Các trường hợp buộc di dời nhà chung cư là gì? Có quy định gì về việc bố trí chỗ ở tạm thời không?
Nội dung chính
Các trường hợp buộc di dời nhà chung cư là gì?
Căn cứ theo Điều 23 Nghị định 98/2024/NĐ-CP về việc quy định các trường hợp cụ thể buộc di dời chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư như sau:
Các trường hợp di dời chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư
1. Các trường hợp di dời khẩn cấp nhà chung cư bao gồm:
a) Nhà chung cư bị hư hỏng do cháy, nổ không còn đủ điều kiện bảo đảm an toàn để tiếp tục sử dụng;
b) Nhà chung cư bị hư hỏng do thiên tai, địch họa không còn đủ điều kiện bảo đảm an toàn để tiếp tục sử dụng.
2. Các trường hợp di dời theo phương án bồi thường, tái định cư bao gồm:
a) Nhà chung cư có các kết cấu chịu lực chính của công trình xuất hiện tình trạng nguy hiểm tổng thể, có nguy cơ sập đổ, không đáp ứng điều kiện tiếp tục sử dụng, cần phải di dời khẩn cấp chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư;
b) Nhà chung cư bị hư hỏng nặng, xuất hiện tình trạng nguy hiểm cục bộ kết cấu chịu lực chính của công trình và có một trong các yếu tố sau đây: hệ thống hạ tầng kỹ thuật phòng cháy, chữa cháy; cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải; cấp điện, giao thông nội bộ không đáp ứng yêu cầu của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành hoặc có nguy cơ mất an toàn trong vận hành, khai thác, sử dụng cần phải phá dỡ để bảo đảm an toàn cho chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư và yêu cầu về cải tạo, chỉnh trang đô thị;
c) Nhà chung cư bị hư hỏng một trong các kết cấu chính của công trình sau đây: móng, cột, tường, dầm, xà không đáp ứng yêu cầu sử dụng bình thường mà chưa thuộc trường hợp phải phá dỡ theo quy định tại điểm a, điểm b khoản này nhưng thuộc khu vực phải thực hiện cải tạo, xây dựng đồng bộ với nhà chung cư thuộc trường hợp phải phá dỡ quy định tại khoản này theo quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt.
Theo đó, từ ngày 1/8/2024, Nghị định quy định các trường hợp buộc di dời khẩn cấp chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư gồm: nhà chung cư bị hư hỏng do cháy, nổ hoặc thiên tai, không còn đủ điều kiện an toàn để sử dụng.
Ngoài ra, Nghị định còn quy định các trường hợp buộc di dời nhà chung cư theo bồi thường, tái định cư: Xảy ra khi nhà chung cư có kết cấu chịu lực chính nguy hiểm, có nguy cơ sập đổ; hư hỏng nặng với các yếu tố kỹ thuật không đạt tiêu chuẩn; hoặc hư hỏng một số kết cấu chính nhưng thuộc khu vực phải cải tạo theo quy hoạch đã phê duyệt.
Các trường hợp buộc di dời nhà chung cư là gì? Có quy định gì về việc bố trí chỗ ở tạm thời không? (Hình từ Internet)
Khi bị di dời nhà chung cư thì cơ quan thẩm quyền nào sẽ có trách nhiệm bố trí chỗ ở tạm thời cho người dân?
Căn cứ theo quy định tại Điều 27 Nghị định 98/2024/NĐ-CP về cơ quan thẩm quyền có trách nhiệm trong việc bố trí chỗ ở tạm thời cho người dân khi có hiệu lệnh di dời chủ sở hữu, người sử dụng chung cư như sau:
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm bố trí chỗ ở tạm thời cho nhà chung cư bị hư hỏng (theo Điều 59 Luật Nhà ở 2023). Đối với nhà chung cư khác, trách nhiệm chuyển sang cho chủ đầu tư sau khi lựa chọn.
- Cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh và cơ quan tài chính cùng cấp sẽ đề xuất phương án và dự kiến kinh phí từ ngân sách địa phương để bố trí chỗ ở tạm thời. Chủ đầu tư sẽ hoàn trả kinh phí này sau khi hoàn thành dự án.
- Chủ đầu tư dự án cải tạo phải đề xuất việc bố trí chỗ ở tạm thời trong phương án bồi thường. Kinh phí cho việc này sẽ được xác định trong tổng mức đầu tư dự án.
- Nếu chậm bàn giao nhà tái định cư do thay đổi quy hoạch, ngân sách địa phương sẽ chịu trách nhiệm thanh toán chi phí chỗ ở tạm thời, và nếu chủ đầu tư thanh toán, họ sẽ được hoàn trả hoặc khấu trừ nghĩa vụ tài chính. Những tổ chức, cá nhân không thực hiện sẽ phải chịu trách nhiệm theo pháp luật.
Có quy định gì về việc bố trí chỗ ở tạm thời không?
Căn cứ theo Điều 26 Nghị định 98/2024/NĐ-CP quy định về việc bố trí chỗ ở tạm thời cho chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư khi có hiệu lệnh di dời như sau:
Bố trí chỗ ở tạm thời cho chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư
1. Các hình thức bố trí chỗ ở tạm thời bao gồm:
a) Bố trí chỗ ở tạm thời tại quỹ nhà ở tái định cư có sẵn hoặc quỹ nhà ở thuộc tài sản công trên địa bàn hoặc mua nhà ở thương mại hoặc đầu tư xây dựng quỹ nhà ở tái định cư bằng nguồn vốn ngân sách của địa phương hoặc nguồn vốn từ Quỹ đầu tư phát triển, Quỹ phát triển nhà ở của địa phương (nếu có) để dùng làm chỗ ở tạm thời;
b) Thanh toán tiền để chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư tự lo chỗ ở.
2. Trường hợp đầu tư xây dựng quỹ nhà ở tái định cư theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này để bố trí chỗ ở tạm thời thì phải bảo đảm yêu cầu về chất lượng, quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng nhà ở; trường hợp nhà ở dùng để bố trí tạm thời thuộc diện được bán và chủ sở hữu đang ở nhà ở này có nhu cầu mua thì thực hiện bán nhà ở này cho các chủ sở hữu thay cho việc tái định cư, trừ trường hợp đang được bố trí chỗ ở tạm thời là nhà ở thuộc tài sản công; giá bán nhà ở này và việc thanh toán tiền chênh lệch (nếu có) được xác định như đối với trường hợp bồi thường, tái định cư nêu trong phương án bồi thường, tái định cư đã được phê duyệt.
3. Trường hợp chỗ ở tạm thời là căn hộ chung cư thì trách nhiệm chi trả các chi phí quản lý vận hành, sử dụng căn hộ chung cư được quy định như sau:
a) Trường hợp di dời khẩn cấp các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư đến chỗ ở tạm thời thì ngân sách địa phương chi trả kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư từ nguồn chi thường xuyên của địa phương đến khi lựa chọn được chủ đầu tư dự án;
b) Trường hợp di dời theo phương án bồi thường, tái định cư thì chủ đầu tư chi trả kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư.
Qua đó, theo quy định từ ngày 1/8/2024 thì chỗ ở tạm thời có thể được lấy từ quỹ nhà ở tái định cư, quỹ nhà thuộc tài sản công, mua nhà thương mại, hoặc xây dựng quỹ nhà bằng ngân sách địa phương.
Chủ sở hữu cũng có thể tự lo chỗ ở và được thanh toán tiền. Nếu xây dựng quỹ nhà ở tái định cư, phải đảm bảo chất lượng và tiêu chuẩn. Nếu chủ sở hữu muốn mua nhà tạm thời, sẽ thực hiện bán thay vì tái định cư.
Chi phí quản lý căn hộ chung cư tạm thời sẽ được chi trả như sau: trong trường hợp di dời khẩn cấp, ngân sách địa phương chịu trách nhiệm đến khi có chủ đầu tư; nếu di dời theo bồi thường, chủ đầu tư sẽ chi trả chi phí quản lý vận hành.