Có được chuyển nhượng Văn phòng công chứng không?

Thế nào là văn phòng công chứng? Có được chuyển nhượng Văn phòng công chứng không? Hồ sơ để chuyển nhượng Văn phòng công chứng bao gồm những gì?

Nội dung chính

    Thế nào là văn phòng công chứng?

    Hiện nay, pháp luật chưa có quy định cụ thể về khái niệm văn phòng công chứng. Tuy nhiên, căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Công chứng 2014 về khái niệm công chứng như sau:

    Giải thích từ ngữ
    Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

    1. Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch), tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi là bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.

    ...

    Theo đó, công chứng là việc công chứng viên chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự, hoặc bản dịch giấy tờ, văn bản theo yêu cầu của pháp luật hoặc theo sự tự nguyện của cá nhân, tổ chức.

    Như vậy, văn phòng công chứng là nơi mà công chứng viên thực hiện các công việc công chứng, nhằm xác nhận tính hợp pháp, hợp lệ và hợp lý của các giao dịch, hợp đồng hay các giấy tờ liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia.

    Có được chuyển nhượng Văn phòng công chứng không?

    Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 29 Luật Công chứng 2014 về việc chuyển nhượng Văn phòng công chứng như sau:

    Chuyển nhượng Văn phòng công chứng
    1. Văn phòng công chứng được chuyển nhượng cho các công chứng viên khác đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này. Văn phòng công chứng chỉ được chuyển nhượng khi đã hoạt động công chứng được ít nhất là 02 năm.
    Công chứng viên đã chuyển nhượng Văn phòng công chứng không được phép tham gia thành lập Văn phòng công chứng mới trong thời hạn 05 năm kể từ ngày chuyển nhượng.
    2. Công chứng viên nhận chuyển nhượng Văn phòng công chứng phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
    a) Đã hành nghề công chứng từ 02 năm trở lên đối với người dự kiến sẽ tiếp quản vị trí Trưởng Văn phòng công chứng;
    b) Cam kết hành nghề tại Văn phòng công chứng mà mình nhận chuyển nhượng;
    c) Cam kết kế thừa quyền và nghĩa vụ của Văn phòng công chứng được chuyển nhượng.
    3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định cho phép chuyển nhượng Văn phòng công chứng.
    4. Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục chuyển nhượng Văn phòng công chứng.

    Theo đó, Văn phòng công chứng sẽ được chuyển nhượng khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:

    - Văn phòng công chứng đã được hoạt động ít nhất là 02 năm

    - Công chứng viên chuyển nhượng Văn phòng công chứng không được tham gia thành lập Văn phòng công chứng mới trong vòng 05 năm

    - Công chứng viên nhận chuyển nhượng phải đáp ứng các điều kiện:

    + Đã hành nghề công chứng từ 2 năm trở lên đối với người dự kiến tiếp quản vị trí Trưởng Văn phòng công chứng.

    + Cam kết hành nghề tại Văn phòng công chứng nhận chuyển nhượng.

    + Cam kết kế thừa quyền và nghĩa vụ của Văn phòng công chứng được chuyển nhượng.

    Có được chuyển nhượng Văn phòng công chứng không? Có được chuyển nhượng Văn phòng công chứng không? (Hình từ Internet)

    Hồ sơ để chuyển nhượng Văn phòng công chứng bao gồm những gì?

    Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định 29/2015/NĐ-CP về hồ sơ chuyển nhượng Văn phòng công chứng như sau:

    Chuyển nhượng Văn phòng công chứng
    1. Văn phòng công chứng có nhu cầu chuyển nhượng theo quy định tại Điều 29 của Luật Công chứng nộp 01 (một) bộ hồ sơ chuyển nhượng tại Sở Tư pháp nơi đăng ký hoạt động. Hồ sơ bao gồm:
    a) Hợp đồng chuyển nhượng Văn phòng công chứng, trong đó có nội dung chủ yếu sau: Tên, địa chỉ trụ sở, danh sách công chứng viên hợp danh của Văn phòng công chứng được chuyển nhượng; tên, số Quyết định bổ nhiệm công chứng viên của các công chứng viên nhận chuyển nhượng; giá chuyển nhượng, việc thanh toán tiền và bàn giao Văn phòng công chứng được chuyển nhượng; quyền, nghĩa vụ của các bên và các nội dung khác có liên quan.
    Hợp đồng chuyển nhượng Văn phòng công chứng phải có chữ ký của công chứng viên hợp danh đại diện cho các công chứng viên hợp danh của Văn phòng công chứng được chuyển nhượng, các công chứng viên nhận chuyển nhượng và phải được công chứng;
    b) Văn bản cam kết của các công chứng viên nhận chuyển nhượng về việc kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ, tiếp nhận toàn bộ yêu cầu công chứng đang thực hiện và hồ sơ đang được lưu trữ tại Văn phòng công chứng được chuyển nhượng;
    c) Biên bản kiểm kê hồ sơ công chứng của Văn phòng công chứng được chuyển nhượng;
    d) Bản sao Quyết định bổ nhiệm công chứng viên của các công chứng viên nhận chuyển nhượng; giấy tờ chứng minh đã hành nghề công chứng từ 02 năm trở lên đối với công chứng viên nhận chuyển nhượng dự kiến là Trưởng Văn phòng công chứng;
    đ) Quyết định cho phép thành lập và giấy đăng ký hoạt động của Văn phòng công chứng được chuyển nhượng;

    e) Kê khai thuế, báo cáo tài chính trong 03 (ba) năm gần nhất đã được kiểm toán của Văn phòng công chứng được chuyển nhượng.

    ...

    Theo đó, để chuyển nhượng Văn phòng công chứng thì cần nộp 1 bộ hồ sơ chuyển nhượng tại Sở Tư pháp nơi đăng ký hoạt động bao gồm các giấy tờ được quy định trên.

    Chuyên viên pháp lý Hồ Nguyễn Bảo Ngọc
    104
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ