào? Giá bán xăng dầu có được điều chỉnh theo thoả thuận với khách hàng không?

Nội dung chính

    Cửa hàng xăng đóng cửa, không bán cho khách vì giá xăng giảm bị xử phạt như thế nào theo quy định hiện nay? 

    Theo quy định tại Khoản 4 Điều 35 Nghị định 99/2020/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm quy định khác về bán lẻ xăng dầu như sau:

    4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

    a) Giảm thời gian bán hàng so với thời gian niêm yết hoặc so với thời gian bán hàng trước đó mà không có lý do chính đáng hoặc không thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định;

    b) Không bán hàng, ngừng bán hàng khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản hoặc không thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định;

    c) Giảm lượng hàng bán ra so với thời gian trước đó mà không có lý do chính đáng hoặc không thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

    Căn cứ Điều 5 Nghị định 99/2020/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền như sau:

    Mức phạt tiền quy định tại các Chương II, III và IV của Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với tổ chức. Trường hợp hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện thì phạt tiền bằng một nửa mức phạt tiền quy định đối với tổ chức.

    Đồng thời, cửa hàng xăng dầu phải thực hiện kinh doanh xăng dầu theo đúng quy định Nghị định 83/2014/NĐ-CP, Nghị định 95/2021/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu.

    Theo đó, nếu những cửa hàng xăng dầu này không bán, ngừng bán khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho pháp thì sẽ bị xử phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổ chức và tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân.

    Cửa hàng xăng đóng cửa, không bán cho khách vì giá xăng giảm bị xử phạt như thế nào theo quy định hiện nay? (Hình ảnh từ internet)

    Giá bán xăng dầu có được điều chỉnh theo thoả thuận với khách hàng không?

    Theo Điều 433 Bộ luật dân sự 2015 quy định như sau:

    1. Giá, phương thức thanh toán do các bên thỏa thuận hoặc do người thứ ba xác định theo yêu cầu của các bên. Trường hợp pháp luật quy định giá, phương thức thanh toán phải theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì thỏa thuận của các bên phải phù hợp với quy định đó.

    2. Trường hợp không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng về giá, phương thức thanh toán thì giá được xác định theo giá thị trường, phương thức thanh toán được xác định theo tập quán tại địa điểm và thời điểm giao kết hợp đồng.

    Ngoài ra, tại Điều 38 Nghị định 83/2014/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 27 Điều 1 Nghị định 95/2021/NĐ-CP quy định về nguyên tắc điều hành giá xăng dầu cụ thể như sau:

    1. Giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước, phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới và tình hình kinh tế xã hội trong từng thời kỳ.

    2. Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu được quyền quyết định giá bán buôn. Căn cứ vào tình hình thực tế tại doanh nghiệp, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu quyết định giá bán lẻ xăng dầu (riêng dầu madút là giá bán buôn) trong hệ thống phân phối của mình phù hợp với chi phí phát sinh thực tế tại doanh nghiệp và không cao hơn giá điều hành do cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố.

    Đối với các địa bàn xa cảng, xa kho đầu mối, xa cơ sở sản xuất xăng dầu, nếu có chi phí thực tế phát sinh hợp lý, hợp lệ (đã được kiểm toán) tăng cao dẫn đến giá bán cao hơn giá điều hành, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu được quyết định giá bán thực tế tại địa bàn đó (đã được thông báo với Bộ Công Thương) để bù đắp chi phí phát sinh nhưng không vượt quá 2% giá điều hành công bố cùng thời điểm.

    Các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu có trách nhiệm thông báo giá bán với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính ngay sau khi quyết định giá bán xăng dầu của doanh nghiệp.

    ....

    4. Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trên mười phần trăm (> 10%) số với giá cơ sở liền kề trước đó hoặc trường hợp giá các mặt hàng xăng dầu có biến động ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, Bộ Công Thương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định về biện pháp điều hành cụ thể.

    5. Các mặt hàng xăng dầu nhà nước công bố giá cơ sở là những mặt hàng xăng dầu được tiêu dùng phổ biến trên thị trường.

    Như vậy, cửa hàng và khách hàng không thể tự thoả thuận giá xăng dầu mà do nhà nước quyết định giá, phù hợp với tình hình kinh tế xã hội.

    Thời điểm trong tháng giá xăng có thể thay đổi là ngày nào?

    Theo Khoản 3 Điều 38 Nghị định 83/2014/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 27 Điều 1 Nghị định 95/2021/NĐ-CP quy định về nguyên tắc điều hành giá xăng dầu cụ thể như sau:

    3. Thời gian điều hành giá xăng dầu

    Thời gian điều hành giá xăng dầu vào các ngày mùng 1, ngày 11 và ngày 21 hàng tháng. Đối với các kỳ điều hành trùng vào ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ theo quy định của nhà nước, thời gian điều hành được lùi sang ngày làm việc tiếp theo sau ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ. Đối với kỳ điều hành trùng vào dịp Tết Nguyên đán, thời gian điều hành được lùi sang kỳ điều hành tiếp theo.

    Trường hợp giá các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, Bộ Công Thương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định thời gian điều hành giá xăng dầu cho phù hợp.

    Theo đó, giá xăng sẽ được điều chỉnh giá một lần, cụ thể là vào các ngày mùng 1, ngày 11 và ngày 21 hàng tháng. Trừ trường hợp có biến động bất thường Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định thời gian điều hành giá xăng dầu cho phù hợp.

    8