Chủ sở hữu có được cho thuê nhà ở đang bị thế chấp hay không? Nhà ở đang được cho thuê bị thế chấp thì người thuê nhà có được tiếp tục ở không?

Chủ sở hữu có được cho thuê nhà ở đang bị thế chấp hay không? Chủ sở hữu muốn thế chấp nhà ở thì cần những điều kiện nào?

Nội dung chính

    Chủ sở hữu có được cho thuê nhà ở đang bị thế chấp hay không?

    Căn cứ theo khoản 6 Điều 321 Bộ luật dân sự 2015 quy định quyền của bên thế chấp như sau:

    Quyền của bên thế chấp
    1. Khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản thế chấp, trừ trường hợp hoa lợi, lợi tức cũng là tài sản thế chấp theo thỏa thuận.
    2. Đầu tư để làm tăng giá trị của tài sản thế chấp.
    3. Nhận lại tài sản thế chấp do người thứ ba giữ và giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp do bên nhận thế chấp giữ khi nghĩa vụ được bảo đảm bằng thế chấp chấm dứt hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác.
    4. Được bán, thay thế, trao đổi tài sản thế chấp, nếu tài sản đó là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Trong trường hợp này, quyền yêu cầu bên mua thanh toán tiền, số tiền thu được, tài sản hình thành từ số tiền thu được, tài sản được thay thế hoặc được trao đổi trở thành tài sản thế chấp.
    Trường hợp tài sản thế chấp là kho hàng thì bên thế chấp được quyền thay thế hàng hóa trong kho, nhưng phải bảo đảm giá trị của hàng hóa trong kho đúng như thỏa thuận.
    5. Được bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp không phải là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh, nếu được bên nhận thế chấp đồng ý hoặc theo quy định của luật.
    6. Được cho thuê, cho mượn tài sản thế chấp nhưng phải thông báo cho bên thuê, bên mượn biết về việc tài sản cho thuê, cho mượn đang được dùng để thế chấp và phải thông báo cho bên nhận thế chấp biết.

    Như vậy, nhà ở đang thế chấp thì vẫn được cho thuê nhưng phải thông báo cho bên thuê biết về việc nhà cho thuê đang được dùng để thế chấp và phải thông báo cho bên nhận thế chấp biết.

    Chủ sở hữu có được cho thuê nhà ở đang bị thế chấp hay không? (Hình ảnh từ Internet)

    Nhà ở đang được cho thuê bị thế chấp thì người thuê nhà có được tiếp tục ở không?

    Căn cứ theo khoản 2 Điều 173 Luật Nhà ở 2023 quy định về quyền tiếp tục thuê nhà ở như sau:

    Quyền tiếp tục thuê nhà ở
    1. Trường hợp chủ sở hữu nhà ở chết mà thời hạn thuê nhà ở vẫn còn thì bên thuê nhà ở được tiếp tục thuê đến hết thời hạn hợp đồng. Người thừa kế có trách nhiệm tiếp tục thực hiện hợp đồng thuê nhà ở đã ký kết trước đó, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Trường hợp chủ sở hữu không có người thừa kế hợp pháp thì thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự.
    2. Trường hợp chủ sở hữu nhà ở chuyển quyền sở hữu nhà ở đang cho thuê cho người khác mà thời hạn thuê nhà ở vẫn còn thì bên thuê nhà ở được tiếp tục thuê đến hết thời hạn hợp đồng; chủ sở hữu nhà ở mới có trách nhiệm tiếp tục thực hiện hợp đồng thuê nhà ở đã ký kết trước đó, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

    Như vậy, khi chủ sở hữu thế chấp nhà ở cho người khác mà thời hạn thuê vẫn còn thời hạn thuê nhà ở thì bên thuê nhà ở được tiếp tục thuê đến hết hợp đồng (trừ trường hợp các bên thỏa thuận được việc chấm dứt hợp đồng thuê).

    Chủ sở hữu muốn thế chấp nhà ở cần những điều kiện nào?

    Căn cứ khoản 1 Điều 160 Luật Nhà ở 2023 quy định điều kiện của nhà ở tham gia giao dịch cụ thể như sau:

    Điều kiện của nhà ở tham gia giao dịch
    1. Giao dịch về mua bán, thuê mua, tặng cho, đổi, thế chấp, góp vốn bằng nhà ở thì nhà ở phải có đủ điều kiện sau đây:
    a) Có Giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này;
    b) Không thuộc trường hợp đang có tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện về quyền sở hữu theo quy định của pháp luật về giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo;
    c) Đang trong thời hạn sở hữu nhà ở đối với trường hợp sở hữu nhà ở có thời hạn;
    d) Không bị kê biên để thi hành án hoặc để chấp hành quyết định hành chính đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc không thuộc trường hợp bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp ngăn chặn theo quyết định của Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
    đ) Không thuộc trường hợp đã có quyết định thu hồi đất, có thông báo giải tỏa, phá dỡ nhà ở của cơ quan có thẩm quyền;

    e) Điều kiện quy định tại điểm b và điểm c khoản này không áp dụng đối với trường hợp mua bán, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai.

    ...

    Như vậy, để nhà ở được thế chấp thì cần đáp ứng các điều kiện cụ thể như sau:

    - Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất (trừ trường hợp tại khoản 2 Điều 160 Luật Nhà ở 2023).

    - Không thuộc diện đang có tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện về quyền sở hữu.

    - Không bị kê biên để thi hành án hoặc không bị kê biên để chấp hành quyết định hành chính.

    - Không thuộc diện đã có quyết định thu hồi đất, giải tỏa, phá dỡ nhà ở.

    14