Công an được khám xét nơi ở, nơi làm việc mà không có sự phê chuẩn của Viện kiểm sát theo quy định là khi nào?
Nội dung chính
Tại Điều 193 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, có quy định:
Trong trường hợp khẩn cấp, những người có thẩm quyền có quyền ra lệnh khám xét. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi khám xét xong, người ra lệnh khám xét phải thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ việc, vụ án.
Trước khi tiến hành khám xét, điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp về thời gian và địa điểm tiến hành khám xét để cử kiểm sát viên kiểm sát việc khám xét, trừ trường hợp khám xét khẩn cấp. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc khám xét. Nếu kiểm sát viên vắng mặt thì ghi rõ vào biên bản khám xét.
Mọi trường hợp khám xét đều được lập biên bản theo quy định tại điều 178 của Bộ luật này và đưa vào hồ sơ vụ án.
Tại Điều 195 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 có quy định:
- Khi khám xét chỗ ở thì phải có mặt người đó hoặc người từ đủ 18 tuổi trở lên cùng chỗ ở, có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người chứng kiến; trường hợp người đó, người từ đủ 18 tuổi trở lên cùng chỗ ở cố tình vắng mặt, bỏ trốn hoặc vì lý do khác họ không có mặt mà việc khám xét không thể trì hoãn thì việc khám xét vẫn được tiến hành nhưng phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi khám xét và hai người chứng kiến.
Không được bắt đầu việc khám xét chỗ ở vào ban đêm, trừ trường hợp khẩn cấp nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản.
- Khi khám xét nơi làm việc của một người thì phải có mặt người đó, trừ trường hợp không thể trì hoãn nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản.
Việc khám xét nơi làm việc phải có đại diện của cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc chứng kiến. Trong trường hợp không có đại diện cơ quan, tổ chức thì việc khám xét vẫn được tiến hành nhưng phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi khám xét và hai người chứng kiến.
- Khi khám xét địa điểm phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi khám xét và người chứng kiến.
- Việc khám xét phương tiện phải có mặt chủ sở hữu hoặc người quản lý phương tiện và người chứng kiến. Trường hợp chủ sở hữu hoặc người quản lý phương tiện vắng mặt, bỏ trốn hoặc vì lý do khác họ không có mặt mà việc khám xét không thể trì hoãn thì việc khám xét vẫn được tiến hành nhưng phải có hai người chứng kiến.
Khi khám xét phương tiện có thể mời người có chuyên môn liên quan đến phương tiện tham gia.
- Khi tiến hành khám xét chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện, những người có mặt không được tự ý rời khỏi nơi đang bị khám, không được liên hệ, trao đổi với nhau hoặc với những người khác cho đến khi khám xét xong.
Như vậy, theo quy định nêu trên thì lệnh khám xét nhà, chỗ ở phải được VKS phê chuẩn trước khi thực hiện. Đối với trường hợp phạm tội quả tang, cơ quan điều tra có thể khám xét trực tiếp tại thời điểm phát hiện. Tuy nhiên trong 24 tiếng sau khi khám xét, cơ quan điều tra phải thông báo bằng văn bản cho VKS.
Đối với vụ án hình sự, sau khi khám xét nếu thấy có dấu hiệu vi phạm, cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố. Nếu có đủ căn cứ, cơ quan điều tra có thể cùng lúc ra quyết định khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam.